Buồn sau sinh, trầm cảm sau sinh, loạn thần sau sinh: Bạn đã thực sự hiểu rõ? (Phần 1)
Nội dung bài viết
Cơ thể cũng như tâm lý của phụ nữ mang thai hay sau sinh có rất nhiều biến đổi. Cảm xúc của họ rất đa dạng. Có người vui vẻ, cũng có những người trở nên trầm buồn. Xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực và dẫn đến hậu quả khôn lường. Cùng YouMed tìm hiểu nhé!
1. Buồn sau sinh là gì?
Buồn sau sinh, hay còn gọi là giai đoạn “Baby blues”, đây là tình trạng mà khoảng 30-75% phụ nữ sau sinh sẽ trải qua. Đây là một giai đoạn ngắn mà người phụ nữ cảm thấy sễ buồn, tâm trạng không ổn định, bứt rứt, lo lắng, cảm thấy rất dễ cáu gắt, kém tập trung, mất ngủ, ăn uống không ngon miệng,… sau khi vừa sinh xong.
Nguyên nhân của giai đoạn này hiện chưa rõ. Có nhiều giả thuyết đưa ra lí do của tình trạng này được cho là do sự thay đổi đột ngột của nội tiết tố sau khi sinh. Cộng thêm sự xuất hiện của một thành viên mới, đó là một thay đổi lớn trong gia đình.
Người phụ nữ phải đối mặt với những bỡ ngỡ ban đầu khi bắt đầu phải chăm sóc em bé. Thức ngủ giờ giấc theo em bé và điều này gây ra sự rối loạn trong nhịp sinh học của họ. Họ uể oải vì phải thức khuya, lo lắng vì không hiểu em bé khóc là vì đói hay vì một lý do nào đó.
Tình trạng này kéo sẽ bắt đầu khoảng từ 2-3 ngày sau sinh. Thường đạt đỉnh ở ngày thứ 5 sau sinh và kéo dài khoảng 2 tuần sau đó sẽ hết. Nếu như tình trạng này kéo dài quá 2 tuần, có lẽ lúc này người phụ nữ đã bị trầm cảm. Giai đoạn “baby blues” đó có thể là sự khởi đầu nhẹ của trầm cảm sau sinh.
2. Ai là người dễ mắc phải tình trạng này?
Mặc dù nguyên nhân của tình trạng này vẫn chưa được rõ ràng. Tuy nhiên, một số phụ nữ sẽ có nguy cơ cao hơn mắc phải tình trạng buồn sau sinh này, đó là:
- Đã từng bị rối loạn khí sắc chu kì kinh.
- Có triệu chứng trầm cảm trước khi mang thai.
- Có triệu chứng trầm cảm trước sinh.
- Mổ lấy thai.
- Không nuôi con bằng sữa mẹ.
- Căng thẳng xung quanh việc chăm sóc đứa trẻ.
- Tiền sử gia đình bị trầm cảm.
- Có những vấn đề về tâm lý xã hội.
3. Vậy cần làm gì khi phụ nữ trải qua “baby blue”?
“Baby blue” thông thường sẽ tự hết trong vòng 2 tuần mà không cần dùng thuốc điều trị. Điều quan trọng là bản thân người mẹ phải nhận diện mình đang trong một giai đoạn rối loạn sinh lý sau sinh. Các thành viên khác cần phải quan tâm đến người mẹ sát sao để nhận diện ra các triệu chứng này.
Khi bạn nhận ra mình bắt đầu xuất hiện những cảm giác buồn, dễ khóc, dễ cáu gắt, hãy chia sẻ ngay với người nhà để được hỗ trợ. Cố gắng sắp xếp đủ thời gian để có thể ngủ đủ giấc. Thảo luận với gia đình chia thời gian chăm em bé để bạn có thể ngủ đúng nhịp sinh học hơn. Điều này có thể giúp bạn đỡ mệt mỏi và giảm thiểu sự cáu gắt.
Duy trì dinh dưỡng đầy đủ. Nên tìm những cách giúp thư giãn như ra ngoài hít không khí trong lành. Nên đi bộ nhẹ nhàng tránh tập luyện thể thao nặng. Những lúc trở nên dễ cáu gắt, bạn có thể thay đổi môi trường để bản thân thấy dễ chịu hơn.
Điều quan trọng là rất cần sự trợ giúp của gia đình. Ngoài ra cũng có thể tìm tới các nhà trị liệu tâm lý để hỗ trợ phần nào cho người phụ nữ.
Nếu các triệu chứng của “baby blues” trở nên tồi tệ hơn hoặc kéo dài hơn hai tuần. Bệnh trở nên nặng nề đến mức có ý tưởng tự tử. Bệnh nhân nên được đánh giá về trầm cảm sau sinh và được chỉ định điều trị. Có thể bao gồm thuốc chống trầm cảm hoặc trị liệu tâm lý.
Hy vọng với những thông tin trên phần nào giúp bạn hiểu được tình trạng trầm cảm sau sinh. Biết những cách để giảm bớt căng thẳng khi gặp phải tình trạng này.
>> Xem thêm: Buồn sau sinh, trầm cảm sau sinh, loạn thần sau sinh, bạn đã thực sự hiểu rõ? (Phần 2)
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Postpartum blueshttps://www.uptodate.com/contents/postpartum-blues
Ngày tham khảo: 27/08/2019