Đau họng: Các nguyên nhân thường gặp và cách phòng ngừa
Nội dung bài viết
Đau rát họng có thể nói là một triệu chứng vô cùng thường gặp của mọi người, dù ở bất kỳ độ tuổi nào. Đôi khi triệu chứng này tái đi tái lại rất nhiều lần. Điều này gây ra rất nhiều khó chịu và lo lắng cho người bệnh. Câu hỏi nhiều người sẽ băn khoăn trong tình huống này đó là liệu mình có bị bệnh gì nguy hiểm không?
Đau họng biểu hiện như thế nào?
Đau họng là cảm giác đau, ngứa rát phía trong cổ họng. Cảm giác này thường tăng lên khi bệnh nhân nuốt. Điều này cũng thường gây khó khăn cho một số bệnh nhân khi nói chuyện.
Một số trường hợp còn có hiện tượng sưng nóng ở cổ, hàm. Nếu dùng đèn soi nhìn vào họng thì có thể thấy niêm mạc họng đỏ rực, có khi còn thấy được cả amiđan đang sưng viêm. Nếu bệnh tác động đến dây thanh âm thì có thể có dấu hiệu khàn tiếng. Ngoài ra, một số triệu chứng khác cũng thường đi kèm với đau họng như là: sốt, ho, sổ mũi, hắt xì, đau nhức cơ, nhức đầu, mắc ói…
Các nguyên nhân thường gặp
1. Cảm lạnh
Đây là bệnh lý cực kỳ thường gặp, đặc biệt ở trẻ em. Nguyên nhân thường là do nhiễm các loại vi rút gây cảm lạnh từ ngoài không khí. Bệnh thường bắt đầu bằng cảm giác ngứa họng, chảy nước mũi, khó chịu trong người. Những người hay bị cảm lạnh hoàn toàn có thể nhận biết được các dấu hiệu báo trước này.
Bệnh sẽ làm cho cơ thể thường uể oải, đôi lúc gây ra sốt. Trong giai đoạn sau sẽ bắt đầu xuất hiện ho khan. Cảm lạnh thường tự thuyên giảm trong vòng 1 tuần. Những gì người bệnh cần làm đó là ăn uống đầy đủ nhằm tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể phục hồi nhanh chóng.
2. Viêm amiđan
Viêm amidan thường gặp ở trẻ em. Amidan có vai trò như một lớp bảo vệ đầu tiên chống lại các tác nhân xâm nhập đường hô hấp. Tuy nhiên, khi hoạt động quá sức, amidan sẽ phình to, mất chức năng. Điều này gây nên những đợt viêm tái đi tái lại. Các đợt đau họng này có thể tự qua đi hoặc cần đến sự can thiệp của thuốc kháng sinh. Nếu như amiđan viêm quá nhiều lần hoặc gây cản trở đường thở thì bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân phẫu thuật cắt amidan.
3. Viêm thanh quản
Viêm thanh quản thường biểu hiện bằng dấu hiệu khàn tiếng. Tuy vậy, đau rát họng cũng thường gặp. Một số trường hợp nặng có thể gây khó thở. Trường hợp khó thở quá nặng cần được đưa đến cấp cứu ngay lập tức.
Viêm thanh quản ở trẻ em thường biểu hiện nặng nề hơn vì đường thở nhỏ. Đối với trẻ em, bác sĩ có thể sẽ kê những thuốc kháng viêm giúp giảm cản trở đường thở. Đối với người lớn thì có thể nhẹ nhàng hơn, chỉ cần hạn chế nói và uống nhiều nước.
4. Dị ứng
Dị ứng với lông động vật, bụi, phấn hoa có thể gây ra đau họng. Vấn đề có thể phức tạp hơn khi nước mũi chảy ngược ra sau, gây kích thích và tạo nên phản ứng viêm ở họng.
5. Khô họng
Không khí khô trong môi trường trong nhà có thể khiến họng thô ráp và ngứa ngáy. Ngoài ra, khi bạn nghẹt mũi lâu ngày, phải thở qua đường miệng cũng sẽ làm cho họng thêm khô và đau.
6. Sử dụng chất kích thích
Ô nhiễm không khí do thuốc lá, chất hóa học có thể gây ra đau họng mạn tính. Thuốc lá dạng nhai, uống rượu và ăn thức ăn cay nóng cũng có thể gây kích thích cổ họng.
7. Căng cơ
Đôi khi, đau họng xảy ra do sử dụng quá mức cơ ở vùng họng. Chẳng hạn như khi hét lớn, nói to hay nói chuyện liên tục trong thời gian dài mà không nghỉ.
8. Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý của hệ tiêu hóa, trong đó axit ở dạ dày bị dội ngược lên lại thực quản. Cần nghĩ đến bệnh lý này trong các trường hợp đau họng tái diễn nhiều lần. Một số dấu hiệu khác giúp nhận diện bệnh đó là nóng rát lồng ngực, khàn tiếng, cảm giác vướng cổ, ọi ra thức ăn…
9. Suy giảm miễn dịch
Trong một số ít trường hợp, đau rát họng kèm các triệu chứng cảm cúm có thể là các dấu hiệu đầu tiên của tình trạng suy giảm miễn dịch. Những bệnh nhân này thường có xuất hiện nấm miệng và các triệu chứng ở họng cũng nặng nề, khó dứt hơn.
10. Khối u
Ung thư ở họng, lưỡi và thanh quản có thể gây ra đau họng. Cần tầm soát nguyên nhân này nếu bệnh nhân có các dấu hiệu gợi ý khác như khàn tiếng, khó nuốt, tiếng thở ồn ào, có khối sưng ở cổ, đàm hoặc nước bọt lẫn máu…
Phòng ngừa đau họng bằng cách nào?
Cách tốt nhất để phòng ngừa là tránh xa các tác nhân gây ra viêm họng và vệ sinh cá nhân tốt.
- Rửa tay kỹ càng và thường xuyên, đặc biệt là sau khi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi hắt xì, ho.
- Không nên dùng chung đồ ăn, thức uống.
- Sử dụng dung dịch vệ sinh tay nhanh.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa và các dụng cụ thường sử dụng trong nhà.
- Tránh tiếp xúc với người đang bị đau họng.
Qua bài viết trên, hy vọng bạn đã nắm được các nguyên nhân có thể dẫn đến đau rát họng. Những trường hợp đau họng tái đi tái lại quá nhiều cần đến khám bác sĩ để tìm ra được gốc rễ của bệnh. Với các kiến thức trên, mong rằng bạn đã có được cái nhìn sâu hơn về đau rát họng để có thể chăm sóc tốt cho bản thân và gia đình.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Sore throathttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sore-throat/symptoms-causes/syc-20351635
Ngày tham khảo: 28/11/2019
-
Sore Throat 101: Symptoms, Causes, and Treatmenthttps://www.healthline.com/health/sore-throat
Ngày tham khảo: 28/11/2019
-
Is Your Sore Throat a Cold, Strep Throat, or Tonsillitis?https://www.webmd.com/cold-and-flu/sore-throat-cold-strep-throat-tonsillitis
Ngày tham khảo: 28/11/2019