YouMed

Bệnh ung thư máu sống được bao lâu?

bác sĩ đinh gia khánh
Tác giả: Bác sĩ Đinh Gia Khánh
Chuyên khoa: Huyết học - Truyền máu

Ung thư máu là một tập hợp nhiều bệnh lý khác nhau. Do vậy điều trị ung thư máu nhiều điểm không đồng nhất. Khi được chẩn đoán là bệnh lý ác tính huyết học, bệnh nhân và người nhà đều thường rơi vào tâm lý hoang mang và bế tắc. Câu hỏi mà các bác sĩ thường xuyên nhận được từ người bệnh và thân nhân là bệnh ung thư máu sống được bao lâu. Hãy cùng Bác sĩ Đinh Gia Khánh tìm hiểu bài viết sau đây để được giải đáp thắc mắc trên, cũng như có cái nhìn đúng hơn về chẩn đoán và điều trị bệnh.

Ung thư máu sống được bao lâu? 

Rất khó để xác định thời gian sống còn của bệnh nhân mắc ung thư máu. Bởi vì điều này còn phụ thuộc vào loại ung thư máu (bệnh bạch cầu, ung thư hạch bạch huyết hay bệnh đa u tủy), giai đoạn của bệnh, các phương pháp điều trị, thể trạng và đáp ứng điều trị của từng bệnh nhân, cũng như nhiều yếu tố khác.

Tuy nhiên, nói chung, nhiều bệnh nhân mắc ung thư máu có thể sống lâu dài và thậm chí được chữa khỏi hoàn toàn.

1. Bệnh bạch cầu

Trong đó bạch cầu cấp có thể tạm gọi đây là bệnh xấu nhất của ung thư máu. Nhưng có những nhóm rất tốt, rơi vào bạch cầu cấp lympho B ở trẻ em và nhóm tiên lượng ảm đạm nhất là bạch cầu cấp ở người lớn tuổi. Con số này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố tiên lượng. Một số ví dụ điển hình:

Bạch cầu cấp dòng lympho B

Trẻ em nhỏ hơn 15 tuổi  tiên lượng tốt có thời gian sống trên 5 năm là >90% với điều trị chuẩn. 

Nhóm có đột biến xấu thì con số này chỉ là 60 – 80% dù với hoá trị liệu tăng cường. 

Ở người lớn thì xấu hơn rất nhiều, con số này chỉ là từ 15 – 40%. 

Bạch cầu mạn dòng tuỷ 

Sự phát triển của các thuốc đặc trị làm cho đây là một trong những dạng ung thư máu tốt nhất. Thuốc imatinib cơ bản cho tỉ lệ sống >10 năm là 80%. Ngày nay nhiều thuốc mới ra đời nữa con số này càng khả quan hơn rất nhiều. 

Theo các thống kê ở những người được chẩn đoán bệnh bạch cầu mạn dòng tủy ở mọi độ tuổi trong một khu vực của nước Anh (England) từ 2004-2016 cho thấy khoảng 90 trên 100 người (khoảng 90%) sẽ sống được 5 năm hoặc hơn sau khi được chẩn đoán.

2. Đau tuỷ

Bệnh tiến triển chậm, thời gian sống còn tương đối dài nhưng còn tuỳ thuộc vào giai đoạn: giai đoạn sớm thì thời gian sống trung bình khoảng 7 năm. Giai đoạn muộn thì con số này < 4 năm. 

3. Ung thư hạch

Tuỳ thuộc vào thể mà quyết định ung thư hạch có thời gian sống trên 5 năm sẽ thay đổi từ 55% – 95%.

Chẩn đoán ung thư máu như thế nào? 

Bệnh được chẩn đoán khởi đầu dựa trên các triệu chứng lâm sàng gợi ý. Các xét nghiệm máu ban đầu có thể cho nghi ngờ về bệnh. Tuy nhiên để chẩn đoán xác định, một số xét nghiệm chuyên biệt khác có thể phải làm: 

1. Xét nghiệm tuỷ 

Là một xét nghiệm gần như bắt buộc ở mọi bệnh nhân được nghi ngờ các thể ung thư máu. Bác sĩ sẽ dùng kim chuyên dụng, chọc hút tuỷ tạo máu ở các vị trí như xương chậu, một số trường hợp ở xương ức.

Tuỷ xương này sẽ được phân tích tế bào, phân tích miễn dịch và cả sinh học phân tử. Do vậy, xét nghiệm này cực kỳ quan trọng, để xác định bệnh, theo dõi và phục vụ cho cả tiên lượng.

Một bệnh nhân được chọc hút tuỷ xương làm xét nghiệm
Một bệnh nhân được chọc hút tuỷ xương làm xét nghiệm

2. Sinh thiết hạch

Các trường hợp hạch to, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thủ thuật này để kiểm tra hạch. Tuỳ vào tình huống, có thể chọc hút, có thể lấy một phần hoặc trọn hạch. Mẫu đó sẽ được đi phân tích tế bào (giải phẫu bệnh) để xem xét độ ác tính. Đây là phương thức bắt buộc trong chẩn đoán ung thư hạch (lymphoma)

3. Xét nghiệm khác

Một số tình huống có thể cần phải chọc dò dịch não tuỷ, dịch màng bụng, dịch màng phổi để đánh giá sự xâm lấn và ảnh hưởng của tế bào ác tính. Các phương tiện hình ảnh học như siêu âm, X Quang, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), cũng đóng vai trò quan trọng trong nhiều trường hợp.

Xem thêm: Các xét nghiệm ung thư máu thường được chỉ định là gì?

Có những phương pháp nào điều trị ung thư máu? 

Các phương thức điều trị cụ thể cũng sẽ dựa vào loại bệnh, tiên lượng và đặc điểm cá thể. Nhìn chung có các phương thức điều trị sau: 

1. Hoá trị liệu

Sử dụng các thuốc có hoạt tính chống tế bào ung thư. Lợi dụng sự tăng sinh nhanh và “đói khát” của các tế bào này. Thuốc ức chế sự tăng trưởng đang ào ạt của chúng. Đây là cách thức điều trị chính và hiệu quả nhất của hầu hết các dạng ung thư máu. 

Hoá trị có thể là các thuốc cường độ mạnh, liều cao, đòi hỏi phải truyền qua sonde tĩnh mạch trung ương. Ngoài ra còn có thể là các thuốc uống, có hoạt tính “đè nén” tế bào ung thư.

Hoá trị liệu là phương thức phổ biến nhất trong điều trị ung thư máu
Hoá trị liệu là phương thức phổ biến nhất trong điều trị ung thư máu

2. Xạ trị

Sử dụng tia xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này được ứng dụng trong một số loại ung thư khác. Tuy nhiên, trong ung thư máu thì vai trò hạn chế hơn, chủ yếu để dự phòng những vị trí như ở thần kinh trung ương.

3. Ghép tế bào gốc

Hay được quen gọi là ghép tuỷ. Đây là cách điều trị thường áp dụng cho những bệnh nhân nguy cơ cao, tái phát, kháng trị,… Nguyên tắc chung của phương pháp này là sử dụng thuốc để “dọn dẹp” tuỷ. Sau đó sẽ ghép tế bào gốc của người cho. Một số hình thức khác nhau dựa trên nguồn tế bào gốc:

4. Tự ghép tế bào gốc

Tế bào gốc sẽ được thu thập bởi bệnh nhân. Sau đó sẽ được ghép lại cho chính người đó. Phương thức này giúp kéo dài thời gian lui bệnh sau khi hoá trị. Thường áp dụng cho các bệnh nhân lớn tuổi, các bệnh đặc thù ví dụ như Đa u tuỷ xương.

5. Dị ghép tế bào gốc 

Hay còn gọi là ghép tế bào gốc đồng loài. Được thu thập từ người cho phù hợp (thường là anh chị em ruột), và ghép cho bệnh nhân sau khi hoá trị lui bệnh. Các tế bào mới này sẽ tiêu diệt các tế bào ung thư. Đây là phương thức điều trị tích cực, nhưng bệnh nhân cũng sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ:

  • Thải ghép;
  • Bệnh mảnh ghép chống ký chủ;
  • Biến chứng do thuốc trong ghép;
  • Nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm nấm,… 

6. Ghép nửa thuận hợp 

Khi không có nguồn tế bào gốc phù hợp hoàn toàn, phương thức này có thể cân nhắc. Nguyên tắc sẽ giống như ghép thuận hợp hoàn toàn. Nhưng bệnh nhân sẽ đối diện với nhiều nguy cơ hơn, phản ứng mảnh ghép mạnh mẽ hơn, thuốc ức chế miễn dịch phải mạnh hơn, nhiễm trùng nhiễm nấm sẽ dễ hơn.

7. Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp tế bào, liệu pháp miễn dịch là một trong những phương pháp mới. Dựa trên phản ứng miễn dịch loại bỏ tế bào ung thư. Cách thức này được phát triển gần đây và cho nhiều kết quả khả quan và ngày càng ứng dụng rộng rãi.

Xem thêm: Ung thư máu có chữa được không? Lời giải đáp đến từ bác sĩ

Chăm sóc bệnh nhân ung thư máu như thế nào? 

Bệnh nhân ung thư máu có đặc điểm chung là dễ nhiễm trùng. Trong quá trình điều trị, nên có những lưu ý: 

  • Tuyệt đối ăn chín uống sôi.
  • Tham vấn bác sĩ điều trị về các loại thực phẩm có thể ăn. Một số có thể có tác động với thuốc điều trị. 
  • Không tự ý uống thuốc nam, thuốc bắc.
  • Hạn chế thăm nuôi, hạn chế tiếp xúc bên ngoài, rửa tay khi chăm sóc. 
  • Vận động vừa sức. 
  • Giữ thái độ lạc quan tích cực. 
Rửa tay sát khuẩn khi chăm sóc bệnh nhân là biện pháp đơn giản hiệu quả
Rửa tay sát khuẩn khi chăm sóc bệnh nhân là biện pháp đơn giản hiệu quả

Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc “ung thư máu sống được bao lâu?”. Ung thư máu là bệnh điều trị đa phần không dứt điểm được bệnh. Nhưng không điều trị thì bệnh nhân nguy cơ tiến triển xấu có thể rất nhanh. Phương thức trên từng bệnh nhân sẽ tuỳ thuộc vào cá nhân đó chứ không giống nhau giữa các bệnh nhân. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân cũng sẽ là điều bác sĩ quan tâm nhất. Hãy cùng trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh để lựa chọn cách tiếp cận tốt nhất nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Blood cancers -  The American Society of Hematologyhttps://www.hematology.org/Patients/Cancers/

    Ngày tham khảo: 17/08/2023

  2. Childhood cancer - National Cancer Institutehttps://www.cancer.net/cancer-types/childhood-cancer/introduction

    Ngày tham khảo: 17/08/2023

  3. Survival Rates and Factors That Affect Prognosis (Outlook) for Non-Hodgkin Lymphoma - American Cancer Societyhttps://www.cancer.org/cancer/non-hodgkin-lymphoma/detection-diagnosis-staging

    Ngày tham khảo: 17/08/2023

  4. Survival Rates by Stage for Multiple Myeloma - American Cancer Societyhttps://www.cancer.org/cancer/multiple-myeloma/detection-diagnosis-staging/

    Ngày tham khảo: 17/08/2023

  5. Risk group stratification and prognosis for acute lymphoblastic leukemia in children and adolescents - Uptodate 2019https://www.uptodate.com/contents/risk-group-stratification-and-prognosis-for-acute-lymphoblastic-leukemia-in-children-and-adolescents

    Ngày tham khảo: 17/08/2023

  6. Childhood Acute Lymphoblastic Leukemia Treatment (PDQ®)–Health Professional Versionhttps://www.cancer.gov/types/leukemia/hp/child-all-treatment-pdq

    Ngày tham khảo: 17/08/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người