Đau hậu môn: Chuyện khó nói không của riêng ai
Nội dung bài viết
Đau hậu môn là triệu chứng không thường được nhắc tới do người bệnh luôn khá ngại ngùng. Tuy vậy, điều đáng mừng là chúng thường ít khi trở nên quá nghiêm trọng. Vì hầu hết các nguyên nhân gây đau hậu môn là lành tính, kể cả khi có chảy máu. Nếu cơn đau không giảm đi trong vòng vài ngày, bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Bài viết hôm nay của Bác sĩ Nguyễn Hồ Thanh An sẽ mang đến cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về các nguyên nhân chính của đau hậu môn.
Trĩ ngoại tắc mạch
Đây là tình trạng cục máu đông hình thành trong một búi trĩ ngoại làm tắc nghẽn lưu thông của dòng máu. Nếu cục máu đông lớn, chúng có thể gây đau khi đi bộ, ngồi hoặc đi tiêu.
Một khối ở hậu môn gây đau có thể xuất hiện đột ngột và trở nên tồi tệ hơn trong 48 giờ đầu tiên. Sau đó chúng thường giảm dần trong vài ngày tiếp theo. Người bệnh cũng có thể thấy chảy máu nếu búi trĩ bị hoại tử.
Hầu hết các chuyên gia khuyên rằng các cục máu đông phải được loại bỏ bằng phẫu thuật. Phẫu thuật nhỏ này có thể được thực hiện tại phòng khám hoặc tại bệnh viện nhờ gây tê tại chỗ.
Ngoài ra, các điều trị không phẫu thuật bao gồm:
- Tắm bồn nước ấm (tắm sitz);
- Thuốc giảm đau và làm mềm phân.
Nứt hậu môn
Ống hậu môn là một ống ngắn được bao quanh bởi cơ nằm ở cuối ruột già. Một vết rách ở lớp niêm mạc của vùng này được gọi là nứt hậu môn. Đây là tình trạng khá phổ biến, nhưng thường bị nhầm lẫn với các nguyên nhân khác, chẳng hạn như bệnh trĩ.
Hầu hết các vết nứt không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, người bệnh bị nứt hậu môn mạn tính thường khó điều trị hơn và phẫu thuật lúc này có thể là lựa chọn tốt nhất. Mục tiêu là giúp cơ thắt hậu môn thư giãn, giảm đau và giảm co thắt tạo điều kiện cho vết nứt lành lại.
Đối với điều trị không phẫu thuật, mục tiêu là làm cho phân mềm và đóng khuôn. Chúng thường bao gồm các biện pháp như:
- Chế độ ăn uống giàu chất xơ.
- Thuốc làm mềm phân không kê đơn.
- Tắm bồn nước ấm (tắm sitz) trong 10 đến 20 phút, một vài lần mỗi ngày.
- Một số loại thuốc khác.
Áp xe và lỗ rò hậu môn
Áp xe là một ổ nhiễm trùng có chứa mủ gần hậu môn hoặc trực tràng. Trong hầu hết các trường hợp, áp xe được điều trị bằng phẫu thuật.
Lỗ rò là một đường hầm hình thành dưới da (kết nối các tuyến bị tắc, bị nhiễm trùng với da gần hậu môn). Phẫu thuật thường cần thiết và khá đơn giản. Tuy nhiên, những trường hợp phức tạp hơn, một lần phẫu thuật có thể là chưa đủ.
Nhiễm nấm hoặc bệnh lây truyền qua đường tình dục
Những người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) như lậu, herpes, giang mai, HPV, HIV/AIDS… có thể bị đau hậu môn mức độ nhẹ đến nặng. Cơn đau này không phải lúc nào cũng liên quan với việc đi tiêu và có thể kèm với chảy máu hậu môn, chảy mủ và ngứa.
Điều trị STDs bao gồm kháng sinh (dùng tại chỗ hoặc uống), kháng virus và thuốc kháng nấm.
Ung thư hậu môn
Các khối u cũng có thể gây ra triệu chứng đau. Tuy nhiên đáng mừng là hầu hết các trường hợp đau hậu môn lại không phải là ung thư.
Nếu người bệnh bị đau do ung thư, chúng có thể kèm với:
- Đi tiêu ra máu.
- Sờ thấy khối ở hậu môn.
- Thay đổi thói quen đại tiện (tiêu chảy, táo bón, tiêu chảy xen kẽ táo bón,…).
Nếu bạn bị đau hoặc chảy máu hậu môn kéo dài hoặc ngày càng nặng, hãy gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
Điều trị ung thư hậu môn bao gồm: hóa trị, xạ trị và phẫu thuật.
Xem thêm: Ung thư hậu môn: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Khi nào thì nên đến gặp bác sĩ?
Bạn nên đi khám bác sĩ nếu:
- Cơn đau tái phát hoặc đau kéo dài (từ 3-4 ngày). Nếu đau hậu môn kèm theo sốt hay lạnh run, hãy đi khám ngay.
- Đau ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống (đau không làm gì được, đau phải thức giấc giữa đêm..).
- Đau hậu môn đang có chảy máu.
- Cảm thấy một khối ở hậu môn.
Các lưu ý chăm sóc tại nhà
Tùy nguyên nhân, một số biện pháp sau có thể dùng thử tại nhà để làm giảm bớt triệu chứng. Chúng bao gồm:
- Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc và tập thể dục hàng ngày. Uống thuốc làm mềm phân (nếu cần) để giúp đi tiêu dễ dàng và ít đau hơn.
- Ngồi trong bồn nước nóng đến hông khoảng 15-20 phút (được gọi là tắm sitz). Có thể dùng nhiều lần trong ngày để giảm đau do bệnh trĩ, nứt hậu môn hoặc co thắt cơ trực tràng
- Thoa các loại kem hydrocortisone (kháng viêm) lên các vết nứt hậu môn.
- Sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen (paracetamol), aspirin hoặc ibuprofen.
Đau hậu môn nhìn chung là một triệu chứng khá lành tính và có thể áp dụng một số biện pháp để chăm sóc tại nhà. Tuy vậy, nó cũng có thể là biểu hiện đầu tiên của những bệnh lý khác nghiêm trọng hơn. Do đó, chúng ta cần cẩn trọng, đặc biệt là một số trường hợp như đau kéo dài, chảy máu,… Lúc này, đừng ngại ngùng, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị thích hợp, tránh bỏ sót bệnh các bạn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Anal painhttps://www.fascrs.org/patients/disease-condition/anal-pain
Ngày tham khảo: 13/01/2020
-
Anal painhttps://www.mayoclinic.org/symptoms/anal-pain/basics/when-to-see-doctor/sym-20050918
Ngày tham khảo: 13/01/2020