Viêm họng do trào ngược: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
Bạn băn khoăn tự hỏi tại sao mình cứ bị viêm họng hoài? Có nhiều nguyên nhân có thể gây nên viêm họng. Một số nguyên nhân gây bệnh khá thầm lặng. Một trong số đó chính là viêm họng do trào ngược. Hãy cùng ThS.BS chuyên khoa Tai – Mũi – Họng Trần Thanh Long tìm hiểu xem vấn đề này là như thế nào nhé.
Trào ngược là gì?
Như chúng ta đã biết, thức ăn khi đưa vào miệng sẽ qua thực quản để đến dạ dày. Họng – thực quản – dạ dày là 3 phân khúc đầu tiên của đường tiêu hóa. Giữa những phân khúc này có các cánh cửa. Giữa họng và thực quản là cánh cửa đầu tiên, hay còn gọi là cơ thắt trên.
Giữa thực quản và dạ dày là cánh cửa thứ hai, còn gọi là cơ thắt dưới. Bình thường thức ăn đi 1 chiều từ họng qua thực quản đến dạ dày. Tuy nhiên khi các cánh cửa không làm việc hiệu quả, thức ăn có thể bị dội ngược lại. Thức ăn từ dạ dày có thể trào lên thực quản. Thức ăn từ thực quản có thể trở ngược lại họng. Hiện tượng này gọi là trào ngược.
Có thể bạn quan tâm:
Viêm họng hạt là một dạng viêm họng mạn tính phổ biến của đường hô hấp trên. Bệnh rất dễ mắc phải nhưng khó điều trị. Viêm họng hạt để lại nhiều biến chứng nếu không điều trị tốt. Do đó, khi nắm rõ được nguyên nhân triệu chứng sẽ giúp bạn sớm có phương pháp điều trị kịp thời và hiệu quả. Cùng tìm hiểu rõ hơn với bài viết: Viêm họng hạt là gì? Có dễ điều trị dứt điểm? để có được thông tin cần thiết.
Viêm họng và trào ngược có liên quan?
Theo cơ chế trên thì thức ăn từ dạ dày có thể trôi ngược lên lại họng. Tuy nhiên nên nhớ rằng dạ dày có chứa axit. Dạ dày chịu được axit và một số chất khác nhưng họng thì không. Vì vậy nếu trào ngược cứ liên tiếp xảy ra thì niêm mạc họng không thể chống chọi được. Điều này hoàn toàn có thể dẫn đến viêm họng.
Làm sao bạn biết mình bị trào ngược?
Tùy vào cánh cửa nào hoạt động kém mà sẽ có những dấu hiệu khác nhau. Cánh cửa dưới (giữa thực quản và dạ dày) bị rối loạn thì axit sẽ tấn công vào thực quản. Bạn sẽ có các triệu chứng như: nóng rát ở ngực, đau ngực, ợ nóng, nôn ói… Nếu cánh cửa trên (giữa thực quản và họng) bị rối loạn thì họng và thanh quản sẽ bị tác động.
Các dấu hiệu biểu hiện đó là nuốt vướng, ho, vướng đàm, đau họng, khàn tiếng… Đôi khi trào ngược diễn ra thầm lặng và thậm chí không gây ra khó chịu gì. Nếu bạn bị đau họng tái đi tái lại, đừng quên một nguyên nhân đó là viêm họng do trào ngược.
Bác sĩ có thể phát hiện ra một số dấu hiệu của trào ngược bằng cách nội soi. Nội soi là việc đưa một loại ống (cứng hoặc mềm tùy loại) qua họng hoặc mũi. Trên ống có gắn camera để quan sát được các cấu trúc bên trong một cách rõ ràng nhất.
Xem thêm: Chứng trào ngược dạ dày ở trẻ có nguy hiểm?
Điều trị viêm họng do trào ngược như thế nào?
Có một số thuốc có thể giúp giảm đi triệu chứng viêm họng do trào ngược dạ dày. Tuy nhiên việc điều trị không chỉ nhờ vào thuốc mà còn phụ thuộc chính bản thân bạn.
Các thói quen ăn uống không hợp lý là căn nguyên khiến cho trào ngược tái đi tái lại. Thử hình dung sau khi ăn no và dạ dày bạn đang căng đầy. Lúc này bạn lại đi nằm ngay là vô cùng bất hợp lý. Ở tư thế nằm, thức ăn dễ dàng bị dội ngược trở lại, gây ra trào ngược.
Ngoài ra, một số loại thực phẩm dễ “kích hoạt” trào ngược hơn các thức ăn khác. Vì vậy nếu đã biết mình bị viêm họng do trào ngược, bạn cần tuân thủ những điều sau:
1. Thói quen
- Không ăn quá no trong mỗi bữa ăn.
- Sau khi ăn không được đi nằm liền.
- Khi nằm ngủ, nên để gối sao cho từ phần lưng cho đến phần đầu cao dần lên. Hiện nay trên thị trường cũng có bán các loại đệm chống trào ngược, phục vụ cho mục đích này. Tư thế này giúp cho phần họng, thực quản luôn ở cao hơn dạ dày. Điều này giúp thức ăn khó bị trôi ngược trở lên lại.
- Hạn chế ăn các thực phẩm như: bia, rượu, dầu mỡ, cà phê, các thức ăn chua, cay…
- Ngưng hút thuốc lá (nếu có).
2. Thuốc
- Thuốc giảm tiết axit ở dạ dày.
- Thuốc trung hòa axit ở dạ dày.
- Thuốc tăng nhu động đường tiêu hóa.
Tùy loại thuốc mà bạn phải uống trước ăn hoặc sau ăn thì mới hiệu quả. Vì vậy cần hỏi kĩ bác sĩ cách sử dụng thuốc khi bạn được kê đơn.
Như vậy, có thể viêm họng và trào ngược là có liên hệ với nhau. Trào ngược có thể diễn ra âm thầm, gây ra viêm họng tái đi tái lại. Thay đổi thói quen và sử dụng thuốc là 2 cách đối phó với vấn đề này. Hi vọng qua bài viết trên của YouMed đã giúp bạn hiểu thêm về căn bệnh khá thường gặp này.