Các cấp độ của bỏng: cách giảm đau và xử trí an toàn theo cấp độ
Nội dung bài viết
Bỏng hay phỏng là một chấn thương rất thường hay xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Tùy vào các cấp độ bỏng khác nhau mà vết thương có thể không gây tổn thương nhiều cho đến tử vong.
Khi bị bỏng, một số người chưa biết cách xử lý vết bỏng đúng đắn hay chỉ xử lý theo những mẹo dân gian, khiến cho vết thương có nguy cơ bị nhiễm trùng nặng hơn hay để lại sẹo xấu. Bài viết của Bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền sẽ cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích để giảm đau và xử trí an toàn theo các cấp độ của bỏng.
Bỏng là gì?
Phỏng hay bỏng là một chấn thương da, cơ hoặc các mô khác của cơ thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Bỏng gây ra cảm giác nóng rát và có thể khiến cho các mô này bị tổn thương từ mức độ nhẹ đến nặng hoặc tổn thương vĩnh viễn không thể phục hồi.
>> Xem thêm: Trẻ bị bỏng: Những điều cần lưu ý khi chăm sóc
Các cấp độ của bỏng
Biểu hiện của bỏng rất đa dạng từ đỏ da đến phồng rộp hay hoại tử. Tùy vào mức độ tổn thương hay cấp độ bỏng mà sẽ có những biểu hiện da và mô khác nhau. Các triệu chứng chung là cảm giác đau, rát và thay đổi màu sắc da vùng bị bỏng.
Cấp độ thứ 1
Bỏng cấp độ 1 là loại ít gây tổn thương mô nhất. Trường hợp này chỉ ảnh hưởng đến lớp ngoài cùng của da với các biểu hiện: tấy đỏ, hơi sưng phù, đau rát. Vùng da đó khô và bong ra khi vết bỏng lành. Thông thường, những vết bỏng độ 1 lành nhanh trong vòng 7 – 10 ngày và ít để lại sẹo sau đó.
Các vết bỏng độ 1 tương đối đơn giản và có thể xử lý tại nhà. Tuy nhiên, nếu diện tích bị bỏng rộng, bỏng vùng mặt hay những khớp lớn như đầu gối, khuỷu tay, vai thì nên đi khám chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn, hạn chế biến chứng có thể xảy ra.
Cấp độ thứ 2
Bỏng độ 2 gây tổn thương cao hơn bỏng độ 1 do ảnh hưởng đến nhiều lớp bên dưới của da hơn. Nó khiến bề mặt da bị phồng rộp, đỏ rát và đau nhức nhiều. Ngoài ra da sẽ xuất hiện những mụn nước và bóng nước trên vết thương. Những mụn nước, bóng nước này có thể bể và để lại các vết trợt trên da. Dần dần, vùng da tại vết thương trở nên dày, mềm và trông giống như vảy.
Vết bỏng độ này cần khoảng hơn 3 tuần mới lành. Khi da lành, vết bỏng này thường không để lại sẹo nhưng sẽ làm thay đổi sắc tố (màu da) nơi vết thương. Tuy nhiên nếu không được xử lí đúng làm vết thương nặng hơn, bỏng cấp độ 2 có để lại sẹo.
Cấp độ thứ 3
Vết bỏng mức độ 3 ảnh hưởng đến tất cả các lớp của da bao gồm cả thần kinh, mạch máu. Do đó có thể người bệnh không còn cảm giác được đau rát vì thần kinh đã bị tổn thương. Tùy vào nguyên nhân mà các biểu hiện của bỏng độ 3 có thể bao gồm: vùng da bỏng có màu trắng như sáp; xen kẽ vùng da nâu đen; có thể không xuất hiện bóng nước. Vết bỏng độ 3 có thể làm tổn thương mạch máu, thần kinh và để lại sẹo rất xấu. Đối với loại vết bỏng này, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị phù hợp. Tuyệt đối không tự điều trị tại nhà để tránh bị nhiễm trùng nặng hơn, gây sẹo xấu hoặc có thể tử vong.
Cấp độ thứ 4
Ngoài ba mức độ bỏng thường gặp, người bị bỏng có thể gặp tình trạng rất nghiêm trọng, bỏng độ 4. Đây là mức độ bỏng nặng nhất và gây nhiều tổn thương nhất trong các cấp độ của bỏng. Nó bao gồm tất cả các triệu chứng của bỏng độ ba nhưng nặng hơn. Cấp độ này vết thương sẽ lan rộng ra ngoài da, tổn thương đến gân và xương.
Hướng dẫn cách xử trí khi bị bỏng
Cấp độ thứ 1
Vết bỏng cấp độ 1 là bỏng nhẹ và có thể tự lành sau 7 – 10 ngày mà không để lại sẹo. Để xử trí ban đầu, bạn cần cách ly khỏi các tác nhân gây bỏng cho bạn. Sau đó ngâm vết bỏng dưới vòi nước sạch. Bạn nên áp dụng thêm các biện pháp giảm đau đơn giản tại nhà.
Lưu ý khi xử trí vết bỏng tuyệt đối không làm dịu vết thương bằng đá để tránh tăng nặng. Ngoài ra cũng không đắp những thứ khác như kem đánh răng, bơ, trứng lên vết bỏng.
Cấp độ thứ 2
Thông thường, vết bỏng mức độ 2 sẽ mất khoảng 3 tuần để lành vết thương. Hướng xử trí khi bị bỏng cấp độ 2 cũng giống độ 1. Bạn có thể điều trị hầu hết các vết bỏng cấp độ tại nhà. Nhưng do ở mức độ này, vết thương tạo vết phồng rộp nên bạn cần băng lại để tránh nhiễm trùng. Áp dụng thêm các biện pháp giảm đau và kem bôi sẽ giúp giảm thời gian lành vết thương.
Cấp độ thứ 3,4
Bỏng độ 3, độ 4 có tổn thương rất rộng và không có mốc thời gian hồi phục cụ thể. Bạn không nên tự điều trị các vết bỏng độ 3. Sau khi xử trí ban đầu vết bỏng như mức độ 1 và 2, bạn cần được đưa tới bệnh viện ngay lập tức. Lưu ý trong quá trình xử trí ban đầu, không để quần áo chạm vào vết thương nhưng cũng không được cố tách quần áo bị dính vào vết bỏng. Tốt nhất bạn nên cắt xung quang phần vải bị dính vào vết thương sau đó để các chuyên gia y tế xử lí.
Cách làm giảm đau rát khi bị bỏng
Bỏng ở cấp độ 1, 2
Trong các cấp độ của bỏng thì mức độ 1, 2 được coi là bỏng nhẹ. Với độ bỏng nhẹ bạn có thể tự giảm đau tại nhà với các phương pháp đơn giản như:
- Ngâm vết bỏng trong nước mát tối thiểu 5 phút sau khi loại bỏ tác nhân gây bỏng.
- Đặt một miếng gạc mát lên trên vết bỏng để làm dịu vết thương, giảm đau và giảm sưng. Thực hiện trong 5 đến 15 phút.
- Bôi kem hoặc gel lô hội để làm dịu da.
- Sử dụng thuốc giảm đau nhẹ như acetaminophen hoặc ibuprofen.
- Sử dụng thuốc gây tê như lidocain.
- Tránh nhiễm trùng bằng các thuốc mỡ kháng sinh.
- Cách ly vết thương bằng băng gạc.
Trong quá trình giảm đau cần lưu ý:
- Với các vết bỏng bị phồng rộp tránh làm vỡ các bóng nước để tránh nguy cơ nhiễm trùng vết bỏng.
- Sau khi bị bỏng da sẽ trở nên nhạy cảm và sẽ rất nhạy cảm với ánh nắng. Do đó bạn nên hạn chế để vùng da bỏng tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời để tránh bị bỏng nắng.
Bỏng ở cấp độ 3, 4
Ở cấp độ này không nên tự giảm đau ở nhà. Bạn cần được điều trị tại cơ sở y tế bởi các bác sĩ.
Xử lý vết bỏng ban đầu đúng đắn giúp cho việc điều trị được hiệu quả. Vì thế, khi bị bỏng, tùy vào mức độ tổn thương sẽ có những cách chữa trị khác nhau. Hy vọng bài chia sẻ chi tiết về cách xử trí các cấp độ của bỏng sẽ giúp bạn giảm đau và tránh tình trạng nhiễm trùng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Burns: Types, Treatments, and Morehttps://www.healthline.com/health/burns
Ngày tham khảo: 22/11/2021