Bệnh trĩ: Căn bệnh khó nói không phải ai cũng hiểu!
Nội dung bài viết
Bệnh trĩ là một căn bệnh rất phổ biến, nhất là đối với cuộc sống hiện đại ngày nay. Dù vậy, nhiều người vẫn rất e ngại nên không đi thăm khám. Do đó, nhiều trường hợp bệnh đã tiến triển xấu, để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Đây là căn bệnh không nguy hiểm tính mạng. Nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại nhiều biến chứng. Trong bài viết này, ThS.BS Trần Quốc Phong sẽ đề cập một cách tổng quan nhất cũng như một số cách phòng ngừa và điều trị.
Tổng quan về bệnh trĩ
Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ là bệnh của hệ thống mạch máu từ tiểu động mạch, tĩnh mạch, thông nối động tĩnh mạch đến cơ trơn, mô liên kết được lót bởi lớp biểu mô bình thường của ống hậu môn. Tình trạng tăng áp lực trong các tĩnh mạch hậu môn hoặc trực tràng là điều kiện thuận lợi hình thành các búi trĩ.
Bệnh phổ biến ở mọi xứ sở và tỷ lệ mắc bệnh khá cao. Nhiều thống kê cho thấy, tỷ lệ người mắc bệnh ở người trên 50 tuổi là 50%. Và có khoảng 5% dân số có triệu chứng của bệnh. Nhưng cho đến nay, người ta vẫn chưa có được hiểu biết đầy đủ về bệnh lý này. Sự khởi phát bệnh được giải thích bằng nhiều cơ chế khác nhau. Cơ chế được chấp thuận nhiều nhất là do sự phình giãn đám rối tĩnh mạch trĩ ở trực tràng, hậu môn.1
Phân loại bệnh trĩ
Bệnh trĩ chủ yếu gồm hai loại chính là trĩ nội (internal hemorrhoids) và trĩ ngoại (external hemorrhoids). Ngoài ra còn có loại trĩ hỗn hợp vừa trĩ nội vừa trĩ ngoại.
Trĩ nội
Trĩ nội được hình thành do dãn quá mức đám rối tĩnh mạch trĩ trong phía trên đường lược. Đường lược là ranh giới giữa trực tràng và ống hậu môn. Tùy theo kích thước và độ sa, trĩ nội có 4 mức độ:1
- Trĩ độ 1: Búi trĩ nằm hoàn toàn ở trong ống hậu môn.
- Trĩ độ 2: Bình thường thì búi trĩ nằm gọn ở trong ống hậu môn. Khi rặn đi cầu thì búi trĩ thập thò hay lòi ít ra ngoài ở lỗ hậu môn. Khi đi cầu xong, đứng dậy thì búi trĩ có thể tự thụt vào.
- Trĩ độ 3: Mỗi lần đại tiện hoặc đi lại nhiều, ngồi xổm, làm việc nặng thì búi trĩ lại sa ra ngoài. Khi đã sa ra ngoài phải nằm nghỉ một lúc búi trĩ mới tụt vào. Hoặc phải dùng tay ấn đẩy nhẹ vào.
- Trĩ độ 4: Búi trĩ thường xuyên nằm ngoài ống hậu môn. Búi trĩ độ 4 khá to, thường liên kết với nhau tạo thành trĩ vòng.
Trĩ ngoại
Được hình thành do giãn quá mức đám rối tĩnh mạch trĩ ngoại. Trĩ ngoại lúc nào cũng nằm ngoài ống hậu môn, phủ trên là da quanh hậu môn.
Trĩ hỗn hợp
Ban đầu trĩ nội nằm trong ống hậu môn, trên đường lược. Còn trĩ ngoại nằm ở ngoài ống hậu môn, dưới đường lược. Nếu có cả 2 búi trĩ nội và ngoài đồng thời lâu dần có thể khiến trĩ nội và trĩ ngoại liên kết với nhau tạo thành trĩ hỗn hợp.1
Xem thêm: Các dạng bệnh trĩ phổ biến bạn nên biết
Nguyên nhân mắc bệnh trĩ
Cơ chế chính của bệnh trĩ là do sự dãn quá mức của các tĩnh mạch xung quanh hậu môn gây ra bệnh trĩ. Nguyên nhân dãn này có thể do:
- Mang thai: Tình trạng giãn tĩnh mạch xảy ra phổ biến hơn ở phụ nữ mang thai. Vì khi cổ tử cung mở rộng, nó sẽ chèn ép vào tĩnh mạch trong ruột, khiến chúng bị dãn quá mức.
- Tuổi tác. Bệnh trĩ phổ biến nhất ở người lớn tuổi, 45 – 65 tuổi. Nhưng điều này không có nghĩa là thanh niên và trẻ em không mắc bệnh.
- Tiêu chảy. Bệnh trĩ có thể xuất hiện ở các trường hợp sau tiêu chảy mãn tính.
- Táo bón mãn tính. Việc táo bón lâu dài, khó di chuyển phân gây thêm áp lực lên thành mạch máu gây dãn mạch.
- Ngồi quá lâu. Giữ một tư thế ngồi trong thời gian dài có thể gây ra bệnh trĩ. Đặc biệt là ngồi quá lâu khi đi vệ sinh.
- Nâng vật nặng. Nâng vật nặng liên tục, thường xuyên có thể dẫn đến bệnh trĩ. Tình trạng này thường liên quan đến nghề nghiệp phải khuân vác nặng.
- Quan hệ tình dục bằng đường hậu môn. Điều này có thể gây ra bệnh trĩ mắc mới hoặc làm trầm trọng thêm những bệnh hiện có.
- Béo phì. Béo phì liên quan đến chế độ ăn uống có thể nguyên nhân gây bệnh.
- Di truyền.2
Xem thêm: Nguyên nhân bệnh trĩ: Hiểu đúng để phòng tránh đúng cách
Yếu tố nguy cơ gây bệnh trĩ
Như đã nói ở trên, nguyên nhân bệnh trĩ đến nay vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ nhưng có một số yếu tố được xem như điều kiện thuận lợi để phát triển bệnh.
Táo bón kinh niên, hội chứng lỵ
Bệnh nhân táo bón, mắc hội chứng lỵ khi đi cầu phải cố gắng rặn để tống phân ra. Điều này làm tăng áp lực trong ống hậu môn rất nhiều lần. Sự lặp đi lại của rặn gắng sức làm tăng sự ứ đọng máu ở đám rối tĩnh mạch trĩ và làm búi trĩ sa ra ngoài.1
Tăng áp lực ổ bụng
Áp lực ổ bụng tăng làm cản trở sự hồi lưu tĩnh mạch của vùng hậu môn, dễ dàng cho bệnh trĩ xuất hiện. Những trường hợp sau đây có thể gây tăng áp lực ổ bụng:
- Bệnh nhân ho nhiều do viêm phế quản, giãn phế quản.
- Người thường xuyên lao động nặng nhọc: Khuân vác, vận động viên cử tạ…
- Người làm công việc đứng lâu, ngồi nhiều.1
U bướu hậu môn – trực tràng
Ung thư trực tràng, u vùng tiểu khung (u xơ tử cung, ung thư tử cung), thai nhiều tháng cản trở máu tĩnh mạch hồi lưu là những yếu tố thuận lợi phát triển trĩ. Trong những trường hợp này, trĩ được hình thành do nguyên nhân cụ thể nên được gọi là trĩ triệu chứng.1
Xem thêm: Ung thư trực tràng: Triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị
Dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ
Phần lớn bệnh nhân không có biểu hiện gì đặc hiệu nên khó nhận biết. Nhưng có 2 dấu hiệu khiến bệnh nhân lo lắng và đến khám là chảy máu và sa búi trĩ.
Chảy máu
Chảy máu là dấu hiệu sớm và thường gặp nhất. Lúc đầu có thể kín đáo, thấy trên giấy chùi vệ sinh sau mỗi lần đại tiện. Hoặc có thể là có vài tia máu nhỏ dính ở thỏi phân rắn. Về sau, máu có thể chảy thành giọt hoặc thành tia. Muộn hơn, có thể chảy máu khi ngồi xổm, đi lại nhiều.1
Sa búi trĩ
Sa trĩ cũng là dấu hiệu nhận biết trĩ. Tùy theo mức độ mà biểu hiện bệnh khác nhau. Trĩ sa độ 2 thì bệnh nhân thường không có phiền hà nhiều. Trĩ sa độ 3 thì người bệnh có thể cảm thấy rất khó chịu mỗi khi đại tiện. Trĩ sa độ 4 khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy khó chịu.
Dấu hiệu khác1
- Đau rát hậu môn. Người bệnh có thể phát hiện bệnh nhờ cảm thấy đau mỗi khi đại tiện. Nhưng có những trường hợp có bệnh mà cũng không cảm thấy đau rát, chỉ thấy hơi cộm, vướng ở hậu môn.
- Chảy dịch nhầy ở hậu môn. Thường xảy ra khi sa trĩ nặng. Dấu hiệu này cũng có thể là dấu hiệu của những bệnh lý khác. Chẳng hạn u trực tràng, viêm trực tràng…
- Ngứa hậu môn. Đây cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý ngoài da khác. Ngứa thường do viêm da quanh hậu môn vì các chất dịch nhầy.
Biến chứng của bệnh trĩ
Tắc mạch
Tắc mạch do hình thành cục máu đông trong các búi trĩ. Tắc mạch trĩ ngoại thì người bệnh thấy vùng rìa hậu môn có khối phồng nhỏ màu xanh. Và thường đi kèm cảm giác đau rát, sờ vào thấy căng. Tắc mạch trĩ nội ít gặp hơn, bệnh nhân thường có cảm giác đau và cộm sâu trong ống hậu môn.1
Sa và nghẹt búi trĩ
Trĩ nội trong ống hậu môn có thể sa ra ngoài và bị nghẹt lại tại đó. Khối này có thể bị nghẹt một phần hoặc toàn bộ. Dấu hiệu nhận biết là khối phồng sưng, đỏ, đụng vào rất đau. Đôi khi có thể xuất hiện chấm đen là dấu hiệu của hiện tượng hoại tử.1
Viêm nhú, viêm khe
Viêm nhú, viêm khe thường gây ra cảm giác nóng rát ở hậu môn. Có khi chỉ bị ngứa ngáy và đau. Biến chứng này thường chỉ được phát hiện khi soi ống hậu môn bằng dụng cụ chuyên dụng.1
Điều trị bệnh trĩ
Trong phần lớn các trường hợp, các biện pháp đơn giản có thể làm giảm bớt các triệu chứng mà không cần điều trị. Tuy nhiên, đôi khi có thể cần đến thuốc và thậm chí là phẫu thuật.
Chế độ sinh hoạt2
- Tránh hoạt động quá mạnh, tránh ngồi nhiều, đứng lâu.
- Ăn nhiều chất xơ.
- Hạn chế các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá.
- Thay đổi thói quen trong việc đại tiện, tránh táo bón.
- Chất làm tê có thể được thoa lên da.
- Chườm đá và chườm lạnh để giảm sưng.
- Tắm, vệ sinh vùng hậu môn bằng nước ấm để cải thiện triệu chứng.
Thuốc bôi tại chỗ
Các loại kem bôi có chứa hydrocortisone có tác dụng chống phù nề, chống co thắt, giảm đau có thể được sử dụng. Tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu sử dụng không có kết quả sau một tuần điều trị.2
Thủ thuật2
- Chích xơ. Làm xơ hóa búi trĩ bằng dung dịch được tiêm vào bên trong búi. Điều này tạo ra cắt đứt nguồn cung cấp máu đến búi trĩ. Chỉ định cho trĩ độ 1 và độ 2.
- Thắt bằng dây thun. Đây là một thủ thuật ngoại trú cho bệnh trĩ nội. Bác sĩ sẽ đặt một dây thun vào gốc của búi trĩ để cắt nguồn cung cấp máu. Búi trĩ sẽ tự teo đi hoặc rụng đi.
Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt trĩ là phẫu thuật gây mê toàn thân. Hầu hết bệnh nhân có thể về nhà ngay trong ngày phẫu thuật. Ngoài ra cũng có thể thực hiện phương pháp thắt mạch máu đến nuôi búi trĩ dưới hướng dẫn siêu âm.2
Phòng ngừa bệnh trĩ
Nguy cơ phát triển bệnh trĩ giảm đáng kể khi làm cho khối phân mềm đi. Điều này có thể được thực hiện bằng cách:
- Dinh dưỡng. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt. Uống nhiều nước giúp làm mềm phân.
- Tránh rặn quá sức khi đi vệ sinh.
- Hoạt động thể chất giúp phân di chuyển qua ruột. Do đó việc đi tiêu thường xuyên và dễ dàng hơn
- Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh vì thừa cân làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh trĩ.
Trên đây là bài viết tổng quan về bệnh trĩ và những điều bạn nên biết. Hy vọng qua bài viết này bạn đã có thêm kiến thức về căn bệnh rất phổ biến này. Nếu phát hiện các triệu chứng của bệnh, bạn đừng e ngại mà hãy đến gặp bác sĩ ngay. Vì bệnh tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng và bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Nguyễn Đình Hối – Nguyễn Mậu Anh (2013). Bệnh học Ngoại khoa Tiêu Hóa NXB Y học. Trang 327 - 334
-
Hemorrhoids: Causes, treatments, and preventionhttps://www.medicalnewstoday.com/articles/73938#causes
Ngày tham khảo: 05/01/2019