YouMed

Quai bị: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa

BS Tô Hồng Phương Thanh
Tác giả: Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh
Chuyên khoa: Truyền nhiễm

Quai bị luôn là một trong những bệnh truyền nhiễm được nhiều người quan tâm. Vậy, thực chất, bệnh quai bị là gì? Dấu hiệu như thế nào? Nguyên nhân gì gây ra bệnh lý này? Cùng Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh tìm hiểu những vấn đề trên, cũng như các thông tin liên quan đế quai bị qua bài viết dưới đây.

Quai bị là gì?

Quai bị là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến tuyến nước bọt. Những tuyến này chịu trách nhiệm sản xuất nước bọt. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là sưng tuyến nước bọt.1

Hiện nay, bệnh quai bị là nguyên nhân duy nhất có thể gây dịch viêm tuyến nước bọt. Phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh được phát hiện vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân.2

Quai bị có các đợt bùng phát dịch xảy ra khoảng 5 năm một lần ở những vùng chưa được tiêm phòng. Virus gây bệnh có khả năng lây nhiễm cao và lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt hô hấp, nước bọt và vật dụng gia đình.2

Quai bị là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra
Quai bị là bệnh truyền nhiễm do virus gây ra

Nguyên nhân gây ra quai bị?

Bệnh quai bị do Rubulavirus gây ra, đây là virus thuộc họ paramyxoviridae. Virus này là một paramyxovirus RNA sợi đơn và con người chúng ta là vật chủ tự nhiên duy nhất của virus. Virus có thời gian ủ bệnh thay đổi từ 7 đến 21 ngày. Bệnh dễ lây nhất trong giai đoạn từ ​​1 đến 2 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng. Virus thường trú ở biểu mô niêm mạc đường hô hấp trên. Bất kỳ ai cũng có thể mắc quai bị, bất kỳ độ tuổi hay giới tính nào.2

Nhiều người thường thắc mắc bệnh quai bị có lây hay không? Bệnh sẽ lây truyền qua những đường nào?

Virus quai bị có đặc điểm lây truyền qua dịch tiết đường hô hấp từ người đang bị nhiễm bệnh. Khi mắc bệnh, virus di chuyển từ đường hô hấp đến tuyến nước bọt và tăng sinh khiến tuyến sưng lên. Để hiểu rõ hơn về cơ chế lây truyền và những con đường lây truyền quai bị, bạn đọc có thể tham khảo bài viết Bệnh quai bị có lây không và câu trả lời của bác sĩ. Việc hiểu rõ cơ chế lây truyền của bệnh sẽ giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc phòng ngừa.

Triệu chứng quai bị là gì?

Các triệu chứng của quai bị thường xuất hiện sau 2-3 tuần sau khi nhiễm bệnh.3 Tiền triệu chứng của bệnh bao gồm các triệu chứng không đặc hiệu. Những triệu chứng giai đoạn ban đầu khá giống với triệu chứng của cúm. Ví dụ như: sốt nhẹ, đau đầu, đau cơ, chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, nôn,…2

Những ngày sau đó, những triệu chứng điển hình sẽ bắt đầu xuất hiện. Nhiều người thắc mắc quai bị sẽ bị sưng ở đâu?

Triệu chứng chính là sưng và đau tuyến mang tai, sưng tuyến nước bọt. Viêm tuyến mang tai do quai bị là biểu hiện thường gặp nhất của virus xảy ra trên 70% các trường hợp nhiễm bệnh. Vùng sưng mang tai là vùng giữa dái tai và góc hàm dưới. Niêm mạc của ống Stenson thường đỏ và sưng lên cùng với sự tham gia của các tuyến dưới hàm và dưới hàm. Viêm tuyến thường xuất hiện, nhưng sau đó giảm dần trong vòng một tuần. Ngoài ra, những triệu chứng kèm theo có thể là đau khi nuốt, khó nuốt, sốt, miệng khô, đau khớp,…2

Dấu hiệu điển hình kể trên của bệnh quai bị, đặc biệt là viêm tuyến nước bọt sẽ giúp nhận biết bệnh và điều trị kịp thời.

Người bệnh quai bị sẽ có góc hàm sưng to do tuyến nước bọt sưng viêm
Người bệnh quai bị sẽ có góc hàm sưng to do tuyến nước bọt sưng viêm

Những ai có nguy cơ cao mắc bệnh quai bị?

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh quai bị bao gồm:1 2

  • Những người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao, chẳng hạn như bệnh viện hoặc trường học.
  • Trẻ em từ 6 đến 12 tháng tuổi.
  • Trẻ từ 4 đến 6 tuổi.
  • Người bị suy giảm miễn dịch.
  • Người chuẩn bị đi du lịch nước ngoài là vùng dịch tễ của quai bị.
  • Người chưa tiêm phòng quai bị trước đây.

Biến chứng bệnh quai bị

Biến chứng của bệnh này khá đa dạng ở cả nam và nữ. Đặc biệt, bệnh có biến chứng tại cơ quan sinh sản. Những biến chứng của quai bị thường gặp ở người lớn nhiều hơn trẻ em. Nhiễm trùng các tế bào đơn nhân trong các hạch bạch huyết khu vực thúc đẩy virus trong máu dẫn đến viêm toàn thân ở tuyến nước bọt, tinh hoàn, buồng trứng, tuyến tụy, tuyến vú và hệ thống thần kinh trung ương.

Biến chứng ở nam giới

  • Viêm tinh hoàn hay còn gọi là viêm tinh hoàn quai bị là biến chứng xảy ra với 1/5 nam giới mắc bệnh. Tinh hoàn thường bị sưng nề và đau. Biểu hiện viêm sẽ giảm dần trong vòng 1 tuần. Bệnh nhân có thể dùng túi lạnh chườm lên phần sưng nề vài lần mỗi ngày để giảm đau.3
  • Teo tinh hoàn phát triển ở một nửa số người bị bệnh.2
  • Vô sinh và hiếm muộn sau khi nhiễm quai bị là rất hiếm và xảy ra dưới 15% trường hợp.2

Biến chứng ở nữ giới

  • Viêm buồng trứng thường gặp ở nữ giới bị quai bị. Trong đó, biển hiện điển hình là sưng, viêm và đau nhưng không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của buồng trứng. Viêm buồng trứng cũng hiếm gặp ở những phụ nữ bị nhiễm bệnh với dưới 5% bị vô sinh hoặc tiền mãn kinh.2
  • Biến chứng ở phụ nữ mang thai khi bị quai bị là có nguy cơ sảy thai cao hơn so với phụ nữ mang thai không bị bệnh. Nguy cơ sảy thai xảy ra đặc biệt là khi phụ nữ nhiễm bệnh vào tuần 12-16 của thai kỳ.3

Một số biến chứng có thể xảy ra khác có thể gặp ở cả nam lẫn nữ bao gồm:2 3

  • Viêm tuyến nước bọt tái phát là một biến chứng thường gặp của bệnh viêm tuyến mang tai.
  • Viêm tụy xảy ra ở 1/20 người mắc bệnh. Triệu chứng của viêm tụy bao gồm đau phần bụng trên rốn, buồn nôn, nôn.
  • Quai bị có thể dẫn đến các tổn thương thần kinh như viêm não, viêm màng não,… Những biến chứng này có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Viêm não là tình trạng nhiễm khuẩn tại não. Trong khi đó, viêm màng não cho thấy nhiễm trùng tại khu vực quanh tuỷ sống và não. Biến chứng này có biểu hiện co giật, lơ mơ, hôn mê, đau đầu dữ dội.
  • Mất thính lực là biến chứng hiếm gặp nhưng cực kỳ nghiêm trọng của quai bị. Biến chứng này có thể gặp ở 1/15.000 ca bệnh. Virus có thể xâm nhập vào cấu trúc bên trong tai, đặc biệt là phần ốc tai. Điều này có thể dẫn đến mất thính giác.
  • Ngoài ra, còn có thể có những biến chứng khác như hội chứng Guillain Barre, viêm tuyến giáp, viêm vú, viêm đa dây thần kinh, viêm phổi, viêm khớp.
Mất thính giác là biến chứng cực kỳ nặng nề, cần được nghĩ đến và theo dõi
Mất thính giác là biến chứng cực kỳ nặng nề, cần được nghĩ đến và theo dõi

Quai bị được chẩn đoán bằng cách nào?

Chẩn đoán lâm sàng

Thông thường, quai bị được chẩn đoán dựa trên lâm sàng điển hình. Các bác sĩ sẽ thăm khám tuyến nước bọt 2 bên mặt và vị trí của amidan. Khi nhiễm bệnh, amidan của người bệnh sẽ đẩy lệch sang một bên.3 Ngoài ra, bác sĩ sẽ hỏi thông tin về những triệu chứng khác như đau đầu, đau cơ, chán ăn, mệt mỏi,…

Chẩn đoán bằng xét nghiệm

Xét nghiệm thường không cần thiết để chẩn đoán nhiễm virus quai bị. Tuy nhiên, trong các trường hợp nghi ngờ, xét nghiệm các bệnh nhiễm virus khác như HIV, cúm là cần thiết. Staphylococcus aureus cũng là nguyên nhân có thể gặp gây viêm tuyến mang tai.2

Những xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán bao gồm:2 3

  • Xét nghiệm máu, nước tiểu và nước bọt.
  • Kết hợp xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm kháng thể IgM huyết thanh. Mẫu lấy khi xét nghiệm RT-PCR có thể thực hiện ở cả huyết thanh và dịch tiết của miệng. Ở lần xét nghiệm đầu tiên khi nghi ngờ nhiễm quai bị, cần thu thập 2 mẫu bệnh phẩm: mẫu xét nghiệm lấy từ niêm mạc hoặc dịch tiết ở miệng và mẫu thứ 2 là bệnh phẩm huyết thanh giai đoạn cấp tính kháng thể IgM, kháng thể IgG và RT-PCR virus. Lấy bệnh phẩm ở miệng trong vòng ba ngày kể từ khi sưng tuyến mang tai và trong khoảng 8 ngày sau khi bắt đầu có triệu chứng. Phản ứng IgM có thể không phát hiện được trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng. Việc lấy mẫu giai đoạn cấp tính không chính xác có thể dẫn đến xét nghiệm IgM và RT-PCR âm tính giả. Vì vậy, người bệnh cần thu thập các mẫu lặp lại từ 5 đến 10 ngày sau khi khởi phát triệu chứng để mang lại kết quả dương tính.
  • Đo thân nhiệt bệnh nhân.
  • Khi có dấu hiệu tổn thương thần kinh, cần lấy dịch não tuỷ từ tuỷ sống để xác định chẩn đoán.

Những bệnh lý cũng cần nghĩ đến để phân biệt một cách dễ dàng:2

  • Viêm hạch.
  • Phản ứng dị ứng.
  • Các phản ứng thuốc.
  • Viêm não.
  • Viêm xương chũm.
  • Bệnh sởi.
  • Viêm cơ tim.
  • Viêm tinh hoàn.
  • Nhiễm HIV ở trẻ em.
  • Viêm màng não.

Điều trị quai bị bằng cách nào?

Bệnh gây ra bởi virus nên không dùng kháng sinh. Cách chữa bệnh quai bị chủ yếu là điều trị giảm triệu chứng, nâng đỡ tổng trạng của bệnh nhân. Những điều trị chủ yếu bao gồm:1

  • Điều quan trọng nhất là bệnh nhân cần uống nhiều nước.
  • Bệnh nhân có thể giảm vùng sưng viêm bằng cách chườm lạnh.
  • Thời gian này, người bệnh ăn thức ăn mềm lỏng hoặc nhão như súp, cháo, sữa chua,… vì nhai có thể tăng đau.
  • Đặc biệt, bệnh nhân cần phải nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc.
  • Người bệnh nên súc miệng bằng nước muối ấm.
  • Khi cơn đau có dấu hiệu tăng, có thể uống thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc ibuprofen. Trẻ dưới 16 tuổi không nên sử dụng aspirin nhằm mục đích hạ sốt.4
  • Nếu triệu chứng bệnh không cải thiện sau 7 ngày khởi phát, người bệnh cần tái khám ngay lập tức để tầm soát những biến chứng nghiêm trọng.4
  • Chữa bệnh quai bị bằng tỏi và bằng mật ong không có bằng chứng cho thấy có hiệu quả rõ ràng.

Bên cạnh đó, bạn đọc cần cẩn trọng với việc sử dụng các miếng dán trị quai bị trên thị trường. Những miếng dán có thành phần không rõ ràng và có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh. Bệnh quai bị cần được thăm khám và theo dõi cẩn thận bởi những nhân viên y tế. Như đã nói, bệnh cũng cần được điều trị chủ yếu bằng cách tăng cường miễn dịch của bệnh nhân. Vì thế, sử dụng những miếng dán hay cao dán không có công hiệu rõ ràng với bệnh.

Người bệnh cần được nghỉ ngơi đầy đủ để tăng cường sức đề kháng trong thời gian mắc bệnh
Người bệnh cần được nghỉ ngơi đầy đủ để tăng cường sức đề kháng trong thời gian mắc bệnh

Phương pháp chăm sóc bệnh nhân quai bị

Người thân cần lưu ý cách chăm sóc bệnh nhân quai bị như sau:3

  • Người thân và người bệnh cần rửa tay bằng nước và xà phòng thường xuyên.
  • Cách ly người bệnh ít nhất 5 ngày sau khi có triệu chứng hoặc cho đến khi hết triệu chứng.
  • Người bệnh cần đeo khẩu trang và che mũi miệng bằng khăn giấy khi hắt hơi.
  • Bị quai bị nên ăn uống gì? là câu hỏi thường gặp khi chăm sóc bệnh nhân. Điều này đặc biệt cần lưu ý để tránh làm bệnh nhân đau thêm. Thời gian này người bệnh cần tránh dùng những thực phẩm hay nước uống có tính axit. Bởi lẽ những thực phẩm đó gây kích thích tuyến nước bọt và gây đau.

Cách phòng ngừa quai bị

Tiêm phòng có thể ngăn ngừa bệnh quai bị. Có tới một phần ba số người bị nhiễm bệnh không biểu hiện triệu chứng, nhưng có thể lây truyền bệnh. Việc chế tạo vắc-xin quai bị thành công vào năm 1967 đã giúp giảm 99,8% các trường hợp được ghi nhận ở Hoa Kỳ vào năm 2001. Hầu hết trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đều được chủng ngừa sởi, quai bị và rubella (MMR) cùng một lúc. Mũi tiêm MMR đầu tiên thường được thực hiện trong độ tuổi từ 12 đến 15 tháng khi khám sức khỏe định kỳ cho trẻ. Tiêm phòng lần thứ hai rất cần thiết cho trẻ em trong độ tuổi đi học từ 4 đến 6 tuổi. Với hai liều, vắc-xin MMR có hiệu quả khoảng 88%. Tỷ lệ hiệu quả của một liều là khoảng 78%.5

Người lớn tuổi và chưa mắc bệnh quai bị cũng cần được tiêm phòng. Những người làm việc trong môi trường có nguy cơ cao cũng nên tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Tuy nhiên, những người có hệ thống miễn dịch suy giảm, bị dị ứng với gelatin hoặc neomycin, phụ nữ đang mang thai thì không nên tiêm vắc-xin MMR. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ về lịch tiêm chủng cho quai bị.1 Nếu cần thêm thông tin về vắc-xin quai bị, bạn có thể tham khảo bài viết Những điều cần biết về vắc xin phòng quai bị.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích về quai bị. Đây là bệnh do virus gây ra, có khả năng lây lan nhanh chóng. Những triệu chứng ban đầu của bệnh có thể giống bệnh cúm. Tuy nhiên sau đó, tuyến nước bọt sưng to là một trong những dấu hiệu điển hình của bệnh. Ngày nay, bệnh được phòng ngừa hiệu quả bằng vắc-xin. Tuỳ theo lứa tuổi mà lịch tiêm chủng sẽ khác nhau.

Câu hỏi thường gặp

Mắc quai bị bao lâu thì khỏi? 

Những triệu chứng khi mắc quai bị sẽ giảm sau khoảng 10 ngày. Hầu hết người bệnh quai bị sẽ khỏi trong vòng 2 tuần.1 3

Mắc quai bị có quan hệ được không?

Quai bị vẫn có thể lây khi quan hệ tình dục qua đường miệng. Do đó, khi nhiễm quai bị, bệnh nhân tốt nhất nên tránh việc quan hệ tình dục, nhất là qua đường miệng.

Mắc quai bị và đã khỏi rồi thì có mắc lại không?

Những người mắc quai bị và đã khỏi thì gần như sẽ không mắc lại, nếu người bệnh có miễn dịch bình thường. Bởi lẽ khi nhiễm bệnh lần thứ nhất, người bệnh đã được hình thành miễn dịch.1

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Mumps: Prevention, Symptoms, and Treatmenthttps://www.healthline.com/health/mumps

    Ngày tham khảo: 21/02/2023

  2. Mumpshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK534785/

    Ngày tham khảo: 21/02/2023

  3. What to know about mumpshttps://www.medicalnewstoday.com/articles/224382

    Ngày tham khảo: 21/02/2023

  4. Mumps - Treatmenthttps://www.nhs.uk/conditions/mumps/treatment/

    Ngày tham khảo: 21/02/2023

  5. Mumps Vaccinationhttps://www.cdc.gov/mumps/vaccination.html

    Ngày tham khảo: 21/02/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người