YouMed

Viêm thanh quản cấp: nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

bác sĩ nguyễn lê vũ hoàng
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Lê Vũ Hoàng
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Hiện nay, viêm thanh quản cấp là bệnh rất thường gặp, đặc biệt đối với độ tuổi từ 18 đến 40. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể gặp ở trẻ nhỏ, khoảng 3-4 tuổi. Tuy tỉ lệ bệnh nặng và tử vong thấp nhưng gây nhiều phiền toái cho người bệnh.

Về định nghĩa, viêm thanh quản được hiểu là tình trạng viêm của thanh quản, có thể biểu hiện qua hai thể: viêm thanh quản cấp và viêm thanh quản mạn. Viêm thanh quản cấp là tình trạng nhẹ và có thể tự giới hạn, thường kéo dài một thời gian ngắn khoảng 3 đến 7 ngày. Nếu tình trạng viêm này kéo dài nhiều hơn 3 tuần thì được gọi là viêm thanh quản mạn.

Nguyên nhân gây nên viêm thanh quản cấp

Nguyên nhân gây nên tình trạng viêm có thể chia thành hai loại: nhiễm trùng và không nhiễm trùng. Loại nhiễm trùng hay gặp hơn, và thường tiếp theo sau một tình trạng nhiễm trùng hô hấp trên. Viêm cấp thường khởi đầu với nhiễm virus và nhanh chóng bội nhiễm tác nhân vi trùng.

Nhiễm trùng được chia thành:

  • Tác nhân virus thông thường bao gồm Rhinovirus, Virus á cúm, virus hợp bào hô hấp, Adenovirus. Ngoài ra, trên những bệnh nhân suy giảm miễn dịch có thể gặp HIV và Coxsackievirus.
  • Ba tác nhân vi trùng hay gặp là phế cầu, Hemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis.

Ngoài ra, khi bệnh nhân đang mắc các bệnh như sởi, thủy đậu, ho gà cũng có thể dẫn đến bệnh viêm thanh quản cấp.

  • Nhiễm cấp do nấm cũng khá thường gặp, tuy nhiên thường không được chẩn đoán. Viêm thanh quản cấp thường xảy ra thứ phát sau khi sử dụng corticoids hoặc kháng sinh. Bao gồm các tác nhân: Histoplasma, Candida, Cryptococcus.

Không nhiễm trùng: bao gồm chấn thương giọng nói, dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản, sử dụng thuốc hít (trị hen suyễn), ô nhiễm môi trường, hút thuốc lá, hoặc là nuốt phải hóa chất làm bỏng thanh quản…

Điều gì xảy ra khi bị viêm thanh quản cấp?

  • Tình trạng viêm cấp có thể tự giới hạn trong thời gian ngắn, tối đa là 2 tuần.
  • Thể nhiễm trùng thường biểu hiện bằng triệu chứng tắc nghẽn thanh quản trong giai đoạn sớm.
  • Ngay khi giai đoạn chữa lành bệnh bắt đầu, các tế bào bạch cầu kéo đến nơi viêm để tiêu diệt vi trùng. Điều này vô tình dẫn đến phù dây thanh âm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến giọng nói. Hậu quả là người bệnh có thể bị khàn tiếng, thậm chí tắt tiếng cho đến khi khỏi bệnh.
  • Chấn thương giọng nói có thể do tình trạng la hét hoặc hát quá mức. Điều này làm tàn phá lớp ngoài cùng của dây thanh âm. Lâu ngày có thể gây xơ hóa, để lại sẹo không phục hồi.

Triệu chứng của viêm thanh quản cấp

Triệu chứng ban đầu thường là của nhiễm trùng hô hấp trên, bao gồm: sốt, ho, đau họng, sổ mũi. Theo sau đó, triệu chứng viêm thanh quản sẽ xuất hiện. Triệu chứng thường khởi phát đột ngột, và đạt đỉnh trong 2 – 3 ngày sau đó.

Các triệu chứng này bao gồm:

  • Thay đổi giọng nói, giai đoạn sau có thể mất tiếng hoàn toàn.
  • Đau và ngứa họng, đặc biệt sau khi nói chuyện.
  • Ho khan, nặng hơn về đêm
  • Triệu chứng khác: khô cổ họng, khó chịu, mệt mỏi, sốt.

Làm cách nào để chẩn đoán?

Thông thường, việc chẩn đoán viêm thanh quản không quá khó khăn. Bác sĩ có thể chẩn đoán dựa vào các dấu hiệu trong tiền sử và triệu chứng thấy được khi khám bệnh nhân.

Các xét nghiệm thường thì không quá cần thiết. Nếu chẩn đoán gặp khó khăn khi triệu chứng không rõ ràng, hoặc khi cần các cận lâm sàng để chẩn đoán phân biệt, nội soi thanh quản có thể được sử dụng. Các hình ảnh của viêm thanh quản trên nội soi bao gồm: hình ảnh bất đối xứng, niêm mạc không còn mềm mại như các niêm mạc lành xung quanh.

Hình ảnh viêm thanh quản cấp qua nội soi thanh quản
Hình ảnh viêm thanh quản cấp qua nội soi thanh quản

Điều trị viêm thanh quản cấp như thế nào?

Thường là điều trị hỗ trợ và dựa vào độ nặng của bệnh.

  • Giảm nói: Đây là yếu tố quan trọng trong việc điều trị. Việc sử dụng giọng nói khi bi viêm có thể gây ra chậm phục hồi hoặc phục hồi không hoàn toàn. Việc ngưng sử dụng giọng nói được khuyến cáo mặc dù biết rằng người bệnh rất khó thực hiện. Do đó, nếu người bệnh cần nói chuyện, hãy nói nhỏ nhẹ nhất có thể.
  • Khí dung: Hít không khí ẩm có thể giúp thông thoáng đường hô hấp trên. Ngoài ra còn giúp loại bỏ các dịch tiết và chất nhày.
  • Tránh các chất kích thích: Khói thuốc và rượu là những thứ nên tránh. Khói thuốc làm trì hoãn quá trình lành bệnh.
  • Thay đổi chế độ ăn: Ăn uống hợp lý được khuyến cáo đối với các bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản. Việc này bao gồm: tránh uống caffeein, thức ăn cay, thức ăn dầu mỡ, chocolate, kẹo bạc hà và nên uống nhiều nước. Một cách khác cũng khá quan trọng đó là không ăn lúc đêm khuya. Người bệnh nên ăn bữa ăn cuối cách thời điểm đi ngủ ít nhất 3 giờ.
  • Thuốc: Kháng sinh không thật sự cần thiết đối với bệnh nhân viêm thanh quản cấp. Tuy nhiên, đối với bệnh với triệu chứng nặng, có thể dùng kháng sinh để điều trị.
  • Đối với nhiễm nấm: Có thể dùng thuốc kháng nấm đường uống. Điều trị kéo dài khoảng 3 tuần và có thể lặp lại nếu cần thiết.

Viêm thanh quản cấp là bệnh hay gặp ở cả người lớn và trẻ em. Tuy là bệnh có thể tự giới hạn, nhưng bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán. Việc tìm ra nguyên nhân rất quan trọng để tránh tình trạng tái phát về sau. Hơn nữa, đối với tình trạng viêm thanh quản kéo dài, nếu không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến các di chứng nặng nề.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Acute Laryngitishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK534871/

    Ngày tham khảo: 25/12/2019

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người