YouMed

Hãy cùng hiểu rõ hơn về Đái tháo đường type 2

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Đái tháo đường là một bệnh lý mãn tính. Từ khi phát hiện, người bệnh luôn cần phải có một chế độ điều trị và thay đổi lối sống phù hợp để chung sống với bệnh lâu dài. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cái nhìn tổng quát về bệnh đái tháo đường type 2. 

Đái tháo đường type 2 là gì?

Tiểu đường type 2 (hay đái tháo đường không phụ thuộc insulin) là một bệnh lý mãn tính khiến lượng đường trong máu liên tục tăng cao. Khị bị đái tháo đường tuýp 2, cơ thể trở nên kháng lại insulin. Đây là một loại hormon giúp cơ thể sử dụng đường hiệu quả.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường

Đái tháo đường tuýp 1 thường khởi phát ở người trẻ và có thường có yếu tố di truyền, bẩm sinh. Trong khi đó, đái tháo đường type 2 lại thường gặp ở lứa tuổi trên 40.

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Người tiểu đường nên ăn gì để ổn định đường huyết?

Triệu chứng đái tháo đường type 2

Các biểu hiện của tiểu đường type 2 thường không rầm rộ như đái tháo đường type 1. Bệnh thường tiến triển âm thầm ở giai đoạn đầu. Vì thế, các triệu chứng ban đầu có thể dễ dàng bị lờ đi.

Khi mắc bệnh đái tháo đường type 2, cơ thể không thể sử dụng đường một cách hiệu quả để tạo năng lượng. Nó buộc phải tận dụng những nguồn năng lượng thay thế khác lấy từ mô, cơ bắp,… Đây chính là nguyên nhân làm xuất hiện các triệu chứng điển hình của tiểu đường type 2.

đái tháo đường type 2
Tiểu đường type 2 có nhiều dấu hiệu nhận biết

Những triệu chứng thường gặp của đái tháo đường type 2 bao gồm:

  • Thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều;
  • Đói liên tục;
  • Mệt mỏi, chóng mặt;
  • Nhìn mờ;
  • Khô miệng;
  • Ngứa ngáy ngoài da.

Càng về sau, các triệu chứng tiểu đường sẽ càng trầm trọng hơn. Nếu lượng đường trong cơ thể cứ tăng cao trong thời gian dài, sẽ xuất hiện các triệu chứng nặng hơn như: vết thương lâu lành; xuất hiện vùng da tối màu; đau tê bàn chân, các đầu ngón tay, ngón chân,…

Bạn có thể tìm hiểu thêm: Tìm hiểu về xét nghiệm tiểu đường và tầm soát đái tháo đường type 2

Những biến chứng nguy hiểm của tiểu đường type 2

Đường huyết tăng cao mà không được kiểm soát sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm ở mắt, tim mạch, thần kinh và thận. Sau đây là một số biến chứng điển hình của bệnh tiểu đường:

  • Da bị nhiễm trùng, nhiễm nấm;
  • Tổn hại các dây thần kinh, gây tê ngứa, đau nóng, thậm chí mất cảm giác ở các đầu ngón tay, ngón chân;
  • Loét, hoại tử bàn chân và có khả năng phải cắt cụt;
  • Nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch như cao huyết áp, hẹp động mạch, đau thắt ngực, đột quỵ,…
  • Gây hỏng các mạch máu của võng mạc dễ dẫn đến mù lòa. Tăng nguy cơ mắc các bệnh về mắt: tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể,…
  • Suy thận.

Loét bàn chân là một trong những biến chứng thường gặp của tiểu đường
Loét bàn chân là một trong những biến chứng thường gặp của tiểu đường

Đo đường huyết để xác định tiểu đường type 2

Khi có các triệu chứng nghi ngờ bị tiểu đường, bạn cần đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ cho bạn làm các xét nghiệm máu để xác định chỉ số đường huyết. Xét nghiệm nên được thực hiện ở ít nhất 2 thời điểm khác nhau.

Nếu có một trong các tiêu chí dưới đây thì bạn sẽ được chẩn đoán mắc đái tháo đường:

  • Nồng đột đường đo được ở bất kì thời điểm nào trong ngày ≥ 200 mg/dl kèm theo các triệu chứng như: uống nước nhiều, tiểu nhiều, khát nhiều, mệt mỏi;
  • Đường huyết lúc đói ≥ 126 mg/dL (nhịn đói ít nhất 8 tiếng);
  • Đường huyết hai giờ sau uống dung dịch 75g glucose ≥ 200 mg/dl.

Sau khi được chẩn đoán bệnh, bạn có thể cần phải làm thêm một số xét nghiệm để giúp phân biệt đái tháo đường type 1 hay type 2. Mục tiêu là để đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp. Với đái tháo đường type 1, bệnh nhân sẽ phải chích insulin. Trong khi đái tháo đường tuýp 2 sẽ có phác đồ điều trị với thuốc uống phù hợp.

Xem thêm: Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ và những điều bạn cần biết

đái tháo đường type 2
Đo đường huyết thường xuyên giúp người bệnh theo dõi tình hình sức khỏe

Điều trị đái tháo đường type 2 như thế nào?

Đái tháo đường type 2 có thể được kiểm soát hiệu quả bằng cách theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên. Bạn nên cố gắng duy trì đường huyết ở một khoảng cho phép. Những lưu ý người bệnh cần biết trong thời gian điều trị:

  • Thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu. Có kế hoạch kiểm tra và ghi nhận nồng độ đường huyết 1 lần/1 ngày hoặc vài lần 1 tuần.
  • Ăn thức ăn giàu chất xơ. Bổ sung rau củ, trái cây và ngũ cốc vào chế độ ăn hằng ngày.
  • Không nên ăn thức ăn có chứa nhiều mỡ động vật, thức ăn ngọt,…
  • Cố gắng kiểm soát cân nặng phù hợp.
  • Mỗi ngày nên dành ra 30 phút để tập thể dục. Vận động cơ thể giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.

Bạn có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh bằng chế độ ăn uống và tập thể dục. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bạn cần phải được điều trị bằng insulin hoặc một số loại thuốc tiểu đường khác.

Làm sao để phòng ngừa đái tháo đường type 2

Để kiểm soát lượng đường huyết duy trì ở mức lí tưởng, bạn cần kết hợp 3 yếu tố: chế độ ăn, tập thể dục và kiểm soát cân nặng.

  • Ăn rau củ quả giàu chất xơ mỗi ngày.
  • Cần tránh mỡ động vật. Nên ăn cá và các loại chất béo không bão hòa (từ dầu thực vật). Nên ăn vừa đủ no và ăn vào thời gian cố định trong ngày.
  • Bênh tiểu đường type 2 thường liên quan đến việc ít vận động. Mỗi ngày bạn nên dành ra khoảng 30 phút để tập thể dục.
  • Nếu bạn bị béo phì thì nguy cơ bị tiểu đường type 2 rất cao. Do đó việc giữ cân nặng nằm trong khoảng lí tưởng là vô cùng quan trọng.
đái tháo đường type 2
Hoạt động thể chất giúp chúng ta ổn định lượng đường huyết trong cơ thể

Khi có những triệu chứng nghi ngờ đái tháo đường, bạn cần phải đến các trung tâm y tế để làm các xét nghiệm xác định. Việc phân loại đái tháo đường type 1 với type 2 rất cần thiết để có chế độ điều trị phù hợp. Thường xuyên theo dõi chỉ số đường huyết giúp bạn kiểm soát được tình trạng đái tháo đường type 2. Nếu bạn bị tiền đái tháo đường hoặc có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh, thì việc điều chỉnh lối sống có thể giúp trì hoãn, thậm chí là ngăn ngừa bệnh.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Understanding Type 2 Diabeteshttps://www.healthline.com/health/type-2-diabetes#managing-type-diabetes

    Ngày tham khảo: 01/10/2019

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người