Rối loạn phổ tự kỷ: Các triệu chứng và hướng điều trị
Nội dung bài viết
“Bác sĩ ơi, con tôi có bị TỰ KỶ không?” Đây là câu hỏi bác sĩ thường được nghe ở các phòng khám nhi khoa ngày nay. Nhìn xung quanh mình thử xem, có lẽ không khó để bắt gặp một phụ huynh nào đó lo lắng vì con chậm nói hay suốt ngày cứ đi nhón chân? Bạn có bao giờ lo lắng vì con hay đánh bạn bè, đánh em hay không nghe tiếng bạn gọi? Qua bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu liệu rằng những biểu hiện thường khiến bố mẹ lo lắng như trên có phải là tự kỷ không – như thế nào là tự kỷ – làm sao để nhận biết – và bạn có thể làm gì để giúp đỡ con khi con có các dấu hiệu tự kỷ.
Điểm quan trọng
- Trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ gặp phải những vấn đề trong giao tiếp với những người khác.
- Những sự hỗ trợ cần thiết cho trẻ bao gồm các buổi âm ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu, tâm lý học đường, hoạt động xã hội, điều dưỡng học đường hay y tế học đường.
- Quá trình điều trị bao gồm các hoạt động được thực hiện ở nhà.
Rối loạn phổ tự kỷ là gì?
Một em bé bị rối loạn phổ tự kỷ (Autistic spectrum disorder) không phát triển bình thường về một số mặt, ví dụ như gặp phải các vấn đề trong giao tiếp với người khác. Rối loạn phổ tự kỷ cũng được biết đến với những cái tên khác:
- Tự kỷ: là tình trạng trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp và ở cùng (get along) với người khác. Trẻ có những hành vi bất thường, lặp đi lặp lại và sự quan tâm chú ý thu hẹp.
- Hội chứng Asperger: là một dạng tự kỷ nhẹ. Trẻ có thể có kỹ năng ngôn ngữ tốt, nhưng gặp khó khăn với những người ở xung quanh, có các mối quan tâm và hành vi bất thường.
- Rối loạn bất hòa hợp thời thơ ấu (childhood disintergrative disorder): là một rối loạn hiếm gặp, trong đó trẻ phát triển bình thường cho tới khoảng 3 – 4 tuổi, rồi đột ngột xuất hiện các triệu chứng tự kỷ.
Nguyên nhân của rối loạn phổ tự kỷ?
Nguyên nhân chính xác của rối loạn phổ tự kỷ vẫn chưa được biết đến.
- Não bộ có những chất hóa học ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi. Trong trường hợp các chất hóa học này mất cân bằng, các vấn đề trong cách suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của trẻ sẽ xuất hiện. Trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ có thể có quá nhiều hoặc quá ít một hay vài chất hóa học nào đó trong hoạt động não bộ.
- Nếu mẹ của bé bị nhiễm virus, bị đái tháo đường, hoặc không có chế độ dinh dưỡng lành mạnh khi mang thai thì nguy cơ bị rối loạn phổ tự kỷ của trẻ sẽ tăng lên. Tiếp xúc với một số chất hóa học hoặc thuốc trong thai kỳ, thiếu oxy do cuộc sinh kéo dài hay trẻ bị sinh non cũng có thể gây tăng nguy cơ này.
- Rối loạn phổ tự kỷ đôi khi cũng có tính chất gia đình, có thể có một vài gen có liên quan đến tự kỷ. Nếu cha của bé lớn hơn 40 tuổi khi mẹ mang thai bé, nguy cơ cũng có thể tăng lên.
- Các trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ có thể có những thay đổi về mặt cấu trúc ở não bộ. Một số phần của não hoạt động mạnh hơn hoặc ít hơn các trẻ khác.
- Các trẻ em có các vấn đề về não, các hội chứng di truyền như hội chứng đứt gãy nhiễm sắc thể X, đôi khi cũng bị tự kỷ.
Các triệu chứng của rối loạn phổ tự kỷ?
Các triệu chứng rất đa dạng. Không có 2 trẻ rối loạn phổ tự kỷ nào có triệu chứng hoàn toàn giống nhau.
1. Các kỹ năng xã hội
Hầu hết các em rối loạn phổ tự kỷ đều gặp vấn đề trong việc hiểu nguyên tắc cho – và – nhận khi trò chuyện, giao tiếp với người khác. Trẻ cũng gặp vấn đề trong kiểm soát cảm xúc của mình, có thể biểu hiện bằng cách khóc hay bằng lời nói.
2. Các vấn đề giao tiếp
Các vấn đề giao tiếp biểu hiện rất đa dạng. Một số trẻ rối loạn phổ tự kỷ không bao giờ nói. Một số đã từng nói hoặc ê a trước đó, nhưng rồi im bặt. Các trẻ khác thì chậm bắt đầu, thậm chí không bắt đầu cho tới 5-9 tuổi. Các trẻ có nói chuyện thì thường sử dụng ngôn ngữ theo những cách khác thường. Trẻ cũng thường không hiểu được các dấu hiệu ngôn ngữ không lời như sự lên xuống giọng, nụ cười, nháy mắt hay cau mày.
3. Các hành vi lặp đi lặp lại
Trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ đôi khi lặp đi lặp lại các động tác. Một số vỗ tay liên tục, một số thì đi nhón chân rất nhiều. Các em cũng thường có các thói quen cứng nhắc và sâu đậm. Trẻ có thể trở nên rất khó chịu với một sự thay đổi nhỏ trong những thứ quen thuộc thường ngày.
4. Các vấn đề khác
Trẻ rối loạn phổ tự kỷ cũng gặp những vấn đề về cảm giác. Nhiều trẻ rất nhạy cảm đối với các âm thanh, kiểu hình, mùi, vị nhất định.
Xem thêm: Những thông tin cần biết trước khi đưa bé Tự kỷ đi gặp bác sĩ
Chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ như thế nào?
Bác sĩ nhi khoa của trẻ sẽ thăm khám sự phát triển vận động ở các mốc tuổi trong các lần thăm khám định kỳ. Hãy kể với bác sĩ về bất kỳ biểu hiện nào của trẻ mà bạn thắc mắc, hay cảm thấy không bình thường. Ở vai trò cha mẹ hay người chăm sóc, bạn là người đầu tiên có thể phát hiện ra các hành vi bất thường. Đừng phớt lờ các vấn đề, nghĩ rằng con mình chỉ “hơi chậm” và rồi sẽ “bắt kịp” các bạn khác. Triều trị sớm có thể giúp cải thiện triệu chứng, tăng khả năng trẻ phát triển và học tập các kỹ năng mới.
Bác sĩ sẽ cần những thông tin về triệu chứng của bé, tiền sử y khoa của bé, tiền sử gia đình, và các thuốc bé đang dùng. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem có bệnh lý, thuốc hay chất nào có thể gây ra các triệu chứng này hay không. Bé có thể sẽ được làm xét nghiệm hoặc chụp hình để tìm các nguyên nhân của triệu chứng. Bởi vì rối loạn phổ tự kỷ có thể di truyền, có thể bác sĩ sẽ muốn tầm soát các bé khác trong gia đình.
Nếu bác sĩ gia đình của bạn nghĩ bé có thể đang mắc rối loạn phổ tự kỷ, bác sĩ sẽ giới thiệu bạn đến các chuyên gia về tâm lý, tâm thần, ngữ âm và thần kinh. Họ có thể kiểm tra sâu hơn và cho bạn lời khuyên điều trị.
Điều trị như thế nào?
Không có điều trị tốt nhất nào dành cho mọi trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Trước khi quyết định điều trị theo cách nào, hãy tìm kiếm tất cả các cách khả dĩ. Tìm hiểu thông tin càng nhiều càng tốt, và khi ra quyết định cũng cần dựa trên những nhu cầu của trẻ nữa. Trường học cũng có thể cung cấp những thông tin và dịch vụ có ích để hỗ trợ trẻ.
Một nhóm các chuyên gia sẽ cùng đánh giá và xây dựng một kế hoạch điều trị chung. Bác sĩ gia đình của bạn cũng cần được biết và cho ý kiến về kế hoạch này. Hãy tìm kiếm và hỏi thăm những dịch vụ có thể được sử dụng để giúp cho bạn và trẻ thuận lợi hơn.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện tại có 3 cơ sở y tế công lập bạn có thể cho bé đến thăm khám và điều trị, bao gồm:
- Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1: 341 Sư Vạn Hạnh, phường 10, Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh.
- Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2: 14 Lý Tự Trọng, Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.
- Khoa Tâm lý – Tâm thần trẻ em Bệnh viện Tâm thần TP.HCM: 165B Phan Đăng Lưu, phường 1, quận Phú Nhuận.
Trong tất cả trường hợp, điều trị thông qua các hoạt động tại nhà là cần thiết.
Tôi có thể giúp gì cho bé?
- Nhà trị liệu của bé có thể giúp bạn học cách vui chơi, làm việc với bé khi ở nhà.
- Luôn lạc quan, tìm kiếm những điểm mạnh của bé. Vì bạn không biết bé có khả năng phát triển đến mức nào, đừng đặt những kỳ vọng quá thấp, hãy cổ vũ bé thử những điều mới.
- Tham gia một nhóm hay một cộng đồng hỗ trợ. Nhóm hay cộng đồng có thể chia sẻ những mối quan tâm thường gặp, những tình huống thực tế và cách giải quyết đã xảy ra trong gia đình họ.
Có thể cần một chuyên gia sức khỏe tâm thần để hỗ trợ bạn đối mặt với những vấn đề gây stress bạn gặp phải khi chăm sóc trẻ và những vấn đề khác trong cuộc sống.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Autistic spectrum disorder
https://www.abcdpediatrics.com/advisor/pa/pa_pdd_bhp.htm
Ngày tham khảo: 06/08/2019