YouMed

Y học thường thức: Bệnh Celiac (Không dung nạp Gluten)

bác sĩ ngô minh quân
Tác giả: Bác sĩ Ngô Minh Quân
Chuyên khoa: Ngoại thần kinh

Bệnh không dung nạp gluten (Celiac) là tình trạng dị ứng với gluten ở đường ruột, bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi với tỉ lệ mắc như nhau ở cả hai giới tính. Bệnh gây ra tình trạng viêm và bất sản ruột non làm giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm. Hãy cùng nhau tìm hiểu về bệnh lý này ở bài viết dưới đây.

Bệnh Celiac là gì?

Celiac là bệnh lý xảy ra do tình trạng giảm khả năng hấp thu một số loại thực phẩm nhất định ở đường tiêu hóa. Những người bệnh Celiac thường gặp những triệu chứng khi ăn bánh mì, pizza hay các loại ngũ cốc như lúa mạch và lúa mạch đen… Do những loại thức ăn này có chứa loại protein mang tên gluten.

Gluten làm tổn thương đường ruột của những bệnh nhân Celiac. Hậu quả là làm giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của đường tiêu hóa. Bệnh Celiac gặp ở cả người lớn lẫn trẻ em.

Bệnh Celiac - Y học thường thức: Bệnh Celiac (Không dung nạp Gluten)
Bệnh Celiac – Y học thường thức: Bệnh Celiac (Không dung nạp Gluten)

Triệu chứng của bệnh Celiac

Một số bệnh nhân Celiac không biểu hiện triệu chứng. Một số khác gặp phải các triệu chứng như:

  • Đau bụng.
  • Tiêu chảy.
  • Tăng nhu động ruột.
  • Sụt cân.
  • Chướng bụng, đầy hơi.
  • Chán ăn.
  • Ợ hơi.
  • Nổi mẩn ngứa ở da.
  • Chậm lớn (ở trẻ em).

Các triệu chứng trên cũng có thể gặp ở nhiều bệnh lý khác. Vậy nên nếu bạn gặp phải bất cứ triệu chứng nào kể trên hãy đến thăm khám ở các cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh chính xác.

Tiêu chảy là một trong những biểu hiện của bệnh Celiac. Tuy không phải là căn bệnh nguy hiểm nhưng vấn đề này gây nhiều phiền toái cho người bệnh. Có thể bạn chưa biết, có một số thực phẩm người bệnh này tuyệt đối không nên dùng. Nội dung này được chia sẻ trong bài viết: “Không nên ăn gì khi đang bị tiêu chảy?

Chẩn đoán bệnh Celiac

Bên cạnh việc thăm khám và hỏi bệnh sử thì có những xét nghiệm giúp ích cho việc chẩn đoán bệnh Celiac như:

  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu giúp khảo sát những protein do cơ thể tạo ra khi tiêu hóa. Những bệnh nhân mắc Celiac cơ thể thường tạo kháng thể với Gluten nhiều hơn người bình thường. Do đó để chẩn đoán chính xác, bệnh nhân thường được yêu cầu ăn theo chế độ chứa Gluten trong vài tuần trước khi thực hiện xét nghiệm.
  • Nội soi đường tiêu hóa, kèm sinh thiết: dụng cụ nội soi gồm có một ống mềm có chứa camera ở đầu ống. Ống nội soi được đưa vào đường tiêu hóa để khảo sát bề mặt của ruột non. Thông qua các dụng cụ đặc biệt có thể lấy một mẫu mô nhỏ để khảo sát dưới kính hiển vi chẩn đoán bệnh.
Nội soi đường tiêu hóa lấy mẫu xé nghiệm bệnh celiac
Nội soi đường tiêu hóa lấy mẫu xét nghiệm bệnh Celiac

Điều trị

Phương pháp điều trị hiệu quả nhất là ngừng ăn thực phẩm chức Gluten. Việc này thường khá khó làm quen. Gluten chứa trong các thức ăn phổ biến như:

Hạn chế ăn thực phẩm chứa Gluten phòng ngừa Bệnh Celiac
Hạn chế ăn thực phẩm chứa Gluten phòng ngừa bệnh Celiac
  • Bánh mì, mì ý, bánh ngọt và một số loại ngũ cốc.
  • Các loại nước sốt, gia vị.
  • Bia, mạch nha.

Giai đoạn đầu, bệnh nhân cũng cần hạn chế sữa, phô mai và những thực phẩm có nguồn gốc sữa. Những nhóm thực phẩm này thường tốn nhiều thời gian tiêu hóa ảnh hưởng đến sự lành của đường ruột sau tổn thương. Sau khi các tổn thương đường ruột ổn định bạn có thể sử dụng lại những loại thực phẩm này.

Những loại thực phẩm không chứa Gluten để thay thế như:

  • Gạo, ngô, khoai tây, đậu nành.
  • Trái cây và rau củ quả.

Một số thực phẩm được chế biến chủ động loại bỏ thành phần Gluten cũng an toàn cho bệnh nhân. Thời gian điều trị đầu có thể bác sĩ sẽ cần chỉ định thêm những nhóm thuốc bổ sung vitamin để bổ sung nhu cầu cho bệnh nhân trong lúc thay đổi chế độ ăn.

Chế độ sinh hoạt

Bệnh nhân thường cảm nhận được các triệu chứng cải thiện từ sau 2 tuần điều trị với việc thay đổi khẩu phần ăn không Gluten. Tuy vậy, hầu hết bệnh nhân phải nỗ lực nhiều và thay đổi lớn trong lối sống để duy trì khẩu phần ăn Gluten.

Các chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn những phương pháp thay đổi và đa dạng các loại thực phẩm mà vẫn đảm bảo không chứa Gluten.

Việc tránh các thực phẩm chứa Gluten cần được duy trì liên tục. Việc thăm khám bác sĩ và thực hiện lại xét nghiệm máu mỗi năm 1 lần là cần thiết để đánh giá đáp ứng của cơ thể với khẩu phần ăn hiện tại.

Phần khó nhất trong chế độ sinh hoạt là thay đổi khẩu phần ăn gần như hoàn toàn. Tuy nhiên hiện nay rất nhiều loại thực phẩm đã được sản xuất loại bỏ thành phần gluten dành riêng cho các bệnh nhân Celiac. Do đó việc làm quen với chế độ ăn mới cũng thuận lợi hơn trước.

Trên đây là những thông tin cơ bản bệnh Celiac. Hy vọng cung cấp được những thông tin bước đầu giúp người đọc dễ dàng tiếp tục tìm hiểu thêm về bệnh lý đặc biệt này. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Patient education: Celiac disease (The Basics). Written by the doctors and editors at UpToDate,  Nov 13, 2019.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người