Y học thường thức: Ung thư bàng quang
Nội dung bài viết
Ung thư bàng quang là một trong những bệnh ung thư thường gặp nhất. Loại ung thư này thường xảy ra ở nam nhiều hơn nữ và thường gặp ở người lớn tuổi, mặc dù nó có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào. Hãy YouMed cùng tìm hiểu về triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa căn bệnh ung thư này ở bài viết dưới đây.
1. Ung thư bàng quang là gì ?
Ung thư bàng quang là tình trạng các tế bào bình thường ở bàng quang biến đổi bất thường trở nên phát triển nhanh, thoát khỏi sự kiểm soát của cơ thể.
2. Triệu chứng của ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang gây ra các triệu chứng thường nhẹ và thoảng qua như
- Máu trong nước tiểu, làm cho nước tiểu thay đổi màu thành màu hồng hoặc màu đỏ
- Đau hông lưng hoặc đau phía trước hạ vị.
- Đau khi đi tiểu, tiểu lắt nhắt hoặc són tiểu
Những triệu chứng trên có thể xảy ra ở những bệnh lý khác ngoài ung thư bàng quang. Tuy nhiên nếu có các triệu chứng như vậy bạn nên đến các cơ sở y tế để khám.
3. Chẩn đoán ung thư bàng quang
Bác sĩ cần thăm khám và thực hiện nhiều cận lâm sàng (xét nghiệm hoặc chụp phim) để chẩn đoán được ung thư bàng quang như
3.1. Xét nghiệm nước tiểu:
Hay còn gọi là tổng phân tích nước tiểu có thể giúp phát hiện các loại tế bào khác nhau có trong nước tiểu
3.2. Chụp XQuang, CT scan hoặc các phương tiện cận lâm sàng khác:
Những phương tiện này giúp cung cấp những hình ảnh bên trong của đường niệu bao gồm thận, niệu quản và cả bàng quang. Nếu có sự phát triển bất thường sẽ được ghi nhận
3.3. Nội soi đường niệu:
Nội soi đường niệu là phương pháp giúp bác sĩ quan sát được phía bên trong của bàng quang. Thực hiện nội soi đường niệu, bác sĩ sẽ dùng một ống nhỏ hay còn gọi là ống nội soi, đi theo đường niệu đạo. Ống nội soi tiếp tục được đưa vào lòng của bàng quang. Ống nội soi được gắn thêm camera ở phần đầu ống giúp cung cấp những hình ảnh thực tế ra màn hình. Nếu trong quá trình nội soi bác sĩ tìm thấy những bất thường nghi ngờ thì có thể thực hiện sinh thiết qua nội soi, tức là lấy một phần mô trực tiếp nơi nghi ngờ để phân tích dưới kính hiển vi.
4. Lựa chọn phương pháp điều trị ung thư bàng quang
Một khi đã chẩn đoán được ung thư bàng quang thì việc lựa chọn phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn của ung thư và độ biệt hóa của chúng. Giai đoạn của ung thư thể hiện được ung thư đã lan rộng đến mức độ nào. Độ biệt hóa thể hiện tình trạng ung thư quan sát thấy dưới kính hiển vi. Phương pháp điều trị phù hợp dành cho bệnh nhân còn phụ thuộc vào độ tuổi và những bệnh lý khác kèm theo nếu có.
5. Điều trị ung thư bàng quang
Ung thư bàng quang thường được điều trị theo một hoặc nhiều phương pháp sau:
5.1. Phẫu thuật
Ung thư bàng quang thường được điều trị bằng phẫu thuật. Phụ thuộc vào độ lớn và độ lan rộng của ung thư mà phẫu thuật viên có thể lựa chọn 1 trong 3 phương pháp sau:
- Cắt ung thư tại chỗ có bảo tồn bàng quang. Ở một số trường hợp việc này được thực hiện dưới nội soi. Thường thì phương pháp này không ảnh hưởng đến chức năng của đường tiểu.
- Cắt ung thư kèm cắt 1 phần bàng quang. Phương án này phụ thuộc vào việc bàng quang bị u xâm lấn nhiều hay ít. Đây là phương pháp thường được lựa chọn. Sau phẫu thuật bệnh nhân thường vẫn có thể đi tiểu bình thường.
- Cắt ung thư kèm cắt trọn bàng quang kèm những cơ quan xung quanh. Phương pháp này thường cần thiết ở những bệnh nhân có ung thư bàng quang xâm lấn xung quanh. Với loại phẫu thuật này thì phẫu thuật viên thường kèm theo tạo hình đường niệu để dẫn nước tiểu thoát ra ngoài, bởi vì bàng quang đã bị cắt hoàn toàn
5.2. Điều trị thuốc
Điều trị thuốc là một phần rất quan trọng trong điều trị những bệnh nhân ung thư bàng quang. Bác sĩ có thể sử dụng rất nhiều loại thuốc khác nhau phụ thuộc vào độ lan rộng của khối u.
- Đối với những bệnh nhân có khối u giai đoạn sớm, chưa xâm lấn vào lớp cơ bàng quang, Thuốc có thể được dùng trực tiếp vào bàng quang
- Đối với những bệnh nhân khối u xâm lấn vào lớp cơ bàng quang, hóa trị có thể sử dụng trước phẫu thuật. Hóa trị là thuật ngữ y khoa dành cho các loại thuốc có khả năng tiêu diệt hoặc ngừng sự phát triển của ung thư. Việc này làm cho khối ung thư dễ dàng được phẫu thuật cắt bỏ.
- Còn ở nhóm bệnh nhân ung thư bàng quang xâm lấn mà chưa điều trị hóa trị trước phẫu thuật thì hóa trị có thể được thực hiện khi mà vết thương do phẫu thuật đã lành
5.3. Xạ trị
Tia xạ có thể tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị có thể được lựa chọn thay thế cho phẫu thuật ở một số bệnh nhân và thường điều trị kết hợp với hóa trị.
6. Quá trình sau điều trị
Sau điều trị, bệnh nhân cần tái khám thường xuyên để được kiểm tra và phát hiện sớm nếu ung thư tái phát. Những xét nghiệm giúp ích cho quá trình theo dõi gồm có : tổng phân tích nước tiểu, nội soi và chụp phim dưới tia X.
Thông báo ngay cho bác sĩ điều trị nếu xuất hiện bất cứ triệu chứng nào nghi ngờ, chính những triệu chứng là dấu hiệu báo động của sự tái phát ung thư.
Trên đây là những thông tin cơ bản về ung thư bàng quang. Hy vọng cung cấp được những thông tin bước đầu giúp người đọc dễ dàng tiếp tục tìm hiểu thêm về loại ung thư thường gặp này.
Nếu phát hiện có triệu chứng bệnh thì bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được tư vấn. Đồng thời chuẩn bị những thông tin cần thiết để buổi thăm khám được hiệu quả. Những thông tin ấy được bác sĩ Võ Thành Đô đề cập trong bài viết: “Bệnh Ung thư bàng quang: Bật mí một số kinh nghiệm trước buổi khám bệnh“
Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp.
(*) Bài viết chỉ mang tính tham khảo, vui lòng liên hệ bác sĩ của bạn để có thêm thông tin.
Bác sĩ Ngô Minh Quân
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Giáo dục bệnh nhân: Ung thư bàng quang (những điều cơ bản) Được viết bởi các bác sĩ và biên tập viên tại UpToDate, ngày 23 tháng 10 năm 2019.