YouMed

Khó thở thanh quản: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

bác sĩ nguyễn lâm giang
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang
Chuyên khoa: Nội tổng quát

Một trong những dấu hiệu nguy hiểm nhất liên quan đến đường thở chính là khó thở thanh quản. Nếu việc khó thở trở nặng có thể gây tử vong cho người bệnh ngay lập tức. Hãy cùng YouMed tìm hiểu khó thở thanh quản là gì? Nguyên nhân gây ra khó thở thanh quản? Cách điều trị khó thở thanh quản như thế nào? 

1. Thanh quản nằm ở đâu trên cơ thể?

Thanh quản nằm ngay chính giữa cổ. Nam giới có thể dễ dàng sờ thấy thanh quản vì nó lồi ra ngoài nhiều hơn so với nữ giới. Đây là vị trí mà dân gian vẫn gọi là “trái táo” ở cổ.

Nếu gọi thanh quản là chiếc hộp âm thanh thì dây thanh âm chính là bộ phận rung tạo nên âm thanh trong chiếc hộp đó. Ngoài chức năng tạo ra âm thanh, nó còn là đường dẫn không khí vào phổi.

Thanh quản
Thanh quản là bộ phận dễ nhận biết, nằm ở chính giữa cổ

2. Dấu hiệu của khó thở thanh quản

Thanh quản là vị trí hẹp nhất của toàn bộ đường thở. Vậy nên, nếu có bất kỳ bất thường nào làm hẹp thanh quản sẽ khiến cho người bệnh khó hít được không khí vào, dẫn đến tình trạng khó thở. Dấu hiệu khó thở trong trường hợp này gọi là khó thở thanh quản.

Khi bệnh lý xảy ra ở mức độ nhẹ thì người bệnh chỉ thấy khó thở khi hoạt động thể lực như leo cầu thang, chạy bộ,…

Khi bệnh diễn tiến nặng thì người bệnh có thể thấy khó thở ngay cả khi đang nằm nghỉ ngơi, không hoạt động gì. Quan sát những bệnh nhân này có thể thấy cổ và ngực lõm vào theo từng nhịp thở.

Một dấu hiệu điển hình hơn nữa của khó thở thanh quản là thở rít. Đã bao giờ bạn nghe tiếng gió thổi rít qua khe cửa hẹp chưa? Thanh quản cũng như một cánh cửa dẫn lối cho khí đi vào lồng ngực.

Nếu cánh cửa bị hẹp lại thì không khí hít vào cũng giống như gió rít qua khe cửa. Tiếng thở rít có thể nghe bằng tai thường hoặc bằng ống nghe của bác sĩ. Bệnh lý cũng có thể tác động đến chức năng tạo âm thanh của thanh quản. Vì vậy, dấu hiệu thường thấy đó là khàn tiếng.

Khi thanh quản bị hẹp đến mức gần như tắc nghẽn hoàn toàn thì bệnh nhân sẽ có những dấu hiệu vô cùng nghiêm trọng. Báo hiệu tử vong như tím tái, kích động, đổ mồ hôi,…

3. Nguyên nhân gây khó thở thanh quản

Nguyên nhân bên ngoài thanh quản

Bao gồm tất cả những yếu tố bên ngoài thanh quản gây đè ép lên thanh quản như:

  • Khối u vùng cổ.
  • Khối mô viêm ở cổ.
  • Bướu tuyến giáp.

Nguyên nhân ngay tại thanh quản

  • Chấn thương thanh quản: Chấn thương do đụng dập hoặc gây phù nề thanh quản như: tai nạn giao thông, tai nạn lao động…
  • Sẹo gây hẹp lòng thanh quản: sẹo xảy ra sau chấn thương, sau phẫu thuật ở thanh quản.
  • U thanh quản.
  • Viêm nhiễm thanh quản.
  • Do bị bệnh bạch hầu họng. Nguyên nhân do vi khuẩn bạch hầu. Đặc điểm của khó thở do bạch hầu là khó thở từ từ và tăng dần.
  • Hen suyễn.
  • Liệt khép dây thanh (dây thanh bình thường khép mở nhịp nhàng khi ta nói chuyện. Khi bị liệt khép, dây thanh không thể mở ra. Không khí không thể đi qua dễ dàng được).
  • Bất thường bẩm sinh gây hẹp lòng thanh quản.

Nguyên nhân bên trong thanh quản

Dị vật trong lòng thanh quản. Do hít phải thức ăn khi ăn như cơm, bột… Hoặc do hít phải các côn trùng sống khi đi rừng như: tắc te, vắt rừng. Đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Vì vậy, cần chú ý trông nom và để ý các dấu hiệu lạ của trẻ.

5. Điều trị khó thở thanh quản như thế nào?

Khó thở thanh quản chỉ là dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn bên dưới. Dấu hiệu khó thở chỉ là “phần nổi của một tảng băng trôi”.

Để trị dứt điểm khó thở thanh quản, cần phải tìm ra nguyên nhân bệnh lý gây ra nó. Vì vậy, điều trị sẽ bao gồm điều trị triệu chứng khó thở và điều trị bệnh lý tiềm ẩn.

Điều trị triệu chứng: Giúp làm giảm khó chịu cho bệnh nhân. Đây cũng là biện pháp cấp cứu cho những trường hợp tắc nghẽn quá nặng. Các phương pháp làm giảm tình trạng khó thở cho bệnh nhân bao gồm:

  • Sử dụng thuốc giảm viêm, thuốc làm giãn đường thở tạm thời.
  • Cung cấp thêm oxy qua các dụng cụ như dây thở đặt vào mũi, mặt nạ thở…
  • Trong những trường hợp quá nguy kịch, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật, mở một lỗ ngay trên cổ, phía dưới thanh quản, nhằm tạo một đường thở mới cho bệnh nhân.
khó thở thanh quản
Chỉ điều trị bệnh lý khó thở thanh quản khi bệnh nhân không còn trong tình trạng nguy kịch

Điều trị bệnh lý: Chỉ tiến hành sau khi đảm bảo bệnh nhân không còn trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân sẽ cần thực hiện một số xét nghiệm để tìm ra bệnh lý gây khó thở. Từ đó đưa ra hướng xử trí giúp trị dứt điểm bệnh.

Khó thở thanh quản là báo hiệu cho ta biết rằng đường thở đang bị đe dọa. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn bản chất của khó thở thanh quản. Nhận biết sớm được tình trạng này sẽ cứu người bệnh khỏi những ảnh hưởng nguy cấp, tác động trực tiếp đến tính mạng.

>> Một số bà mẹ khi mang thai rất thích siêu âm. Có ý kiến cho rằng: Siêu âm là quấy rầy thai nhi phát triển. Điều đó có đúng không? Bài viết sau sẽ trả lời rõ hơn về nhận định này: Siêu âm thai nhiều lần là tốt hay xấu?

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. https://www.healthline.com/symptom/stridor
  2. https://www.medscape.com/viewarticle/440355_3

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người