YouMed

Hen suyễn do gắng sức: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

bác sĩ lê dương linh
Tác giả: Bác sĩ Lê Dương Linh
Chuyên khoa: Đa khoa

Hen là một bệnh lý mạn tính đường hô hấp. Bệnh đặc trưng bởi những cơn khó thở do sự co thắt phế quản. Những cơn hen có thể xuất hiện khi người bệnh vận động mạnh. Do đó, những bệnh nhân hen cần hết sức lưu ý đến điều này. Với bài viết này, Bác sĩ Lê Dương Linh sẽ cung cấp cho bạn đọc các thông tin cơ bản về hen suyễn do gắng sức, để bảo vệ sức khỏe của mình nhé!

Tổng quan

Khi vận động mạnh, đường thở của bệnh nhân hen sẽ có xu hướng co hẹp lại. Điều này dẫn đến các triệu chứng như khó thở, khò khè, ho và các biểu hiện khác. Cơn hen có thể khởi phát trong hoặc sau khi vận động.1

Bạn cũng nên biết rằng tình trạng co thắt phế quản khi vận động không phải là nguyên nhân của bệnh hen. Khi một bệnh nhân có sẵn bệnh hen, thì việc vận động gắng sức có thể là yếu tố kích gợi, làm khởi phát một cơn hen cấp. Tuy nhiên, ngoài vận động cũng còn những yếu tố kích gợi cơn hen khác như dị ứng.

Nếu được điều trị phù hợp, hầu hết các bệnh nhân hen đều có thể vận động như bình thường.

Vận động mạnh, gắng sức có thể kích thích bệnh hen
Vận động mạnh, gắng sức có thể kích thích bệnh hen

Các triệu chứng của cơn hen suyễn do gắng sức

Biểu hiện của cơn hen có thể xuất hiện trong hoặc ngay sau khi vận động. Các triệu chứng này có thể kéo dài tới 60 phút hoặc hơn nếu không được điều trị phù hợp. Dưới đây là một số biểu hiện:1

  • Ho.
  • Khò khè.
  • Khó thở.
  • Nặng ngực, đau ngực.
  • Cảm thấy mệt mỏi khi vận động.
  • Ngưỡng gắng sức giảm.
  • Ở trẻ nhỏ có thể có biểu hiện né tránh các hoạt động.

Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ vì bệnh hen?

Nếu bạn có bất kỳ biểu hiện nào giống như của hen khởi phát do gắng sức, hãy đi khám ngay. Nhiều bệnh lý khác có biểu hiện tương tự hen, do đó bạn cần đi khám để chẩn đoán và điều trị đúng tình trạng bệnh của mình.

Một số trường hợp cơn hen cần đến chăm sóc cấp cứu. Nếu các triệu chứng ngày càng nặng hơn, bạn cần nhập cấp cứu ngay. Một số tình huống có thể xảy ra như:1

  • Cơn khó thở hoặc khò khè tăng lên nhanh chóng, khiến bạn rất khó khăn trong việc hít thở.
  • Không đáp ứng với các thuốc hít, bình xịt bạn được bác sĩ kê toa trước đó.

Đọc thêm: Thuốc Symbicort (budesonid, formoterol) trong điều trị hen suyễn

Cần liên hệ cấp cứu ngay khi triệu chứng của bệnh trở nặng
Cần liên hệ cấp cứu ngay khi triệu chứng của bệnh trở nặng

Nguyên nhân gì khiến bạn lên cơn hen suyễn do gắng sức?

Hiện tại vẫn chưa rõ vì sao vận động mạnh gây ra sự co thắt phế quản. Không khí lạnh được cho là nguyên dẫn đến hen suyễn do gắng sức. Bên cạnh đó, không khí khô cũng được cho là có khả năng là “thủ phạm”. Vì độ ẩm ít nên khi hít không khí lạnh hoặc khô, đường dẫn khí người bệnh sẽ bị mất nước. Điều này làm đường dẫn khí bị co lại, giảm lưu lượng không khí. Ngoài ra, các yếu tố khác như clo, các loại khói cũng có thể kích ứng niêm mạc đường thở, làm tăng nguy cơ khó thở.1

Các yếu tố nguy cơ

Tình trạng co thắt phế quản do gắng sức hầu hết xảy ra khi:1 2

  • Những người bị bệnh hen. Khoảng 40 – 90% bệnh nhân hen có tình trạng co thắt đường thở do gắng sức. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể xuất hiện ở những người không bị hen.
  • Những vận động viên chuyên nghiệp. Những vận động viên chuyên nghiệp thường gặp tình trạng này hơn người bình thường.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ co thắt hay các tác nhân kích gợi thường là:1

  • Không khí lạnh.
  • Không khí khô.
  • Ô nhiễm không khí.
  • Chất Clo trong nước hồ bơi.
  • Những chất hóa học dùng trong các máy, dụng cụ dọn băng.
  • Các hoạt động gắng sức khiến phải hít sâu kéo dài, như chạy bộ đường dài, bơi lội hay chơi bóng đá.
Ô nhiễm không khí cũng có thể khởi phát cơn hen
Ô nhiễm không khí cũng có thể khởi phát cơn hen

Biến chứng của tình trạng này là gì?

Nếu không được điều trị, cơn co thắt phế quản do gắng sức có thể gây nên:1

  • Khó khăn trong việc luyện tập thể thao phù hợp.
  • Giảm khả năng hoạt động thể lực.
  • Cơn khó thở nguy hiểm tính mạng. Tình trạng này thường gặp hơn ở những bệnh nhân hen không kiểm soát hay kiểm soát kém.

Chẩn đoán hen suyễn do gắng sức như thế nào?

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và khám lâm sàng đầy đủ để đưa ra chẩn đoán. Ngoài ra, các xét nghiệm được thực hiện giúp đánh giá chức năng hô hấp của bạn. Một số xét nghiệm còn giúp loại trừ các bệnh lý khác có biểu hiện tương tự.

1. Xét nghiệm đánh giá chức năng hô hấp thông thường1

Bạn có thể sẽ được làm hô hấp ký, một xét nghiệm giúp đánh giá chức năng hô hấp. Nó giúp đánh giá lượng và tốc độ không khí bạn hít vào và thở ra khi nghỉ ngơi.

Bạn còn có thể được làm nghiệm pháp giãn phế quản. Hô hấp ký sẽ được làm lại lần nữa, sau khi dùng thuốc giãn phế quản. Dựa vào việc so sánh kết quả của hai lần đo, bác sĩ sẽ đánh giá được liệu thuốc giãn phế quản có giúp cải thiện khả năng hô hấp của bạn không.

Đo hô hấp ký là phương pháp chẩn đoán cần thiết để đánh giá chức năng hô hấp
Đo hô hấp ký là phương pháp chẩn đoán cần thiết để đánh giá chức năng hô hấp

2. Xét nghiệm thử thách khi gắng sức1

Đây là một xét nghiệm thử thách mức độ gắng sức của bạn. Bạn sẽ được chạy trên máy chạy bộ khiến bạn thở nhanh hơn. Khi đến một cường độ nhất định, các triệu chứng của hen sẽ xuất hiện.

Bạn cũng có thể phải thực hiện một số bài kiểm tra vận động như chạy lên xuống cầu thang. Hô hấp ký được đo trước và sau khi vận động giúp bác sĩ phát hiện sự co thắt phế quản xuất hiện do gắng sức.

3. Xét nghiệm thử thách thay thế1

Thay vì vận động, bạn có thể được tiếp xúc với các yếu tố kích gợi thay thế. Các yếu tố kích gợi này thường dùng đường hít. Nếu bạn có đáp ứng với các yếu tố kích gợi này, mức độ co thắt phế quản của bạn có thể ước lượng được tương đương với khi bạn gắng sức.

Tương tự, hô hấp ký được thực hiện trước và sau thử thách giúp đánh giá sự thay đổi trong chức năng hô hấp. Thử thách thường được dùng là chất methacholine, một hoạt chất làm co thắt đường thở. Khi sử dụng chất này, nó sẽ gây co thắt phế quản tương tự như khi bạn vận động.

4. Xét nghiệm loại trừ các bệnh lý khác2

Bạn có thể được làm thêm một số xét nghiệm giúp loại trừ các bệnh lý có biểu hiện tương tự. Các bệnh này cũng gây nên các triệu chứng như co thắt phế quản, ví dụ như:

Cách điều trị hen khởi phát do gắng sức

Để kiểm soát triệu chứng, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc mỗi khi bạn chuẩn bị vận động. Ngoài ra, tùy mức độ, bạn còn có thể được dùng thuốc hằng ngày để kiểm soát bệnh.

1. Các thuốc dùng trước khi vận động1

Bác sĩ có thể sẽ kê toa cho bạn loại thuốc dùng trước mỗi lần bạn gắng sức. Các thuốc này làm giảm thiểu hoặc ngăn chặn sự co thắt phế quản xuất hiện trong lúc bạn vận động. Hãy hỏi kỹ bác sĩ của mình xem bạn cần dùng thuốc bao lâu trước khi vận động. Một số thuốc trong nhóm này được liệt kê dưới đây:

  • Thuốc đồng vận beta tác dụng ngắn. Hay còn gọi tắt là SABA. Đây là loại thuốc xịt giúp làm giãn nở đường thở của bạn. Đây là nhóm thuốc được sử dụng thường xuyên nhất và cũng có vẻ là nhóm thuốc hiệu quả nhất để dùng trước khi vận động gắng sức. Tuy nhiên, không khuyến cáo sử dụng loại thuốc này hàng ngày. Vì khi sử dụng nhiều, bạn có thể bị lờn thuốc. Những thuốc thường dùng có tên là albuterol (Ventolin HFA, Proventil HFA, ProAir HFA) và levabuterol (Xopenex HFA).
  • Ipratropium (Atrovent HFA). Đây cũng là dạng thuốc hít. Nó cũng có tác dụng là dãn nở đường thở, và hiệu quả đối với một số trường hợp. Dạng hay sử dụng của thuốc này thường được dùng với máy phun khí dung.

2. Nhóm thuốc kiểm soát hen được dùng lâu dài1

Bác sĩ có thể kê một loại thuốc dùng lâu dài cho bạn kèm theo một loại thuốc dùng trước khi bạn vận động. Các thuốc dùng lâu dài hằng ngày giúp ổn định bệnh lý nền của bạn. Từ đó, giúp kiểm soát triệu chứng tốt hơn mỗi khi bạn vận động. Hơn nữa, khi việc sử dụng thuốc trước mỗi lần vận động là chưa đủ hiệu quả, bác sĩ cũng thường cho bạn sử dụng thêm loại thuốc dùng lâu dài này. Các dạng thuốc dùng hằng ngày thường gặp như:

  • Thuốc corticosteroid dạng hít. Thuốc giúp giảm quá trình viêm trong đường thở của bạn. Thời gian cần dùng để thuốc đạt hiệu quả tối đa có thể lên đến 4 tuần. Các loại thuốc thường dùng trong nhóm này như: fluticasone (Flovent HFA), budesonide (Pulmicort), mometasone (Asmanex) và beclomethasone (Qvar).
  • Các thuốc xịt kết hợp. Chúng bao gồm cả corticosteroid và thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài (LABA). Các thuốc này được sử dụng như thuốc dùng lâu dài, hằng ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp chúng cũng được dùng trước khi vận động. Các thuốc kết hợp phổ biến như: thuốc gồm fluticasone và salmeterol (Advair Diskus), gồm budesonide và formoterol (Symbicort), và thuốc gồm mometasone kèm formoterol (Dulera).
  • Thuốc dùng đường uống thuộc dẫn xuất leukotriene. Nhóm thuốc này có tác dụng ngăn chặn tiến trình viêm ở một số bệnh nhân. Thuốc có thể dùng hằng ngày hay dùng trước khi vận động. Các thuốc thường gặp là montelukast (Singulair), zafirlukast (Accolate) và zileuton. Bạn nên lưu ý rằng các thuốc này cũng có một số tác dụng phụ.
Nhiều loại thuốc xịt được sử dụng trong điều trị hen
Nhiều loại thuốc xịt được sử dụng trong điều trị hen

3. Không nên phụ thuộc vào thuốc cắt cơn nhanh1

Các thuốc được sử dụng trước khi vận động có thể đóng vai trò làm thuốc cắt cơn. Tuy nhiên, bạn không nên phụ thuộc vào nhóm thuốc này. Không nên dùng chúng nhiều hơn lượng mà bác sĩ của bạn khuyến cáo.

Bạn nên ghi chú lại số lần mà mình phải dùng thuốc cắt cơn mỗi tuần. Tần suất bạn dùng thuốc trước mỗi lần vận động và để cắt triệu chứng. Nếu dùng nhóm thuốc này mỗi ngày hoặc thường xuyên, hãy báo với bác sĩ của bạn. Bác sĩ có thể điều chỉnh lại thuốc cho phù hợp.

Thay đổi lối sống và chăm sóc tại nhà

Dưới đây là một số mẹo bạn cần lưu ý nếu như có tình trạng co thắt phế quản khởi phát do gắng sức:1

  • Nếu bạn bị hen, hãy dùng thuốc đúng và đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ để kiểm soát tốt bệnh.
  • Hãy tập khởi động khoảng 10 phút trước khi vận động.
  • Hãy thở bằng mũi để không khí hít vào được làm ấm và ẩm.
  • Đeo khẩu trang hoặc khăn quàng khi vận động trong thời tiết lạnh, khô.
  • Nếu bạn có dị ứng, hãy tránh xa các tác nhân gây dị ứng.
  • Tránh các khu vực có không khí ô nhiễm.
  • Tập vận động thường xuyên để tăng cường sức khỏe hệ hô hấp.
  • Nếu bạn có con nhỏ với tình trạng này, hãy thông báo cho nhà trường. Điều này giúp các giáo viên và người chăm sóc hiểu rõ và biết cách xử trí hợp lý khi con bạn có các triệu chứng hô hấp.
Nếu con bạn bị hen, hãy thông báo cho thầy cô và nhà trường
Nếu con bạn bị hen, hãy thông báo cho thầy cô và nhà trường

 

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp thêm thông tin về hen suyễn do gắng sức cho bạn đọc. Hen là một bệnh lý khá thường gặp. Vận động mạnh cũng như các tác nhân khác dễ dàng làm khởi phát các cơn hen. Khi bạn và người thân có tình trạng này, hãy đi khám để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn thật kỹ để sử dụng thuốc hợp lý nhé. Chúc bạn luôn khỏe, mong bạn đón đọc các bài viết khác của YouMed.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Exercise-induced asthmahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/exercise-induced-asthma/symptoms-causes/syc-20372300

    Ngày tham khảo: 30/06/2023

  2. Exercise Induced Asthmahttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK557554/

    Ngày tham khảo: 30/06/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người