Đau cổ tay: Những nguyên nhân thường gặp
Nội dung bài viết
Cổ tay là bộ phận thường xuyên phải hoạt động, giúp chúng ta thực hiện các động tác trong cuộc sống thường ngày, từ công việc, sinh hoạt, thể dục thể thao cho đến những cử động tinh tế. Đau cổ tay là một dấu hiệu rất thường gặp, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chúng ta nếu tiến triển dai dẳng và kéo dài. Vậy đau cổ tay thường gặp do những nguyên nhân gì? Cách nhận biết chúng ra sao? Hãy cùng YouMed tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1. Đau cổ tay là gì?
Cổ tay bao gồm nhiều thành phần cấu trúc. Đau cổ tay có thể phát sinh từ khớp cổ tay, hoặc các phần mềm quanh khớp, như: Gân, bao gân, dây chằng, túi thanh dịch, dây thần kinh… Trong đó, viêm gân là nguyên nhân hay gặp nhất.
Đau cổ tay có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu nhất ở người trung niên, lớn tuổi; những người phải làm công việc sử dụng lực cổ tay nhiều: Vận động viên cầu lông, nhân viên vệ sinh, nhân viên văn phòng… Bệnh thường diễn biến lành tính, có thể tự khỏi trong vài tuần hoặc vài tháng, nhưng cũng dễ tái phát.
2. Các nguyên nhân thường gặp là gì?
Nguyên nhân hàng đầu gây đau cổ tay là viêm các gân ở vùng này. Một số viêm gân thường gặp ở cổ tay như sau:
2.1 Viêm bao gân De Quervain
Thường gặp ở nữ, tuổi từ 30 đến 50. Bình thường, cơ dạng dài và cơ duỗi ngắn ngón cái trượt dễ dàng trong bao gân ở đường hầm cổ tay. Khi bao gân này bị viêm sẽ sưng phồng lên, làm chèn ép lẫn nhau gây đau và hạn chế vận động ngón cái.
Bạn sẽ bị sưng đau vùng cổ tay (Phía bên ngón tay cái), đau tăng khi vận động ngón cái, đau liên tục, nhất là về đêm. Đau có thể lan ra ngón cái và lan lên cẳng tay. Ngoài ra, bạn có thể sờ thấy bao gân vùng này bị dầy lên, có khi nóng, đỏ, ấn vào đau hơn. Khi vận động ngón cái có thể nghe thấy tiếng kêu cót két.
2.2 Kén màng hoạt dịch cổ tay
Nguyên nhân do thoái hóa dạng nhầy của tổ chức liên kết bao khớp; biểu hiện bằng một khối tròn xuất hiện tự nhiên, sưng to dần lên, thường không đau và cố định khi sờ, ấn. Vị trí thường gặp là ở cổ tay hoặc phía mu bàn tay. Những kén này có thể tự biến mất, nhưng thường phải điều trị mới giải quyết hoàn toàn.
2.3 Hội chứng đường hầm cổ tay
Bạn sẽ cảm thấy tê và đau buốt ở đầu các ngón tay cái và ngón 2, 3 bàn tay; tê và đau nhức phía gan tay (Lòng bàn tay). Đau thường liên tục, tăng lên về đêm và khi bạn làm động tác duỗi cổ tay. Bạn sẽ thấy khó khăn khi thực hiện động tác cài khuy áo, khó cầm nắm các vật và dễ đánh rơi đồ. Nguyên nhân các biểu hiện này là do dây thần kinh giữa bị chèn ép ở cổ tay.
2.4 Xơ co thắt bao gan tay nông (Bệnh Dupuytren)
Khởi đầu của bệnh, bạn sẽ cảm thấy hạn chế vận động bàn tay, hoặc thấy một hạt ở gan tay. Hạt này ở bề mặt da, cứng, cố định ở bao gân. Về lâu dài, các ngón tay của bạn sẽ bị co lại ở tư thế gấp (Hướng về lòng bàn tay) và không duỗi được, nặng nhất ở ngón thứ 4 và 5 (Ngón út và ngón đeo nhẫn).
Ngoài ra, đau tại cổ tay có thể gặp do những nguyên nhân khác, như:
- Do tổn thương xương vùng cổ tay, thường là sau một chấn thương.
- Đau dây thần kinh: Thường đi kèm thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ… gây chèn ép các rễ dây thần kinh vùng cổ; đau kèm tê lan từ cổ chạy dọc cánh tay đến cổ tay, ngón tay.
- Do thoái hóa các khớp vùng cổ tay.
- Do các bệnh viêm khớp mạn tính: Viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, Goute…
- Đau cổ tay trong một số bệnh lý toàn thân khác (Ít gặp hơn): Bệnh lậu; xơ cơ (Fibromyagia)…
3. Cần khám những gì khi bị đau cổ tay?
Khi bị đau cổ tay, các bác sĩ sẽ cần xác định chính xác nguyên nhân gây đau của bạn, từ đó đưa ra phương án điều trị tốt nhất. Các kỹ thuật thăm khám sau đây sẽ được áp dụng:
- Siêu âm tại khớp cổ tay: Cung cấp các hình ảnh tổn thương của gân, bao gân, phần mềm quanh khớp và một phần tổn thương trong khớp. Tuy nhiên, kỹ thuật này sẽ hạn chế để đánh giá các tổn thương tại xương và sụn.
- Chụp Xquang khớp cổ tay: Có giá trị trong đánh giá tổn thương tại xương, khớp và một số thông tin về sụn. Không cung cấp nhiều thông tin về gân, cơ và phần mềm.
- Cộng hưởng từ MRI khớp: Cung cấp hình ảnh toàn thể về cơ, xương, khớp vùng tổn thương; giúp đánh giá chính xác các tổn thương tại cổ tay. Tuy nhiên, chi phí cho kỹ thuật này khá đắt so với hai kỹ thuật trên, nên bác sĩ chỉ thường chỉ định cho bạn khi hai kỹ thuật trên chưa đánh giá hết tổn thương.
- Ngoài ra, bạn sẽ có thể được làm xét nghiệm máu để loại trừ đau cổ tay do các bệnh lý toàn thân.
Việc lựa chọn kỹ thuật nào, phân tích giá trị các hình ảnh kỹ thuật đó cung cấp tùy thuộc vào trình độ chuyên môn của bác sĩ thăm khám cho bạn. Thao tác khám trực tiếp trên bệnh nhân của bác sĩ (Khám lâm sàng) rất quan trọng, giúp bạn được điều trị tốt nhất nhưng chi phí bỏ ra thấp nhất.
>> Có thể bạn muốn biết: Dây đau xương: Vị thuốc quý trị đau xương khớp
Top 7 bệnh viện và phòng khám cơ xương khớp chất lượng tốt và uy tín tại TP.HCM
4. Điều trị đau cổ tay như thế nào?
Với những trường hợp đau cổ tay nhẹ, bạn chỉ cần giảm hoặc ngừng vận động cổ tay, để cổ tay có thể nghỉ ngơi trong vài ngày, thường sẽ giúp cơn đau giảm nhanh. Đa số đau cổ tay đáp ứng tốt với điều trị nội khoa (90-95%). Nhưng tỷ lệ tái phát cao, nhất là khi bạn không thực hiện các biện pháp phòng bệnh, hoặc không loại bỏ được yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Các phương pháp điều trị:
- Vật lý trị liệu:
- Chườm lạnh: Hiệu quả trong giai đoạn cấp tính, khi chỗ đau còn sưng, nóng, đỏ; tác dụng làm giảm tuần hoàn và giảm chuyển hóa tại nơi tổn thương. Do đó, làm giảm sưng và giảm viêm, giảm đau. Giai đoạn muộn, phương pháp này ít tác dụng.
- Sóng siêu âm: Tác dụng làm nóng tại chỗ, giúp cho quá trình phục hồi tổn thương nhanh hơn.
- Luyện tập phục hồi chức năng: Thực hiện các động tác kéo giãn gân tích cực, tăng dần. Khi bắt đầu tập các động tác này, đau có thể sẽ tăng lên, nhưng sau đó sẽ giảm dần.
- Dùng thuốc chống viêm: Có thể dùng đường uống, hoặc tiêm trực tiếp vào vị trí đau.
- Phẫu thuật: Chỉ áp dụng khi điều trị nội khoa thất bại. Các phương pháp thường được áp dụng như: Cắt đứt mạc giữ gân gấp, điều trị hội chứng đường hầm cổ tay; cắt bỏ dải xơ trong bệnh Dupuytren; bóc tách kén màng hoạt dịch cổ tay…
- Kết hợp điều trị các bệnh chính gây đau cổ tay, như: Viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp… Thường phải duy trì thuốc lâu dài.
Youmed hi vọng bài viết đã giúp ích được cho bạn!