YouMed

Bệnh bạch hầu: Nhận biết sớm để điều trị và phòng tránh

bác sĩ nguyễn lê vũ hoàng
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Lê Vũ Hoàng
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Bệnh bạch hầu, tên tiếng Anh là Diphtheria, do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra.  Bệnh gây nên nhiễm trùng nhiễm độc cấp tính, đe doạ tính mạng. Bệnh có thể điều trị được, nhưng trong giai đoạn nặng có thể gây hại lên thận, tim, thần kinh.

Thậm chí ngay cả khi đã điều trị nhưng bệnh vẫn có thể gây tử vong ở 3% người nhiễm. Bài viết này sẽ giúp các bạn nhận diện sớm triệu chứng và cách phòng tránh mắc bệnh.

Bệnh bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc nguy hiểm gây ra bởi vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Tên tiếng anh là Diphtheria, xuất phát từ tiếng Hy Lạp – diphthera – nghĩa là “da”. Bạch hầu được mô tả lần đầu tiên bởi Hippocrates vào thế kỉ thứ V trước công nguyên. Bệnh ảnh hưởng lên niêm mạc ở mũi và họng, gây ra đau họng, sốt, hạch to và kiệt sức.

Dấu hiệu đặc trưng để nhận biết bệnh là một mảng dày màu trắng xám che phủ thành sau họng. Mảng này còn được gọi là màng giả, có thể làm tắc nghẽn đường thở gây suy hô hấp. Klebs lần đầu phát hiện vi khuẩn trên màng giả vào năm 1883, Loffer nuôi cấy thành công vào năm 1884. Cuối thế kỉ XIX, kháng độc tố (Antitoxin) được tìm ra.

Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae
Vi khuẩn Corynebacterium Diphtheriae tác nhân gây nên bạch hầu

Nguyên nhân gây ra bệnh bạch hầu?

Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae là tác nhân gây ra bệnh. Đây là vi khuẩn hiếu khí gram dương. Khả năng tiết độc tố của C. Diphtheria là do nhiễm một loại virus có mang gen tạo độc tố (toxgene). Chỉ những dòng mang độc tố mới có thể gây bệnh nghiêm trọng.

Vi khuẩn tiết độc tố, ức chế tổng hợp protein, gây hủy hoại mô tại chỗ, tạo nên màng giả. Độc tố tạo ra được hấp thu vào máu và phân phối khắp cơ thể. Chính độc tố này gây biến chứng viêm cơ tim, viêm dây thần kinh, giảm tiểu cầu và tiểu đạm.

Dòng vi khuẩn không tiết độc tố thường gây viêm họng nhẹ – trung bình, nhưng không tạo màng giả.

Con đường lây lan của vi khuẩn

Vi khuẩn C. Diphtheria thường lây truyền qua 3 con đường:

  • Chất tiết: khi người nhiễm hắt hơi hay ho, người ở gần nếu hít phải chất tiết có thể hít vi khuẩn.
  • Vật dụng cá nhân bị nhiễm: do sử dụng lại vật dụng của người nhiễm, uống nước từ li chưa rửa sạch của người nhiễm. Hoặc tiếp xúc gần với các vật phẩm khác mà dịch tiết chứa vi khuẩn có thể đọng lại.
  • Dụng cụ nhà cửa bị nhiễm: đồ chơi, khăn.

Bạn cũng có thể nhiễm khuẩn nếu chạm vào vết thương của người nhiễm. Người nhiễm không điều trị có thể truyền vi khuẩn cho người khác trong thời gian lên đến 6 tuần. Nhất là khi họ hoàn toàn không có triệu chứng.

Biểu hiện lâm sàng của bạch hầu là gì?

Thời kì ủ bệnh thường kéo dài 2 – 5 ngày. Biểu hiện bệnh được phân chia dựa vào vị trí:

1. Mũi trước

Thường khởi phát giống cảm lạnh. Đặc trưng bởi chảy mũi nhày mủ, có thể lẫn máu. Màng giả máu trắng xám thường được tạo thành ở vách ngăn. Bệnh thường nhẹ, do sự hấp thu độc tố vào máu tại chỗ kém. Bệnh có thể điều trị được bằng kháng độc tố và kháng sinh.

2. Họng và amidan

Vị trí thường gặp nhất của bạch hầu. Giai đoạn sớm thường mệt mỏi, đau họng, chán ăn, sốt nhẹ. Trong vòng 2 – 3 ngày, hình thành một màng màu trắng xanh, kích thước rất thay đổi. Có thể nhỏ như một mảnh vá trên bề mặt amidan, có thể lớn che phủ gần hết vùng họng. Một số bệnh nhân có thể tự lui bệnh mà không cần điều trị.

Một số khác có thể tiến triển nặng. Sốt thường không cao, ngay cả khi nhiễm độc. Bệnh nhân nặng có thể sưng to vùng dưới hàm, hạch cổ. Nếu độc tố đi vào máu nhiều, người bệnh sẽ phờ phạc, tím tái, mạch nhanh, lờ đờ, hôn mê. Có thể tử vong trong vòng 6 đến 10 ngày.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh Bạch hầu
Biểu hiện lâm sàng của bệnh Bạch hầu

3. Thanh quản

Có thể tại chỗ, có thể do bạch hầu vùng họng và amidan lan xuống. Triệu chứng gồm sốt, khàn giọng, ho như chó sủa. Màng giả nhanh chóng gây tắc nghẽn đường thở, hôn mê và tử vong.

4. Da

Hay gặp ở người vô gia cư. Thường sẽ nổi mẩn ngứa, loét da. Dòng vi khuẩn gây ra bệnh ở da hiếm khi tiết độc tố, bệnh sẽ nhẹ hơn ở những vùng khác.

Những đối tượng nào dễ mắc bệnh?

Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao:

  • Trẻ em và người lớn không được chủng ngừa.
  • Người sống ở nơi đông đúc và mất vệ sinh.
  • Bất kì ai đi du lịch đến nơi đang có dịch bạch hầu.

Những biến chứng mà bạch hầu gây ra?

Hầu hết biến chứng của bạch hầu là do độc tố gây ra. Thường gặp nhất là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh:

  • Viêm cơ tim

Rối loạn nhịp, xảy ra ở giai đoạn sớm hoặc vài tuần sau đó, có thể dẫn đến suy tim.

  • Viêm dây thần kinh

Ảnh hưởng dây thần kinh vận động, thường hồi phục hoàn toàn. Liệt khẩu cái mềm thường gặp nhất trong 3 tuần đầu. Liệt cơ của mắt, tay chân và cơ hoành xảy ra ở sau tuần thứ 5. Liệt cơ hoành có thể gây ra viêm phổi và suy hô hấp thứ phát.

  • Biến chứng khác

Như viêm tai giữa, suy hô hấp do tắc nghẽn, đặc biệt ở trẻ sơ sinh.

  • Tử vong

Chiếm tỉ lệ 5 – 10%, cao hơn (20%) ở trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi. Tỉ lệ chết do bạch hầu hầu như không thay đổi trong suốt 50 năm trở lạ đây.

Bạch hầu có thể điều trị được không?

1. Kháng độc tố (Diphtheria Antitoxin)

Được sản xuất từ ngựa, sử dụng để điều trị bạch hầu từ thập niên 1890 tại Mỹ.

Không dùng để dự phòng bạch hầu.

Chỉ trung hòa độc tố tự do trong tuần hoàn. Không có tác dụng với độc tố đã gắn vào mô.

2. Kháng sinh

Dùng Erythromycin uống hay chích trong vòng 14 ngày. Hoặc Procaine Penicillin G tiêm bắp hàng ngày trong 14 ngày.

Bệnh thường không lây sau 48 giờ dùng kháng sinh.

Xác nhận đã loại vi khuẩn hoàn toàn khi 2 lần cấy liên tiếp đều âm tính. Được thực hiện sau khi kết thúc liệu trình kháng sinh.

3. Dự phòng

Đối với người tiếp xúc gần với người nhiễm: được uống kháng sinh Benzathine Penicillin hoặc Erythromycin 7 – 10 ngày.

Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu như thế nào?

Bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vaccine. Vaccine bạch hầu được tích hợp trong các vaccine kết hợp. Bao gồm:

  • Vaccine 6 trong 1: Hexaxim, Infanrix Hexa (6 bệnh: ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, Haemophillus influenzae type B).
  • Vaccine 5 trong 1: Pentaxim (5 bệnh: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, Haemophillus influenzae type B). Hoặc ComBE Five (5 bệnh: Ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B, Haemophillus influenzae type B).
  • Vaccine 4 trong 1: Tetraxim. Phòng 4 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt.
  • Vaccine 3 trong 1: Adacel. Phòng 3 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván.

Việt Nam đã có chương trình tiêm chủng mở rộng với bạch hầu và nhiều bệnh khác. Trẻ từ 2 tháng tuổi được tiêm 4 mũi lúc 2-3-4 tháng tuổi, nhắc lại lúc 18 tháng tuổi. Một liệu trình tiêm phòng đầy đủ gồm 4 mũi. Khoảng cách giữa các mũi tối thiểu 1 tháng. Mũi thứ 4 cách mũi thứ 3 tối thiểu 6 tháng.

Sau khi đã có miễn dịch với bạch hầu lúc nhỏ, cần tiêm nhắc lại để duy trì miễn dịch. Vì khả năng miễn dịch với bạch hầu sẽ giảm theo thời gian. Trẻ đã tiêm đủ trước 7 tuổi sẽ được tiêm nhắc lại lúc 11 – 12 tuổi và mỗi 10 năm. Tiêm nhắc lại đặc biệt quan trọng khi bạn du lịch đến nơi có tần suất bạch hầu cao.

Bệnh bạch hầu hoàn toàn có thể phòng tránh được. Hãy đi đến trung tâm chủng ngừa để được tiêm vaccine nếu con bạn chưa được tiêm. Cũng như hãy đến bệnh viện ngay nếu bạn có những triệu chứng được đề cập trong bài.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Diphtheriahttps://www.merckmanuals.com/professional/infectious-diseases/gram-positive-bacilli/diphtheria

    Ngày tham khảo: 20/10/2020

  2. Birth-18 years and catch-up immunization scheduleshttps://www.cdc.gov/vaccines/schedules/hcp/imz/child-adolescent.html

    Ngày tham khảo: 20/10/2020

  3. Advisory Committee on Immunization Practices Recommended Immunization Schedule for Adults Aged 19 Years or Olderhttps://www.cdc.gov/mmwr/volumes/65/wr/mm6504a5.htm

    Ngày tham khảo: 20/10/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người