Bệnh chàm da (Eczema): Điều trị và phòng ngừa tái phát
Nội dung bài viết
Chàm da là bệnh lý lành tính và có thể điều trị được, tuy nhiên không thể trị khỏi dứt điểm vì vậy điều quan trọng trong quản lý và chăm sóc bệnh là ngăn ngừa, dự phòng bệnh ít tái phát nhất có thể. Trong bài viết này, Bác sĩ chuyên khoa Da liễu Võ Thị Ngọc hiền sẽ trình bày những phương pháp điều trị và cách chăm sóc da giúp góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bị bệnh chàm.
Điều trị chàm da (Eczema)?
Nguyên nhân gây nên bệnh chàm da rất phức tạp và vẫn chưa được biết rõ. Vì thế các phương pháp điều trị hiện nay chỉ nhằm giải quyết các triệu chứng khi bệnh khởi phát mà không giúp loại bỏ bệnh vĩnh viễn.
Nguyên tắc điều trị
- Dùng thuốc.
- Chăm sóc da.
- Tránh các yếu tố gây dị ứng.
- Điều trị tâm lý.
Điều trị cụ thể
1. Thuốc bôi
- Khi có các triệu chứng như mẩn đỏ, nổi mụn nước hay ngứa, người bệnh nên nhanh chóng đến khám chuyên khoa da liễu để được bác sĩ thăm khám và điều trị thích hợp, tránh để bị nhiễm trùng nặng hơn.
- Bác sĩ thường lựa chọn các loại thuốc bôi có chứa thành phần Corticoid giúp làm giảm sưng, giảm viêm một cách nhanh chóng.
Lưu ý, người bệnh nên bôi thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng thêm vì thuốc có các tác dụng phụ khi sử dụng quá liều hay quá thời gian quy định.
Xem thêm: Lang Ben có chữa được không?
2. Thuốc giảm ngứa
- Khi bị bệnh chàm sẽ có triệu chứng châm chích, ngứa rất khó chịu có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ và khả năng làm việc của người bệnh.
- Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng histamin giúp giảm nhanh triệu chứng ngứa, cải thiện giấc ngủ và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
- Đối với trẻ em, có thể sử dụng thuốc giảm ngứa dưới dạng chế phẩm si rô.
3. Thuốc kháng sinh
Trong trường hợp tại vùng da bị chàm có nhiễm trùng kèm theo, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng sinh uống giúp diệt vi khuẩn và kháng viêm, giúp vết thương nhanh chóng phục hồi.
4. Chăm sóc da
- Làm sạch vùng da bị chàm và sử dụng các dung dịch sát khuẩn để phòng ngừa bị nhiễm trùng.
- Tránh cào gãi làm vỡ các mụn nước tại vùng da này dẫn đến rỉ dịch và dễ bị nhiễm trùng.
- Bảo vệ vùng da đang viêm khỏi các loại xà phòng, chất tẩy rửa mạnh để không làm bệnh trở nên nặng hơn.
- Khi vùng da bị chàm trở nên khô và tróc vảy, người bệnh nên thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên nhiều lần trong ngày để giúp phục da được phục hồi.
Xem thêm: Điều trị bệnh vảy nến như thế nào?
5. Tránh các yếu tố dị ứng
Người bị bệnh chàm nên tránh xa các yếu tố dị ứng từ thức ăn, động vật, thực vật, hóa chất, môi trường… trong thời gian điều trị để phòng ngừa bệnh trở nặng hơn hay bùng phát tại vị trí khác của cơ thể.
6. Điều trị tâm lý
Các triệu chứng như ngứa, dày da, biến dạng da làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chất lượng cuộc sống và gây trở ngại về tâm lý cho người bị bệnh chàm.
Thường xuyên hướng dẫn người bệnh cách phòng ngừa bệnh và điều trị phục hồi thẩm mỹ cho người bệnh góp phần giúp họ dễ dàng chấp nhận bệnh và tăng chất lượng cuộc sống.
Phòng ngừa chàm da tái phát?
Vì hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị bệnh chàm triệt để nên cách tốt nhất là phòng ngừa bệnh tái phát cho các bệnh nhân bị bệnh chàm.
Nguyên nhân bệnh gây ra do sự kết hợp giữa hai yếu tố là di truyền và môi trường. Vì chúng ta không thể làm thay đổi được cơ địa do yếu tố di truyền của bệnh nhân nên sẽ tập trung vào phòng tránh các yếu tố gây dị ứng từ môi trường.
Lưu ý, mỗi cá nhân sẽ có những yếu tố gây dị ứng khác nhau, vì thế không khuyên người bệnh tránh xa tất cả các yếu tố mà chỉ hạn chế tiếp xúc với các yếu tố khiến cho bản thân mình bị bùng phát bệnh chàm. Các yếu tố được khảo sát là nguyên nhân thường gây ra bệnh chàm ở nhiều người đó là:
Thực phẩm
Hạn chế ăn các loại thực phẩm gây dị ứng như trứng, sữa, hải sản, đậu phộng và thức ăn lên men (chao, mắm)…
Động vật, thực vật
Không tiếp xúc với lông chó, mèo hay các sản phẩm làm từ da, lông thú khi nghi ngờ mình bị dị ứng từ các tác nhân này.
Không trồng các loại cây gây dị ứng trong nhà hoặc xung quanh nhà.
Hóa chất
Không sử dụng các loại xà phòng, chất tẩy rửa mạnh hay mỹ phẩm, nước hoa chứa nhiều hương liệu để tránh xảy ra kích ứng.
Ưu tiên sử dụng các loại sản phẩm có pH trung tính, thành phần lành tính và ít gây dị ứng.
Chăm sóc da
Dưỡng ẩm da thường xuyên mỗi ngày và sau khi tắm để tránh khô da.
Không tắm nước quá nóng hoặc tắm quá lâu sẽ làm cho da bị khô.
Bảo vệ da khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường như nắng, gió và bụi bẩn.
Xem thêm: Những điều bác sĩ muốn bạn biết về làn da khô
Phòng tránh stress
Có chế độ sinh hoạt, học tập, làm việc và giải trí phù hợp để không bị căng thẳng thường xuyên kéo dài.
Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng cường độ dẻo dai và hệ miễn dịch của cơ thể.
Bệnh chàm là một bệnh lý da lành tính, không lây và có thể điều trị. Tuy nhiên, bệnh rất hay tái phát và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tâm lý của người bệnh. Điều quan trọng trong quản lý bệnh chàm là chăm sóc sao cho bệnh ít tái phát nhất có thể.
Các biện pháp chăm sóc kể trên rất đơn giản và hiệu quả trong việc ngăn ngừa chàm tái phát góp phần giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Bệnh chàm da, Bệnh Da liễu. Đại học Y dược TPHCM.