YouMed

Ung thư máu: dấu hiệu, nguyên nhân và tiên lượng bệnh

Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Kiến Thái
Tác giả: ThS.BS Võ Kiến Thái
Chuyên khoa: Ung thư

Ung thư máu là bệnh lý ung thư nguy hiểm như thế nào? Dấu hiệu, nguyên nhân của bệnh ung thư máu là gì? Tiên lượng bệnh ung thư máu như thế nào? Hãy cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Kiến Thái giải đáp các thắc mắc trên thông qua bài viết sau. 

Ung thư máu là gì?

Đây là loại ung thư ảnh hưởng đến các tế bào máu và tủy xương (mô xốp bên trong xương, nơi tạo ra các tế bào máu). Những bệnh ung thư này thay đổi cách các tế bào máu hoạt động và hiệu quả hoạt động của chúng.1

Trong cơ thể, có ba loại tế bào máu:

  • Các tế bào bạch cầu: chống lại nhiễm trùng như một phần của hệ thống miễn dịch.
  • Các tế bào hồng cầu: mang oxy đến các mô và cơ quan của cơ thể và mang carbon dioxide đến phổi để chúng ta có thể thở ra.
  • Tiểu cầu: giúp đông máu khi bị thương.

Có ba loại ung thư máu chính:

  • Bệnh bạch cầu.
  • Lymphoma (hay còn gọi là u lympho).
  • U tủy.

Những bệnh ung thư này khiến tủy xương và hệ thống bạch huyết tạo ra các tế bào máu không hoạt động tốt như bình thường. Tất cả chúng đều ảnh hưởng đến các loại bạch cầu khác nhau và chúng hoạt động theo những cách khác nhau.1

Các loại ung thư máu

1. Bệnh bạch cầu1

Những người bị bệnh bạch cầu tạo ra rất nhiều tế bào bạch cầu không có khả năng chống lại nhiễm trùng. Bệnh bạch cầu được chia thành bốn loại dựa trên loại tế bào bạch cầu mà nó ảnh hưởng và nó phát triển nhanh (cấp tính) hay chậm (mãn tính).

Bạch cầu cấp tính dòng lympho (ALL)

Xuất phát từ các tế bào bạch cầu được gọi là tế bào lympho trong tủy xương. Những người mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho tạo ra quá nhiều tế bào lympho gây chèn ép các tế bào bạch cầu khỏe mạnh khác. ALL có thể tiến triển nhanh chóng nếu nó không được điều trị.

Đây là loại ung thư phổ biến nhất ở trẻ em. Trẻ em từ 3 đến 5 tuổi có nhiều khả năng mắc bệnh này nhất. Tuy nhiên, người lớn trên 75 tuổi cũng có thể mắc ALL.

Bạch cầu cấp tính dòng tủy (AML)

Khởi phát từ các tế bào dòng tủy, là loại tế bào sẽ phát triển thành các tế bào bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu. Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy làm giảm số lượng tế bào máu khỏe mạnh ở cả ba loại này. Đây là loại bệnh bạch cầu diễn tiến rất nhanh chóng. AML thường gặp ở những người trên 65 tuổi và thường gặp ở nam nhiều hơn nữ.

Bạch cầu mãn tính dòng lympho (CLL)

Bạch cầu mạn tính dòng lympho là loại bệnh bạch cầu phổ biến nhất ở người lớn. Giống như ALL, căn bệnh này cũng bắt đầu từ các tế bào lympho trong tủy xương, nhưng nó phát triển chậm hơn. Nhiều người bị CLL không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào cho đến nhiều năm sau khi ung thư bắt đầu. CLL chủ yếu ảnh hưởng đến những người ở độ tuổi 70 trở lên.

Bạch cầu mãn tính dòng tủy (CML)

Căn bệnh ung thư máu này bắt đầu từ các tế bào dòng tủy, giống như AML. Tuy nhiên, các tế bào bất thường sẽ phát triển chậm hơn. Bạch cầu mãn tính dòng tủy phổ biến ở nam giới hơn phụ nữ một chút. Nó thường ảnh hưởng đến người lớn, nhưng trẻ em đôi khi cũng có thể mắc phải.

 Mẫu máu của bệnh bạch cầu (bên phải) có số lượng các tế bào bạch cầu nhiều hơn bất thường so với mẫu máu bình thường (bên trái)
Mẫu máu của bệnh bạch cầu (bên phải) có số lượng các tế bào bạch cầu nhiều hơn bất thường so với mẫu máu bình thường (bên trái)

2. Lymphoma1

Đây là một bệnh ung thư của hệ thống bạch huyết. Mạng lưới mạch bạch huyết bao gồm các hạch bạch huyết, lá lách và tuyến ức. Hệ bạch huyết lưu trữ và vận chuyển các tế bào bạch cầu để giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.

Lymphoma khởi phát từ các tế bào bạch cầu được gọi là tế bào lympho. Có hai loại lymphoma chính:

Lymphoma Hodgkin

Bắt đầu trong các tế bào miễn dịch được gọi là tế bào lympho B, hoặc tế bào B. Các tế bào này tạo ra các protein được gọi là kháng thể chống lại vi trùng. Những người bị lymphoma Hodgkin có các tế bào lympho lớn được gọi là tế bào Reed – Sternberg trong các hạch bạch huyết của họ.

Lymphoma không Hodgkin

Bắt đầu từ tế bào B hoặc trong một loại tế bào miễn dịch khác được gọi là tế bào T. U lympho không Hodgkin phổ biến hơn u lympho Hodgkin.

Cả hai loại được chia thành một số loại phụ. Các loại phụ này được phân chia dựa trên vị trí mà tế bào ung thư hình thành trong cơ thể và cách thức mà nó hoạt động.

Lymphoma thường được chẩn đoán ở những người từ 15 đến 30 tuổi và từ 50 tuổi trở lên.

3. U tủy1

Đây là một bệnh ung thư của các tế bào huyết tương bên trong tủy xương. Tế bào huyết tương là một loại tế bào bạch cầu có chức năng tạo ra kháng thể.

Các tế bào u tủy gieo rắc qua tủy xương. Chúng có thể phá hủy các xương và chèn ép các tế bào máu khỏe mạnh bình thường. Các tế bào này cũng tạo ra các kháng thể nhưng các kháng thể này không có khả năng chống lại nhiễm trùng.

Bệnh ung thư này thường được gọi là đa u tủy vì nó được tìm thấy ở nhiều phần của tủy xương trong cơ thể. Nam giới trên 50 tuổi có nhiều khả năng mắc bệnh này nhất và người Mỹ gốc Phi có tỷ lệ mắc bệnh này cao hơn những người khác.

Ung thư máu sống được bao lâu?

Nhìn chung, tỷ lệ sống sót sau năm năm đối với bệnh ung thư máu là khoảng 70%. Điều đó có nghĩa là một người nào đó được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu chỉ có 70% khả năng sống sót sau 5 năm so với những người ở độ tuổi của họ không bị ung thư. Tuy nhiên, 70% là mức trung bình chung cho tất cả các loại ung thư máu, các loại khác nhau có tỷ lệ sống sót rất khác nhau.2

Những đột phá của các nghiên cứu trong vài thập kỷ qua cho thấy tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh bạch cầu mãn tính dòng tủy (CML), bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho (CLL) và u lympho nang là hơn 85%. Nhưng với bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy (AML), u lympho tế bào vỏ nang và u tủy, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là dưới 50%.2

Điều quan trọng cần phải hiểu rằng đây cũng chỉ là những mức trung bình, dựa trên những gì đã xảy ra với một nhóm lớn người, tất cả đều sống sót trong những khoảng thời gian khác nhau. Cơ hội đạt được kết quả tốt của một cá nhân sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Ngay cả hai người có cùng một tình trạng bệnh cũng có thể có kết quả khá khác nhau.

Vì vậy, hãy cố gắng lắng nghe những gì bác sĩ lâm sàng nói về tiên lượng của mình, thay vì lo lắng quá nhiều về tỷ lệ sống sót tổng thể đối với loại ung thư máu mà bản thân mắc phải.2

Nguyên nhân ung thư máu

Ung thư máu là do những thay đổi (đột biến) trong DNA của các tế bào máu. Điều này làm cho các tế bào máu bắt đầu hoạt động bất thường. Trong hầu hết các trường hợp, những thay đổi này có liên quan đến những thứ mà chúng ta không thể kiểm soát được. Chúng xảy ra trong suốt cuộc đời của một người, vì vậy chúng không hẳn là do di truyền.3

Mặc dù chúng ta thường không biết chính xác lý do tại sao một người nào đó sẽ mắc bệnh ung thư máu. Tuy nhiên có những điều đã được cho là có khả năng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư máu như: tuổi tác, giới tính, chủng tộc, tiền sử gia đình, tiếp xúc với bức xạ hoặc hóa chất hay một số tình trạng sức khỏe và phương pháp điều trị. Những yếu tố này ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ mắc bệnh phụ thuộc vào loại ung thư máu.3

Bảng: Các yếu tố nguy cơ của các loại ung thư máu1

Loại ung thư máu Các yếu tố nguy cơ
Bệnh bạch cầu ALL
  • Có anh/chị mắc ALL.
  • Tiền sử điều trị với hóa trị hoặc xạ trị vì một bệnh lý ung thư khác.
  • Tiếp xúc gần với bức xạ.
  • Mắc hội chứng Down hoặc các rối loạn di truyền khác.
AML
  • Tiền sử hóa trị hoặc xạ trị do ung thư.
  • Tiếp xúc gần với các hóa chất độc hại như benzen.
  • Hút thuốc lá.
  • Mắc các bệnh về máu như loạn sản tủy hoặc bệnh đa hồng cầu, hoặc rối loạn di truyền như hội chứng Down.
CLL
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư máu.
  • Tiếp xúc lâu dài với các hóa chất như thuốc diệt cỏ hoặc thuốc diệt côn trùng.
CML
  • Tiếp xúc nhiều với các nguồn bức xạ.
Lymphoma
U tủy
  • Có người thân mắc bệnh u tủy.
  • Béo phì.
  • Tiếp xúc gần với bức xạ.

Xem thêm: Những nguyên nhân ung thư máu có thể bạn chưa biết

Dấu hiệu ung thư máu

Các triệu chứng của ung thư máu khác nhau, tùy thuộc vào loại ung thư máu mà mỗi người mắc phải. Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến bao gồm:4

Đốm xuất huyết trên da trong bệnh bạch cầu
Đốm xuất huyết trên da trong bệnh bạch cầu

Ung thư máu có chữa được không?

Phương pháp điều trị ung thư máu đã được cải thiện rất nhiều trong vài thập kỷ qua. Vì thế, nhiều loại ung thư máu hiện nay có khả năng cao điều trị được. Các phương pháp điều trị thường dùng là hóa trị, xạ trị, hay gần đây hơn là liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch và cấy ghép tế bào gốc.5

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến khám với bác sĩ nếu cảm thấy có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng dai dẳng nào khiến bản thân lo lắng. Các triệu chứng bệnh bạch cầu thường mơ hồ và không cụ thể. Bạn có thể bỏ qua các triệu chứng bệnh bạch cầu ban đầu vì chúng có thể giống với các triệu chứng của bệnh cúm và các bệnh thông thường khác. Đôi khi bệnh bạch cầu được phát hiện trong quá trình xét nghiệm máu cho một số bệnh lý khác.4

Chẩn đoán ung thư máu

Các bác sĩ có thể tìm thấy bệnh bạch cầu mãn tính trong một xét nghiệm máu định kỳ, trước khi các triệu chứng bắt đầu. Nếu điều này xảy ra hoặc nếu khi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng cho thấy ung thư máu, người bệnh có thể phải thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán ung thư máu sau:4

1. Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ tìm các dấu hiệu thực thể của ung thư máu. Chẳng hạn như da nhợt nhạt do thiếu máu, sưng hạch bạch huyết, gan và lá lách to.

2. Xét nghiệm máu

Bằng cách xem xét một mẫu máu, bác sĩ có thể xác định xem liệu có mức độ bất thường của tế bào hồng cầu hoặc bạch cầu hoặc tiểu cầu – điều này có thể gợi ý ung thư máu hay không. Xét nghiệm máu cũng có thể cho thấy sự hiện diện của các tế bào ung thư, mặc dù không phải tất cả các loại ung thư máu đều làm cho các tế bào ung thư lưu thông trong máu. Đôi khi các tế bào ung thư nằm trong tủy xương.

3. Xét nghiệm tủy xương

Bác sĩ có thể đề nghị một thủ thuật để sinh thiết một mẫu tủy xương. Tủy xương được lấy ra bằng cách sử dụng một cây kim dài và mỏng. Mẫu được gửi đến phòng thí nghiệm để tìm kiếm các tế bào mang bệnh. Các xét nghiệm chuyên biệt về tế bào ung thư máu có thể cho biết một số đặc điểm nhất định và được sử dụng để quyết định các lựa chọn điều trị.

Điều trị ung thư máu

Điều trị ung thư máu phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bác sĩ quyết định các lựa chọn điều trị dựa trên độ tuổi và sức khỏe tổng thể của người bệnh, loại ung thư máu mắc phải và liệu nó có lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể hay chưa, bao gồm cả hệ thần kinh trung ương.4

Có nhiều phương pháp khác nhau để điều trị ung thư máu. Người bệnh có thể có một hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị. Các phương pháp điều trị ung thư máu phổ biến bao gồm:3

  • Hóa trị liệu.
  • Liệu pháp nhắm trúng đích.
  • Liệu pháp miễn dịch.
  • Xạ trị.
  • Cấy ghép tế bào gốc.

Nếu mắc phải loại ung thư máu phát triển chậm, người bệnh có thể không cần điều trị ngay lập tức, và thậm chí một số người không bao giờ cần điều trị. Phương pháp này được gọi là theo dõi và chờ đợi.

Các phương pháp điều trị có thể có tác dụng phụ không mong muốn. Một số người gặp phải các tác dụng phụ này do hậu quả của chính bệnh ung thư gây ra, ngay cả khi họ chưa được điều trị.3

Phòng ngừa ung thư máu

Các nhà khoa học cũng không chắc chắn về nguyên nhân của nhiều bệnh ung lý này. Tuy nhiên việc tránh xa các yếu tố làm tăng nguy cơ có thể hữu ích trong việc phòng ngừa.

Cần tránh tiếp xúc với bức xạ, hóa chất như thuốc trừ sâu hoặc benzen, và hút thuốc lá dưới mọi hình thức. Các hành vi lối sống bổ sung, chẳng hạn như duy trì hoạt động và ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ phát triển nhiều loại ung thư và các bệnh khác.6

Trên đây là mọi thông tin về bệnh lý ung thư máu bao gồm nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị… Mong rằng những thông tin mà bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Kiến Thái đã đem đến sẽ giúp ích cho người đọc!

Câu hỏi thường gặp

Nhiễm trùng máu có phải là ung thư máu không?

Nhiễm trùng máu là tình trạng cơ thể phản ứng lại các tác nhân gây nhiễm trùng như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng,… Ổ nhiễm trùng dẫn đến nhiễm trùng máu có thể khởi phát từ phổi, đường tiêu hóa, đường tiết niệu hoặc ngoài da. Đây là một bệnh lý lành tính, hoàn toàn khác với ung thư máu.

Bệnh ung thư máu là đột biến gì?

Ung thư máu là do những thay đổi (đột biến) trong DNA của các tế bào máu. Trong một cơ thể khỏe mạnh, các tế bào bạch cầu mới thường xuyên được tạo ra để thay thế những tế bào cũ đang chết dần. Chính các đột biến làm cho các tế bào máu bắt đầu hoạt động bất thường và dần dần gây ra ung thư máu.3 5

Bệnh ung thư máu có di truyền không?

Ung thư là do rối loạn chức năng phát triển và hoạt động của tế bào. Việc sản xuất quá nhiều tế bào bạch cầu trong tủy xương dẫn đến ung thư máu. Trong hầu hết các trường hợp, những thay đổi này có liên quan đến những thứ mà chúng ta không thể kiểm soát được, bao gồm cả những đột biến DNA. Chúng xảy ra trong suốt cuộc đời của một người, vì vậy chúng không hẳn là do di truyền.3 5

Bệnh ung thư máu có lây không?

Ung thư máu là bệnh lý do những biến đổi của chính các tế bào máu trong cơ thể của mỗi người, không phải là bệnh truyền nhiễm nên hoàn toàn không có khả năng lây lan giữa người này với người khác.

Bệnh máu trắng có phải là ung thư máu?

“Bệnh máu trắng” có thể hiểu là bệnh bạch cầu vì từ “bạch” theo tiếng Hán có nghĩa là “trắng”. Do đó, “bệnh máu trắng” hay bệnh bạch cầu chỉ là một trong những loại ung thư máu, bên cạnh các loại ung thư máu khác như lymphoma hay u tủy.

Ung thư máu có chữa khỏi không?

Phương pháp điều trị ung thư máu đã được cải thiện rất nhiều trong vài thập kỷ qua. Vì thế, nhiều loại ung thư máu hiện nay có khả năng cao điều trị được. Các phương pháp điều trị thường dùng là hóa trị, xạ trị, hay gần đây hơn là liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch và cấy ghép tế bào gốc.5

Ung thư máu có nguy hiểm không?

Tùy vào từng loại ung thư máu mà mức độ nguy hiểm sẽ khác nhau. Những loại có diễn tiến chậm sẽ ít nguy hiểm hơn so với những loại diễn tiến nhanh. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với bệnh bạch cầu mãn tính dòng tủy (CML), bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho (CLL) và u lympho nang là hơn 85%. Nhưng với bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy (AML), u lympho tế bào vỏ nang và u tủy, tỷ lệ sống sót sau 5 năm là dưới 50%. 2

Ung thư máu có sinh con được không?

Ung thư máu hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc sinh con. Tuy nhiên, cần tránh mang thai khi đang điều trị với các phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị,… vì có thể ảnh hưởng đến thai. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ trước khi điều trị nếu có nguyện vọng muốn sinh con để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Types of blood cancerhttps://www.webmd.com/cancer/lymphoma/types-and-differences

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  2. Facts and information about blood cancerhttps://bloodcancer.org.uk/news/blood-cancer-facts/

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  3. Blood cancerhttps://bloodcancer.org.uk/understanding-blood-cancer/

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  4. Leukemiahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/leukemia/symptoms-causes/syc-20374373

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  5. Blood cancershttps://www.yalemedicine.org/conditions/blood-cancers

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  6. Blood cancers: Steps for preventionhttps://www.orlandohealth.com/content-hub/blood-cancers-steps-for-prevention

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người