Thủy đậu: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Thủy đậu là một bệnh lý truyền nhiễm hay gặp tại Việt Nam. Hiện nay, nhiều người vẫn chưa hiểu biết đúng đắn về bệnh lý này. Biểu hiện phát ban toàn thân thường khiến người bệnh lo lắng. Điều trị không đúng cách bằng các bài thuốc dân gian đôi khi khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, việc hiểu biết về thủy đậu có thể giúp mọi người phòng bệnh một cách hiệu quả hơn. Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Văn Trị tìm hiểu qua bài viết sau.
Tổng quan bệnh thủy đậu
Thủy đậu (chickenpox) là một bệnh lý truyền nhiễm gây ra bởi Varicella-zoster virus (VZV). Bệnh lây lan thông qua đường hô hấp hay tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết chứa virus của người đang mắc bệnh.1
Biểu hiện lâm sàng đặc trưng của bệnh là phát ban dạng bóng nước toàn thân ở da và niêm mạc. Bệnh có thể được phòng ngừa được bằng vắc-xin.1
Phần lớn bệnh nhân mắc thủy đậu thường tự khỏi trong 1 – 2 tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể diễn tiến nặng đe dọa tính mạng do các biến chứng như nhiễm trùng da, viêm phổi, viêm não – màng não.1
Nguyên nhân bệnh thủy đậu
Varicella-zoster virus là tác nhân gây ra bệnh thủy đậu. Virus này là một trong các virus thuộc họ Herpesviridae, có bộ gen là 2 chuỗi DNA.
Nguồn lây bệnh duy nhất là người đang mắc bệnh. Nói cách khác, bệnh chỉ lây từ người sang người thông qua 2 con đường chính:
1. Nguyên nhân trực tiếp
Do tiếp xúc với dịch tiết chứa virus từ người đang mắc bệnh (nước bọt, dịch từ bóng nước vỡ).
2. Nguyên nhân gián tiếp
Thông qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn tạo ra trong lúc người bệnh ho, hắt hơi.
Với những đặc tính lây lan như trên, thủy đậu thường dễ xảy ra ở các môi trường đông đúc như nhà trẻ, trường học, ký túc xá… Do đó, trẻ em hay mắc bệnh hơn so với người lớn, đặc biệt là các bé đang trong độ tuổi đi học mẫu giáo, tiểu học hay trung học.
Từ khi có vắc-xin phòng bệnh, tần suất mắc bệnh ở trẻ em giảm đi đáng kể, bệnh có khuynh hướng xảy ra ở người lớn hơn. Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng thường tập trung vào tháng 3 đến tháng 5.
Thủy đậu rất dễ lây, 90% người chưa được tiêm ngừa trước đó sẽ mắc bệnh sau khi tiếp xúc gần với người bệnh. Một người mắc thủy đậu có thể lây bệnh cho người xung quanh từ lúc 1 – 2 ngày trước khi bắt đầu phát ban, kéo dài cho đến khi các bóng nước chuyển sang giai đoạn đóng vẩy.2
Triệu chứng bệnh thủy đậu
Thủy đậu thường diễn tiến qua 4 giai đoạn liên tiếp nhau:2
Giai đoạn ủ bệnh
Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 10 – 20 ngày kể từ sau khi tiếp xúc gần với nguồn lây (người đang mắc thủy đậu), thông thường không có triệu chứng lâm sàng gợi ý.
Giai đoạn khởi bệnh
Giai đoạn này thường kéo dài khoảng 24 – 48 giờ, bệnh nhân có thể có các triệu chứng sau:
- Sốt nhẹ, kèm ớn lạnh. Nếu bệnh nhân có sốt cao cần lưu ý vì đây là triệu chứng gợi ý những trường hợp bệnh nặng.
- Chán ăn.
- Đau đầu.
- Mệt mỏi.
- Phát ban không tẩm nhuận (dùng ngón tay đè lên thì ban biến mất, sau vài giây thì xuất hiện lại). Đây có thể là tiền thân của những bóng nước sau đó.
Giai đoạn toàn phát
Giai đoạn này còn gọi là giai đoạn đậu mọc, thường kéo dài khoảng 1 tuần. Triệu chứng chính ở giai đoạn này là phát ban dạng bóng nước (nốt đậu) ở da và niêm mạc. Bệnh nhân thường giảm hoặc hết sốt ở giai đoạn này. Trường hợp bệnh nhân vẫn còn sốt thì cần lưu ý do bệnh có thể diễn tiến nặng.
Bóng nước ngoài da có các đặc điểm như sau:
- Bóng nước hình tròn hoặc hình giọt nước.
- Đường kính thay đổi khoảng 3 – 13 mm, đa số nhỏ hơn 5 mm.
- Viền da xung quanh bóng nước màu hồng (đôi khi bình thường).
- Bóng nước lúc đầu chứa dịch trong → sau khoảng 24 giờ thì hóa đục → sau vài ngày bóng nước vỡ rồi đóng mài.
- Bóng nước xuất hiện ở thân mình trước, sau đó lan ra mặt và tứ chi.
- Bóng nước mọc nhiều đợt khác nhau, do đó trên một vùng da tại một thời điểm có thể quan sát thấy đồng thời hình ảnh hồng ban, bóng nước trong, bóng nước đục và bóng nước hóa mài.
- Bóng nước có thể ngứa hoặc xuất huyết bên trong.
Khi bệnh nhân có nổi nóng nước trong niêm mạc sẽ có thể có các triệu chứng khác tùy vào vị trí nổi:
- Bóng nước ở miệng gây nuốt đau.
- Bóng nước ở đường ruột gây đau bụng, nôn ói, tiêu chảy.
- Bóng nước ở đường hô hấp gây ho, khó thở.
- Bóng nước ở đường tiểu gây tiểu máu, tiểu rắt.
- Bóng nước ở âm đạo gây xuất huyết âm đạo.
Đôi khi bệnh nhân có thể nổi hạch ở bẹn, nách. Đây là chỉ điểm của những trường hợp bệnh nặng do bội nhiễm vi khuẩn ngoài da.
Mức độ nặng nhẹ của bệnh có liên quan đến số lượng bóng nước. Bóng nước càng nhiều thì bệnh càng nặng. Một số biến chứng nặng đe dọa tính mạng của thủy đậu thường gặp như nhiễm trùng da, viêm phổi, viêm não – màng não…
Giai đoạn hồi phục
Sau khoảng 1 tuần phát ban, hầu hết các bóng nước đã đóng mài. Đối với những người khỏe mạnh, bóng nước khi hồi phục không để lại sẹo. Trường hợp bóng nước bội nhiễm vi khuẩn, bóng nước có thể để lại sẹo nhỏ.
Xử lý bệnh tại nhà có được không?
Phần lớn trường hợp mắc thủy đậu sẽ tự giới hạn và không cần nhập viện. Khi theo dõi điều trị tại nhà, bệnh nhân cần lưu ý các điểm quan trong sau đây.1
Tự cách ly bản thân
Bệnh nhân khi mắc thủy đậu không nên đi làm, đi học vì có thể lây lan bệnh cho người xung quanh. Giai đoạn lây lan nhiều nhất của bệnh thường là trong vòng 5 ngày đầu từ lúc bắt đầu nổi các nốt đậu.
Bệnh nhân cũng cần hạn chế tiếp xúc với người nhà, đặc biệt cần lưu ý nếu trong nhà có phụ nữ mang thai, trẻ <6 tháng tuổi, người cao tuổi hay người mắc bệnh mạn tính khác.
Giữ vệ sinh cá nhân
Làm sạch da bằng cách vệ sinh thân thể là quan trọng nhất. Bệnh nhân có thể sử dụng xà phòng có tính diệt khuẩn hoặc với pha thuốc tím với nước để tắm; thay quần áo nhiều lần trong ngày. Bệnh nhân nên cắt ngắn và vệ sinh móng tay.
Hạ sốt
Trường hợp bệnh nhân mắc thủy đậu có biểu hiện sốt hoặc đau tại vị trí nổi các nốt đậu thì có thể sử dụng acetaminophen (tên gọi phổ biến là paracetamol) để làm giảm các triệu chứng. Đây là một loại thuốc quen thuộc có thể tìm mua một cách dễ dàng ở bất cứ nhà thuốc nào tại Việt Nam.
Giữ mát cơ thể
Nhiệt độ cao và mồ hôi có thể khiến cho bệnh nhân cảm giác ngứa nhiều hơn. Do đó, bệnh nhân có thể sử dụng khăn lạnh và ướt chườm lên vùng da bị ngứa để làm dịu đi triệu chứng.
Bệnh nhân nên ở trong phòng mát mẻ, mặc quần áo dài tay bằng vải mỏng và mềm.
Uống nhiều nước
Việc uống nhiều nước có thể giúp cơ thể đào thải virus nhanh hơn. Bệnh nhân nên uống nước lọc thay vì nước ngọt hay soda, nhất là ở những bệnh nhân có nốt đậu trong niêm mạc miệng.
Bệnh nhân cũng cần nên tránh những thức ăn cứng, có vị cay hoặc mặn vì có thể làm đau miệng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Phần lớn bệnh nhân mắc thủy đậu có thể theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, một số đối tượng sau đây nên đi đến bệnh viện gặp bác sĩ để kiểm tra sức khỏe do có nguy cơ cao xảy ra biến chứng nặng:3
- Phụ nữ có thai.
- Trẻ sơ sinh.
- Người nhiễm HIV.
- Bệnh nhân đang hóa trị ung thư hoặc sử dụng corticoid.
Bệnh nhân mắc thủy đậu mà có một trong các biểu hiện sau đây cũng nên gặp bác sĩ để kiểm tra:
- Bóng nước mọc ở vị trí gần sát với mắt.
- Các bóng nước trở nên đỏ, nóng, căng đau. Đây có thể là dấu hiệu gợi ý tình trạng nhiễm trùng da thứ phát.
- Nổi bóng nước kèm có theo các triệu chứng khác như chóng mặt, lừ đừ, tim đập nhanh, khó thở, run cơ, ho nhiều, nôn ói, cổ cứng hoặc sốt cao > 38,9°C.
Chẩn đoán và điều trị thủy đậu
Phương pháp chẩn đoán
Khi một cá nhân mới phát ban mà không giải thích được, đặc biệt có kèm theo biểu hiện giống như cảm cúm hoặc sốt thì nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán phù hợp.
Thăm khám
Trên thực tế, hầu như các bác sĩ sẽ chẩn đoán thủy đậu dựa trên việc hỏi bệnh sử một cách tỉ mỉ (trình tự các triệu chứng, đặc điểm diễn tiến phát ban, yếu tố tiếp xúc gần với người có nổi bóng nước hay sốt gần đây) kết hợp với việc thăm khám mô tả kỹ càng các sang thương da (bóng nước nổi ở đâu trước, trình tự lan như thế nào, màu sắc, kích thước bao nhiêu, có ngứa hay không…). Việc thực hiện các xét nghiệm thường không cần thiết để giúp chẩn đoán.3
Chính vì vậy, bệnh nhân khi đến khám cần phải cố gắng mô tả cụ thể chi tiết các biểu hiện của bản thân để việc chẩn đoán được chính xác và dễ dàng hơn.
Các xét nghiệm cần thực hiện
Khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có những biểu hiện biến chứng nặng của bệnh hoặc đặc điểm bóng nước không điển hình thì một số xét nghiệm sau có thể cần được thực hiện:
- Công thức máu và CRP (C – reactive protein) để đánh giá mức độ nặng và khả năng bội nhiễm vi khuẩn.
- PCR (polymerase chain reaction) dịch bóng nước để tìm VZV trong trường hợp chẩn đoán khó do đặc điểm bóng nước không điển hình hoặc trong trường hợp bệnh mức độ nguy kịch cần phải có chẩn đoán chính xác để điều trị bổ sung phù hợp.
- Soi phết dịch bóng nước tìm vi khuẩn trong trường hợp nghi ngờ bội nhiễm da (bóng nước sưng đỏ, nóng, căng đau).
- X-quang phổi để đánh giá viêm phổi.
- Chụp MRI (cộng hưởng từ) sọ não trong trường hợp nghi viêm não.
Những cách điều trị bệnh thủy đậu
Phần lớn bệnh nhân mắc thủy đậu sẽ tự giới hạn bệnh trong 5 – 7 ngày nên không cần sử dụng thuốc đặc trị (thuốc kháng siêu vi). Điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm ngứa giúp bệnh nhân giảm nhẹ cảm giác khó chịu là chính yếu.
Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao bị biến chứng của thủy đậu như trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người nhiễm HIV/AIDS, người đang hóa trị ung thư, sử dụng corticoid hay suy giảm miễn dịch… thì việc điều trị bằng thuốc kháng siêu vi là cần thiết.
Thuốc kháng siêu vi thường có hiệu quả cao nhất khi được sử dụng trong vòng 24 giờ kể từ lúc bắt đầu phát ban. Việc điều trị này có thể giúp giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng đến biến chứng cũng như giúp rút ngắn thời gian nhiễm bệnh.4
Các thuốc kháng siêu vi có thể sử dụng để điều trị thủy đậu là acyclovir, valacyclovir, famciclovir.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế (2016), thủy đậu có thể được điều trị bằng acyclovir như sau:5
- Trường hợp người bệnh chưa có biến chứng nặng có thể sử dụng acyclovir đường uống với liều là 800 mg x 5 lần/ngày trong 5 – 7 ngày (20 mg/kg x 4 lần ngày đối với trẻ <12 tuổi).
- Trường hợp bệnh nhân có suy giảm miễn dịch nặng, thủy đậu có biến chứng viêm não ưu tiên điều trị acyclovir đường truyền tĩnh mạch với liều là 20 mg/kg x 3 lần ngày trong 7 ngày.
Các lưu ý khi điều trị thủy đậu
Bệnh nhân khi mắc thủy đậu cần lưu ý các điểm quan trong sau đây:6
- Không được gãi các nốt đậu vì điều này gây bội nhiễm vi khuẩn hoặc khiến tạo sẹo sau khi khỏi bệnh.
- Không nên tiếp xúc gần với trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch vì đây là những đối tượng dễ mắc bệnh nặng.
- Không sử dụng aspirin để hạ sốt cho trẻ <16 tuổi vì có thể gây ra hội chứng Reye.
- Không nên tự ý sử dụng ibuprofen để hạ sốt, giảm đau vì có thể gây ra nhiễm trùng da nguy hiểm.
Dự phòng bệnh thủy đậu
Giống như nhiều bệnh lý truyền nhiễm khác, thủy đậu có thể phòng ngừa được bằng nhiều phương thức khác nhau.
Tiêm phòng vắc-xin
Tiêm phòng vắc-xin ngừa thủy đậu là phương thức phòng ngừa đơn giản và hiệu quả nhất cho đến hiện nay. Tiêm vắc-xin giúp cơ thể chủ động tạo ra kháng thể sẵn sàng chống lại virus mỗi khi tiếp xúc (miễn dịch chủ động).
Vắc-xin thủy đậu là một vắc-xin sống giảm độc lực, được chỉ định cho tất cả trẻ 1 – 12 tuổi (tiêm 1 liều duy nhất) và người lớn (tiêm 2 liều cách nhau 1 tháng) chưa có kháng thể với virus. Vắc-xin thủy đậu có tính an toàn và hiệu quả cao.5
Cần lưu ý, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin thủy đậu khoảng 90 – 95%. Do đó, một số ít trường hợp vẫn có thể bị mắc thủy đậu sau tiêm ngừa (bệnh thường nhẹ và mau hồi phục hơn so với người chưa từng tiêm vắc- xin).3
Vắc-xin thủy đậu là vắc-xin sống giảm độc lực, nhóm đối tượng bệnh nhân sau đây không nên tiêm vắc-xin thủy đậu do có thể bị nhiễm bệnh liên quan đến tiêm vắc-xin:3 7
- Bệnh nhân đang mắc các bệnh lý nặng nguy kịch.
- Bệnh nhân dự định có thai trong vòng 30 ngày sắp tới.
- Bệnh nhân đang hóa trị hoặc xạ trị ung thư.
- Bệnh nhân đang sử dụng corticoid.
- Bệnh nhân suy giảm miễn dịch nặng, như nhiễm HIV.
- Bệnh nhân vừa truyền máu gần đây.
Huyết thanh kháng thủy đậu
Huyết thanh kháng thủy đậu (VZIG – varicella zoster immune globulin) là một loại kháng thể được chiết xuất từ huyết thanh của người đã có miễn dịch với virus. Sử dụng VZIG cung cấp ngay lập tức cho cơ thể một lượng kháng thể chống lại virus.
VZIG được chỉ định cho người có nguy cơ biến chứng nặng do thủy đậu. Sử dụng VZIG sớm, trong vòng 72 giờ, sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh thì mới đảm bảo được hiệu quả bảo vệ.5
Dự phòng không đặc hiệu
Thủy đậu lây lan thông qua đường hô hấp hay tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết chứa virus của người đang mắc bệnh. Hiểu được cách thức lây bệnh, mọi người có thể phòng bệnh bằng cách tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Trường hợp có tiếp xúc thì nên đeo khẩu trang và rửa tay lại bằng xà phòng cũng như vệ sinh môi trường xung quanh bằng các dung dịch có tính sát khuẩn.
Tóm lại, thủy đậu là một bệnh lý truyền nhiễm do Varicella-zoster virus gây ra. Bệnh lây từ người sang người và có biểu hiện đặc trưng là phát ban dạng bóng nước toàn thân.
Trong phần lớn trường hợp, bệnh thường tự giới hạn nên việc điều trị triệu chứng là chủ yếu. Thủy đậu đôi khi có thể diễn tiến đến biến chứng nặng ở đối tượng trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, suy giảm miễn dịch, đang hóa trị ung thư… Acyclovir là thuốc được lựa chọn trong điều trị thủy đậu ở những bệnh nhân nặng.
Trên đây là những thông tin về bệnh thủy đậu. Thủy đậu có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vắc-xin cũng như các biện pháp vệ sinh đơn giản khác như tránh tiếp xúc gần với người bệnh, đeo khẩu trang y tế, rửa tay thường xuyên, dọn dẹp nhà cửa…
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Chickenpoxhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chickenpox/symptoms-causes/syc-20351282
Ngày tham khảo: 15/08/2022
- Nguyễn Văn Hảo (2020). Bệnh truyền nhiễm. Nhà xuất bản Y học. TP. Hồ Chí Minh. Trang: 277-290.
-
Chickenpoxhttps://www.healthline.com/health/chickenpox
Ngày tham khảo: 15/08/2022
-
Current pharmacological approaches to the therapy of varicella zoster virus infections: a guide to treatmenthttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/10188760/
Ngày tham khảo: 15/08/2022
- Bộ Y tế (2016). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh truyền nhiễm. Quyết định số: 5642/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 31 tháng 12 năm 2015. Hà Nội
-
Chickenpoxhttps://www.nhs.uk/conditions/chickenpox/
Ngày tham khảo: 15/08/2022
-
Advances in the treatment of varicella-zoster virus infectionshttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/23886000/
Ngày tham khảo: 15/08/2022