Lưỡi bị đen là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Nội dung bài viết
Lưỡi của chúng ta bình thường có màu hồng đỏ tự nhiên. Nếu đột nhiên lưỡi bị đen thì thật lo lắng phải không nào? Nguyên nhân của sự thay đổi này là gì? Hãy cùng ThS.BS chuyên khoa Tai – Mũi – Họng Trần Thanh Long tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!
Lưỡi bị đen là bệnh gì?
Bạn có lẽ sẽ rất lo lắng, sợ hãi nếu thấy lưỡi bị đen nhưng đây thường không phải là vấn đề nghiêm trọng. Để ý kĩ có thể bạn sẽ thấy lưỡi trông như có nhiều lông hơn. Nhưng hãy yên tâm, chúng không phải là lông. Đây là những dấu hiệu của tình trạng đôi lúc còn gọi là lưỡi lông đen.
Nguyên nhân bệnh lưỡi đen
Lưỡi được bao phủ bởi hàng trăm các nhú nhỏ xíu gọi là nhú lưỡi. Thường thì chúng ta sẽ không để ý đến chúng nhưng khi các tế bào chết bắt đầu tập trung trên đỉnh các nhú lưỡi thì các nhú này trông có vẻ dài ra.
Các nhú dài này dễ bị nhuộm màu bởi vi khuẩn và các chất khác, làm cho lưỡi bị đen và trông có vẻ lông lá.
Vẫn chưa rõ tại sao các tế bào chết trên lưỡi không rụng đi nhưng nó có thể có liên quan đến:
- Vệ sinh răng miệng kém. Các tế bào chết dễ tích tụ trên lưỡi nếu bạn không đánh răng và chà lưỡi hay súc miệng thường xuyên.
- Giảm tiết nước bọt. Nước bọt giúp bạn nuốt trôi đi các tế bào chết. Khi bạn không sản xuất đủ nước bọt, các tế bào chết sẽ bám quanh lưỡi của bạn.
- Chế độ ăn nhiều đồ lỏng. Ăn đồ ăn cứng giúp cạo bớt các tế bào chết ra khỏi lưỡi của bạn. Nếu chế độ ăn của bạn chủ yếu là đồ ăn lỏng thì điều này sẽ không xảy ra.
- Tác dụng phụ của thuốc. Một số thuốc có tác dụng phụ là làm khô miệng, khiến tế bào chết dễ tích tụ lại trên các nhú lưỡi hơn.
Các tác nhân làm cho lưỡi bị đen
Khi tế bào chết ứ đọng lại ở lưỡi, vi khuẩn và các chất khác có thể bị mắc vào đó. Điều này có thể làm cho lưỡi trông như có màu nâu sậm hoặc đen.
Các yếu tố khác góp phần làm cho lưỡi bị đen bao gồm:
- Kháng sinh. Kháng sinh tiêu diệt cả vi khuẩn tốt lẫn xấu trong cơ thể. Điều này có thể gây mất cân bằng của vi khuẩn trong miệng, khiến cho một số loại nấm và vi khuẩn sinh sôi phát triển.
- Hút thuốc lá. Dù bạn hút thuốc hay nhai thuốc, thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất làm cho lưỡi bị đen. Thuốc lá rất dễ làm nhuộm màu các nhú mọc dài trên lưỡi.
- Uống cà phê hoặc trà. Cà phê và trà cũng có thể dễ làm nhuộm màu các nhú lưỡi dài, đặc biệt nếu bạn uống các loại thức uống này nhiều.
- Một số dung dịch súc miệng. Một số dung dịch súc họng sát khuẩn mạnh có chứa các chất oxi hóa có thể làm mất cân bằng vi khuẩn trong miệng.
- Thuốc Bismuth. Bismuth là thuốc thường dùng để điều trị bệnh đường tiêu hóa. Khi nó phản ứng với một số chất trong miệng, nó có gây nhuộm màu lưỡi, làm cho lưỡi bị đen.
Chữa bệnh lưỡi đen có khó không?
Tình trạng lưỡi bị đen hoặc lưỡi có đốm đen thường không cần can thiệp gì quá nhiều. Trong phần lớn trường hợp, chải lưỡi mỗi ngày bằng bàn chải đánh răng sẽ giúp loại bỏ tế bào chết và làm phai màu đen trong vòng vài ngày.
Nếu nghi ngờ lưỡi bị đen là do thuốc hay chế độ ăn lỏng thì nên gặp bác sĩ để tư vấn thêm. Bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng thuốc hay kê thêm thuốc kháng sinh hay kháng nấm để kiểm soát vi khuẩn và nấm trong miệng.
Vitamin A cũng có thể giúp tăng cường thay thế tế bào trên lưỡi của bạn. Với các loại nhú lưỡi tồn tại lâu, bác sĩ có thể giúp loại bỏ chúng bằng các công cụ đốt điện hay laser.
Các cách chăm sóc lưỡi tại nhà
- Chải lưỡi. Nhẹ nhàng chải lưỡi hai lần một ngày để loại bỏ tế bào chết và vi khuẩn.
- Dùng dụng cụ cạo lưỡi. Cạo lưỡi mỗi lần bạn đánh răng giúp ngăn các tế bào chết tích tụ trên lưỡi.
- Chải lưỡi sau khi ăn và uống các thức uống có màu. Đánh răng và chải lưỡi sau bữa ăn giúp loại bỏ thức ăn thừa và vi khuẩn trên nhú lưỡi.
- Ngưng hút thuốc lá. Cai thuốc lá là cách tốt nhất để giúp cải thiện tình trạng lưỡi. Nếu bạn không thể cai được, hãy đánh răng và chải lưỡi sau mỗi lần sử dụng thuốc lá hay mỗi 2 giờ.
- Khám răng định kì. Các cơ sở nha khoa sẽ giúp bạn duy trì tốt sức khỏe răng miệng.
- Uống nhiều nước. Điều này cho phép bạn có thể nuốt trôi các tế bào chết.
- Nhai kẹo cao su. Nhai kẹo cao su không đường giúp bạn tiết ra nhiều nước bọt hơn để rửa trôi các tế bào chết. Khi bạn nhai, kẹo cao su cũng giúp tháo gỡ các tế bào chết bị mắc kẹt trên lưỡi.
- Chế độ ăn lành mạnh. Ăn nhiều trái cây, rau quả, chất đạm, và hạt ngũ cốc sẽ giúp bạn duy trì cân bằng lợi khuẩn trong miệng.
Lưỡi bị đen thường là vô hại và chỉ là tạm thời. Bằng cách thay đổi một số thói quen, bạn sẽ thấy sự cải thiện nhanh chóng. Nếu bạn thấy lưỡi bị đen kéo dài từ 1 đến 2 tuần; hãy đi gặp bác sĩ để tư vấn. Có thể bạn cần điều chỉnh liều lượng thuốc đang sử dụng hay cần can thiệp thủ thuật từ bác sĩ.