Những dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ: Không nên bỏ qua!
Trước đây đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi. Tuy nhiên hiện nay, càng ngày càng có nhiều người trẻ bị đột quỵ. Vì vậy, phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo đột quỵ là điều cực kì cần thiết để bảo vệ sức khỏe bản thân và cho người thân trong gia đình. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu cho bạn biết quy tắt F.A.S.T trong cảnh báo sớm đột quỵ.
Quy tắc F.A.S.T trong nhận biết dấu hiệu đột quỵ
Face (Mặt): Mặt mất cân đối, méo xệ một bên miệng. Yếu hoặc tê một bên cơ mặt. Bạn có thể yêu cầu người bệnh mỉm cười, nhe răng để kiểm tra sự bất đối xứng trên gương mặt.
Arm (Tay): Yếu, liệt một bên tay hoặc chân. Bạn có thể đánh giá bằng cách yêu cầu người thân đưa cả 2 tay lên. So sánh lực nâng ở hai cánh tay. Nếu có bên nào nâng yếu hơn, hoặc rơi xuống trước cho thấy có bất thường.
Speech (ngôn ngữ): đột nhiên khó khăn khi nói, không phản ứng khi người khác hỏi. Bạn có thể yêu cầu người thân nói hoặc nhắc lại một câu đơn giản. Nếu người bệnh đột nhiên nói lắp, khó phát âm, hoặc đầu óc lẫn lộn không thể hiểu và lặp lại lời người khác; thì đó là những dấu hiệu bất thường cảnh báo sớm đột quỵ.
Time (thời gian): “Thời gian là vàng”. Khi bệnh nhân bị đột quỵ, sẽ có 2 triệu tế bào thần kinh mất đi trong 1 phút. Vì vậy, mỗi phút đều có ý nghĩa. Thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ là 3-4 giờ từ khi bắt đầu có những dấu hiệu đầu tiên. Nếu bạn thấy có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo đột quỵ nào, thì nên đưa đến cơ sở y tế cấp cứu gần nhất NGAY! Không tự ý dùng aspirin hoặc bất kỳ thuốc nào khác.
Ngoài ra, còn có các dấu hiệu nhận biết khác như: chóng mặt, mất thăng bằng đột ngột; đột ngột nhìn mờ ở một hoặc cả hai mắt; đau đầu dữ dội, ói mửa… Các triệu chứng này có thể xuất hiện và biến mất nhanh chóng. Tuy nhiên, chúng có thể cảnh báo một cơn đột quỵ đã xảy ra hoặc có thể sắp xuất hiện. Vì vậy, bạn cần học cách nhận biết các dấu hiệu từ sớm để có thể mau chóng đi gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Nên chuẩn bị những gì để phòng ngừa Đột quỵ