Hơi thở hôi và những nguyên nhân thường gặp
Nội dung bài viết
Hơi thở hôi có thể khiến bạn vô cùng mất tự tin khi giao tiếp. Đôi khi vấn đề này chỉ là thoáng qua trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên cũng có trường hợp rắc rối này kéo dài, khiến cho bạn vô cùng khổ sở. Hãy cùng Youmed tìm hiểu những nguyên nhân thường gặp nhé!
1. Hơi thở hôi biểu hiện như thế nào?
Hơi thở hôi có thể xuất phát từ miệng hoặc mũi hoặc cả hai. Ngoài việc ngửi được thì đôi khi bạn có thể cảm nhận được bằng vị giác. Một số người mặc dù hơi thở thực sự không hôi nhưng vì lo lắng thái quá về hơi thở nên lại cảm nhận như vậy. Một số người khác thì có nhưng họ lại không biết. Vì rất khó để tự đánh giá hơi thở của mình nên bạn hãy hỏi bạn thân hay người thân của mình để xác nhận về tình trạng hơi thở của mình nhé.
2. Những nguyên nhân thường gặp khiến cho hơi thở hôi?
2.1 Vệ sinh răng miệng kém
Vi khuẩn phân hủy những đồ ăn còn dính lại trong răng miệng. Sự kết hợp giữa vi khuẩn và thức ăn phân hủy tạo ra mùi không mấy dễ chịu. Đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa giúp loại bỏ thức ăn thừa trước khi chúng bị phân hủy. Đánh răng cũng giúp loại trừ mảng bám trên răng. Hơi thở hôi cũng thường gặp ở người đeo răng giả nhưng không vệ sinh nó mỗi đêm.
2.2 Đồ ăn, thức uống có mùi
Hơi thở hôi cũng thường xuất hiện khi bạn ăn hành, tỏi hoặc những thực phẩm có mùi nồng khác. Khi ấy, dạ dày sẽ hấp thu những chất dầu trong đồ ăn. Chất dầu này ngấm vào máu, và đi tới phổi, thải ra theo khí thở ra. Điều này sinh ra mùi trong hơi thở và có thể tồn tại đến 72 giờ sau ăn. Những thức uống có mùi như cà phê cũng có thể gây ra hơi thở hôi.
2.3 Hút thuốc lá
Hút thuốc lá gây hơi thở hôi và làm khô miệng. Miệng bị khô có thể khiến mùi hôi trở nên trầm trọng hơn.
2.4 Khô miệng
Khô miệng có thể xảy ra nếu bạn không tiết ra đủ nước bọt. Nước bọt giúp làm sạch miệng và giảm “mùi”. Vấn đề này xuất hiện khi bạn có bệnh lý về tuyến nước bọt, ngủ há miệng, hoặc do sử dụng một số loại thuốc.
2.5 Bệnh của nướu răng
Bệnh này thường xuất hiện khi mảng bám trên răng tồn tại lâu dài. Lâu dần nó sẽ hình thành cao răng. Đánh răng không thể loại bỏ sạch được cao răng. Cao răng gây kích thích nướu răng. Hơn nữa, nó có thể tạo ra các hốc nhỏ giữa răng và nướu. Đồ ăn, vi khuẩn, mảng bám có thể tích tụ ở đó và gây hôi miệng.
2.6 Bệnh mũi họng
Hơi thở hôi có thể xuất hiện trong các bệnh lý sau:
- Viêm xoang
- Chảy nước mũi ra phía sau xuống họng
- Viêm phế quản mãn tính
- Nhiễm trùng ở bất kì vị trí nào của đường hô hấp
Viêm Amidan cũng có thể là nguồn cơn gây hơi thở hôi. Trên bề mặt amidan có các hốc nhỏ, đây là vị trí dễ tích tụ mủ. Vi khuẩn sinh sôi ở các hốc này có thể tạo thành sỏi amidan và gây hôi miệng.
2.7 Các bệnh lý toàn thân khác
Hơi thở hôi bất thường còn có thể là hậu quả của các bệnh lý như bệnh thận, tiểu đường, trào ngược dạ dày (GERD). GERD là một nguyên nhân tương đối thường gặp gây mùi khó chịu trong hơi thở. Nếu bạn có bệnh về gan, thận hoặc tiểu đường thì hơi thở thậm chí có mùi tanh như cá. 3. Có những phương án điều trị nào cho hơi thở hôi?
Nếu hơi thở hôi là do tích tụ mảng bám thì vệ sinh răng miệng sạch sẽ có thể giải quyết vấn đề này. Với các bệnh về nướu răng thì bạn nên đến nha sĩ để được làm sạch răng miệng một cách kĩ lưỡng nhất. Trong trường hợp mắc các bệnh lý khác như viêm xoang hay bệnh lý thận, thì giải quyết bệnh lý gốc sẽ giúp cải thiện mùi hơi thở. Đôi khi bác sĩ có thể kê cho bạn các thuốc kích thích tiết nước bọt và khuyên bạn uống nhiều nước nếu khô miệng là vấn đề gây ra hơi thở hôi.
4. Làm cách nào để phòng ngừa hơi thở hôi?
Bạn nên đánh răng từ 2 lần trở lên trong một ngày. Nếu bạn dùng chỉ nha khoa thì càng tốt, đảm bảo rằng chỉ đi qua giữa tất cả các kẽ răng. Sử dụng các nước súc miệng có tính kháng khuẩn mỗi ngày để tiêu diệt vi khuẩn trong miệng. Ngoài việc chải răng thì chải lưỡi cũng rất cần thiết để loại bỏ các vi khuẩn bám dính ở lưỡi.
Cung cấp nước đầy đủ cho cơ thể giúp loại bỏ và phòng ngừa hơi thở hôi. Uống nước giúp rửa trôi các mảnh thức ăn còn sót lại và giữ ẩm cho khoang miệng. Ngưng hút thuốc lá cũng giúp làm ẩm họng miệng và tránh hôi miệng.
Một số thói quen hàng ngày khác cũng giúp phòng ngừa hơi thở hôi. Nếu bạn đeo răng giả hay niềng răng, đảm bảo làm sạch các dụng cụ này mỗi ngày. Thay bàn chải đánh răng của bạn mỗi 3 tháng và sắp xếp lịch đi khám và vệ sinh răng miệng mỗi 6 tháng.
Hơi thở hôi có thể là một nỗi xấu hổ thầm kín của mỗi người. Hiểu thêm về hơi thở hôi và những nguyên nhân thường gặp giúp bạn tự tin hơn trong việc đối phó với vấn đề này. Hi vọng qua bài viết trên, các bạn đã rũ bỏ được nỗi lo về hơi thở của bản thân mình. Nếu cần thêm thông tin hãy đến với bác sĩ nha khoa để được tư vấn kĩ hơn nhé.
Bác sĩ : Trần Thanh Long
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
https://www.healthline.com/health/bad-breath#5
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/bad-breath/symptoms-causes/syc-20350922