Quáng gà là gì? Nguyên nhân và điều trị bệnh
Nội dung bài viết
Quáng gà là cách gọi dân gian của bệnh thoái hóa sắc tố võng mạc. Người bị quáng gà thường va vấp khi đi lại trong điều kiện ánh sáng yếu. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Dấu hiệu của “quáng gà”
Từ “quáng gà” xuất phát từ việc người bệnh nhìn kém khi trời tối. Hiện tượng này giống như con gà khi chạng vạng về chiều đã lo về chuồng vì sợ không nhìn rõ đường.
Mắt người bị quáng gà không thích nghi được với bóng tối như người bình thường. Đó là lí do tình trạng này cũng thường được gọi là “mù đêm”. Người bệnh cũng dễ bị va vấp khi bước từ ngoài trời nắng vào trong nhà tối. Hoặc nhìn kém khi lái xe vì ánh sáng chiếu không liên tục từ đèn pha và đèn đường.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Đỏ mắt do đâu? Có thực sự nguy hiểm?
Ngoài ra, người bị quáng gà có thể bị thu hẹp dần vùng nhìn thấy khi bệnh tiến triển nặng dần. Trong vùng còn nhìn thấy được có thể xuất hiện những vùng nhỏ không nhìn thấy được.
Nguyên nhân “quáng gà”
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến việc nhìn kém trong bóng tối, bao gồm:
- Thiếu vitamin A: do ăn thiếu dinh dưỡng, hoặc do cơ thể kém hấp thu vitamin A do tiêu chảy lâu ngày, nhiễm khuẩn, bệnh về gan…
- Đục thủy tinh thể.
- Tăng nhãn áp.
- Các bệnh lý về mắt khác.
Điều trị
Tùy theo nguyên nhân gây ra bệnh quáng gà mà có phương pháp điều trị cụ thể. Nếu quáng gà do thiếu vitamin A sẽ được bổ sung bằng vitamin A liều cao. Nếu do các bệnh lý về mắt như đục thủy tinh thể thì có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật mắt.
Nguồn thực phẩm giàu vitamin A bao gồm: gan động vật, dầu cá, phô mai hoặc các loại rau củ có màu đỏ vàng như gấc, cà rốt…
Người mắc bệnh ở giai đoạn tiến triển nặng có thể tham dự vào các lớp học thích nghi và tập di chuyển.
Để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý và nguyên nhân gây bệnh, khi có biểu hiện quáng gà, chúng ta cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được điều trị đúng và kịp thời.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Bạn có đang bị mỏi mắt?