Trẻ bú mẹ: Như thế nào là đúng cách và hiệu quả
Nội dung bài viết
Trẻ bú mẹ như thế nào ? Bạn đang chiến đấu với mỗi cử bú của bé ? Từ lúc nào? Bé bú đủ sữa không? Dù biết đến muôn vàn lợi ích của sữa mẹ, nhưng mẹ vẫn luôn gặp khó khăn, cũng như phải ‘chiến đấu’ với mỗi cử bú của bé. Nếu vẫn đang gặp rắc rối như thế, tham khảo bài viết này ngay nhé!
1. Từ sau sinh
Ngay sau sinh, nếu mẹ và bé yêu khỏe mạnh, thì hai mẹ con sẽ được tiếp xúc da kề da ngay sau đó. Có nghĩa là trẻ sẽ được đặt lên ngực-bụng của mẹ. Cả 2 mẹ con sẽ được đắp chăn.
Tiếp xúc da kề da như thế sẽ góp phần giữ ấm cho trẻ, làm ổn định nhịp thở, nhịp tim, và bảo vệ trẻ khỏi tình trạng nhiễm trùng.
Việc nằm trên người mẹ, tiếp xúc với làn da ấm áp của mẹ là một yếu tố quan trọng khuyến khích trẻ tìm kiếm vú và đòi ăn.
Giờ đầu tiên sau sinh là một mốc thời gian quan trọng để mẹ và bé yêu làm quen với nhau. Nó giúp trẻ nhanh chóng thích nghi khi thay đổi môi trường đột ngột từ dạ con của mẹ sang môi trường không khí bên ngoài.
Lúc này, sữa từ vú mẹ là một chất đặc, vàng, rất ít về lượng, đó là sữa non. Sữa non sẽ được tiết ra thêm một vài ngày sau đó. Mẹ đừng quá lo lắng khi thấy nó rất ít. Chỉ chừng đó đã đủ cung cấp toàn bộ chất dinh dưỡng và giúp nâng cao khả năng đề kháng cho trẻ rồi mẹ nhé!
>> Có thể bạn quan tâm:
Với sự xuất hiện và phát triển của hàng loạt loại sữa công thức được cho là rất tốt thì vai trò của bú mẹ đối với trẻ vẫn không gì có thể thay thế được. Vậy các lợi ích của bú mẹ là gì? Và các mẹ có được lợi ích gì từ việc cho bé bú hay không? Bé yêu nhà mình có thể bú mẹ đến khi nào? Các bố mẹ hãy cùng bác sĩ tìm hiểu qua bài viết: “Cho trẻ bú mẹ đúng cách và hiệu quả: Bé có thể bú mẹ đến khi nào?” để có thêm những kinh nghiệm bổ ích.
2. Đến những ngày đầu đời
Bé yêu trong những ngày này rất có thể sẽ đòi bú khá thường xuyên! Điều này là hết sức bình thường. Trẻ càng bú nhiều cữ, thì cơ thể mẹ càng sản xuất được nhiều sữa hơn để đáp ứng lại nhu cầu của trẻ.
Có thể sẽ mất thời gian để mẹ và bé yêu được đồng điệu với nhau hơn khi mẹ cho trẻ bú. Nhưng mẹ đừng quá lo lắng, mẹ sẽ học được cách cho bú tốt hơn với hai mẹ con qua mỗi cử bú của trẻ.
Ở gần con, mẹ sẽ dễ dàng nhận ra những dấu hiệu cho thấy “con đang đói, mẹ ơi!” của trẻ. Đó thể là mút ngón tay, há miệng, hay thè lưỡi. Mẹ đừng đợi đến khi con khóc mới nhận ra mẹ nhé!
>> Xem thêm: Lời khuyên cho mẹ khi cho con bú sữa mẹ
3. Tư thế bú của trẻ để đạt hiệu quả tốt nhất
Mẹ có thể tham khảo các cách sau để giúp con bú được hiệu quả nhất:
Giữ mũi của trẻ đủ gần với mẹ. Đầu và chân trẻ nằm trên một đường thẳng, đối diện với vú của mẹ từ bên dưới.
Nâng đỡ cổ (hơn là đầu trẻ), để trẻ có thể tự nhiên nhẹ đầu khi bắt đầu bú.
Nhẹ nhàng đặt núm vú của mẹ vào khoảng trống giữa môi trên và mũi trẻ để khuyến khích trẻ há miệng ra.
Chờ đến khi trẻ há miệng, thè lưỡi ra một chút và nghiêng đầu nhẹ trở lại. Sau đó nhẹ nhàng đưa trẻ về phía vú của mẹ. Cho phép núm vú của mẹ trượt dưới môi trên, và hướng đến vòm họng của trẻ.
Mẹ có thể sẽ có cảm giác hơi khó chịu (có thể đau hoặc không). Tuy nhiên thường sẽ tự hết sau khoảng 1 phút đầu.
>> Có thể bạn quan tâm:
Những giọt sữa mẹ đầu tiên mà trẻ bú khi vừa chào đời sẽ rất quan trọng đối với trẻ. Bạn không thể xác định chính xác lượng sữa của trẻ khi bú trực tiếp qua vú mẹ giống như khi trẻ được bú bình. Tuy nhiên, bạn có thể biết liệu việc ngưng cho trẻ bú có đúng lúc hay không. Cùng YouMed tìm hiểu những dấu hiệu của trẻ với những bài viết sau:
4. Các dấu hiệu cho biết “con bú đúng, bú đủ rồi, mẹ ơi!”
- Miệng con há rộng.
- Má con đầy đặn.
- Con bú ngoan trong suốt cữ bú.
- Mẹ có thể nghe được tiếng nuốt của con sau khoảng 2-3 nhịp mút.
- Núm vú của mẹ có hình dạng không thay đổi, mẹ không thấy đau sau cữ bú.
Trẻ có thể đi tiêu trên 1 lần trong một ngày. Phân của trẻ sẽ chuyển từ màu đen, dính trong ngày 1-2, sang màu vàng, sệt từ ngày thứ 4 trở đi.
Nếu con của mẹ không đi tiêu trong 24h đầu sau sinh, hãy liên hệ ngay bác sĩ hoặc đến bệnh viện để khám và kiểm tra nhé!
5. Trong nhiều tình huống mẹ cần vắt sữa, thì phải làm thế nào cho đúng?
Bạn có thể bắt đầu bằng cách mát-xa vú nhẹ nhàng cho đến khi bạn cảm thấy thật sự thoải mái.
Tạo hình chữ “C” bằng ngón tay cái và trỏ của bạn.
Nhẹ nhàng di chuyển ngón cái và ngón trỏ của bạn ra sau 2-3 cm so với núm vú.
Ấn vào vùng vừa đề cập trong vài giây, rồi sau đó thả ra và lặp lại.
Có thể mất chút thời gian để chờ cho sữa chảy ra, duy trì động tác tương tự cho đến khi sữa giảm.
Xoay tròn 2 ngón tay quanh vú, giữ và thả tương tự ở 1 vùng khác.
Lưu ý: luôn giữ ngón trỏ và ngón cái của bạn đối diện nhau, tránh trượt lên/xuống vú.
>> Xem thêm: Cho trẻ bú bình có phải là nguyên nhân sâu răng?
6. Hiểu thêm về nhu cầu của trẻ
Đứa con bé bỏng đáng yêu của mẹ cần đến mẹ không chỉ vì nhu cầu được bú no, mà còn để tìm kiếm cảm giác an toàn và được chở che từ mẹ.
Việc ôm ấp, âu yếm, trò chuyện với bé yêu còn giúp cơ thể trẻ tiết ra các loại hooc-môn hỗ trợ phát triển trí não và làm trẻ cảm thấy an toàn.
Trẻ bú mẹ không ghi nhận tình trạng thừa cân. Chính vì thế, hãy dùng bầu vú của mẹ không giới hạn, vừa giúp trẻ no, vừa giúp trẻ cảm thấy dễ chịu, an toàn.
Việc làm mẹ thật vô cùng thiêng liêng và không hề dễ dàng. Tuy vậy, hiểu và vận dụng được cho Trẻ bú mẹ đúng cách sẽ giúp mẹ bớt đi phần nào gánh lo khi chăm sóc cho bé yêu. Chúc mẹ thành công nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.