Tạm biệt nỗi sợ xa bố mẹ của bé (Phần 2)
Nội dung bài viết
Biết triệu chứng để nhận ra rối loạn lo âu chia ly, bố mẹ liệu có đặt câu hỏi sau này con lớn lên sẽ như thế nào? Mình có thể làm gì để giúp đỡ con đây?… Hi vọng bài viết có thể giúp trả lời được những băn khoăn về nỗi sợ xa bố mẹ của bé.
Diễn tiến nỗi sợ xa bố mẹ của bé
Lo lắng khi phải rời xa người thân của mình, đó là cảm xúc bình thường cho thấy sự tiến triển của các mối quan hệ gắn kết an toàn (ví dụ: lúc khoảng 1 tuổi, các bé sẽ khóc toáng lên khi “bị” người lạ bồng bế). Rối loạn lo âu chia ly có thể khởi phát sớm ngay từ lúc mới đi học nhà trẻ hoặc mẫu giáo và có thể xảy ra bất kì lúc nào trong suốt thời thơ ấu và hiếm hơn khi ở tuổi thiếu niên.
Điển hình, có những khoảng thời gian bệnh bùng phát và sau đó thuyên giảm đi. Nhưng cũng có vài trường hợp, người bệnh lo lắng và tránh né các tình huống phải tách rời người mà họ gắn bó, kéo dài dai dẳng cho đến tuổi trưởng thành. Có thể các bạn từng đọc, từng nghe tới một tân sinh viên nào đó, quyết định bỏ học đại học vì không thể sống xa mẹ, nhớ mẹ, và mong muốn được về nhà với mẹ. Tuy nhiên đa phần các bé bị rối loạn lo âu chia ly này có thể hết bệnh khi chúng lớn lên.
Biểu hiện của rối loạn lo âu chia ly thay đổi theo độ tuổi khác nhau. Với trẻ nhỏ, chuyện đến trường thường là bị bắt ép, bị cưỡng chế, các bé có xu hướng tránh né, bỏ trốn mỗi sáng khi bố mẹ xách cặp và thông báo “hôm nay đi học”, các bạn có thể tưởng tượng ra cảnh bé khóc lóc, van nài, vật lộn, sống chết một hai không chịu đi học. Các bé này thường không biểu hiện lo lắng hoặc sợ hãi cụ thể về mốt mối đe dọa sắp phải xa gia đình, xa nhà cho đến khi đối mặt thực sự với tình huống đó.
Với các bé lớn hơn, chúng thường lo lắng những điều tồi tệ sắp xảy ra như tai nạn, bắt cóc, lừa đảo thậm chí là chết hoặc luôn bận tâm về việc không được đoàn tụ với người mà bé gắn bó. Còn với người lớn, rối loạn lo âu chi ly là rào cản để họ có thể đối mặt, xử lí những thay đổi trong các tình huống phải tách xa người được gắn kết như đi học, đi làm xa nhà, kết hôn…
Họ thường bận tâm quá mức về con cái, vợ hoặc chồng và cảm thấy khó chịu khi phải xa những người đó. Những người mắc rối loạn này không thể tập trung hoàn thành công việc của mình bởi còn “bận” kiểm tra liên tục xem con/vợ/chồng đang ở đâu.
Bạn có thể làm gì để ngăn ngừa rối loạn lo âu chia ly ở trẻ?
Thực sự, các chuyên gia cũng không biết cách để phòng ngừa rối loạn này. Nhưng nếu bạn chú ý bé nhà mình có các triệu chứng của bệnh, bạn có thể giúp bằng cách đưa bé đi khám tâm thần để được đánh giá toàn bộ ngay khi có thể. Việc điều trị sớm có thể làm giảm triệu chứng và cải thiện sự phát triển bình thường của trẻ, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Điều trị nỗi sợ xa bố mẹ như thế nào?
Điều trị phụ thuộc vào triệu chứng, tuổi và tình trạng sức khỏe chung, bao gồm sự phối hợp các liệu pháp dưới đây:
- Liệu pháp nhận thức hành vi: Đây là một liệu pháp tâm lý giúp bé học cách xử lý nỗi lo sợ của mình tốt hơn, mục đích là để bé làm chủ những tình huống khiến mình lo lắng.
- Thuốc: Một số loại thuốc (nếu cần) có thể giúp bé cảm thấy bình tĩnh hơn.
- Liệu pháp gia đình: Bố mẹ luôn đóng một vai trò quan trọng trong mọi tiến trình điều trị.
Bố mẹ có thể làm gì để giúp bé sống với rối loạn lo âu chia ly?
Là bố mẹ, bạn có thể giúp cho bé bằng cách:
- Giúp đảm bảo tất cả cuộc hẹn với bác sĩ hoặc tâm lý gia được thực hiện.
- Thể hiện sự ủng hộ, khuyến khích trẻ tự lập phù hợp với lứa tuổi.
- Nhận ra những tình huống mà có thể gây căng thẳng cho trẻ, sau đó cùng với trẻ chuẩn bị lên kế hoạch để đương đầu với những áp lực đó.
- Đừng ngại ngần nói với những người khác về việc bé bị rối loạn lo âu chia ly, đặc biệt là giáo viên của bé, vì có thể bạn sẽ cần nhờ giáo viên hỗ trợ trấn an bé trong những tình huống nhất định.
Như vậy qua hai bài viết về rối loạn lo âu chia ly, có một số điểm chính bạn nên nhớ:
- Rối loạn lo âu chia ly là một vấn đề sức khỏe tâm thần. Một đứa trẻ bị bệnh thường lo lắng nhiều về việc chia xa những người gần gũi với bé.
- Nguyên nhân là do yếu tố sinh học và môi trường
- Các triệu chứng nặng hơn lo lắng chia ly thông thường mà gần như mỗi đứa trẻ từ 18 tháng đến 3 tuổi đều có.
- Thăm khám tâm thần bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần là cần thiết để chẩn đoán bệnh.
- Điều trị là sự kết hợp giữa liệu pháp tâm lý và thuốc.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- American Psychiatric Association (2013) Diagnostic and statistical manual of mental disorders, fifth edition, American Psychiatric Publishing, pp. 190-193.
-
Separation Anxiety Disorder in Childrenhttps://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=separation-anxiety-disorder-90-P02582
Ngày tham khảo: 23/09/2019