YouMed

Xuất huyết giảm tiểu cầu: Những điều cần biết

bác sĩ đinh gia khánh
Tác giả: Bác sĩ Đinh Gia Khánh
Chuyên khoa: Huyết học - Truyền máu

Xuất huyết giảm tiểu cầu là một bệnh lý rất thường gặp trong chuyên khoa huyết học, đây là một bệnh lý lành tính và có nhiều khả năng điều trị dứt điểm hoàn toàn. Biểu hiện của xuất huyết giảm tiểu cầu như thế nào, bệnh điều trị ra sao? Những người chăm sóc bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết tiểu cầu cần lưu tâm những gì trong suốt quá trình điều trị? Bài viết này sẽ cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tổng thể về bệnh lý này.

1. Tiểu cầu là gì? Vai trò của chúng đối với cơ thể như thế nào?

Tiểu cầu là thành phần tế bào của máu, được sản xuất từ tuỷ xương và lưu thông khắp nơi trong cơ thể. Chức năng chính của tiểu cầu là tham gia quá trình đông cầm máu, đảm bảo sự nguyên vẹn của mạch máu khi bình thường và không bị mất máu quá nhiều khi tổn thương.

Mặt khác, tiểu cầu còn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân bên ngoài như vi sinh vật. Bằng những cách sau: trực tiếp tiêu diệt vi khuẩn hay hỗ trợ các tế bào bạch cầu tăng hiệu quả bảo vệ cơ thể của các tế bào bạch cầu. Điều này đã được chứng minh qua nhiều kết quả nghiên cứu.

xuất huyết giảm tiểu cầu
Hình ảnh tiểu cầu qua lăng kính hiển vi

2. Bình thường số lượng tiểu cầu trong cơ thể là bao nhiêu?

Ở người bình thường, số lượng các tế bào tiểu cầu đo được thông qua máy xét nghiệm huyết học sẽ nằm trong khoảng từ 150.000/mcL đến 400.000/mcL.

3. Xuất huyết giảm tiểu cầu là gì?

Đây là một bệnh lý được xác định do các kháng thể trong cơ thể xuất hiện một cách bất thường. Chúng sẽ phá huỷ các tiểu cầu, làm số lượng tiểu cầu giảm thấp trong máu. Từ đó, gây ra những triệu chứng của bệnh.

tiểu cầu
Hình ảnh chấm xuất huyết dưới da. 

>> Xem thêm: Xuất huyết giảm tiểu cầu: Những điều cần biết

4. Bệnh biểu hiện triệu chứng như thế nào?

Triệu chứng thường gặp nhất của xuất huyết giảm tiểu cầu và khiến bệnh nhân đi khám bệnh là xuất hiện các chấm, đốm hoặc mảng bầm, xuất huyết rải rác ở da hoặc niêm mạc (niêm mạc mắt, môi, lưỡi, họng,…).

Khi tình trạng tiểu cầu giảm nặng, có thể biểu hiện các triệu chứng xuất huyết nặng nề hơn như:

  • Chảy máu chân răng;
  • Chảy máu mũi;
  • Tiêu phân đen;
  • Tiểu máu;
  • Rong kinh;
  • Thậm chí là xuất huyết não (nguy cơ này chiếm từ 0,5 – 1% ở những bệnh nhân có tiểu cầu dưới 10.000/mcL, mặc dù tương đối hiếm gặp nhưng là nghiêm trọng).
xuất huyết dưới da
Hình ảnh chấm xuất huyết ở niêm mạc họng. 
xuất huyết giảm tiểu cầu
Chấm xuất huyết ở môi. 

5. Ai là đối tượng dễ bị xuất huyết giảm tiểu cầu?

Bệnh thường gặp nhất là ở trẻ em, thường biểu hiện với tình trạng bầm da xuất huyết cấp tính rõ ràng. Nhưng bệnh thường nhẹ và tự giới hạn, có thể xuất hiện sau một đợt nhiễm siêu vi hoặc sau tiêm chủng. Phần lớn sẽ khỏi hẳn hoàn toàn và một số có thể không cần điều trị, nhiều giả thiết cho rằng phần lớn là do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện của trẻ nhỏ và sẽ tự điều chỉnh theo sự trưởng thành của cơ thể.

Người lớn sẽ có một số điểm khác biệt quan trọng, tuy gặp ít hơn so với trẻ em, bệnh khi xảy ra ở người lớn sẽ biểu hiện âm ỉ, từ từ nhưng thường kéo dài và không điều trị dứt điểm được. Đặc biệt, ở những người lớn có bệnh lý nền gây nên tình trạng giảm tiểu cầu này, việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

6. Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu được điều trị như thế nào?

Bệnh không phải luôn nhất thiết phải điều trị. Nhưng trước khi kết luận là bệnh nhân mắc bệnh lý xuất huyết giảm tiểu cầu, bác sĩ sẽ phải kiểm tra và loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây giảm tiểu cầu.

Việc điều trị sẽ khác nhau dựa trên từng cá thể bệnh nhân: trẻ em hay người lớn, có bệnh lý nền gây ra giảm tiểu cầu không, mức độ xuất huyết và các bệnh lý kèm theo. Tất cả những yếu tố trên sẽ làm thay đổi quyết định điều trị.

  • Đối với xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ nhỏ: tình trạng nhẹ sẽ có thể không cần điều trị, phần lớn sẽ tự khỏi và chỉ cần theo dõi sát.
  • Đối với xuất huyết giảm tiểu cầu ở người lớn: do khả năng diễn tiến mạn và nguy cơ xuất huyết nặng lớn hơn, việc điều trị bằng thuốc có thể được bắt đầu sớm để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Các tình trạng xuất huyết nặng hơn bất kể là trẻ em hay người lớn sẽ cần can thiệp ngay lập tức, có thể bằng nhiều loại thuốc khác nhau phối hợp với truyền tiểu cầu đậm đặc.

Khi bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính, bệnh nhân đã có nhiều tác dụng phụ, phẫu thuật cắt lách có thể cần phải cân nhắc. Phương pháp này tỏ ra rất có hiệu quả nhưng cần cân nhắc một số biến chứng lâu dài.

7. Các thuốc điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu

  • Glucocorticoid: Là thuốc điều trị chính yếu trong xuất huyết giảm tiểu cầu. Thuốc nhìn chung có hiệu quả cao nhưng sử dụng lâu dài gây đến nhiều tác dụng phụ (tăng đường huyết, loãng xương, hội chứng Cushing, rối loạn tâm thần,…).
  • IVIG (Immunoglobulin miễn dịch tĩnh mạch): hiệu quả cao, giúp hồi phục tiểu cầu nhanh nhưng giá thành đắt và thường không giữ mức tiểu cầu ổn định lâu dài.
  • Thuốc ức chế miễn dịch khác như: Rituximab, Azathioprine, Cyclosporine, Cyclophosphamide, Danazol, Dapsone, MNs… Được cân nhắc khi không đáp ứng với glucocorticoid hay IVIG, hiệu quả thay đổi và nhiều tác dụng phụ khác nhau.
  • Eltrombopag: là một thuốc uống mới được công bố gần đây. Thuốc được cân nhắc khi bệnh nhân không đáp ứng thuốc glucocorticoid hoặc IVIG, bệnh diễn tiến mạn hoặc có nhiều tác dụng phụ với các thuốc trên. Eltrombopag dễ sử dụng, hiệu quả trong việc nâng số lượng tiểu cầu của bệnh nhân nhưng quá trình này cần thời gian và phải duy trì thuốc uống liên tục. Mặt khác, thuốc có giá thành đắt và tác dụng phụ lâu dài chưa được đánh giá đầy đủ.

8. Chăm sóc bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu như thế nào?

  • Các bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu cần được hạn chế vận động mạnh, tránh các môn thể thao có tính chất đối kháng (va chạm nhiều). Mặt khác, cần theo dõi sát tình trạng xuất huyết da, niêm và chảy máu của bệnh nhân.
  • Khi được chỉ định sử dụng thuốc, cần duy trì thuốc đúng theo lời dặn của bác sĩ, tránh tự ý bỏ thuốc khiến việc kháng thuốc dễ xảy ra hơn.

>> Xem thêm: Xuất huyết dưới kết mạc mắt có nguy hiểm hay không?

Không tự ý sử dụng các loại thuốc mà không có sự tham vấn bác sĩ điều trị, một số thuốc có thể gây giảm số lượng và chất lượng tiểu cầu, khiến việc chẩn đoán và điều trị kém hiệu quả.

Bác sĩ Đinh Gia Khánh 

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

Craig M Kessler, Hira Latif and Hira Latif (2019)

Immune Thrombocytopenic Purpura

https://emedicine.medscape.com/article/202158-overview

accessed on 3 August 2019

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người