Sốt phát ban: Những điều cần biết
Nội dung bài viết
Sốt phát ban là một trong những bệnh lí rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Triệu chứng ở da có thể là dấu hiệu chỉ điểm duy nhất của nhiễm trùng tiềm ẩn khác đe dọa tính mạng. Nhưng trong đa số trường hợp, sốt phát ban đơn thuần chỉ liên quan đến virus. Bệnh thường không gây nguy hiểm nghiêm trọng và tự giới hạn.
1. Những yếu tố nguy cơ nào khiến trẻ dễ sốt phát ban?
Việc thăm khám các đặc điểm về sang thương ở da rất quan trọng. Bao gồm hình dạng và vị trí, thời điểm khởi phát, có liên quan đến sốt hay không, diễn tiến, những triệu chứng kèm theo như ngứa, đau, tê… Ngoài ra, Bác sĩ cần biết đến những thông tin về những yếu tố nguy cơ như:
-
Tiền sử dị ứng thuốc hoặc thực phẩm, hóa chất.
-
Trẻ vừa đi du lịch về hay vùng dịch tễ nơi trẻ đang sống.
-
Trẻ bị côn trùng, động vật chân đốt cắn.
-
Tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài.
-
Trẻ được chích ngừa gần đây.
-
Mùa hay thời tiết trong năm (liên quan đến tác nhân gây bệnh truyền nhiễm).
-
Trẻ có bệnh lí nặng từ trước như bệnh lí ác tính, hệ thống miễn dịch suy yếu.
>> Trẻ bị côn trùng cắn là một trong những nguyên nhân gây nên sốt phát ban. Đọc ngay bài viết của Bác sĩ về Cách xử trí khi trẻ bị côn trùng cắn để bảo vệ bé yêu nhé!
2. Nguyên nhân của sốt phát ban là gì?
2.1 Một số bệnh lí do virus
Thường gặp nhất của sốt phát ban là trong bệnh cảnh nhiễm virus. Trẻ có thể sốt nhẹ hay cao đến 39 – 40OC. Khi ban bắt đầu xuất hiện trên cơ thể, trẻ cũng bắt đầu giảm sốt từ từ. Đa số trường hợp, trẻ không cần làm thêm xét nghiệm hay điều trị kháng sinh. Bởi vì, đây là bệnh cảnh lành tính, tự giới hạn. Một số bệnh cảnh của những virus đặc biệt, như:
- Sởi
Ban thường bắt đầu xuất hiện ở mặt, cổ lan xuống thân mình và tứ chi. Giai đoạn phát ban, ngoài sốt cao, trẻ thường ho và sổ mũi nhiều hơn, mắt đỏ và tiết dịch. Sởi thường dễ xảy ra ở trẻ chưa được chích ngừa hoặc chích ngừa không đầy đủ theo lịch. Thời gian lây bệnh nhiều nhất là khi trẻ tiếp xúc với người đang bị sởi từ 4 ngày trước khi phát ban và sau đó 4 ngày.
- Thủy đậu
Thủy đậu được đặc trưng bởi hình ảnh mụn nước xuất hiện trên nền hồng ban. Có rất nhiều loại sang thương ở các giai đoạn khác nhau của mụn nước. Gồm có hình ảnh ban đầu của nốt ban đỏ, kèm nốt phỏng nước hình tròn, mụn nước mới vỡ, khô lại và bong vảy. Các mụn nước này có thể làm trẻ khó chịu vì đau và ngứa.
>> Đọc ngay bài viết về Thủy đậu để hiểu rõ tình trạng sốt phát ban của trẻ
- Ban đỏ nhiễm trùng
Là tình trạng phát ban ngoài da do virus, hay gặp vào mùa xuân và mùa hè ở nơi có khí hậu nóng. Tuy nhiên, ở giai đoạn phát ban, bệnh không lây nhiễm. Phát ban thường nổi bật với hai má đỏ và ban đỏ dạng lưới ở chi, thân mình. Thương tổn đỏ da ở má có cảm giác hơi nóng rát, được gọi là dấu hiệu “slapped cheeks” (như ai đó tát vào má của trẻ).
- Tay chân miệng
Trẻ có thể loét họng hay nổi ban bóng nước ở lòng bàn tay, chân, mông. Cha mẹ thường dễ bỏ sót những vị trí này, nhất là trong kẽ các ngón tay và chân. Thêm vào đó, trẻ có thể sốt cao, giật mình, nôn ói hay lừ đừ, đứng ngồi không vững… Đây là bệnh lí rất hay gặp ở trẻ trong độ tuổi mầm non. Bệnh rất dễ lây thành dịch nếu không cách ly và vệ sinh hợp lí.
>> Tay chân miệng là một bệnh phổ biến ở trẻ, cũng rất nguy hiểm nếu không được chữa trị đúng cách. Đọc ngay bài viết của bác sĩ về bệnh Tay chân miệng để bảo vệ bé yêu!
2.2 Một số bệnh lí khác
- Sốt tinh hồng nhiệt
Bệnh đặc trung bởi những chấm đỏ, bao phủ kín toàn bộ cơ thể. Triệu chứng nổi bật là viêm họng do độc tố của Streptococcus nhóm A. Bệnh thường xảy ra ở trẻ từ 4 đến 8 tuổi. Bệnh có thể lây qua các giọt bắn từ đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với sang thương da và những vật dụng bị nhiễm khuẩn.
- Hội chứng Kawasaki
Ở trẻ bị Kawasaki – đây là bệnh lí tim mạch không rõ nguyên nhân. Liên quan đến tình trạng dãn động mạch cung cấp máu cho tim hoạt động. Trẻ thường sốt cao kéo dài hơn 5 ngày, phát ban, mắt và môi đỏ, nứt nẻ, lưỡi đỏ giống màu quả dâu, có thể sưng 2 bàn tay hay chân, nổi hạch ở cổ.
- Viêm màng não do não mô cầu
Một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng dần được kiểm soát vì sự ra đời của vacxin. Ngoài sốt cao, ban xuất hiện dạng chấm rồi lan rộng giống bản đồ với màu đỏ thẫm hay tím thẫm, kèm đau đầu, nôn nhiều, co giật và hôn mê.
>> Có thể bạn quan tâm: Sốt co giật: Cách nhận biết và xử trí cho trẻ
3. Chăm sóc cho trẻ như thế nào?
Thực hiện những biện pháp nhằm giảm sự lây lan của các tác nhân truyền nhiễm là điểm quan trọng. Ví dụ đeo khẩu trang hoặc che lại khi ho hay hắt hơi. Đặc biệt, trường hợp bệnh có thể gây thành dịch do vi khuẩn và vius lây lan trong không khí, trẻ cần phải được chăm sóc và cách ly an toàn. Vệ sinh tay là biện pháp đơn giản nhưng đem lại hiệu quả cao trong việc phòng ngừa tiếp xúc.
Đối với trẻ chưa chích ngừa đủ các loại vac xin theo tuổi như sởi, rubella, não mô cầu…, hệ miễn dịch của trẻ còn yếu, hoạt động chưa hiệu quả. Vậy nên, bạn nên cho trẻ chích ngừa theo đúng lịch hẹn nhé.
Ngoài ra, đảm bảo một chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lí là rất cần thiết cho trẻ. Cho trẻ khám Bác sĩ ngay nếu trẻ có các dấu hiệu sau:
-
Lừ đừ.
-
Nôn tất cả mọi thứ.
-
Sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
-
Tím tái
>> Đọc ngay bài viết của bác sĩ về Cách xử trí khi trẻ co giật
Sốt phát ban rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Đây là triệu chứng thường do virus và tự giới hạn sau vài ngày. Quan trọng, bạn cần cho trẻ khám kịp thời để nhận biết sớm những nguyên nhân nguy hiểm đến sức khỏe trẻ nhé.
Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Uptodate (2019), Approach to the clinical dermatologic diagnosis,
https://www.uptodate.com/contents/approach-to-the-clinical-dermatologic-diagnosis?search=rash%20children&source=search_result&selectedTitle=1~150&usage_type=default&display_rank=1&fbclid=IwAR0z2NouBLx0PuwUuJDn2, accessed on 20 October 2019
Infectious disease advisor (2019), Infectious Diseases,
https://www.infectiousdiseaseadvisor.com/home/decision-support-in-medicine/infectious-diseases/fever-and-rash/, accessed on 12 October 2019