YouMed

Bệnh bạch cầu cấp: 9 điều cần biết về căn bệnh máu trắng

bác sĩ đinh gia khánh
Tác giả: Bác sĩ Đinh Gia Khánh
Chuyên khoa: Huyết học - Truyền máu

Bạch cầu cấp, hay lơ-xê-mi cấp, là một bệnh lý của hệ tạo máu. Đây là cụm từ được nhắc trên các phương tiện truyền thông với cái tên quen thuộc hơn là “bệnh bạch cầu” hay dân dã hơn là “bệnh máu trắng”. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc một số thông tin cơ bản để hiểu rõ hơn về bản chất của bệnh và các dấu hiệu nghi ngờ cần lưu ý.

1. Bệnh bạch cầu cấp là gì?

Đây là một bệnh lý ác tính của hệ tạo máu, một trong những bệnh của nhóm bệnh ung thư máu. Các tế bào ác tính tăng sinh trong tuỷ xương sẽ làm ức chế sự phát triển của những tế bào máu bình thường. Khi chúng lan tràn ra ngoài máu ngoại biên sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

2. Bệnh phổ biến như thế nào?

Bạch cầu cấp là bệnh lý ung thư máu thường gặp nhất. Dữ liệu từ Dự án Quan sát Ung thư Toàn cầu (GLOBOCAN) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2018: Ở Việt Nam, bệnh bạch cầu đứng thứ 7 trong tất cả ung thư mới mắc, nhưng là nguyên nhân tử vong đứng thứ 5, sau ung thư gan, ung thư phổi và ung thư vú.

Bạch cầu cấp là căn bệnh rất nguy hiểm
Bạch cầu cấp là căn bệnh rất nguy hiểm

3. Đối tượng nào có thể bị bệnh bạch cầu cấp?

Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên trẻ em và người lớn có một chút khác biệt về thể bệnh bạch cầu cấp thường gặp. Bạch cầu cấp được chia làm hai dòng chính: bạch cầu cấp dòng tuỷ (người lớn mắc nhiều hơn) và bạch cầu cấp dòng lympho (trẻ em mắc nhiều hơn).

Đừng bỏ qua việc tìm hiểu các thông tin cần thiết trước khi đi khám bệnh. Xem thêm: Bỏ túi những điều cần chuẩn bị trước khi đi khám bệnh bạch cầu cấp dòng lympho.

4. Nguyên nhân

Cũng như nhiều loại ung thư khác, nguyên nhân của bạch cầu cấp không rõ ràng. Nhiều yếu tố đã được chứng minh có sự liên quan đến bệnh như là độc chất, tia xạ, sự lão hoá, môi trường ô nhiễm…

Ngày nay, với sự tiến bộ của ngành sinh học phân tử, chúng ta đã tìm ra được một số đột biến trong cấu trúc di truyền là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh bạch cầu cấp. Tuy nhiên, nguyên nhân phát sinh các đột biến này vẫn còn là một ẩn số.

5. Bệnh biểu hiện như thế nào?

Do các tế bào máu bình thường bị các tế bào ác tính “chèn ép”, người bệnh sẽ có các triệu chứng sau:

  • Thiếu máu: Xanh xao, mệt mỏi, hay chóng mặt, giảm trí nhớ, giảm sức tập trung. Trẻ em thì chậm lớn, hoạt động thể lực hằng ngày bị giảm sút…
  • Xuất huyết: Người bệnh dễ bị bầm da, các chấm xuất huyết, các đốm mảng bầm có thể xuất hiện mà không có va chạm gì. Có thể chảy máu ở các cơ quan khác như chảy máu răng, chảy máu kết mạc mắt, chảy máu mũi, tiêu phân đen, tiểu máu, rong kinh, nặng nề nhất có thể là xuất huyết não.
  • Sốt/Nhiễm trùng: Người bệnh có thể sốt cao kéo dài nhiều ngày, điều trị thông thường không thể dứt sốt. Nguyên nhân sốt có thể là do các tế bào ác tính giải phóng ra các chất trung gian gây sốt. Hoặc cơ địa bị suy giảm miễn dịch của bệnh nhân bị bạch cầu cấp.
  • Các triệu chứng xâm lấn của tế bào ác tính: gan lách to, nổi hạch, đau đầu, nôn ói, sưng đau nướu răng…
Bạn nên lưu ý các triệu chứng của bệnh
Bạn nên lưu ý các triệu chứng của bệnh

6. Bệnh bạch cầu cấp điều trị như thế nào?

  • Phương thức điều trị chủ yếu của bệnh là hoá trị liệu, sử dụng các thuốc có hoạt tính chống tế bào ung thư. Những thuốc này lợi dụng đặc điểm tăng sinh nhanh không kiểm soát của các tế bào ác tính mà tiêu diệt chúng, trong khi các tế bào bình thường ít bị ảnh hưởng hơn.
  • Điều trị hỗ trợ: Trong quá trình điều trị, chắc chắn bác sĩ sẽ phải sử dụng đến các chế phẩm máu như hồng cầu lắng, tiểu cầu để bổ túc cho bệnh nhân suy tuỷ do thuốc. Các kháng sinh mạnh cũng sẽ được cân nhắc sử dụng để điều trị nhiễm trùng.
  • Xạ trị (Sử dụng tia xạ để diệt tế bào ung thư) có vai trò hạn chế hơn, thường được dùng với vai trò dự phòng xâm lấn thần kinh.
  • Ghép tế bào gốc tạo máu: Đây là một phương pháp điều trị triệt để cùng với hoá trị liệu. Những bệnh nhân có chỉ định ghép tế bào gốc sẽ được khảo sát độ tương thích tế bào gốc với anh chị em ruột hoặc người tình nguyện. Sau đó sẽ tiến tới ghép tế bào gốc tạo máu. Đây là phương thức có thể điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, nhưng bệnh nhân cũng sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ trong quá trình ghép. Chỉ định này sẽ được hết sức cân nhắc bởi các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm.

7. Bệnh bạch cầu cấp có nguy hiểm không? Người bệnh sống được bao lâu?

Nhìn chung, bạch cầu cấp là một bệnh tiên lượng xấu. Nếu không được điều trị kịp lúc, người bệnh có thể tử vong trong vòng vài ngày đến vài tuần bởi sự tiến triển nhanh của các tế bào ác tính.

Mặc dù được gọi chung là bạch cầu cấp, nhưng các thể bệnh có thể được điều trị rất khác nhau và tiên lượng cũng hoàn toàn khác nhau.

Nếu được điều trị đúng cách, tuỳ theo thể trạng, tỉ lệ sống 5 năm của bệnh nhân bạch cầu cấp là từ 24% đến 95%. Tỉ lệ sống còn cao nhất rơi vào nhóm bạch cầu cấp dòng lympho ở trẻ em và thấp nhất là bạch cầu cấp ở người lớn tuổi.

Bạn nên quan sát các biểu hiện của bệnh ở trẻ để có thể điều trị hiệu quả hơn. Tìm hiểu thêm trong bài viết: Bạch cầu cấp trẻ em: Cách nhận biết và điều trị bệnh hiệu quả.

Trẻ em có khả năng sống cao hơn người lớn khi mắc bệnh
Trẻ em có khả năng sống cao hơn người lớn khi mắc bệnh

8. Bệnh nhân và người thân cần lưu ý gì trong quá trình điều trị?

Quá trình điều trị bệnh rất gian nan. Một trong những vấn đề khó khăn nhất đó là nhiễm trùng. Cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý uống thêm thuốc nam, thuốc bắc.
  • Vệ sinh xung quanh, rửa tay thường xuyên trong quá trình thăm nuôi.
  • Hạn chế thăm nuôi.
  • Hạn chế các thức ăn mua từ bên ngoài, tham vấn bác sĩ trước khi cho bệnh nhân ăn uống.
  • Giữa các đợt xuất viện của bệnh nhân, hạn chế cho bệnh nhân đến chốn đông người. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần vận động nhẹ nhàng thường xuyên theo hướng dẫn.
  • Tuyệt đối không uống rượu bia và các chất kích thích.

Bệnh bạch cầu cấp có thể mắc ở bất kỳ lứa tuổi nào. Khi có triệu chứng bất thường, hãy đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa Huyết học hoặc Ung bướu để được tư vấn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. TÌM HIỂU VỀ BỆNH BẠCH CẦU CẤP (UNG THƯ MÁU): CHẨN ĐOÁN VÀ CÁCH CHỮA TRỊhttp://bthh.org.vn/74/tim-hieu-ve-benh-bach-cau-cap-ung-thu-mau-chan-doan-va-cach-chua-tri-226.html

    Ngày tham khảo: 11/10/2019

  2. Bray, F., et al., Global cancer statistics 2018: GLOBOCAN estimates of incidence and mortality in Viet Nam 2018

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người