YouMed

Chlamydia trachomatis: Tác nhân gây bệnh lây qua đường tình dục

bác sĩ lê mai thùy linh
Tác giả: Bác sĩ Lê Mai Thùy Linh
Chuyên khoa: Đa khoa

Bệnh lây qua đường tình dục (STDs) hay nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STIs) là những bệnh xảy ra sau quan hệ tình dục. Chlamydia trachomatis (Chlamydia) là một trong những tác nhân gây ra bệnh ở cả nam và nữ. Bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm hay để lại di chứng vĩnh viễn ở cơ quan sinh dục của phụ nữ.

Cùng tìm hiểu về Chlamydia và lắng nghe giải đáp các thắc mắc cùng bác sĩ qua hội thảo về sức khoẻ tình dục.

Biên tập bởi: ThS.DS Trương Văn Đạt

Chlamydia (nhiễm Chlamydia)

Chlamydia trachomatis là loại vi khuẩn sống trong tế bào niêm mạc. Tương tự như những tác nhân lây qua đường tình dục khác, Chlamydia lây qua quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm bệnh, người mang vi khuẩn Chlamydia. Chlamydia còn lây qua các vật dụng như quần áo, khăn mặt… khi sử dụng chung với người nhiễm bệnh.

Khi tiếp xúc với vi khuẩn Chlamydia, chỉ 50% phụ nữ có khả năng thanh thải (loại bỏ) vi khuẩn này. Nếu không được thanh thải, Chlamydia sẽ tấn công vào các tế bào biểu mô trụ lót niêm mạc cổ tử cung, nội mạc tử cung, vòi trứng. Chlamydia có hai dạng thức: thể hoạt động và thể “ngủ” tồn tại lâu trong tế bào.

Nhiễm Chlamydia gây viêm và tổn thương mô nặng nề. Có thể gây biến chứng viêm vùng chậu cấp, áp-xe tai vòi buồng trứng, viêm phúc mạc chậu,…

Bệnh lây qua đường tình dục nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phản ứng viêm mạn. Tạo thành các sẹo xơ chai của vòi trứng. Gây ra các di chứng đến chức năng sinh sản của phụ nữ như thai ngoài tử cung và hiếm muộn.

Phụ nữ mang thai nhiễm Chlamydia có thể lây truyền dọc từ mẹ sang con. Trong lúc sinh, gây ra viêm niệu đạo và viêm kết mạc mắt ở trẻ sơ sinh.

Viêm kết mạc mắt ở trẻ sơ sinh do mẹ nhiễm Chlamydia
Viêm kết mạc mắt ở trẻ sơ sinh do mẹ nhiễm Chlamydia

Triệu chứng

Bệnh lây qua đường tình dục có triệu chứng rất đa dạng. Đôi khi, bệnh này không xuất hiện triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ, không đặc hiệu. Chính vì thế, người bệnh khó nhận biết được.

Ở nữ giới, 70% người nhiễm Chlamydia không có triệu chứng. Triệu chứng có thể xảy ra nhiều tuần, thậm chí nhiều năm kể từ lúc bạn phơi nhiễm với vi khuẩn.

Các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết nhiễm Chlamydia là:

  • Dịch âm đạo bất thường (đổi màu, gây ngứa, hay có mùi).
  • Tiểu đau hay cảm giác nóng rát khi đi tiểu.
  • Chảy máu âm đạo bất thường.
  • Đau khi giao hợp, chảy máu âm đạo sau giao hợp.
  • Đau vùng bụng dưới.

50% nam giới nhiễm vi khuẩn Chlamydia không xuất hiện các biểu hiện triệu chứng. Nếu có, những triệu chứng thường gặp như sau:

  • Tiểu đau hay cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Chảy dịch hay chảy mủ ở đầu dương vật.
  • Đau hay khó chịu ở đầu dương vật.

Bệnh lây qua đường tình dục còn có thể gây ra triệu chứng ở hậu môn – trực tràng. Xuất hiện các triệu chứng như sưng, đau hay chảy dịch hậu môn.

Biến chứng, di chứng

Các biến chứng thường gặp khi mắc các bệnh lây qua đường tình dục là viêm vùng chậu cấp, xuất hiện các di chứng ở cơ quan sinh dục nữ.

Nếu viêm vùng chậu cấp, dấu hiệu nhận biết như:

  • Sốt, đau vùng bụng dưới dữ dội.
  • Chảy mủ từ tử cung, xuất huyết âm đạo bất thường.
  • Nôn ói hay đau khi bác sĩ khám vùng tử cung và vòi trứng, buồng trứng,…

Người bệnh sẽ có biến chứng viêm vùng chậu, viêm nội mạc tử cung, viêm tai vòi,… Thậm chí, lan tràn ở vùng chậu gây áp-xe tai vòi buồng trứng hay viêm phúc mạc chậu. Những biến chứng nặng sẽ diễn tiến nhanh hơn. Gây sốc nhiễm trùng, tử vong hoặc để lại những di chứng gây vô sinh, hiếm muộn.

chảy mủ ở cổ tử cung
Bệnh lây qua đường tình dục xuất hiện biến chứng chảy mủ ở cổ tử cung

Đôi khi bệnh lây qua đường tình dục không có triệu chứng nhưng vẫn để lại các di chứng vĩnh viễn như tạo các sẹo xơ trên tai vòi. Sẹo xơ làm hẹp vòi trứng.

Từ đó, khiến hợp tử không thể đến được buồng tử cung gây thai ngoài tử cung (hợp tử: phôi thai ở những ngày đầu khi trứng kết hợp với tinh trùng). Đáng ngại hơn có thể gây vô sinh, hiếm muộn do nguyên nhân từ vòi trứng.

Gặp bác sĩ

Bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn, kiểm tra và điều trị khi:

  • Bạn quan hệ tình dục không an toàn và có thể bị nhiễm các tác nhân gây STDs.
  • Bạn có bất kỳ triệu chứng hay dấu hiệu nào của bệnh.
  • Bạn tình của bạn có dấu hiệu hoặc được chẩn đoán nhiễm Chlamydia, bất kỳ STDs nào.
  • Bạn có bạn tình mới hoặc có nhiều bạn tình.
  • Bạn mang thai và cần được xét nghiệm kiểm tra.
  • Sẩy thai, hiếm muộn.

Khi gặp bác sĩ, bạn sẽ được khám phụ khoa và làm xét nghiệm NAATs để xác định xem mình có nhiễm Chlamydia không (NAATs: nucleic acid amplication test). Mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm có thể là dịch âm đạo lấy từ tử cung hay nước tiểu.

Đây là xét nghiệm có độ chính xác cao, nhẹ nhàng và không gây đau. Vì nhiễm Chlamydia thường đi kèm với nhiễm lậu cầu và các tác nhân lây qua đường tình dục khác. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị thêm các xét nghiệm tìm lậu cầu, HIV và các tác nhân nghi ngờ.

dụng cụ y tế
Bạn nên tìm đến bác sĩ có uy tín khi có bất kỳ các triệu chứng kể trên

Điều trị

Nếu triệu chứng không quá nặng nề, bác sĩ sẽ kê toa kháng sinh diệt Chlamydia và lậu cầu (nếu có nhiễm đi kèm). Nên kiêng quan hệ tình dục ít nhất 1 tuần, đến khi điều trị xong liệu trình kháng sinh và hết các triệu chứng.

Điểm mấu chốt để điều trị dứt điểm và ngăn ngừa tái phát bệnh lây qua đường tình dục là điều trị từ bạn tình. Bạn nên thông báo, cùng bạn tình của mình đi khám để được điều trị đúng cách. Không quan hệ tình dục cho đến khi xác nhận cả hai người đều đã điều trị khỏi.

Nếu triệu chứng nặng và cần điều trị lâu dài, bạn có thể phải nhập viện để truyền kháng sinh và theo dõi. Phụ nữ có thai nên được xét nghiệm và điều trị nhiễm Chlamydia để ngăn ngừa viêm kết mạc mắt cho trẻ sơ sinh.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa Chlamydia, phòng ngừa STDs bạn nên áp dụng những biện pháp sau:

  • Chung thủy với một bạn tình không nhiễm bệnh.
  • Tầm soát STDs. Tránh quan hệ tình dục đường âm đạo hay đường hậu môn với đối tác mới cho đến khi cả hai cùng được kiểm tra về tình trạng nhiễm STDs.
  • Sử dụng bao cao su và màng chắn răng miệng (dental dam) thường xuyên và đúng cách. Sử dụng bao cao su đúng cách không chỉ giảm nguy cơ nhiễm STDs mà còn giúp tránh thai hiệu quả.
  • Không sử dụng bao cao su chung với các gel bôi trơn hay gel diệt tinh trùng.
bao cao su
Sử dụng bao cao su đúng cách là một trong những cách ngăn ngừa bệnh lây qua đường tình dục

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về các bệnh lây qua đường tình dục mà bạn nên biết. Hy vọng với bài viết này, các bạn đã nắm rõ được những dấu hiệu bệnh và cách phòng tránh bệnh cho bản thân. Hãy tìm đến các bác sĩ có chuyên môn để được tư vấn và điều trị kịp thời nhé!

Polyp tử cung là gì? Căn bệnh này biểu hiện như thế nào ở phụ nữ trước và trong khi mang thai? Hãy cùng YouMed tìm hiểu ngay: Polyp tử cung và thai kỳ: Những điều cần biết

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Nguyễn Hồng Hoa (2017), Nhiễm Chlamydia Trachomatis, Bài giảng Phụ Khoa, Đại học Y dược TP.HCM.

  2. Âu Nhựt Luân (2017), Vi sinh học của Chlamydia Trachomatis, Bài giảng Phụ Khoa, Đại học Y dược TP.HCM.

  3. Chlamydia https://patient.info/sexual-health/sexually-transmitted-infections-leaflet/chlamydia

    Ngày tham khảo: 23/08/2019

  4. Chlamydia – Tờ Thông Tin của Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC)https://stacks.cdc.gov/view/cdc/32627

    Ngày tham khảo: 23/08/2019

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người