Chảy máu tai: Những nguyên nhân thường gặp
Nội dung bài viết
Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra chảy máu tai. Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu nhận thấy mình bị chảy máu tai. Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng và tìm những dấu hiệu để tìm ra nguyên nhân thật sự. Hãy đọc tiếp bài viết sau của YouMed để hiểu thêm về các nguyên nhân thường gặp gây chảy máu tai.
1. Nguyên nhân gây chảy máu tai
Một số bệnh lý hoặc chấn thương có thể dẫn đến chảy máu tai. Mỗi nguyên nhân sẽ có những dấu hiệu riêng biệt. Nhờ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân tiềm ẩn gây ra.
1.1. Thủng màng nhĩ
Màng nhĩ bị rách hoặc thủng có thể gây ra các dấu hiệu như:
- Đau hay khó chịu trong tai.
- Nghe kém.
- Ù tai.
- Cảm giác lảo đảo, chóng mặt.
- Nôn ói gây ra do chóng mặt.
Một số người không biết mình bị thủng màng nhĩ cho đến khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện.
1.2. Nhiễm trùng tai
Nhiễm trùng trong hòm nhĩ (khoang phía sau màng nhĩ) có thể gây ra:
- Nặng tai, đau tai.
- Sốt.
- Chảy mủ tai.
- Mất thăng bằng.
- Khó ngủ.
1.3 Chấn thương do áp suất
Thay đổi độ cao đột ngột có thể gây ra chấn thương tai do áp suất. Điều này có thể dẫn đến rách màng nhĩ và các triệu chứng khác như:
- Đau, nặng tai.
- Chóng mặt.
- Ù tai.
Di chuyển bằng máy bay hay lặn sâu dưới nước có thể làm tăng nguy cơ chấn thương tai dạng này.
1.4. Vật lạ trong ống tai
Đưa vật lạ vào trong tai, chẳng hạn như ngoáy tai, có thể làm thủng màng nhĩ. Điều đó có thể gây ra các triệu chứng khác như:
- Đau tai.
- Nặng tai.
- Chảy dịch ra từ tai.
- Nghe kém.
- Chóng mặt.
1.5. Ung thư ở ống tai
Loại ung thư hiếm gặp này có thể gây ra các dấu hiệu bao gồm:
- Đau, tăng áp lực trong tai.
- Nhức đầu.
- Đau hoặc tê mặt.
- Nhìn mờ, giảm thị lực.
1.6. Chấn thương đầu
Bị đánh, té ngã hoặc tai nạn đều có thể gây ra chấn thương đầu. Chấn thương này có thể dẫn đến chảy máu tai. Đây cũng có thể là dấu hiệu chảy máu ở não. Vì vậy, bạn cần được hỗ trợ cấp cứu nếu nghi ngờ chảy máu tai là do nguyên nhân này.
2. Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ?
Chảy máu tai luôn là một vấn đề đòi hỏi sự tư vấn y khoa từ bác sĩ. Một số nguyên nhân gây chảy máu tai có thể rất nguy hiểm. Gọi ngay cho bác sĩ hoặc đến các phòng khám khi bạn vừa phát hiện có máu chảy từ tai. Điều này đặc biệt quan trọng nếu chảy máu tai xuất hiện sau khi bạn có chấn thương đầu.
Các nguyên nhân khác gây chảy máu tai chẳng hạn như viêm tai giữa, thường ít nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, nếu không điều trị nhiễm trùng hoặc các nguyên nhân khác thì vẫn có thể dẫn đến biến chứng và những vấn đề khác. Đi khám bác sĩ là giải pháp tốt nhất cho dù nguyên nhân có là gì đi chăng nữa.
3. Những biến chứng gì có thể xảy ra?
Chảy máu tai thường không gây biến chứng. Tuy nhiên, những nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến chảy máu tai có thể gây ra các vấn đề về lâu dài.
Ví dụ như, màng nhĩ bị thủng có thể dễ bị nhiễm trùng. Màng nhĩ là lớp rào chắn tự nhiên ngăn không cho vi khuẩn, nước và các vật lạ rơi vào hòm nhĩ. Không có màng nhĩ bảo vệ các cấu trúc bên trong tai, bạn sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng.
Nhiễm trùng nặng có thể gây hủy các xương dẫn truyền âm thanh trong tai. Điều này có thể gây ra nghe kém nếu nhiễm trùng không được điều trị thích hợp.
Như vậy, các biến chứng thường gặp đó là:
- Thay đổi khả năng tiếp nhận ngôn ngữ.
- Nghe kém kéo dài.
- Ù tai kéo dài.
- Rối loạn nhận thức.
- Nhức đầu thường xuyên.
- Chóng mặt.
- Mất thăng bằng.
4. Điều trị chảy máu tai như thế nào?
Khi đã tìm ra nguyên nhân chảy máu tai, bác sĩ có thể đưa ra điều trị phù hợp cho bạn. Điều trị chảy máu tai tập trung vào giải quyết nguyên nhân tiềm ẩn. Khi nguyên nhân được loại bỏ thì chảy máu tai cũng sẽ chấm dứt. Các điều trị bao gồm:
- Kháng sinh: Kháng sinh có thể điều trị và loại bỏ nhiễm trùng. Tuy nhiên, không phải nhiễm trùng nào cũng đáp ứng với kháng sinh. Điều trị kháng sinh sẽ không hiệu quả với các trường hợp nhiễm vi-rút.
- Theo dõi sát: Nhiều nguyên nhân chảy máu tai có thể tự hồi phục theo thời gian. Đây là cách điều trị thông thường nhất đối với những trường hợp thủng màng nhĩ hoặc có sang chấn ở đầu trước đó. Trong những ngày sau khi bắt đầu có chảy máu tai, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn báo cáo lại bất cứ sự thay đổi nào có xảy ra. Tùy theo tình hình mà bác sĩ sẽ quyết định bạn có cần thêm cách điều trị nào khác không.
- Thuốc giảm đau: Các thuốc giảm đau có thể giúp giảm khó chịu và cảm giác châm chích do tổn thương, nhiễm trùng…
- Chườm ấm: Nhúng khăn mặt với nước nóng hoặc ấm. Đặt khăn lên vùng tai bị đau. Tránh để nước đi vào trong lỗ tai. Nhiệt từ quá trình chườm ấm sẽ giúp giảm nhẹ cơn đau và đỡ khó chịu.
>> Có 2 cách chườm là nóng và lạnh, liệu bạn đã hiểu sự khác nhau và công dụng của từng cách? Đọc thêm: Chườm nóng và chườm lạnh: Bạn có đang làm đúng cách?
- Bảo vệ tai: Dùng các miếng hoặc nút bảo vệ tai để ngăn không cho nước và chất bẩn đi vào trong tai.
Chảy máu tai trong phần lớn trường hợp có thể tự hồi phục. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý vẫn có một số nguyên nhân tiềm ẩn khá nghiêm trọng. Điều quan trọng là cần có được sự tư vấn kỹ từ bác sĩ để có thể yên tâm cho sức khỏe của mình, bạn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What Causes Ear Bleeding?https://www.healthline.com/health/ear-bleeding#treatment
Ngày tham khảo: 11/03/2020