Tai biến mạch máu não: dấu hiệu nhận biết và nơi điều trị
Nội dung bài viết
Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ ngày càng được xã hội quan tâm vì tính phổ biến, bệnh diễn biến phức tạp cũng như cần có biện pháp chữa trị kịp thời để tránh khỏi tử vong cũng như những di chứng thần kinh nặng nề. Theo số liệu thống kê thì 3 năm trở lại đây, số người phải nhập viện điều trị vì tai biến mạch máu não tăng lên từ 1,7%-2,5%, một điều đáng lo ngại là số bệnh nhân đột quỵ trong độ tuổi trẻ cũng đang gia tăng mạnh mẽ.
Tai biến mạch máu não là gì?
Tai biến mạch máu não (TBMMN) là một thuật ngữ y khoa, được các bác sĩ sử dụng để miêu tả tình trạng mà một phần của não bộ bị tổn thương do các vấn đề liên quan đến mạch máu. Các vấn đề liên quan đến mạch máu có thể bao gồm:
- Động mạch phụ trách việc cung cấp máu đến một phần não bộ nhất định bị tắc nghẽn dẫn đến thiếu máu nuôi kéo dài vùng não đó, hay còn gọi là nhồi máu não.
- Động mạch não vỡ và chảy máu ra xung quanh bên trong não, hay còn gọi là xuất huyết não
Mặc dù ít phổ biến hơn trong hai loại, nhưng xuất huyết não thường dẫn đến tử vong.
Tai biến mạch máu não nguy hiểm như thế nào?
Mức độ ảnh hưởng của tai biến mạch máu não có thể từ nặng đến nhẹ phụ thuộc vào
- Vị trí và kích thước của vùng não bị tổn thương
- Tính kịp thời của các biện pháp can thiệp điều trị
Trong khi có những bệnh nhân TBMMN hồi phục gần như hoàn toàn mà không để lại di chứng gì thì cũng có những bệnh nhân TBMMN để lại những di chứng nặng nề, thiếu hụt những chức năng quan trọng của não bộ như liệt hoặc mất khả năng nói chuyện. Nặng hơn TBMMN cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn tật hàng đầu hiện nay.
Dấu hiệu nhận biết tai biến mạch máu não?
Có một cách giúp dễ ghi nhớ các dấu hiệu nhận biết TBMMN. Hãy nghĩ tới từ FAST với mỗi chữ cái nhắc chúng ta một dấu hiệu nhận biết
– Face – khuôn mặt : Khuôn mặt người thân nhìn có vẻ bất thường hoặc lệch một bên hay không ? Thông thường bệnh nhân biểu hiện méo miệng, rõ hơn khi bệnh nhân cười, nhe răng.
– Arm – Cánh tay : Người thân có dấu hiệu yếu hoặc tê ở một hoặc cả hai cánh tay hay không ? Đánh giá bệnh nhân có bị yếu hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao.
– Speech – lời nói : Người thân có gặp vấn đề bất thường trong phát âm không ? Liệu tiếng nói phát ra có bất thường. Có thể đề nghị bệnh nhân lặp lại một cụm từ đơn giản. Xem bệnh nhân có hiểu không? Có thể lặp lại được không và nhận xét giọng nói có bị đớ không ?
– Time – Thời gian : Nếu nhận ra BẤT kì những dấu hiệu của TBMMN kể trên, HÃY GỌI CẤP CỨU ( Tùy địa phương có thể gọi 115). Lúc này bạn cần hành động thật nhanh đúng như tinh thần từ FAST bởi vì sau khi đột quỵ xảy ra: mỗi phút trôi qua sẻ có gần 2 triệu tế bào não bị chết và làm người bệnh già hơn khoảng 3 tuần tuổi. Chính vì vậy, “Thời gian chính là Não”. Can thiệp điều trị càng sớm thì kết quả điều trị càng thành công. Do đó, khi gặp người TBMMN, lưu ý :
- Đừng chờ đợi để xem các triệu chứng có dừng lại hay không
- Người thân không tự ý mua thuốc uống hoặc xoa bóp, cạo gió, chích đầu ngón tay… làm mất “thời gian vàng” điều trị.
Điều trị tai biến mạch máu não thế nào?
Phương pháp điều trị TBMMN không cố định mà có những phương pháp điều trị khác nhau tùy thuộc vào loại TBMMN mà bệnh nhân mắc phải. Điều quan trọng nhất cần ghi nhớ như đề cập ở phía trên là bạn phải tìm cách để đến bệnh viện NHANH NHẤT CÓ THỂ
Điều trị đối với những bệnh nhân TBMMN do động mạch não bị tắt nghẽn (nhồi máu não) bao gồm:
- Can thiệptái thông lại động mạch não bị tắc nghẽn. Việc tái thông có thể giúp bệnh nhân phục hồi khỏi TBMMN. Với liệu pháp tan cục máu đông (rTPA) cho những bệnh nhân đến bệnh viện sớm trong giờ vàng (dưới 4.5 giờ sau khi bị tai biến mạch máu não) và lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học (dưới 6 giờ sau khi bị tai biến mạch máu não)
- Dùng thuốc ngăn ngừa việc tái hình thành tắc nghẽn mới, đây là những thuốc giúp bệnh nhân ngăn ngừa những TBMMN trong tương lai
Điều trị đối với nhóm bệnh nhân TBMMN do vỡ động mạch não (Xuất huyết não) bao gồm :
- Can thiệp mạch máu não giảm thiểu tổn thương gây ra bởi việc máu chảy ra xung quanh bên trong não
- Ngưng hoặc giảm liều các thuốc làm nặng thêm tình trạng chạy chảy máu
- Phẫu thuật não nhằm sửa chữa động mạch hoặc kiểm soát nguồn chảy máu ( Việc này không phải luôn luôn khả thi)
Mạng lưới điều trị tai biến mạch máu não tại thành phố Hồ Chí Minh
Tính đến thời điểm hiện nay (7/2019), đã có 17 bệnh viện trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có thể tiếp nhận và điều trị bệnh đột quỵ. Trung tâm đột quỵ của BV Nhân Dân 115 có quy mô lớn nhất và có đầy đủ tất cả kỹ thuật điều trị đột quỵ, và cũng là bệnh viện đầu tiên của Châu Á nhận “Chứng nhận đạt chuẩn chất lượng điều trị vàng” của Hội Đột quỵ Châu Âu. Mới đây, BV Đại học Y Dược TP.HCM cũng đã được công nhận và là bệnh viện thứ 2 của Châu Á đạt chuẩn chất lượng vàng này.
Dưới đây là danh sách các bệnh viện trên địa bàn thành phố trong mạng lưới điều trị đột quỵ với năng lực thực hiện các kỹ thuật điều trị đột quỵ tương ứng:
Ngăn ngừa, phòng tránh tai biến mạch máu não
Có rất nhiều TBMMN hoàn toàn có thể ngăn ngừa từ trước, tất nhiên không phải là tất cả. Bạn có thể giảm thiểu tỉ lệ mắc phải TBMMN thông qua :
- Dùng các nhóm thuốc điều trị bệnh đúng chỉ định và liều lượng. Đôi khi việc dùng ĐÚNG CHỈ ĐỊNH VÀ LIỀU LƯỢNG một vài nhóm thuốc đóng vai trò rất quan trọng giúp ngăn ngừa TBMMN như :
- Các thuốc hạ huyết áp
- Nhóm thuốc “Statins”, đây là nhóm thuốc giảm lượng Cholesterol
- Nhóm thuốc ngăn ngừa cục máu đông, như thuốc Aspirin hoặc nhóm thuốc làm loãng máu
- Nhóm thuốc kiểm soát lượng đường huyết (đối với những bệnh nhân đái tháo đường)
- Cải thiện lối sống lành mạnh
- Ngừng việc hút thuốc lá
- Tập thể dục đều đặn (trừ khi bạn mắc những bệnh lý cần hạn hết vận động) tối thiểu 30 phút một ngày và hầu hết các ngày trong tuần
- Giảm cân nếu bạn trong tình trạng thừa cân
- Ăn chế độ nhiều trái cây, rau xanh và giảm lượng chất béo, hạn chế ăn nhiều thịt, đồ ăn ngọt, …
- Ăn ít muối
- Giới hạn lượng thức uống có cồn
- Đối với nữ, giới hạn ở mức 1 đơn vị cồn / ngày
- Đối với nam, giới hạn ở mức 2 đơn vị cồn / ngày
“ Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy 1 đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 cốc bia hơi 330 ml; 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%)”
>> Xem thêm: Bật mí công dụng thuốc bổ não Ginkgo Biloba
Tai biến mạch máu não và Cơn thiếu máu não thoáng qua khác nhau điểm gì?
Cơn thiếu máu não thoáng qua (CTMNTQ) là thuật ngữ miêu tả tình trạng tương tự như TBMMN, điểm khác nhau là không tổn thương não. CTMNTQ xảy ra do động mạch não trở nên tắc nghẽn nhưng sau đó tự tái thông. Đó là do nút chặn mạch máu hình thành gây tắc nghén sau đó tự bản thân di chuyển khỏi vùng tắc.
Mặc dù CTMNTQ không để lại các triệu chứng lâu dài tuy nhiên vẫn rất nguy hiểm. Nếu bệnh nhân có CTMNTQ đồng nghĩa cũng là nguy cơ cao của bệnh lý TBMMN. Do đó rất quan trọng phải thăm khám bác sĩ và tiến hành những biện pháp ngăn ngừa TBMMN. Đừng chủ quan trước các triệu chứng của TBMMN kể cả khi nó chỉ thoáng qua.
Phần kết
Hiểu biết và chia sẻ những kiến thức y học thường thức nói chung, về bệnh TBMMN hay đột quỵ nói riêng một ngày nào đó sẽ là những hành trang giúp chúng ta có những hành động và quyết định đúng đắn góp phần cứu sống những thành viên trong gia đình và người thân. Bên cạnh đó những kiến thức về cách phòng tránh bệnh sẽ cung cấp những thông tin để xay dựng thói quen sinh hoạt tốt, cuộc sống thêm khỏe mạnh.
Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
1. CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÀNH Y TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
http://www.medinet.hochiminhcity.gov.vn
2. HỘI ĐỘT QUỴ VIỆT NAM
http://hoidotquyvietnam.com/
3. Patient education: Stroke (The Basics), Written by the doctors and editors at UpToDate
https://www.uptodate.com