Lo âu khi nào là bệnh? (Phần 1)
Nội dung bài viết
Bạn có cảm thấy bản thân mình là một người hay suy nghĩ, lo lắng quá nhiều? Bạn không thể kiểm soát được trong nhiều việc diễn ra suốt cả ngày cả khi ăn, ngủ hay bất cứ việc gì? Liệu rằng những biểu hiện này của bạn có phải là bệnh? Hãy theo dõi chuỗi bài viết về lo âu để có câu trả lời phù hợp nhất cho bản thân nhé!
Lo âu là thế nào?
Lo âu hay lo lắng là cảm giác khó chịu, mơ hồ, bao trùm cả cơ thể đi kèm với các triệu chứng như:
- Đau đầu;
- Vã nhiều mồ hôi;
- Tim đập nhanh “bình bịch” như muốn rớt ra ngoài;
- Bụng dạ cảm thấy cồn cào;
- Đứng ngồi không yên, đi đi lại lại.
Lo âu và sợ – Giống hay khác nhau?
Lo lắng như là một dấu hiệu cảnh báo, giúp cơ thể nhận ra có những mối nguy đang đến gần. Cảm giác lo lắng gần như là một động lực để bản thân tìm cách giải quyết tình huống đó.
Trong khi đó, sợ cũng là tín hiệu cảnh báo tương tự như lo lắng. Nhưng khác ở chỗ, sợ là một đáp ứng với một mối nguy đã biết, xác định rõ, tồn tại ngay trước mắt.
Lo âu là đáp ứng với một mối nguy hại chưa được xác định rõ là có tồn tại hay không, mơ hồ, xảy ra bên trong cơ thể của người lo lắng.
Ví dụ:
Bạn đang đi đường và nhìn thấy một con hổ đang nhe răng nhìn chằm chằm sau đó là rượt đuổi bạn. Chắc chắn lúc đó bạn sẽ sợ hãi đứng giữa hai lựa chọn hoặc “chiến đấu” đánh nhau với hổ hoặc chạy té khói, đó là sợ.
Còn khi đang đi trên đường, xe đang bon bon chạy nhưng bạn cứ nghĩ “Không biết có bị trễ giờ làm hay không?” Hoặc “Không biết có chạy kịp về nhà để dọn đồ trước khi trời mưa hay không?”.
Tình trạng trên là là lo lắng. Tình huống chưa xảy ra, bạn cứ mãi hỏi “có hay không”. Như vậy, dù có những đặc điểm trùng lắp nhau nhưng điểm khác biệt giữa hai khái niệm này là đột ngột sợ hãi và âm ỉ lo lắng.
Phân loại các rối loạn lo âu
Theo phân loại của DSM-5 (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorder – Sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần) nhóm rối loạn lo âu được phân thành nhiều nhóm nhỏ. Bao gồm:
- Rối loạn lo âu lan tỏa
- Rối loạn hoảng loạn
- Rối loạn lo âu chia ly
- Rối loạn sợ khoảng rộng (agora-phobia)
LO ÂU KHI NÀO LÀ BẤT THƯỜNG?
Việc lo lắng trở nên bất thường là khi bạn lo lắng “quá mức và không thể kiểm soát được”.
Rõ ràng rằng, mọi người đều lo, không lúc này thì là lúc khác. Đây là điều bình thường. Tuy nhiên, lo lắng trở thành vấn đề sức khỏe tâm thần khi nó chiếm phần lớn thời gian trong ngày, họ lo nhiều hơn người khác.
Một khi đã bắt đầu nghĩ ngợi thì không thể dừng được. Họ liên tục lo lắng từ chuyện này sang chuyện khác.
Những biểu hiện của mức độ lo âu
Lo “bình thường” | Rối loạn lo âu lan tỏa |
Không ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày | Lo lắng ảnh hưởng rõ rệt đến công việc, hoạt động, quan hệ xã hội |
Kiểm soát được | Không thể kiểm soát được |
Làm bạn không vui chứ không phải gây ra sự khó chịu | Làm bản thận cực kì khó chịu, căng thẳng |
Giới hạn lo trong một số chủ đề | Tất cả mọi thứ đều có xu hướng tồi tệ nhất |
Lo từng đợt kéo dài chỉ trong một thời gian ngắn | Lo phần lớn mỗi ngày trong ít nhất 6 tháng |
NHẬN DIỆN RỐI LOẠN LO ÂU LAN TỎA NHƯ THẾ NÀO?
Với một người bị rối loạn lo âu lan tỏa, họ cũng lo về những chủ đề mà người bình thường hay lo. Chỉ khác là lo nhiều và nhiều hơn những người khác. Một điểm chung thường gặp ở các mối lo của họ là: lo về những điều nhỏ nhặt, như là lo trễ hẹn và ra những quyết định nhỏ.
Họ thường tự hỏi chính mình: “Nếu mình bị trễ hẹn thì sao?” hay “Nếu tôi coi bộ phim này và không thích nó thì sao? Tôi thích bộ phim khác thì sao?”
Giống như tên gọi của rối loạn này, “lan tỏa” để chỉ người bệnh lo về tất tần tật các vấn đề trong cuộc sống.
Biểu hiện của rối loạn lo âu:
- Suy nghĩ, lo lắng về công việc, học tập. Ví dụ như lo về kì thi, biểu hiện của bản thân trước sếp, đồng nghiệp có tốt không. Những câu hỏi thường gặp là: “Nhỡ mình thi rớt thì sao?”, “Không nộp bản báo cáo đúng hạn thì thế nào?”, “Công việc tôi đang làm có phải là một sai lầm không?”,…
- Với bạn bè và gia đình, họ lo về các mối quan hệ có được hòa hợp, có làm vừa lòng người khác hay không?
- Lo sức khỏe của bản thân và những mọi người trong gia đình có bị tai nạn, ung thư hay bị bệnh hiểm nghèo nào không?
- Bạn lo vận mệnh tương lai của thế giới, môi trường, chiến tranh xảy ra, người già, em bé lang thang không được chăm sóc về y tế, giáo dục,…
Những suy nghĩ này luôn xâm chiếm đầu óc bạn. Bạn muốn dứt nó ra nhưng chẳng thể được. Bạn không thể tin tưởng chắc chắn điều gì, bạn cần biết chuyện gì sắp xảy ra,…
Lo âu còn ảnh hưởng lên cả hành vi và gây ra các triệu chứng cơ thể khác. Tìm hiểu thêm về triệu chứng này: Lo âu khi nào là bệnh? (Phần 2)
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.