Trẻ bị đau lưng: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Trẻ bị đau lưng không phải phổ biến ở trẻ em và thiếu niên. Tuy nhiên, các báo cáo gần đây cho thấy đau lưng đã xuất hiện thường xuyên ở trẻ em. Tỷ lệ đau lưng ở trẻ em tăng theo từng độ tuổi. Mặc dù hầu hết các cơn đau lưng không phải do vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, một số trường hợp cần phải được thăm khám và điều trị, đặc biệt là ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Nguyên nhân gây đau lưng ở trẻ
Căng dãn cơ ở lưng: Những cơn đau lưng mới xuất hiện ở trẻ chủ yếu là do cơ lưng bị căng dãn quá mức do sử dụng quá nhiều. Cơn đau chủ yếu ở giữa vùng thắt lưng.
Những hoạt động gắng sức: Nếu trẻ đeo một cái gì đó quá nặng hoặc nâng đồ vật ở một tư thế không thoải mái có thể gây ra đau lưng. Ở trẻ em trong độ tuổi đi học, việc đeo ba lô nặng được xem như một nguyên nhân phổ biến. Chúng cũng có thể gây đau cả vai và cổ. Trẻ em chưa đến tuổi dậy thì sẽ có nguy cơ cao hơn. Nguyên nhân là do trẻ chưa phát triển đủ về khối lượng cơ bắp. Ngoài ra, thói quen ngồi học không đúng về lâu sẽ dễ gù lưng. Vì thế, trẻ cũng dễ mỏi và đau lưng.
Tập thể dục: Khi trẻ mới học chơi thể thao hoặc thay đổi trong thói quen tập thể dục có thể gây đau lưng. Đôi khi là do trẻ uốn thân người quá cong về phía sau hoặc nghiêng sang bên. Điều này xảy ra bởi vì cơ bắp phải làm việc gắng sức đột ngột.
Nhiễm trùng đường tiểu: Đau có thể xuất hiện ở bên hông hay ở giữa lưng. Trẻ có thể có các triệu chứng khác đi kèm là sốt và đau khi đi tiểu.
Chấn thương: Sau một va chạm trong lúc trẻ chơi đùa hay tai nạn sinh hoạt, trẻ có thể bị đau lưng.
Triệu chứng
Trẻ có thể biểu hiện đau lưng với nhiều mô tả khác nhau, nhưng đa số trẻ thường có triệu chứng như:
- Đau mỏi cơ tại bất kỳ vị trí nào dọc theo lưng hoặc cột sống.
- Cơn đau trở nên tồi tệ hơn khi trẻ cúi xuống.
- Trẻ thường đau khi bạn chạm vào các cơ gần cột sống hoặc có cảm giác như các cơ đang siết chặt.
Đau lưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Điều quan trọng là bạn nên đưa trẻ đến kiểm tra với bác sĩ nếu con bạn đau lưng dữ dội hoặc tăng dần, đau kéo dài hơn vài ngày. Ngoài đau lưng, trẻ có thêm các dấu hiệu cảnh báo khác như:
- Sốt, sụt cân.
- Cơn đau xuất hiện về đêm hoặc đau ngay cả khi nghỉ ngơi.
- Không thể đi hay cử động chân.
- Tê hoặc giảm cảm giác ở chân.
- Cơn đau từ lưng lan xuống một hoặc cả hai chân.
- Các triệu chứng đường ruột hay rối loạn đi tiểu.
Tùy vào khả năng chịu đựng của từng trẻ mà mức độ đau có thể khác nhau. Nhìn chung, đa số trẻ sẽ phản ứng với từng mức độ thông qua các hoạt động hằng ngày của trẻ.
- Nhẹ: Con bạn cảm thấy đau và nói với bạn về nó. Nhưng, nỗi đau không gây trở ngại đến bất kỳ hoạt động thông thường của con bạn. Việc đi học, chơi đùa và nghỉ ngơi vẫn không thay đổi.
- Trung bình: Cơn đau khiến con bạn không thể làm một vài hoạt động bình thường. Nó có thể đánh thức trẻ khỏi giấc ngủ.
- Nặng: Cơn đau rất dữ dội. Khi đó, con bạn không thể làm bất cứ điều gì.
Điều trị
Điều trị đau lưng sẽ phụ thuộc vào yếu tố khác nhau. Sau khi Bác sĩ đánh giá ban đầu về cơn đau của trẻ và chụp x-quang, một vài phương pháp dưới đây có thể giúp trẻ giảm đau.
1. Thuốc và vật lí trị liệu
Các cơn đau lưng cấp tính thường có thể được giải quyết sau một thời gian để trẻ nghỉ ngơi hoặc thay đổi hoạt động. Thuốc chống viêm không steroid và nước đá có thể giúp giảm các triệu chứng cấp tính bằng cách giảm sưng. Sau 4 đến 5 ngày, bạn nên chườm ấm cho trẻ. Bởi vì nhiệt độ nóng giúp giảm co thắt cơ bắp. Hướng dẫn trẻ đi bộ chậm thư giãn trong khoảng 30 đến 45 phút mỗi ngày. Việc này có thể giúp cơn đau ban đầu được cải thiện.
Kéo căng khớp gối và cơ bụng có thể giúp trẻ tốt hơn nếu đau lưng kéo dài. Ngoài ra, một số bài tập vật lý trị liệu phù hợp cũng có thể giúp trẻ hồi phục. Nếu do nguyên nhân nhiễm trùng, trẻ sẽ cần dùng kháng sinh.
2. Thay đổi thói quen không tốt
Cho trẻ nằm ngủ nghiêng bên với một cái gối ôm. Nếu con bạn muốn nằm ngửa, bạn hãy đặt một chiếc gối phía dưới gối của trẻ. Tránh để trẻ ngủ ở tư thế nằm sấp. Nên để trẻ ngủ trên bề mặt bằng phẳng như giường hay nệm chắc chắn.
Bạn cũng nên nhắc nhở trẻ hạn chế hoạt động. Tránh bất kỳ môn thể thao hoặc hoạt động làm trẻ đau hơn. Sau 48 giờ, trẻ có thể bắt đầu các bài tập kéo dãn lưng đơn giản với mức độ nhẹ. Để trẻ nghỉ ngơi hoàn toàn trên giường là không cần thiết.
Ngăn ngừa việc trẻ có thể đau lưng do đeo ba lô bằng cách giới hạn trọng lượng của ba lô. Trọng lượng của cặp nên ít hơn 15% trọng lượng cơ thể con bạn. Một dấu hiệu của việc mang quá nhiều vật dụng trong cặp là trẻ phải cúi người về phía trước khi đi bộ. Bạn nên chọn cho trẻ một chiếc ba lô có dây đeo vai rộng và miếng đệm. Dặn dò trẻ không bao giờ mang cặp trên một vai.
Xương và cơ vùng cột sống là cấu trúc quan trọng giúp nâng đỡ và bảo vệ thân người của trẻ. Việc nhắc nhở và hướng dẫn trẻ thay đổi những thói quen không tốt sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng đau lưng. Thông thường, đau lưng cấp tính sẽ cải thiện trong một vài ngày. Tuy nhiên, nếu có những dấu hiệu nặng hơn, hãy kịp thời đưa trẻ đến khám và điều trị nhé.