Chảy máu tiêu hóa dưới: Đừng coi thường!
Nội dung bài viết
Chảy máu tiêu hóa dưới là tình trạng đi tiêu ra máu đỏ hay đi tiêu phân đen. Chảy máu tiêu hóa dưới hay xuất huyết tiêu hóa dưới được xem là một cấp cứu nội khoa. Đây là triệu chứng liên quan đến nhiều bệnh lý khác nhau. Cùng tìm hiểu các dấu hiệu và nguyên nhân của chảy máu tiêu hóa dưới qua bài viết này nhé.
Chảy máu tiêu hóa dưới là gì? Nguyên nhân do đâu?
Chảy máu tiêu hóa dưới – thường liên quan đến đi tiêu ra máu. Máu có thể là máu đỏ tươi, máu đông hay máu lẫn với phân. Mức độ chảy máu tiêu hóa dưới là nhẹ, trung bình hay nặng phụ thuộc vào lượng máu mất đi.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng này như bệnh trĩ, polyp đại trực tràng, viêm loét đại trực tràng hay ung thư. Cần đi khám nếu có triệu chứng để được chẩn đoán và điều trị.
Chảy máu tiêu hóa dưới có biểu hiện gì?
Dấu hiệu và triệu chứng của chảy máu tiêu hóa dưới có thể dễ dàng nhận biết nhưng đôi khi chảy máu ẩn không nhìn thấy được. Dấu hiệu tùy thuộc vào vị trí máu chảy cũng như lượng máu mất nhiều hay ít.
1. Chảy máu tiêu hóa dưới thường có biểu hiện:
- Máu nhỏ sau đi tiêu làm nước bồn cầu có màu hồng hay đỏ.
- Thấy máu trên giấy vệ sinh sau khi chùi.
- Đi cầu ra máu. Máu có thể bao quanh phân, hoặc nhỏ giọt sau phân hoặc chảy máu trước khi đi ra phân.
- Đi tiêu phân đen. Phân có màu đen, sệt, dính như bã cà phê và có mùi tanh là dấu hiệu có máu trong phân.
2. Các dấu hiệu của thiếu máu:
- Khi lượng máu mất nhiều và đột ngột, người bệnh có thể có triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, ù tai. Nặng nề hơn là khó thở, hạ huyết áp hay ngất. Đây là những dấu hiệu nặng cần được đến cấp cứu ngay.
- Nếu máu mất rỉ ra mà không được phát hiện, người bệnh sẽ có những dấu hiệu của thiếu máu mạn như xanh xao, mệt mỏi, giảm trí nhớ, giảm vận động,…
Các bệnh lý có thể gặp khi đi tiêu ra máu, đi tiêu phân đen
Có nhiều tình trạng và bệnh lý có thể gây ra chảy máu trực tràng. Sau đây là những nguyên nhân thường gặp:
1. Nứt kẽ hậu môn
Nứt kẽ là tình trạng xuất hiện các vết loét, nứt ở rìa hoặc ống hậu môn. Các vết nứt này gây ra sự đau đớn, ra máu khi đi tiêu. Nứt kẽ hậu môn thường liên quan đến táo bón lâu năm hay phân cứng.
Các trường hợp nhẹ có thể điều trị bằng thuốc uống và thuốc đặt. Nhưng nếu nứt kẽ hậu môn mạn tính, có thể cần đến phẫu thuật. Để phòng bệnh và ngừa tái phát cần có chế độ ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước và tránh táo bón kéo dài.
2. Bệnh trĩ
Trĩ là sự phình lên của các đám rối tĩnh mạch ở ống hậu môn. Đây một bệnh lý thường gặp và gây rất nhiều phiền toái cho người bệnh. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, đặc biệt là ở những người táo bón mạn, ngồi nhiều, chế độ ăn ít xơ,…
Triệu chứng thường gặp của bệnh trĩ là đi cầu ra máu đỏ tươi hay đỏ bầm, đi cầu có khối phồng sa ra ngoài hậu môn hay cảm giác đi cầu không hết phân,.. Trĩ cũng là một trong những nguyên nhân gây đi cầu ra máu thường gặp và có thể điều trị bằng thay đổi lối sống, điều trị bằng thuốc và phẫu thuật với những trường hợp nặng.
Bạn có biết, Ngũ Bội Tử là tên của một vị thuốc đặc biệt có nguồn gốc từ những những túi trên thân cây muối do loài sâu cũng mang tên Ngũ Bội Tử gây ra. Trong Đông y, vị thuốc này có tác dụng trị bệnh trĩ tiêu ra máu.
Tham khảo ngay: Ngũ Bội Tử: Công dụng cho người bệnh trĩ
3. Polyp đại trực tràng
Polyp đại trực tràng là một khối tế bào hình thành từ lớp niêm mạc của đại tràng. Triệu chứng thường gặp của polyp là đi tiêu ra máu, táo bón hay tiêu chảy kéo dài, đau bụng. Hầu hết các polyp thì lành tính. Tuy nhiên, với những polyp dạng tuyến hay polyp có kích thước hơn 1cm có thể diễn tiến thành ung thư trong tương lai. Do đó, cần điều trị và theo dõi theo hướng dẫn của bác sĩ.
4. Ung thư đại trực tràng và ống hậu môn
Ung thư đại trực tràng là một loại ung thư thường gặp ở Việt Nam và thế giới. Ung thư đại trực tràng là một ung thư có tiên lượng tốt khi được phát hiện và điều trị sớm. Nguy cơ ung thư đại trực tràng tăng lên theo tuổi và ở những người có tiền căn gia đình bị bệnh. Ung thư đại trực tràng cũng tăng lên ở những người có bệnh đại tràng như polyp, viêm loét đại trực tràng mạn tính,… Triệu chứng thường gặp của ung thư đại trực tràng là đi tiêu ra máu, táo bón hay tiêu chảy kéo dài hoặc xen kẽ, đau bụng âm ỉ.
Ung thư ống hậu môn có những yếu tố nguy cơ như nhiễm HPV, quan hệ tình dục qua đường hậu môn, hút thuốc lá hay rò hậu môn lâu ngày. Triệu chứng của ung thư hậu môn ở giai đoạn sớm rất giống những bệnh lý khác: đau, ngứa hậu môn, đi tiêu rỉ máu hay chảy dịch hậu môn.
Vì triệu chứng của ung thư khá tương tự với những bệnh khác. Do đó nếu có triệu chứng và/hoặc yếu tố nguy cơ hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
5. Viêm – loét đại trực tràng
Viêm hay viêm loét đại trực tràng cũng là một trong những nguyên nhân gây đi tiêu ra máu. Các nguyên nhân gây bệnh bao gồm:
- Nhiễm vi khuẩn đường ruột, kí sinh trùng đường ruột.
- Hội chứng ruột kích thích
- Bệnh viêm loét đại trực tràng từng vùng (bệnh Crohn)
- Sau xạ trị hay hóa trị.
6. Viêm túi thừa
Khi thành ruột bị suy yếu, chỗ này phồng lên tạo ra một túi nhỏ gọi là túi thừa. Các túi này thường gặp ở những người ít ăn rau quả và chất xơ. Túi thừa khi bị viêm, chúng gây sốt, đau bụng, đi tiêu ra máu, nặng hơn là biến chứng thủng ruột, tắc ruột hay áp xe. Nếu nhẹ, viêm túi thừa có thể điều trị bằng kháng sinh. Nhưng nếu nặng nề hay có biến chứng, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật để điều trị.
Hầu hết chảy máu nhẹ sẽ tự hết. Ví dụ như một vài giọt máu làm nước bồn cầu chuyển màu hồng hay vài giọt máu trên giấy vệ sinh sau khi chùi. Thường thì, những tình trạng chảy máu nhẹ này có thể đánh giá và điều trị tại phòng khám mà không cần cấp cứu hay nhập viện. Chảy máu tiêu hóa dưới đôi khi ở mức độ trung bình đến nặng. Các trường hợp chảy máu trung bình – nặng được coi là tình trạng cần được nhập cấp cứu.
Đi tiêu ra máu khi nào cần nhập viện ngay?
Chảy máu tiêu hóa dưới có thể nguy hiểm nếu ở mức độ trung bình đến nặng. Mất máu vừa đến nặng có thể dẫn đến các triệu chứng khác như đau đầu, chóng mặt, ù tai, choáng váng hay thậm chí ngất. Các dấu hiệu khác của mất máu nhiều như mạnh đập nhanh, hạ huyết áp. Tuy hiếm gặp nhưng cũng có trường hợp chảy máu nhiều đến mức bệnh nhân suy tuần hoàn dẫn đến sốc. Những bệnh nhân có dấu hiệu này cần được nhập viện ngay để được đánh giá và truyền máu, nếu cần.
Cần chú ý nếu xuất hiện những triệu chứng như sốt cao, đau bụng dữ dội hay kéo dài kèm với chảy máu tiêu hóa. Đây có thể là dấu hiệu của những bệnh cấp tính cần được can thiệp phẫu thuật.
Tuy hiếm gặp hơn, nhưng chảy máu tiêu hóa cũng có thể là dấu báo hiệu các bệnh lý ác tính như ung thư đại trực tràng hay ung thư ở ống hậu môn. Nguy cơ ung thư tăng lên ở những bệnh nhân từ 50 tuổi và những bệnh nhân có tiền căn gia đình mắc bệnh. Do đó, nếu chảy máu tiêu hóa dưới xuất hiện ở độ tuổi này, hãy đến bác sĩ để được tư vấn.
Khi nào chảy máu tiêu hóa dưới cần được cấp cứu ngay?
Bất kì tình trạng chảy máu tiêu hóa nào cũng được xem là bất thường và cần được thăm khám bởi bác sĩ. Tuy nhiên, có những tình trạng được xem là nặng nề hơn và cần được đến phòng cấp cứu ngay. Những tình huống đó bao gồm:
- Tiêu phân đen có thể gợi ý chảy máu từ đường tiêu hóa trên, đặc biệt với những bệnh nhân có tiền căn bệnh gan như xơ gan hay viêm gan mạn. Đây có thể là dấu hiệu của vỡ giãn các mạch máu ở thực quản hay dạ dày.
- Đi tiêu một lượng lớn máu đỏ tươi.
- Sau khi đi tiêu ra máu, người bệnh thấy chóng mặt, ù tai hay choáng váng. Những triệu chứng nặng hơn là khó thở, mạch đập nhanh hay thậm chí ngất.
- Chảy máu tiêu hóa kèm với sốt hay đau bụng dữ dội. Đây có thể là dấu hiệu của những bệnh lý cấp cứu cần được can thiệp ngoại khoa như lồng ruột, sa ruột,…
Chảy máu tiêu hóa dưới là tình trạng rất thường gặp. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng này như trĩ, polyp đại trực tràng, viêm loét đại trực tràng hay ung thư. Cần đi khám nếu có triệu chứng để được chẩn đoán và điều trị.
Ngoài ra, duy trì chế độ ăn uống nhiều rau củ quả và chất xơ, uống đủ nước và tập thể dục điều độ có thể giúp phòng ngừa nhiều bệnh lý liên quan đến đại trực tràng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Blood in the Stool (Rectal Bleeding, Hematochezia)https://www.medicinenet.com/blood_in_the_stool_rectal_bleeding/article.htm
Ngày tham khảo: 05/11/2019