YouMed

Viêm gan B và chủng ngừa Viêm gan B: Một số điều cần biết

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú THÁI VIỆT NGUYÊN
Tác giả: ThS.BS Thái Việt Nguyên
Chuyên khoa: Nội tiêu hóa

Viêm gan B (VGB) là một bệnh lí truyền nhiễm gây ra do virus viêm gan B. Đây là một bệnh lí đe doạ lớn đến sức khoẻ toàn cầu, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xơ gan và ung thư gan ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể phòng ngừa được căn bệnh này nhờ các loại vắc xin hiện có và những kiến thức về đường lây truyền cũng như cách phòng tránh lây truyền viêm gan B. Bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên sẽ giới thiệu một cách tổng quan về phương thức lây truyền, các xét nghiệm, cũng như các loại vắc xin ngừa viêm gan B. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé.

Viêm gan B lây truyền bằng đường nào?

Virus viêm gan B (VGB) có thể lây truyền qua các con đường sau:

  • Từ mẹ sang con: đây là cách lây truyền phổ biến nhất ở những vùng có tỉ lệ VGB cao như nước ta. Nếu như bà mẹ không được phát hiện VGB trong thai kì và không có biện pháp bảo vệ cho em bé ngay khi mới sinh ra, tỉ lệ nhiễm ở bé có thể lên đến 70 – 90% .
  • Qua đường máu: Bệnh có thể lây qua đường truyền máu, sử dụng chung bơm kim tiêm, xăm mình,… Ngoài ra, sử dụng chung các vật dụng cá nhân dao cạo râu với người nhiễm virút cũng khiến bạn có khả năng lây nhiễm VGB.
  • Qua đường tình dục: Virus gây bệnh có hiện diện trong các dịch tiết của cơ thể và có thể lây truyền qua đường tình dục nếu không có biện pháp phòng ngừa an toàn.

Và cũng nên nhớ rằng, bệnh không lây truyền qua các con đường:

  • Nuôi con bằng sữa mẹ, dùng chung muỗng đũa, ôm, nắm tay, ho hay hắt xì.
  • Không lây qua đường tiêu hoá.
Các đường lây truyền viêm gan B
Các đường lây truyền viêm gan B

Các xét nghiệm trong viêm gan B

Xét nghiệm phát hiện bệnh

Các xét nghiệm nhằm phát hiện viêm gan B có thể được thực hiện trong khi khám sức khoẻ định kì hoặc khi nghi ngờ mình bị VGB

Cần khám sức khoẻ, xét nghiệm kiểm tra chức năng gan định kì thường xuyên để phát hiện bệnh sớm và có phương án điều trị hiệu quả

Nếu nghi ngờ mình bị lây nhiễm, chúng ta có thể xét nghiệm sau khoảng 4 tuần từ khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm (tiếp xúc qua đường truyền máu, quan hệ tình dục)

Có thể kể đến các xét nghiệm: 

  • Xét nghiệm chức năng gan: nhằm xác định gan có tổn thương hay không
  • Xét nghiệm các kháng nguyên và kháng thể viêm gan B: gồm HbsAg và anti-HBs, các bạn cần đến gặp bác sĩ điều trị để được bác sĩ giải thích kĩ càng hơn về các xét nghiệm này nhé.

Xem thêm: Viêm gan mạn tính: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Đối với bệnh nhân đã mắc bệnh

Cần thực hiện xét nghiệm định kì mỗi 3 – 6 tháng để theo dõi diễn tiến bệnh và giúp bác sĩ điều trị đánh giá quá trình điều trị có đáp ứng hay không

Các xét nghiệm này gồm:

  • Xét nghiệm chức năng gan: theo dõi tình trạng tổn thương của gan.
  • Xét nghiệm đánh giá số lượng siêu vi trong cơ thể (HBV – DNA): đây là xét nghiệm thể hiện số lượng của siêu vi trong máu của người bệnh giúp theo dõi và đánh giá quá trình điều trị.

Đối với người đã tiêm chủng

  • Sau khi tiêm chủng, chúng ta nên xét nghiệm số lượng kháng thể (các thành phần chống lại vi rút).
  • Thông thường, nếu kháng thể đạt trên 10 mUI/ml thì cơ thể có thể phòng được viêm gan B

Chủng ngừa viêm gan B

Những đối tượng cần được chủng ngừa

  • Trẻ em.
  • Những người nguy cơ cao lây nhiễm viêm gan B qua đường tình dục.
  • Những người nguy cơ cao lây nhiễm viêm gan B qua đường máu.
  • Khách du lịch đến những quốc gia đang có dịch VGB hoặc tỉ lệ lây nhiễm cao.
  • Những người đã nhiễm viêm gan C.
  • Những người có bệnh gan.
  • Những người muốn được chủng ngừa.

Lịch chủng ngừa

Trẻ em

Vắc xin viêm gan B đã được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia, chung với các vắc xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1

  • Mũi 1: Sơ sinh
  • Mũi 2: 2 tháng tuổi
  • Mũi 3: 3 tháng tuổi
  • Mũi 4: 18 tháng tuổi

Xem thêm: Vacxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh: lịch tiêm, giá và thời điểm tốt nhất để tiêm

Người lớn

Có 2 cách tiêm chủng:

  • Lịch trình 0 – 1 – 6 tháng: gồm 3 mũi.
    • Mũi 2: cách mũi 1 1 tháng.
    • Mũi 3: cách mũi 1 6 tháng.
  • Lịch trình 0 – 1 – 2 – 12: gồm 4 mũi.
    • Mũi 2: cách mũi 1 1 tháng.
    • Mũi 3: cách mũi 1 2 tháng.
    • Mũi 4: cách mũi 1 12 tháng.

Miễn dịch sẽ tồn tại trong bao lâu?

Hiện nay, loại vắc xin được sử dụng phổ biến đó là vắc-xin phòng viêm gan B Engerix. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu được tiêm chủng sau 6 tháng tuổi, miễn dịch có thể tồn tại tới 30 năm. Tuy nhiên, vẫn nên kiểm tra lượng kháng thể hàng năm. Nếu lượng kháng thể < 10 mUI/ml nên tiêm 1 mũi nhắc lại viêm gan B.

Một chế phẩm vaccine viêm gan B
Một chế phẩm vaccine viêm gan B

Triệu chứng viêm gan B

Trong giai đoạn nhiễm cấp

Đây là giai đoạn vi rút tồn tại trong cơ thể khoảng 6 tháng, và có thể điều trị triệt để.

Triệu chứng gồm:

  • Đau vùng hông phải, đau khi di chuyển dằn xóc.
  • Sốt cao.
  • Vàng da.
  • Mệt mỏi, đau nhức cơ, chán ăn, nôn, buồn nôn.
  • Tiểu ít, sẫm màu.
  • Phân bạc màu.

Trong giai đoạn nhiễm mạn

Đây là giai đoạn vi rút tồn tại trong cơ thể trong hơn 6 tháng và không thể thải trừ hoàn toàn khỏi cơ thể. Người bệnh sẽ phải sống với vi rút suốt đời.

Những triệu chứng trong giai đoạn này khá mờ nhạt, bao gồm:

  • Rối loạn tiêu hóa.
  • Vàng da, vàng mắt.
  • Sốt nhẹ.
  • Cơ thể mệt mỏi không rõ nguyên nhân.

Điều trị viêm gan B như thế nào?

Vào giai đoạn mới khởi phát của bệnh

Trong giai đoạn này, điều trị bệnh chủ yếu là điều trị hỗ trợ và theo dõi các diễn tiến nặng. Có thể điều trị triệt để bệnh trong giai đoạn này.

  • Nên nhập viện theo dõi
  • Nghỉ ngơi tuyệt đối trong thời kỳ có triệu chứng.
  • Hạn chế ăn chất béo, kiêng rượu bia, tránh sử dụng các thuốc có hại cho gan

Trong giai đoạn bệnh dai dẳng

Điều trị trong giai đoạn này chủ yếu là làm chậm tiến trình bệnh chứ không thể hoàn toàn loại trừ được vi rút khỏi cơ thể. Các loại thuốc có thể được sử dụng trong điều trị viêm gan B:

  • Các thuốc ức chế sao chép virút: các thuốc này ngăn chặn quá trình sinh sôi của virút và làm chậm tiến trình bệnh.
  • Các thuốc kích thích hệ miễn dịch của cơ thể và tiêu diệt virút xâm nhập.

Xem thêm: Viêm gan B: Bỏ túi các tip nhỏ khi đến khám bệnh

Viêm gan B là bệnh lí tương đối phổ biến ở nước ta và có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề như ung thư gan, xơ gan. Tuy nhiên, bệnh có thể được phòng ngừa cũng như điều trị làm chậm diễn tiến nếu được phát hiện sớm, theo dõi và điều trị hợp lí. Hi vọng bài viết trên sẽ cung cấp cho bạn đọc có cái nhìn tổng quan về bệnh cũng như cách dự phòng và điều trị căn bệnh nguy hiểm này. 

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Bộ Y tế. Hướng dẫn chẩn đoán điều trị viêm gan B.

  2. Hepatitis Bhttps://www.cdc.gov/hepatitis/hbv/index.htm

    Ngày tham khảo: 13/11/2019

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người