Ngứa ngáy không dứt, không thể xem thường!
Nội dung bài viết
Ngứa da có thể xuất phát từ các nguyên nhân thông thường như: côn trùng cắn, dị ứng, khô da mùa lạnh… Tuy nhiên, tình trạng ngứa ngáy lâu ngày không khỏi có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý nghiêm trọng nào khác.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Ngứa da: Nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả
Ngứa ngáy do nhiễm ký sinh trùng
Một trong những nguyên nhân gây ngứa da là do nhiễm giun sán, đặc biệt là sán chó. Đây là nguyên nhân khó xác định bằng việc thăm khám đơn thuần mà phải qua xét nghiệm máu tình trạng nhiễm giun sán.
Mỗi loại giun sán sẽ gây một sức tàn phá khác nhau khi di chuyển vào các cơ quan trong cơ thể như gan, phổi, mắt,… Biểu hiện rõ ràng dễ nhận thấy nhất khi bị giun sán là ngứa da. Người bị nhiễm giun sán trong máu thường rất ngứa, nhiều người gãi mà vẫn không thể hết ngứa.
Việc tẩy giun định kỳ thường chỉ giúp diệt giun sán ký sinh trong ruột, không có tác dụng với giun sán đã nhiễm vào máu. Vì vậy bạn nên thăm khám bác sĩ để được điều trị khi nghi ngờ ngứa ngáy do nhiễm giun sán.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Nhiễm ký sinh trùng: Dấu hiệu và những điều cần biết.
Ngứa ngáy do bệnh về gan
Ngứa có thể là biểu hiện ban đầu của các bệnh lý ở gan mật như tắc mật, xơ gan… Người bệnh gan có thể ngứa trên khắp cơ thể nhưng thường ngứa dữ dội ở lòng bàn tay và lòng bàn chân.
Ngoài ra, người bị suy giảm chức năng gan còn có thể xuất hiện các vết bầm tím trên da, vàng da, vàng mắt,… Có thể xác định bệnh gan bằng việc đi xét nghiệm máu để đo các chỉ số chức năng gan.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Xơ gan là gì? Xơ gan có những biểu hiện nào?
Bệnh về gan là bệnh diễn tiến rất thầm lặng, triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng. Nếu ngứa kéo dài, điều trị da liễu không giảm nên có thể khám chuyên khoa gan để có hướng chẩn đoán và điều trị sớm.
Bệnh thận
Khi thận bị suy yếu, chức năng lọc và loại bỏ chất thải khỏi máu kém đi. Từ đó dễ dẫn đến tình trạng ngứa da. Các dấu hiệu khác giúp cảnh báo sớm bệnh thận bao gồm: mệt mỏi, đi tiểu màu nhạt/đậm hơn bình thường, tiểu có bọt, phù, đau lưng… Khi có một trong các biểu hiện này bạn nên đến khám, làm các xét nghiệm cần thiết khác để sớm phát hiện bệnh. Từ đó giúp điều trị triệt để tránh biến chứng suy thận, phải chạy thận nhân tạo về sau.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Khi nào cần xét nghiệm chức năng thận cho trẻ em?
Ngoài các nguyên nhân kể trên, ngứa ngáy có còn có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác như: viêm da, nấm, rối loạn tuyến giáp, u lympho, bệnh lý ở hệ thần kinh… Vì vậy, để điều trị tình trạng ngứa ngáy dứt điểm, hãy đi thăm khám bác sĩ để tìm được nguyên nhân chính xác. Hãy mô tả với bác sĩ bất cứ triệu chứng nào xuất hiện kèm theo với ngứa da. Điều này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng và có hướng điều trị thích hợp cho bạn.