YouMed

Bệnh viêm âm đạo: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Dung
Tác giả: Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Dung
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Viêm âm đạo là một trong những bệnh lý phụ khoa rất thường gặp. Với những triệu chứng như ngứa rát, tiết dịch có mùi khó chịu; viêm âm đạo gây nhiều khó chịu và ảnh hưởng sinh hoạt thường ngày. Vậy viêm âm đạo là gì? Nguyên nhân và cách điều trị như thế nào? Mời bạn cùng Bác sĩ chuyên khoa 1 Sản Phụ khoa Phạm Thị Ngọc Dung tìm hiểu về bệnh lý này qua bài viết sau đây nhé!

Viêm âm đạo là gì?

Viêm âm đạo là tình trạng âm đạo bị viêm, dẫn đến sự ngứa rát, khó chịu, hay tiết dịch.

Nguyên nhân thường gặp có thể do sự mất cân bằng của nấm men và vi khuẩn thường sống trong âm đạo. Hoặc viêm do nhiễm vi trùng hay kí sinh trùng gây bệnh. Giảm nồng độ estrogen sau mãn kinh và các bệnh da liễu cũng có thể gây ra tình trạng này.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm ra nguyên nhân. Có thể bạn sẽ cần sự giúp đỡ của bác sĩ để phân loại và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Ngoài tên viêm âm đạo, bệnh cũng được gọi bằng nhiều tên khác như “viêm phụ khoa”, “viêm vùng kín”,…

Bệnh viêm âm hộ – âm đạo chỉ chung tình trạng viêm của âm hộ – âm đạo. Trong đó, viêm âm hộ chỉ tình trạng viêm ở bên ngoài vùng kín. Viêm âm đạo chỉ tình trạng viêm bên trong vùng kín của người phụ nữ.

Viêm âm đạo là tình trạng viêm nhiễm ở âm đạo và gây khó chịu cho người bệnh
Viêm âm đạo là tình trạng viêm nhiễm ở âm đạo và gây khó chịu cho người bệnh

Phân loại viêm âm đạo

Những loại viêm âm đạo thường gặp là:1

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), viêm âm đạo do vi khuẩn ảnh hưởng đến gần 30% phụ nữ ở Hoa Kỳ trong suốt cuộc đời của họ. Đó là nguyên nhân phổ biến nhất của các triệu chứng ở âm đạo.2

Nguyên nhân viêm âm đạo

Như đã đề cập ở trên, viêm âm đạo được phân thành nhiều loại dựa trên các tác nhân gây bệnh. Có nhiều tác nhân có thể gây viêm âm đạo, phổ biến nhất là vi khuẩn. Các tác nhân khác cũng thường gặp bao gồm:

Một số bạn đọc thường thắc mắc: “Viêm âm đạo có lây không?”, “Viêm âm đạo có phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục không?”. Thực tế, viêm âm đạo có thể được xem như một triệu chứng do một số bệnh lý gây ra – các bệnh này có thể là bệnh có khả năng lây nhiễm, hay bệnh lây truyền qua đường tình dục. Vì vậy, để trả lời chính xác cho những thắc mắc trên còn phải dựa vào từng nguyên nhân gây viêm âm đạo.

1. Viêm âm đạo do vi khuẩn

Đây là tình trạng viêm âm đạo thường gặp nhất do rối loạn hệ vi khuẩn thường trú tại âm đạo. Tình trạng này còn được gọi là “loạn khuẩn âm đạo”.

Thông thường, vi khuẩn thường trú ở âm đạo, nhiều nhất là lactobacilli, cân bằng trạng thái khỏe mạnh của âm đạo. Khi loạn khuẩn âm đạo xảy ra, lactobacilli giảm xuống, các chủng vi khuẩn khác nhiều lên, đảo lộn sự cân bằng này.

Gardnarella là một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong âm đạo và là một trong những tác nhân gây viêm vùng này. Sự phát triển quá mức của chúng có thể dẫn đến viêm âm đạo do vi khuẩn.

Streptococcus hoặc Staphylococcus cũng có thể xuất hiển, nhưng thường không dẫn đến nhiễm trùng. Nhiễm trùng do vi khuẩn có thể gây ra khí hư màu trắng xám có mùi tanh.

Loạn khuẩn âm đạo dường như có liên quan đến hoạt động tình dục. Đặc biệt, bệnh thường xảy ra ở những người phụ nữ có nhiều bạn tình hay có bạn tình mới. Trong vài trường hợp hiếm hơn, loạn khuẩn có thể xảy ra ở những người chưa quan hệ tình dục lần nào.

Sự rối loạn hệ khuẩn ở âm đạo có thể gây ra tình trạng viêm âm đạo
Sự rối loạn hệ khuẩn ở âm đạo có thể gây ra tình trạng viêm âm đạo

2. Viêm âm đạo do nấm men (Candida)

Bình thường, tại âm đạo cũng có một phần rất nhỏ nấm cư trú, nhưng vô hại. Vì một lí do nào đó, nấm – thường là Candida albicans – phát triển quá mức gây viêm. Candida cũng có thể gây bệnh ở những vùng da ẩm ướt của cơ thể như miệng, các nếp gấp da hay móng tay chân.

Nhiễm nấm âm đạo này có thể gây ngứa bộ phận sinh dục và tiết dịch âm đạo đặc, màu trắng với kết cấu giống pho mát.

Một số phụ nữ bị nhiễm nấm âm đạo sau khi sử dụng thuốc kháng sinh. Điều này là do thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn kháng nấm sống tự nhiên trong âm đạo.

Khi nhiễm nấm âm đạo tái phát hay nhiễm nấm có triệu chứng nặng, bác sĩ sẽ cần phải tìm các nguyên nhân tiềm ẩn như đái tháo đường hay sử dụng kháng sinh, corticoid dài ngày.

Viêm âm đạo do Candida thường gây dịch tiết màu trắng, có kết cấu sệt ở âm đạo
Viêm âm đạo do Candida thường gây dịch tiết màu trắng, có kết cấu sệt ở âm đạo

3. Viêm âm đạo do Trichomonas

Trichomonas là một trong những tác nhân gây bệnh lây qua đường tình dục thường gặp. Đây là loại kí sinh trùng nhỏ xíu có một tế bào, còn được gọi là trùng roi.

Sự nhiễm trùng này gây khó chịu ở bộ phận sinh dục, ngứa và tiết dịch nhiều. Dịch tiết có thể có màu vàng, xanh lá cây hoặc xám, thường có mùi hôi.

Ở nam giới, trùng roi trichomonas thường gây viêm niệu đạo nam. Ở nữ giới, chúng thường gây viêm âm đạo. Rất nhiều trường hợp nhiễm bệnh mà không có triệu chứng, càng tạo điều kiện cho bệnh lây lan.

Ngoài ra, viêm âm đạo do Trichomonas làm tăng nguy cơ nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục khác. Bên cạnh Trichomonas, nhiễm Chlamydia, lậu và Herpes là những bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây viêm âm đạo.

Dịch tiết màu trắng xám trong nhiễm trùng Trichomonas ở âm đạo
Dịch tiết màu trắng xám trong nhiễm trùng Trichomonas ở âm đạo

4. Viêm âm đạo do virus

Virus gây viêm âm đạo thường lây truyền qua đường tình dục. Chúng bao gồm Herpes và Human Papillomavirus ở người (HPV).

5. Ký sinh trùng

Giun kim, ghẻrận có thể gây viêm âm hộ và âm đạo.

6. Viêm âm đạo không do nhiễm trùng

Thói quen sinh hoạt

  • Vệ sinh kém hay những thói quen như thụt rửa âm đạo, dùng vòi xịt có thể gây tổn thương âm đạo.
  • Quần áo chật có thể cọ xát vào da, gây kích ứng và làm ẩm ướt ở vùng kín.
  • Dị vật như giấy vệ sinh, băng vệ sinh hay tampon bỏ quên cũng có thể gây viêm âm đạo.
Việc tự ý thụt rửa âm đạo có thể gây tình trạng viêm ở âm đạo
Việc tự ý thụt rửa âm đạo có thể gây tình trạng viêm ở âm đạo

Các chất gây dị ứng

Một số hóa chất có thể gây viêm âm đạo. Chúng thường được tìm thấy trong xà phòng có mùi thơm, nước hoa và thuốc tránh thai âm đạo, chất diệt tinh trùng… Chúng gây dị ứng hay kích ứng làm ngứa, rát vùng âm hộ âm đạo. Hóa chất có thể gây phản ứng dị ứng bao gồm:

  • Paraben.
  • Natri sunfat.
  • Triclosan.
  • Dioxan.

Nếu bất kỳ thành phần nào trong số này có trong xà phòng hoặc bột giặt của bạn, bạn có thể chuyển sang nhãn hiệu không gây dị ứng hoặc không có mùi thơm. Điều này có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng của bạn tái phát.

Bên cạnh đó, da bị kích ứng dễ bị viêm âm đạo hơn da khỏe mạnh. Kích ứng cũng có thể làm phục hồi da chậm lại.

Việc sử dụng một số loại xà phòng có thể gây kích ứng và gây viêm âm đạo
Việc sử dụng một số loại xà phòng có thể gây kích ứng và gây viêm âm đạo

7. Viêm teo âm đạo (thường xảy ra sau mãn kinh)

Giảm nồng độ estrogen (hormone sinh dục) sau mãn kinh hay sau phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng gây teo niêm mạc âm đạo. Ở nhiều phụ nữ sau mãn kinh, có thể có triệu chứng đau rát âm đạo khi giao hợp, khô hạn hay bốc hỏa.

Viêm teo âm đạo thường xảy ra ở phụ nữ mãn kinh
Viêm teo âm đạo thường xảy ra ở phụ nữ mãn kinh

Các yếu tố tăng nguy cơ viêm âm đạo

Những yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ viêm âm đạo:

  • Thay đổi nồng độ hormone cơ thể. Ví dụ như có thai, sử dụng thuốc viên ngừa thai hay trong giai đoạn mãn kinh. Sự sụt giảm lượng estrogen mà cơ thể bạn tạo ra có thể gây ra những thay đổi đối với âm đạo dẫn đến viêm âm đạo.
  • Hoạt động tình dục. Ký sinh trùng, vi khuẩn và vi rút gây nhiễm trùng có thể truyền từ người này sang người khác qua quan hệ tình dục. Tùy thuộc vào bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm trùng có thể lây lan qua giao hợp âm đạo, quan hệ tình dục qua đường hậu môn hoặc quan hệ tình dục bằng miệng và dẫn đến viêm âm đạo.
  • Sử dụng sản phẩm có hóa chất dễ gây kích ứng như: xà phòng tạo bọt, có mùi thơm, nước hoa (vùng kín), chất diệt tinh trùng,…
  • Dùng thuốc, đặc biệt là các thuốc chứa corticoid dài ngày.
  • Đái tháo đường không kiểm soát.
  • Thói quen sinh hoạt: vệ sinh không đúng cách, thụt rửa âm đạo, mặc quần lót hay quần mặc ngoài quá chật hay ẩm ướt.

Dấu hiệu viêm âm đạo

Viêm âm đạo thường có những triệu chứng như:

  • Dịch âm đạo có màu hay mùi bất thường.
  • Tiết dịch âm đạo nhiều.
  • Âm đạo ngứa, rát hay sưng tấy.
  • Giao hợp đau.
  • Tiểu rát, tiểu buốt.
  • Chảy máu âm đạo bất thường.

Dựa vào tính chất của dịch tiết âm đạo bất thường, có thể dự đoán viêm âm đạo này thuộc loại nào. Những ví dụ điển hình như:

  • Viêm âm đạo do vi khuẩn. Dịch âm đạo thường có màu xám trắng, có mùi khó chịu. Mùi của dịch, thường được mô tả như mùi cá ươn, có thể thấy sau giao hợp.
  • Viêm âm đạo do nấm. Triệu chứng thường nhất là ngứa rát âm đạo. Dịch âm đạo trắng, đặc, đóng cục thường được mô tả như phô – mai.
  • Viêm âm đạo do Trichomonas. Trùng roi Trichomonas thường gây triệu chứng dịch âm đạo có màu xanh – vàng, đôi khi còn nổi bọt.

Để tìm hiểu các dấu hiệu cụ thể của từng loại viêm âm đạo, bạn đọc có thể tham khảo thêm bài viết: Những dấu hiệu viêm âm đạo mà có thể bạn chưa biết

Viêm âm đạo có nguy hiểm không?

Điều quan trọng là cần điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn và bệnh Trichomonas. Bởi vì khi nhiễm một trong hai bệnh này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Tình trạng viêm làm sự bảo vệ của cơ thể giảm sút nên các tác nhân này dễ dàng xâm nhập và gây bệnh. Tác nhân thường gặp như lậu, giang mai, sùi mào gà, herpes sinh dục, HIV,…

Nếu bạn đang mang thai, viêm âm đạo do vi khuẩn hoặc nhiễm Trichomonas có thể làm tăng nguy cơ sinh non và sinh bé nhẹ cân.3

Viêm âm đạo không điều trị có thể tự khỏi không?

Người bệnh không nên đợi viêm âm đạo tự khỏi, trừ khi đã biết nguyên nhân gây ra bệnh. Ví dụ, một số bệnh nhiễm nấm âm đạo nhẹ sẽ tự khỏi, nhưng không phải trường hợp nào cũng vậy.

Viêm âm đạo do vi khuẩn thường có thể tự khỏi, nhưng nếu không được điều trị, bệnh có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nó cũng có thể gây ra các biến chứng nếu người bệnh đang mang thai.

Các triệu chứng của viêm âm đạo do virus có thể tự biến mất. Nhưng trong khoảng thời gian đó, bác sĩ có thể cần biết về bất kỳ bệnh lây truyền qua đường tình dục nào mà bạn mắc phải, để họ có thể theo dõi mọi thay đổi của tế bào. Một số loại virus HPV nguy cơ cao có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người bệnh nên đến khám bác sĩ để xác định nguyên nhân gây ra bệnh và được tư vấn về phương pháp điều trị nào là phù hợp nhất.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu:

  • Nhận thấy âm đạo, âm hộ có mùi khó chịu, ngứa ngáy hoặc đau rát, có tiết dịch.
  • Người bệnh có các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, đau vùng chậu.
  • Tất cả các triệu chứng của bạn không biến mất hoàn toàn.
  • Người bệnh có bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào khác như bệnh đái tháo đường.
  • Người bệnh là phụ nữ đang mang thai.
  • Bạn chưa từng bị nhiễm trùng âm đạo trước đó. Việc đến gặp bác sĩ có thể giúp bạn tìm được nguyên nhân, cũng như biết được những dấu hiệu của bệnh.
  • Bạn đã từng bị nhiễm trùng trước đây.
  • Bạn đã có nhiều bạn tình hoặc có bạn tình mới gần đây và lo lắng về các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Các triệu chứng trở lại ngay lập tức hoặc ngay sau khi bạn kết thúc điều trị.

Chẩn đoán viêm âm đạo như thế nào?

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ có thể thực hiện các hoạt động sau:

1. Khai thác tiền sử

Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tình trạng hiện tại và hỏi về tiền sử bệnh. Bao gồm tiền sử các bệnh lý phụ khoa, các bệnh lý viêm nhiễm âm đạo hay bệnh lây qua đường tình dục. Bác sĩ cũng có thể cần biết về các vấn đề sinh hoạt tình dục và thói quen vệ sinh vùng âm đạo.

2. Hỏi về các triệu chứng

Hãy trao đổi với bác sĩ những cảm giác khó chịu hay các triệu chứng bạn cảm thấy. Những gợi ý này sẽ giúp định hướng chẩn đoán.

3. Khám vùng chậu

Bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra vùng chậu để kiểm tra bên trong âm đạo xem có bị viêm và tiết dịch quá mức không. Bác sĩ sẽ đặt một dụng cụ gọi là mỏ vịt qua âm hộ để bộc lộ và quan sát vùng âm đạo. Các triệu chứng như viêm, sưng đỏ hay tiết dịch âm đạo sẽ được ghi nhận.

Dụng cụ có hình mỏ vịt có thể được sử dụng để thăm khám vùng âm đạo
Dụng cụ có hình mỏ vịt có thể được sử dụng để thăm khám vùng âm đạo

4. Lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm

Mẫu bệnh phẩm là dịch tiết âm đạo sẽ được lấy để làm xét nghiệm xem nguyên nhân nào gây ra viêm âm đạo. Xét nghiệm này giúp chẩn đoán xác định và hướng dẫn điều trị.

Nguyên nhân gây viêm âm đạo có thể được chẩn đoán bằng cách kiểm tra sự xuất hiện của dịch âm đạo, nồng độ pH âm đạo, sự hiện diện của mùi hôi và phát hiện các tế bào cụ thể bằng kính hiển vi.

Điều trị viêm âm đạo

Cách chữa trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Nó có thể bao gồm steroid tại chỗ có hiệu lực thấp, bôi lên da, thuốc kháng sinh bôi hoặc uống, thuốc chống nấm hoặc kem kháng khuẩn.

Viêm âm đạo do vi khuẩn thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh, chẳng hạn như metronidazole (Flagyl) hoặc clindamycin. Lưu ý viêm âm đạo do vi khuẩn có thể tái phát sau khi điều trị.

Các loại thuốc dùng để điều trị viêm âm đạo do nhiễm nấm bao gồm: butoconazole và clotrimazole.

Các tùy chọn khác bao gồm:

  • Kem cortisone để điều trị kích ứng nghiêm trọng.
  • Thuốc kháng histamin, nếu tình trạng viêm xuất hiện do phản ứng dị ứng.
  • Các dạng estrogen bổ sung như gel/kem bôi, viên đặt hay vòng âm đạo, có thể được dùng để điều trị viêm teo âm đạo ở người mãn kinh.

Đối với viêm âm đạo không do nhiễm trùng, cần chú ý tránh những tác nhân gây kích ứng vùng âm hộ âm đạo như xà phòng, chất khử mùi hay nước hoa vùng kín.

Cần lưu ý một số loại thuốc cần dùng đúng liều lượng và đủ thời gian. Do đó, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được khám, kê đơn và hướng dẫn.

Cần cho bác sĩ biết nếu người bệnh đang mang thai, hay đang nuôi con bằng sữa mẹ. Vì viêm âm đạo có thể ảnh hưởng đến thai nhi, và một số lựa chọn điều trị có thể không phù hợp.

Việc hoàn thành một liệu trình kháng sinh do bác sĩ kê đơn thường sẽ loại bỏ bất kỳ bệnh nhiễm trùng nào và giảm bớt tình trạng viêm nhiễm liên quan. Không nên quan hệ tình dục và tránh các sản phẩm có chứa chất kích thích trong vài ngày sau khi chẩn đoán cũng có thể tăng tốc độ phục hồi.

Cách chữa viêm âm đạo tại nhà

Nếu đã từng bị viêm âm đạo trước đây, bạn có thể điều trị viêm âm đạo bằng cách sử dụng các sản phẩm không kê đơn có bán tại bất kỳ hiệu thuốc nào. Dược sĩ có thể tư vấn cho bạn sản phẩm phù hợp cho các triệu chứng của bạn và cách sử dụng thuốc.

Bên cạnh đó, một số phương pháp khác cũng giúp điều trị bệnh mà bạn có thể áp dụng. Sử dụng các thực phẩm, hay chất bổ sung chứa probiotics có thể giúp điều trị viêm âm đạo. Tỏi được biết đến với đặc tính kháng khuẩn, cũng có thể giúp điều trị tình trạng này.

Bạn có thể giảm bớt một số triệu chứng của bệnh viêm âm đạo bằng cách ngồi ngâm trong bồn tắm ngồi – một bồn tắm nông, ấm áp chỉ bao phủ vùng hông của bạn. Thêm dầu trà, hoặc một lượng giấm, hoặc muối biển vào bồn tắm có thể giúp tiêu diệt một số vi khuẩn, nếu đó là nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bạn.

Cần lưu ý không ngồi trong bồn tắm quá lâu. Dùng khăn lau khô hoàn toàn vùng bị ảnh hưởng sau khi tắm.

Đặc biệt lưu ý đối với người bệnh là phụ nữ mang thai, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.

Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu tình trạng viêm hoặc tiết dịch không cải thiện sau một tuần điều trị tại nhà.

Phòng ngừa viêm âm đạo

1. Không nên thụt rửa âm đạo để vệ sinh vùng kín

Chúng ta thường được khuyên giữ cho vùng kín luôn sạch sẽ và khô ráo. Tuy nhiên, các bác sĩ không khuyên dùng thuốc xịt âm đạo hoặc xà phòng có mùi thơm nặng cho vùng kín. Vùng kín chỉ cần rửa sạch thông thường mà không cần đến thụt rửa bằng bất kì chất nào.

Thói quen thụt rửa không những không giúp làm sạch vi khuẩn, mà còn có thể gây kích ứng và quan trọng hơn là có thể che giấu hoặc lây lan nhiễm trùng. Nó cũng loại bỏ các vi khuẩn lành mạnh. Từ đó làm tăng nguy cơ viêm âm đạo.

2. Sử dụng quần lót thấm hút mồ hôi tốt

Nấm mốc thường phát triển ở môi trường ẩm ướt. Do đó, hãy sử dụng quần lót thoải mái và thấm hút tốt để tránh ẩm mốc. Vệ sinh đồ lót sạch sẽ và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời hoặc sấy trước khi mặc.

Không chỉ đồ lót, phụ nữ cũng không nên mặc quần quá bó thường xuyên. Quần jean bó sát, quần ngắn tập thể dục hay quần legging không thoáng khí và quần lót không có lớp vải cotton có thể dẫn đến nhiễm trùng nấm men.

Hạn chế mặc quần quá bó để phòng tránh viêm âm đạo
Hạn chế mặc quần quá bó để phòng tránh viêm âm đạo

3. Trách các tác nhân gây kích ứng

Tránh các tác nhân gây kích ứng như tampon, băng vệ sinh có mùi thơm, xà phòng khử mùi và nước hoa vùng kín.

Rửa sạch bọt xà phòng ở vùng sinh dục sau khi tắm và giữ cho vùng kín khô thoáng.

4. Quan hệ tình dục an toàn

Sử dụng bao cao su khi quan hệ giúp ngăn chặn các tác nhân lây qua đường tình dục, trong đó có Trichomonas.

Bên cạnh đó, không nên quan hệ tình dục bừa bãi vì có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.

5. Khám phụ khoa định kỳ

Khám phụ khoa toàn diện hàng năm, bao gồm phết tế bào cổ tử cung nếu bác sĩ đề nghị.

Trên đây là thông tin về bệnh viêm âm đạo. Đây là bệnh lý thường gặp và gây nhiều khó chịu cho nhiều phụ nữ. Những triệu chứng như tiết dịch âm đạo bất thường, ngứa rát vùng kín gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt cá nhân của chị em. Hãy để ý đến cô bé của mình để đi khám ngay khi có triệu chứng nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Vaginitishttps://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/vaginitis

    Ngày tham khảo: 17/02/2023

  2. Bacterial Vaginosis (BV) Statisticshttps://www.cdc.gov/std/bv/stats.htm

    Ngày tham khảo: 17/02/2023

  3. Vaginitishttps://medlineplus.gov/vaginitis.html

    Ngày tham khảo: 17/02/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người