YouMed

Rối loạn lo âu lan toả

bác sĩ đào thị thu hương
Tác giả: Bác sĩ Đào Thị Thu Hương
Chuyên khoa: Nội thần kinh

Cuộc sống mang đến cho chúng ta nhiều trải nghiệm gây lo lắng chẳng hạn như buổi hẹn hò đầu tiên, ngày đầu tiên đến trường, lần đầu tiên xa nhà,tham gia kỳ thi ở trường, kết hôn, trở thành cha mẹ, ly dị, thay đổi công việc, đối phó với bệnh tật … Sự lo lắng trong tất cả các tình huống này được coi là bình thường và thậm chí là có lợi. Lo lắng về một bài kiểm tra sắp tới có thể khiến bạn phải học hành chăm chỉ hơn để chuẩn bị cho kỳ thi. Nỗi lo lắng mà bạn cảm thấy khi đi qua một bãi đậu xe tối tăm và vắng vẻ sẽ khiến bạn phải cảnh giác và thận trọng với môi trường xung quanh hơn.

Tuy nhiên, đối với nhiều người, sự lo lắng qua mực lại gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân và cuộc sống của họ. Vậy như thế nào là một sự lo lắng bình thường và như thế nào là một sự lo lắng bệnh lý?

Thế nào là lo lắng bình thường và rối loạn lo âu lan tỏa?

Đối với người lo lắng bình thường khi nguyên nhân lo lắng xảy ra, họ đáp ứng lại một cách phù hợp với từng loại nguyên nhân, ví dụ trước một kì thi, lo là một đáp ứng bình thường và khi kì thi qua đi thì bạn sẽ hết lo lắng. Tuy nhiên đối với một số người, cường độ lo lắng của họ đối với sự việc lại quá mức, bạn lo lắng nhiều đến độ xây xẩm, chóng mặt, tim đập nhanh,vã mồ hôi… sự lo lắng kéo dài dai dẳng suốt (trên 6 tháng) và thậm chí đến khi tác nhân gây lo qua đi, bạn vẫn còn lo lắng.

Đôi khi có những người lo lắng mơ hồ, thậm chí không có nguyên nhân gây lo lắng, nhưng họ vẫn luôn có cảm giác lo. Thậm chị một số bệnh nhân xuất hiện các suy nghĩ lo liên tục, dồn dập và họ không có cách nào kiểm soát các suy nghĩ đó (ví dụ ban đêm bạn không tài nào ngủ được vì liên tục nhớ về công việc của ngày hôm nay, về các dự định ngày mai,các suy nghĩ xuất hiện liên tục và cảm thấy căng thẳng đầu óc và rất muốn dừng nhưng không làm được). Và gây ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống và công việc. Nếu như xuất hiện các yếu tố trên, thì lúc này sự lo lắng không còn là bình thường nữa mà đã chuyển thành một rối loạn và được gọi là rối loạn lo âu lan tỏa.

lo lắng
Chứng rối loạn lo âu lan tỏa là một dạng trong nhóm bệnh rối loạn lo âu

Nguyên nhân của rối loạn lo âu lan tỏa

Nguyên nhân chính xác chưa được biết đầy đủ, nhưng một số yếu tố  bao gồm di truyền, chất dẫn truyền thần kinh và các yếu tố tâm lý xã hội đã góp phần vào sự phát triển của rối loạn này.

  • Di truyền: Một số nghiên cứu cho thấy tiền căn gia đình đóng một phần trong việc tăng khả năng một người sẽ phát triển rối loạn lo âu lan tỏa. Điều này có nghĩa là xu hướng phát triển cuả rối loạn này có thể được truyền lại trong các gia đình.
  • Chất dẫn truyền thần kinh: rối loạn lo âu lan tỏa có liên quan đến hoạt động bất thường của một số con đường kết nối các vùng não đặc biệt liên quan đến suy nghĩ và cảm xúc. Những kết nối này phụ thuộc vào các hóa chất gọi là chất dẫn truyền thần kinh, sự tăng hay giảm quá mức các chất này gây nên các triệu chứng lo âu. Đây cũng là đích tác động của thuốc điều trị lo âu.
  • Các yếu tố môi trường: sang chấn tâm lý và các sự kiện căng thẳng, chẳng hạn như lạm dụng, cái chết của người thân, ly dị, thay đổi công việc hoặc trường học, có thể góp phần vào rối loạn này và có thể trở nên tồi tệ hơn trong thời gian căng thẳng. Việc sử dụng các chất gây nghiện, bao gồm rượu, caffeine và nicotine, cũng có thể làm trầm trọng thêm sự lo lắng.
lo lắng
Càng để lâu, các triệu chứng của bệnh càng trở nên nặng nề hơn

Biểu hiện của rối loạn lo âu lan tỏa:

Ngoài các triệu chứng chính là lo lắng quá mức và phi lý, các triệu chứng cảm xúc phổ biến khác của rối loạn lo âu lan tỏa bao gồm:

  • Cảm giác sợ hãi
  • Hay tự dự đoán và vẽ ra trong đầu những khả năng tồi tệ
  • Khó tập trung
  • Cảm thấy căng thẳng kéo dài và tăng vọt
  • Cáu gắt
  • Cảm giác như tâm trí của bạn trống rỗng

Nhưng lo lắng không chỉ là một cảm giác nó cũng biểu hiện qua một loạt các triệu chứng cơ thể, bao gồm:

  • Tim đập thình thịch
  • Đổ mồ hôi
  • Nhức đầu
  • Đau dạ dày
  • Chóng mặt
  • Đi tiểu thường xuyên hoặc tiêu chảy
  • Khó thở
  • Căng cơ hoặc giật cơ
  • Run tay
  • Mất ngủ

Và chính vì những triệu chứng thực thể này, những người mắc chứng lo âu thường nhầm lẫn rối loạn của họ với một tình trạng y khoa khác. Họ có thể đến gặp nhiều bác sĩ ở các chuyên khoa khác (ví dụ bệnh nhân biểu hiện bằng chóng mặt sẽ tới gặp bác sĩ nội thần kinh, bệnh nhân bị tim đập nhanh sẽ đến gặp bác sĩ tim mạch,..) và thực hiện nhiều cuộc khám bệnh tại các bệnh viện trước khi chứng rối loạn lo âu lan tỏa của họ được chẩn đoán xác định.

lo lắng
Bệnh có thể xảy ra đồng thời với nhiều rối loạn cảm xúc khác

Chẩn đoán như thế nào?

Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng nêu trên, bác sĩ sẽ bắt đầu đánh giá bằng cách hỏi về bệnh sử và đánh giá tình trạng tâm thần của bạn. Mặc dù không có xét nghiệm nào để chẩn đoán cụ thể rối loạn lo âu lan tỏa, nhưng một số xét nghiệm có thể loại trừ các tình trạng y khoa khác mà gây triệu chứng giống như rối loạn lo âu (ví dụ như bệnh cường giáp gây triệu chứng giống như rối loạn lo âu lan tỏa).

Bác sĩ dựa trên cường độ và thời gian của các triệu chứng, bao gồm mọi vấn đề về chức năng gây ra bởi các triệu chứng. Rối loạn lo au lan tỏa được chẩn đoán nếu các triệu chứng xuất hiện trong nhiều ngày và trong khoảng thời gian ít nhất sáu tháng. Các triệu chứng cũng phải gây ảnh hưởng cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như khiến bạn nghỉ làm hoặc không thể tập trung học.

Điều trị rối loạn lo âu lan tỏa như thế nào?

Các phương pháp điều trị gồm có hóa dược trị liệu và tâm lý trị liệu, các nghiên cứu hiện nay đã chỉ ra rằng, việc kết hợp cả hai phương pháp này một lúc sẽ hiệu quả hơn việc chỉ sử dụng một phương pháp đơn lẻ.

Đối với việc sử dụng thuốc, hiện nay đã có loại thuốc điều trị cho rối loạn này, các nhóm thuốc như SSRI, benzodiazepine,.. được chứng minh là có hiệu quả cân bằng lại các chất dẫn truyền thần kinh. Tuy nhiên, đây là những thuốc chuyên khoa, có thể có những tác dụng phụ và do vậy cần phải được kê toa và theo dõi dưới sự giám sát của bác sĩ tâm thần, dó đó khuyến cáo đưa ra không nên tự ý sử dụng thuốc mà không có sự giám sát của bác sĩ.

Tâm lý trị liệu sẽ giúp người bệnh nhận thức được các vấn đề tâm lý ẩn bên dưới rối loạn lo âu, từ đó giúp họ có thể tìm cách kiểm soát những đợt lo âu, và đối phó với các stress và căng thẳng trong tương lai.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, bạn có thể được thăm khám và điều trị rối loạn này ở:

  • Phòng khám tâm thần kinh – BV Nguyễn Tri Phương 468 Nguyễn Trãi, phường 8, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Phòng khám tâm thần kinh – BV Đại học Y dược 215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP Hồ Chí Minh.
  • Bệnh viện tâm thần TP HCM 766 Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Hồ Chí Minh

Bạn có thể làm gì để giảm nhẹ triệu chứng?

Có một số điều mà bạn có thể thực hiện để kiểm soát hoặc làm nhẹ bớt triệu chứng bao gồm:

  • Ngừng hoặc giảm tiêu thụ chất caffeine, chẳng hạn như cà phê, trà, cola và sô cô la.
  • Tập thể dục hàng ngày và ăn một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.
  • Tìm kiếm sự tư vấn và hỗ trợ sau một trải nghiệm đau thương hoặc đáng lo ngại như chia sẻ với người thân hoặc tìm đến nhà tâm lý.
  • Thực hành các kỹ thuật quản lý căng thẳng như yoga hoặc thiền.

Hy vọng qua bài viết trên, có thể giúp bạn phần nào hiểu được về rối loạn lo âu lan tỏa, qua đó tìm được cho mình phương pháp điều trị sớm và đúng đắn để tránh làm cho rối loạn trở nên mãn tĩnh và khó đáp ứng thuốc hơn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Generalized Anxiety Disorderhttps://www.webmd.com/anxiety-panic/guide/generalized-anxiety-disorder#3

    Ngày tham khảo: 05/08/2019

  2. KAPLAN & SADOCK'S Synopsis of Psychiatry Behavioral  Sciences/Clinical Psychiatry

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người