Bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh là một bất thường xảy ra tương đối phổ biến trong quá trình chuyển dạ và sinh nở. Trong đó, một lượng máu nhỏ tạo thành khối sưng ngay bên dưới da đầu của con bạn. Tuy nhiên, phần máu này ở bên ngoài hộp sọ, tức không liên quan đến xuất huyết não. Bướu huyết thanh thường không để lại hậu quả gì nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
1. Nguyên nhân
Bướu huyết thanh được tạo thành khi có một áp lực chèn ép vào đầu trẻ trong quá trình người mẹ sinh con qua đường âm đạo. Đôi khi là do một chấn thương vật lý bên ngoài. Dẫn đến làm tổn thương hoặc vỡ các mạch máu rất nhỏ ở da đầu của trẻ. Bởi vì vỡ mạch máu nên lượng máu chảy ra sẽ gom tụ lại thành một khối sưng nhỏ ở đầu trẻ.
Một trong những nguyên nhân chấn thương phổ biến nhất là khi đầu của trẻ tác động vào xương chậu của mẹ lúc chuyển dạ. Các công cụ hỗ trợ sinh sản như kẹp sản khoa và dụng cụ hút cũng một phần dẫn đến bướu huyết thanh. Các bác sĩ trong phòng sinh sử dụng các thiết bị y tế này với mục đích hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh nở. Do trẻ không thể ra ngoài nhờ các cơn co tử cung của người mẹ. Ngay cả khi các thiết bị này được sử dụng một cách chính xác và với kỹ năng an toàn. Chúng vẫn có thể tạo nên lực đủ mạnh vào đầu trẻ để làm vỡ các mạch máu.
2. Các yếu tố nguy cơ
Bất kỳ trẻ nào được sinh qua đường âm đạo (sinh thường) đều có nguy cơ tạo bướu huyết thanh. Nhưng có nhiều yếu tố khác nhau được biết là làm tăng đáng kể nguy cơ xuất hiện bướu huyết thanh.
- Thai to hay trẻ có cân nặng lúc sinh lớn hơn bình thường. Trẻ sơ sinh càng lớn sẽ càng gặp nhiều khó khăn khi đi qua khung chậu và âm đạo của mẹ.
- Gây tê ngoài màng cứng là một phương pháp giảm đau cho người mẹ trong khi sinh. Tuy nhiên, việc gây tê màng cứng làm tê liệt phần dưới cơ thể của người mẹ. Do đó, khiến người mẹ không thể tạo những cơn co tử cung để đẩy trẻ ra ngoài một cách hiệu quả.
- Dụng cụ hỗ trợ sinh sản: bất cứ khi nào các Bác sĩ sử dụng dụng cụ hút hoặc kẹp sản khoa để đưa trẻ ra ngoài đều tăng nguy cơ xuất hiện bướu huyết thanh.
3. Triệu chứng
Triệu chứng đặc trưng của bướu huyết thanh là sự phình ra của một khối mềm ở phía sau đầu trẻ xuất hiện ngay sau khi sinh. Lúc đầu, chỗ phình ra sẽ có cảm giác mềm khi bạn chạm vào. Dần dần, khối sưng dưới da đầu sẽ bắt đầu vôi hóa. Khi đó, nếu sờ vào bướu huyết thanh, bạn sẽ thấy cứng và chắc hơn. Quá trình vôi hóa sẽ giúp thu nhỏ kích thước bướu huyết thanh của trẻ mà không cần phải can thiệp gì.
Ngoài khối sưng ở đầu của con bạn, bướu huyết thanh có thể gây ra những triệu chứng khác như:
- Nhiễm trùng tại vị trí có bướu huyết thanh. Dấu hiệu nhận biết là trẻ sốt, ấn vào bướu huyết thanh sẽ thấy nóng và khiến trẻ đau.
- Vàng da: bướu huyết thanh có thể làm tăng nguy cơ bị vàng da sơ sinh. Một bệnh lí phổ biến do lượng bilirubin trong máu tăng cao. Nếu tăng quá mức cho phép, nó có thể ảnh hưởng đến não.
- Thiếu máu: bởi vì tế bào hồng cầu giảm liên quan đến chảy máu tạo thành bướu huyết thanh.
4. Bướu huyết thanh có nguy hiểm không?
Nhiều cha mẹ rất lo lắng và hoang mang khi sờ vào đầu của trẻ và phát hiện có khối sưng. Đó là phản ứng hoàn toàn bình thường. Theo thống kê, khoảng 2 trong số 100 trẻ sơ sinh có bướu huyết thanh sau khi sinh. Bướu huyết thanh không gây hại hoặc nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Vì khối máu tụ ở bên ngoài hộp sọ. Do đó, não được bảo vệ an toàn khỏi bất kỳ tổn thương từ bướu huyết thanh.
4.1 Vàng da
Bướu huyết thanh tự nó là một tình trạng hoàn toàn vô hại. Nó có thể biến mất khi trẻ lớn mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bướu huyết thanh có thể dẫn đến các biến chứng không mong đợi khác. Trong đó, thường gặp nhất là vàng da. Khi lượng máu trong bướu huyết thanh được tái hấp thu, nó làm cho nồng độ bilirubin trong máu tăng lên. Vàng da là kết quả của lượng bilirubin quá nhiều trong máu. Vậy nên, những trẻ có bướu huyết thanh thì dễ có nguy cơ bị vàng da cao hơn.
4.2 Thiếu máu
Trẻ sinh ra với bướu huyết thanh được xem là yếu tố nguy cơ của thiếu máu. Do lượng máu từ bướu huyết thanh sẽ lấy một phần máu ra khỏi hệ tuần hoàn của con bạn. Nếu mất máu nhiều có thể nhanh chóng dẫn đến tình trạng thiếu máu ở trẻ sơ sinh. Bướu huyết thanh có kích thước lớn hơn sẽ liên quan đến lượng máu mất nhiều hơn . Do đó, nguy cơ thiếu máu ở trẻ sẽ cao hơn. Thông thường, trẻ có thể được điều trị hiệu quả bằng cách truyền máu hoặc các phương pháp khác.
4.3 Nhiễm trùng
Một biến chứng hiếm gặp nhưng có khả năng gây nguy hiểm nếu xảy ra là nhiễm trùng. Vị trí có bướu huyết thanh có thể bị vi khuẩn tấn công gây nhiễm trùng bởi các tổn thương trên da. Phần lớn các trường hợp nhiễm trùng ở bướu huyết thanh thường xuất hiện trong tuần đầu tiên hoặc thứ hai sau khi sinh. Trẻ có thể có các triệu chứng bao gồm sốt, bướu huyết thanh ở đầu sưng to hơn hay chảy dịch bất thường. Nếu bạn nghi ngờ trẻ có thể bị nhiễm trùng, bạn nên đưa trẻ đến Bác sĩ ngay lập tức. Nhiễm trùng bướu huyết thanh có thể rất nghiêm trọng và cần được can thiệp kịp thời.
Mặc dù hầu hết bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh sẽ tự lành. Nhưng cũng rất quan trọng khi theo dõi kĩ những dấu hiệu có thể gây nguy hiểm cho trẻ như khối máu tụ sưng to hơn, sốt, da xanh xao hoặc vàng da. Điều đó có thể tránh những biến chứng nếu trẻ được điều trị kịp thời.
Bác sĩ : Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm
Có thể bạn quan tâm :
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Birth Injury Help Center, Cephalohematoma and Birth Injuries,
https://www.birthinjuryhelpcenter.org/cephalohematoma.html, accessed on 6 February 2020.