Viêm nang lông: nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị
Nội dung bài viết
Viêm nang lông là bệnh lý của các đơn vị nang lông. Căn bệnh này tuy không nguy hiểm nhưng lại rất mất thẩm mỹ. Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng một khi đã mắc bệnh thì hoàn toàn không chữa khỏi và mình phải “sống chung” với nó. Vậy điều này đúng hay sai? Bài viết sau đây của Bác sĩ Da liễu Võ Thị Ngọc Hiền sẽ giúp các bạn giải đáp những thắc mắc về bệnh viêm nang lông.
Viêm nang lông là bệnh gì?
Viêm nang lông hay Folliculitis là bệnh lý ngoài da, khi đó các đơn vị nang lông của da bị viêm do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm trùng, dị ứng, chấn thương. Tình trạng nhiễm trùng có thể xảy ra nông hay sâu ở các nang lông.
Tại sao bị bệnh viêm nang lông?
Các nguyên nhân gây ra tình trạng này bao gồm:
- Nhiễm trùng: vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn) là tác nhân thường gặp nhất của viêm nang lông (gặp trong khoảng ¾ trường hợp). Ngoài ra, còn do các tác nhân gây nhiễm trùng khác như vi rút, nấm.
- Dị ứng: việc sử dụng một số loại hóa chất, sản phẩm, mỹ phẩm bôi trên da cũng có thể dẫn đến tình trạng các nang lông bị viêm.
- Chấn thương: các tác động lên da như cạo lông bằng dao cạo hay cọ xát da với quần áo khi mặc quần áo bó sát sễ khiến cho các nang lông bị tổn thương dễ dẫn đến viêm.
Video tóm tắt thông tin về bệnh viêm nang lông:
Biên tập bởi: YouMed
Ai có nguy cơ mắc phải viêm nang lông?
Bất cứ ai cũng có thể bị nhưng những đối tượng nào mắc phải các yếu tố sau đây sẽ dễ bị bệnh này hơn những người còn lại:
- Da thường xuyên bị ẩm ướt, nhất là các vận động viên thường xuyên đổ mồ hôi nhiều, bởi đây là môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn gây viêm các nang lông phát triển mạnh.
- Thường xuyên cạo, tẩy lông bằng dao cạo hay các kem tẩy lông.
- Thường xuyên mặc các loại quần áo chật, bó sát và giữ nhiệt như găng tay cao su, ủng…
- Mắc các bệnh làm giảm sức đề kháng của cơ thể đối với các tác nhân gây nhiễm trùng như bệnh đái tháo đường, HIV/AIDS.
- Dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như kem có chứa steroid hoặc kháng sinh lâu dài để trị mụn trứng cá.
Bệnh biểu hiện như thế nào?
Các biểu hiện có thể xuất hiện khắp nơi trên cơ thể như da đầu ở trẻ em; vùng râu, nách, tay chân ở người lớn và không xuất hiện ở các vị trí như môi, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Các biểu hiện đó là:
- Những nốt mụn mủ đỏ hoặc mụn đầu trắng, kích thước 1 – 4 mm, nổi gồ trên bề mặt da, xuất hiện ở nơi sợi lông nhô lên. Mụn có thể vỡ ra gây chảy mủ hoặc chảy máu.
- Cảm giác đau, ngứa hoặc rát như bị bỏng.
- Sợi lông không mọc ra bên ngoài được mà mọc ngược vào bên trong.
Khi nào đến gặp bác sĩ?
Đối với các trường hợp nhẹ như bệnh do các loại mỹ phẩm bôi trên da thì bệnh có thể tự khỏi sau vài tuần.
Các trường hợp nặng hơn như da trở nên đỏ, sưng, đau, nhiều mụn mủ và lan rộng thì bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám và chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Viêm nang lông không thể chữa khỏi có đúng không?
Không ít thông tin trên internet và nhiều người truyền tai với nhau nói rằng bệnh này không thể trị khỏi hoàn toàn được. Những thông tin sai lệch này làm cho người bệnh càng thêm chán nản.
Chúng ta hãy yên tâm rằng viêm nang lông có thể trị khỏi hoàn toàn và phòng ngừa được. Tùy theo mức độ nặng nhẹ, cấp tính, mạn tính của bệnh mà có những phương pháp điều trị khác nhau.
Nguyên tắc điều trị
- Làm giảm số lượng vi khuẩn trên da.
- Chăm sóc vùng da bị bệnh với nước sạch và xà phòng diệt khuẩn.
- Tránh các thuốc bôi dạng mỡ đẽ gây bít tắt lỗ chân lông.
- Thoa kháng sinh vùng da bị viêm nang lông 2 lần/ngày trong 7 – 10 ngày.
- Có thể uống kháng sinh tác dụng toàn thân.
- Sử dụng thuốc kháng nấm nếu viêm nang lông do tác nhân nấm.
Phòng ngừa bệnh bằng cách nào?
Chúng ta có thể kiểm soát và phòng ngừa bệnh bằng các biện pháp đơn giản như sau:
- Giữ vệ sinh cơ thể bằng xà phòng dịu nhẹ, đặc biệt sau khi đổ mồ hôi nhiều như tập thể dục, làm việc trong môi trường nhiệt độ cao…
- Hạn chế mặc các loại quần áo bó sát.
- Không dùng chung các vật dụng cá nhân với nhau như khăn tắm, dao cạo…
- Không tự ý nặn nhọt trên da.
- Khi muốn loại bỏ lông thừa trên cơ thể thì nên chọn các phương pháp an toàn như dùng ánh sáng hơn là dùng dao cạo, các loại kem triệt lông.
- Điều trị các bệnh mạn tính làm suy giảm sức đề kháng của cơ thể như bệnh đái tháo đường.
- Tránh sử dụng các sản phẩm gây đổ dầu trên da vì dầu có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông cùng với vi khuẩn gây bệnh.
Câu hỏi thường gặp
Viêm nang lông có lây không?
Hầu như không lây sang cho những người khác. Tuy nhiên, nếu dùng chung bồn tắm, khăn, quần áo, dao cạo với người viêm nang lông có thể làm lây nhiễm tình trạng nhiễm trùng qua các vết xước da.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Bộ Y tế (2015). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu.https://kcb.vn/upload/2005611/20210723/Huong-dan-chan-doan-dieu-tri-Da-lieu.pdf