Y học thường thức: Đau cổ
Nội dung bài viết
Đau cổ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau bao gồm có đau do căng cơ vùng cổ, bong gân, viêm khớp hoặc chèn ép các dây thần kinh. Có khoảng 10 % người trưởng thành từng một lần trải qua cơn đau cổ. Hãy cùng tìm hiểu những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao về bệnh lý này.
1. Nguyên nhân của đau cổ là gì?
Đau cổ có thể xảy ra khi có bất cứ vấn đề bất thường hoặc viêm các thành phần cấu trúc của vùng cổ. Các thành phần đó bao gồm như:
- Xương – Vùng cổ có 7 xương đốt sống xếp chồng lên nhau dạng cột. Những xương này tạo nên phần đầu của xương cột sống và còn được gọi là cột sống cổ. Cơn đau cổ có thể xảy ra khi các xương này bị tổn thương hoặc phát triển bất thường (hay còn gọi là gai cột sống )
- Dây chằng – dây chằng là các mô vững chắc kết nối các xương lại với nhau. Tổn thương dây chằng có thể xảy ra khi di chuyển cổ một cách đột ngột như trong các trường hợp tai nạn.
- Đĩa đệm – đĩa đệm và những cấu trúc nằm giữa các xương cột sống. Khi có sự thay đổi về hình dạng đĩa đệm hoặc di chuyển ra khỏi vị trí bình thường của chúng, người bệnh có thể có những cơn đau cổ.
- Cơ – Cơ vùng cổ giữ cho đầu thằng và giúp cho cổ di chuyển. Cơn đau có thể xuất hiện khi các cơ này bị căng giãn quá mức ví dụ trong trường hợp vận động sai tư tế
- Dây thần kinh – một lượng lớn các nhánh thần kinh của tủy sống đi ở vùng cổ. Các ngành thần kinh tủy sống ra khỏi tủy sống ở tất cả các vùng của cơ thể. Bệnh nhân có thể có triệu chứng đau khi các nhánh thần kinh tủy sống này bị chèn ép do xương hoặc đĩa đệm.
>> Xem thêm: Thể dục với bệnh nhân cơ xương khớp
2. Các triệu chứng của đau cổ là gì?
Bệnh nhân có thể có nhiều triệu chứng khác nhau bao gồm :
- Đau, cứng đờ hoặc căng cứng ở vùng cổ, vai, lưng trên hoặc cánh tay
- Đau đầu
- Yếu vùng cổ
- Khó khăn trong di chuyển hoặc cử động cổ
- Đau khi xoay hoặc nghiêng đầu
- Tê bì hoặc dị cảm (cảm giác như kim chích) ở vùng vai và cánh tay
- Gặp khó khăn trong việc đi lại hoặc cử động chân
- Mất kiểm soát bàng quang và trực tràng
3. Khi nào bệnh nhân đau cổ cần đi khám?
Bệnh nhân cần được đi khám khi có các triệu chứng
- Tổn thương mức độ nặng đầu và cổ
- Đau dữ dội
- Tê hoặc yếu cánh tay hoặc chân
- Tiêu tiểu không tự chủ
- Đau không giảm sau các liệu pháp điều trị tại nhà sau 1 tuần
>> Xem thêm: Đi tiêu không tự chủ: Chuyện khó nói!
4. Bệnh nhân đau cổ cần thực hiện các xét nghiệm gì?
Đa số bệnh nhân đau cổ không cần làm bất kỳ các xét nghiệm nào. Bác sĩ có thể chẩn đoán thông qua thăm khám lâm sàng, qua các kỹ thuật thăm khám kiểm tra từng nhóm cơ khi yêu cầu bệnh nhân cử động đầu và cổ.
Tuy nhiên đôi khi các xét nghiệm cận lâm sàng cần được làm hỗ trợ thêm như:
- Nhóm chẩn đoán hình ảnh học như X Quang, cắt lớp vi tính (CT), cộng hưởng từ (MRI) … với mục đích khảo sát hình ảnh các cấu trúc cơ thể
- Các xét nghiệm cơ và thần kinh như điện cơ để khảo sát xem liệu các cấu trúc trên có hoạt động bình thường hay không
5. Bệnh nhân có thể làm gì để giảm triệu chứng tại nhà?
Để có thể giảm triệu chứng đau bệnh nhân có thể:
- Dùng các thuốc giảm đau không cần kê đơn
- Thực hành các bài tập, massage giúp giãn cơ
- Dùng đá lạnh chườm lạnh lên vùng đau – bạn có thể dùng đá lạnh để chà lên khu vực đau mỗi lần từ 5-7 phút hoặc chườm một túi đá lạnh khoảng 20 phút mỗi lần và lặp lại vài lần trong một ngày
- Chườm nóng để giảm đau và căng cứng – Tắm nước nóng hoặc chườm khăn nóng vào dùng đau. Mỗi lần nên dưới 20 phút và không dùng nhiệt độ quá nóng để tránh làm tổn thương da
- Tập các bài tập riêng cho vùng cổ – có nhiều bài tập có thể giúp giãn cơ vùng cổ, vai và lưng sau, ngoài ra các bài tập còn giúp cơ các vùng này trở nên vững chắc hơn. Hãy hỏi ý kiến chuyên gia về các bài tập trên
- Chỉnh lại tư thể cổ – cố gắng giữ cho cổ luôn ở tư thế thẳng trục với cơ thể và tránh các hoạt động phải hoạt động cổ quá nhiều. Khi ngủ, giữ cho đầu và cổ thẳng trục với thân người, tránh ngủ nằm sấp nghiêng đầu về một phía
6. Đau cổ được điều trị như thế nào?
Bác sĩ điều trị có thể chỉ định nhiều phương pháp điều trị khác nhau sau khi triệu chứng đau không thuyên giảm sau các liệu pháp tự điều trị tại nhà. Ví dụ như sẽ chỉ định các bài tập, các bài vật lý trị liệu điều trị chuyên biệt, hoặc chỉ định việc tiêm các thuốc giảm đau vào vùng cổ,…
7. Làm thế nào để ngăn ngừa đau cổ?
Để giúp giảm đau cổ, bạn nên:
- Làm việc đúng tư thế – giữ đầu luôn thẳng và xuôi vai
- Không ngồi quá lâu một tư thế cố định
- Không làm việc trên cao phải ngước đầu quá lâu
- Tránh đặt vật nặng hoặc đè nặng lên vùng lưng trên
- Luôn giữ cổ thẳng trục với cơ thể khi nghỉ ngơi và khi ngủ
8. Khi có những vấn đề về đau cổ bạn cần đi khám ở đâu?
Đau cổ có thể thuộc phạm vi điều trị của khoa ngoại thần kinh và chấn thương chỉnh hình. Hãy đến khám tại các cơ sở y tế có các khoa điều trị trên.
Đau cổ là bệnh lý dễ gặp phải trong đời sống và mang lại phiền toái đôi khi để lại nhiều hậu quả nặng nề. Tuy nhiên bệnh lý có thể được điều trị và ngăn ngừa nếu hiểu biết đúng về bệnh và các biện pháp phòng tránh từ sớm.
Bác sĩ Ngô Minh Quân
>> Đau cổ hay vai gáy có thể xảy ra với bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào nhưng thường gặp nhất là ở độ tuổi trung niên và ở những người lao động mất sức. Một số nguyên nhân đau vai gáy thường gặp mà bạn nên lưu ý.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Patient education: Neck pain (The Basics), Written by the doctors and editors at UpToDate, This topic retrieved from UpToDate on: Aug 14, 2019.