YouMed

Cắt amidan có đau không và những thông tin liên quan

Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Thế Huy
Tác giả: ThS.BS Đinh Thế Huy
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Bệnh lý amidan là một trong những căn bệnh thường gặp ở chuyên khoa Tai – Mũi – Họng. Đây là tình trạng mà tại vùng họng miệng xuất hiện hạch bạch huyết. Và bệnh thường xuất hiện ở trẻ em. Tuy nhiên, không phải ai cũng có kiến thức về bênh lý amidan để phát hiện và điều trị. Từ đó kịp thời tránh những tình trạng nguy hiểm có thể xảy ra. Bài viết của ThS.BS Đinh Thế Huy sẽ giải đáp câu hỏi cắt amidan có đau không và những thông tin liên quan.

Tổng quan về phẫu thuật cắt amidan

Định nghĩa

Theo định nghĩa của Hội Tai Mũi Họng và Phẫu thuật Đầu cổ Hoa Kỳ (American Academy of Otolaryngology-Head and Neck Surgery), cắt amidan là phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn amidan cùng với vỏ bao amidan bằng cách bóc tách khoang quanh amidan nằm giữa bao amidan và thành cơ siết họng.1 2

Như đã đề cập ở các bài viết về bệnh lý viêm amidan, amidan là một thành phần của vòng Waldeyer. Nó có chức năng miễn dịch. Amidan khẩu cái là vị trí ngõ vào của hầu họng, dễ bị viêm nhiễm tái đi tái lại, trở thành ổ nhiễm trùng, gây đau họng, hôi miệng kéo dài. Ngoài ra, viêm amidan mạn tính có thể khiến cho amidan quá phát gây nên các triệu chứng khó chịu như nuốt vướng, ngủ ngáy và thậm chí là hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Phẫu thuật cắt bỏ amidan là phương pháp chủ yếu được sử dụng trong điều trị các bệnh lý kể trên. Ngoài ra, còn có một số chỉ định khác, sẽ được đề cập ở bài viết dưới đây.

Đối tượng

Trẻ em

Đây là một trong những phẫu thuật thường được thực hiện nhất ở Mỹ và theo thống kê, có trên 500.000 trường hợp cắt amidan được thực hiện ở trẻ em dưới 15 tuổi.

Ở Việt Nam, vẫn chưa có số liệu chính thức, tuy nhiên, đây vẫn là một trong những phẫu thuật thường được thực hiện ở trẻ em.

Ở trẻ em, lí do chủ yếu là amidan quá phát gây rối loạn thở khi ngủ (sleep-disordered breathing – SDB) và viêm amidan tái đi tái lại nhiều lần. SDB là tình trạng tắc nghẽn đường thở một phần hay hoàn toàn trong giấc ngủ làm gián đoạn thông khí bình thường và làm rối loạn giấc ngủ. Triệu chứng của SBD bao gồm tăng động, mệt mỏi, hay cáu gắt vào ban ngày. Trong giấc ngủ, có thể ghi nhận trẻ ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ, ngủ không ngon, tiểu đêm,… Hậu quả là trẻ chậm phát triển, học tập kém. Amidan quá phát và V.A quá phát là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến SBD ở trẻ. Khi đó, phẫu thuật cắt bỏ amidan (có thể kèm theo phẫu thuật nạo V.A) được chỉ định ở trẻ để loại bỏ tắc nghẽn đường thở.

Ngoài ra, ở trẻ em, do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, viêm amidan là tình trạng thường gặp. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập của trẻ thì việc phẫu thuật là cần thiết để loại bỏ ổ nhiễm trùng.1

Người lớn

Phẫu thuật cắt amidan cũng có thể được thực hiện ở người lớn. Chỉ định ở người lớn nhìn chung cũng tương tự với các chỉ định ở trẻ em. Ngoài ra, phẫu thuật cắt bỏ amidan còn được thực hiện ở những trường hợp nghi ngờ ung thư, cần cắt đi amidan để thực hiện xét nghiệm giải phẫu bệnh.1

Chỉ định

Các chỉ định phẫu thuật amidan bao gồm:1 2

  • Tắc nghẽn đường thở khi ngủ do amidan quá phát.
  • Viêm amidan tái phát nhiều lần: Phẫu thuật được chỉ định nếu bệnh nhân viêm amidan cấp > 7 lần trong 1 năm, > 5 lần/năm trong 2 năm liên tục và > 3 lần/năm trong 3 năm liên tục hoặc có 1 lần mắc áp xe quanh amidan.
  • Amidan bất đối xứng: cắt bỏ amidan để loại trừ hoặc chẩn đoán ung thư amidan bằng xét nghiệm giải phẫu bệnh. Loại ung thư amidan thường gặp nhất ở người lớn là ung thư tế bào biểu mô (carcinoma) và ung thư hạch bạch huyết (lymphoma). Còn ở trẻ em, loại ung thư amidan thường gặp nhất là ung thư hạch bạch huyết.

Chống chỉ định

Không có chống chỉ định tuyệt đối đối với phẫu thuật cắt bỏ amidan. Biến chính chủ yếu liên quan đến phẫu thuật là chảy máu và nguy cơ gây mê. Do đó, các yếu tố nguy cơ liên quan đến các biến chứng kể trên (như rối loạn đông máu, tiền căn gia đình có tăng thân nhiệt ác tính,…) cần phải được nhận diện và xử trí trước phẫu thuật.1

Quy trình phẫu thuật amidan

Phẫu thuật cắt bỏ amidan không phải là một phẫu thuật quá phức tạp. Phẫu thuật thường được thực hiện khi người bệnh được gây mê toàn thân qua ống nội khí quản. Nó thông thường kéo dài từ 30 phút đến 1 tiếng, bao gồm các bước chính sau:

  • Đầu tiên, phẫu thuật viên sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng để mở và cố đinh miệng của bệnh nhân để bộc lộ amidan.
  • Phẫu thuật viên sẽ xác định vỏ bao amidan và bóc tách hoàn toàn amidan cùng với vỏ bao ra khỏi hố amidan bằng cách bóc tách thông thường hoặc dùng các thiết bị nhiệt như dao điện, coblator, dao plasma,…
  • Sau khi cắt bỏ hoàn toàn amidan ra khỏi hố amidan, phẫu thuật viên sẽ kiểm tra lại tình trạng chảy máu hố mổ và cầm máu cẩn thận nếu phát hiện điểm chảy máu trước khi kết thúc phẫu thuật.
Phẫu thuật cắt amidan
Phẫu thuật cắt amidan

Kỹ thuật hiện có

Hiện nay, có 2 kỹ thuật chính: cắt amidan “lạnh” hoặc cắt amidan “nóng”.1

Cắt amidan “lạnh”

Cắt amidan “lạnh” nghĩa là phương pháp bóc tách sử dụng hoàn toàn bằng các dụng cụ phẫu thuật thông thường như dao phẫu thuật, kéo, thòng lọng,… Nhằm bóc tách bao amidan ra khỏi hố amidan và chỉ sử dụng dụng cụ nhiệt tối thiểu để cầm máu hố mổ.

Phương pháp này có ưu điểm là giúp người bệnh ít đau sau phẫu thuật.

Cắt amidan “nóng”

Cắt amidan “nóng” là phương pháp sử dụng dụng cụ phẫu thuật tạo nhiệt bóc tách amidan khỏi hố amidan. Các phương pháp hiện có là:

  • Dao điện đơn cực (monopolar) hoặc lưỡng cực (bipolar): sử dụng dòng điện để tạo ra nhiệt độ làm cháy và phân tách mô liên kết giúp bóc tách amidan. Nhiệt độ của dao điện có thể lên tới 300 – 400 °C. Có thể làm tổn thương các mô ở sâu. Và người bệnh có thể đau nhiều ở giai đoạn hậu phẫu.
  • Sóng cao tần coblator: dùng năng lượng sóng radio tần số cao phân tách mô liên kết và bóc tách amidan. Nhiệt độ phương pháp này thường thấp, ít gây tổn thương mô sâu. Và giúp người bệnh hồi phục nhanh hơn.
  • Dao plasma: biến đổi nước muối sinh lý thành lớp plasma ion hoá, làm phá huỷ liên kết phân tử của mô. Phương pháp này tạo lượng nhiệt tối nhiểu. Nó cũng ít gây tổn thương cho người bệnh.
  • Dao harmonic (dao siêu âm): Dao mổ siêu âm sử dụng tần số cao ở lưỡi dao để tạo ra vết mổ. Từ đó dẫn đến hiện tượng thủy phân và tăng nhiệt độ từ 60-100 °C. Mức nhiệt này giúp cầm máu tốt, ít gây đau đớn và biến chứng.

Mỗi phương pháp đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Chọn lựa phương pháp phẫu thuật nào phụ thuộc kinh nghiệm của phẫu thuật viên.

Cắt amidan bằng dao điện đơn cực
Cắt amidan bằng dao điện đơn cực
Cắt amidan bằng dao coblator
Cắt amidan bằng dao coblator
Lưỡi dao plasma trong phẫu thuật cắt amidan
Lưỡi dao plasma trong phẫu thuật cắt amidan

Những câu hỏi thường gặp

Cắt amidan có đau không?

Đau là điều không tránh khỏi ở những ngày đầu sau phẫu thuật. Thường là trong vòng 7 ngày. Bệnh nhân sẽ được cho thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen để giảm bớt tình trạng này.

Người bệnh cũng có thể gặp phải tình trạng đau lan lên tai. Đây cũng là một tình trạng rất thường gặp và không cần phải lo lắng

Phẫu thuật có nguy hiểm không?

Phẫu thuật cắt bỏ amidan là an toàn nếu người bệnh được phẫu thuật đúng chỉ định. Và thực hiện ở cơ sở y tế uy tín và người bệnh tuân thủ hướng dẫn bác sĩ sau phẫu thuật.

Có nên cắt bỏ amidan cho người lớn không?

Có. Bất kể người lớn hay trẻ em, nếu đúng chỉ định thì phẫu thuật cắt bỏ amidan là cần thiết.

Viêm amidan hốc mủ có nên cắt không?

Nếu amidan hốc mủ gây ra triệu chứng đau họng thường xuyên, kèm với các triệu chứng như nuốt vướng, hôi miệng kéo dài thì phẫu thuật cắt amidan là cần thiết.

Cắt amidan có ảnh hưởng gì không?

Phẫu thuật amdian không ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân.

Cắt amidan có bị đổi giọng không?

Giọng nói được tạo thành nhờ thanh quản, còn amidan là cấu trúc ở thành bên họng, không tham gia vào quá trình tạo thành giọng nói. Do đó, cắt amidan không làm thay đổi giọng.

Cắt amidan có gây mê không?

Hiện nay, hầu hết các phẫu thuật cắt amidan đều được thực hiện dưới gây mê toàn thân để bộc lộ phẫu trường tốt và kiểm soát chảy máu tốt nhất có thể.

Chi phí và nơi cắt amidan

Chi phí cắt amidan dao động tuỳ thuộc vào bệnh viện và dụng cụ phẫu thuật. Chi phí trung bình dao động từ 5 – 10 triệu đồng và có thể cao hơn nếu ở các cơ sở y tế tư nhân. Phẫu thuật cắt amidan là loại phẫu thuật thường gặp và cơ bản. Tất cả các bệnh viện có chuyên khoa Tai Mũi Họng và Gây mê hồi sức đều có thể thực hiện phẫu thuật này một cách an toàn.

Những tình trạng có thể gặp phải sau khi cắt amidan

Đau

Đau là điều không tránh khỏi ở những ngày đầu sau phẫu thuật cắt amidan, thường là trong vòng 7 ngày. Bệnh nhân sẽ được cho sử dụng các thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen để giảm bớt tình trạng này.

Người bệnh cũng có thể gặp phải tình trạng đau lan lên tai, đây cũng là một tình trạng rất thường gặp và không cần phải lo lắng

Sốt

Sốt nhẹ có thể gặp sau khi phẫu thuật.

Chảy máu

Nguy cơ chảy máu có thể xảy ra kéo dài đến 2 tuần sau phẫu thuật. Nếu người bệnh chảy máu lượng ít, có thể xử trí tại nhà bằng cách ngậm đá và theo dõi. Nếu tình trạng không cải thiện, phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thực hiện thủ thuật cầm máu.

Bệnh nhân sau cắt amidan có tái phát không?

Hiện nay, hầu hết các cơ sở y tế đều thực hiện phẫu thuật cắt amidan ngoài bao, tức là cắt trọn amidan cùng với vỏ bao nên tình trạng tái phát sau cắt là rất hiếm gặp. Tái phát sau cắt amidan thường gặp ở bệnh nhân được thực hiện phẫu thuật cắt một phần amidan trong bao. Khi đó, mô amidan còn sót lại có thể phát triển trở lại.

Chăm sóc trẻ sau khi cắt amidan như thế nào?

Các hướng dẫn sau đây sẽ giúp các vị phụ huynh chăm sóc trẻ thật tốt sau phẫu thuật cắt amidan:3

Về hoạt động thể chất

Trẻ có thể chơi trong nhà 1-2 ngày đầu và tham gia các hoạt động ngoài trời từ ngày thứ 3. Trẻ có thể đi học lại sau 1 tuần.

Về chế độ ăn uống

Sau phẫu thuật amidan trẻ phải ăn đúng chế độ trong 10 ngày để tránh chảy máu, chế độ ăn như sau:

  • Ngày 1-2: uống sữa lạnh.
  • Ngày 3-4: ăn cháo lỏng để nguội, có thịt bằm tán nhuyễn (nuốt không cần nhai).
  • Ngày 5-6: ăn cháo đặc nguội có thịt bằm có rau xanh nấu chín.
  • Ngày 7-8: ăn cơm nhão có thịt, có canh rau.
  • Ngày 9-10: ăn cơm thường để nguội.

Lưu ý: Tránh thức ăn nóng, cứng và chua.

Về giảm đau

Sau cắt amidan, đau là một vấn đề khó tránh khỏi, cơn đau có thể khiến trẻ khó ăn uống dẫn đến hiện tượng mất nước. Do đó, trong 7 ngày đầu sau phẫu thuật bác sĩ có thể cho các thuốc giảm đau chứa hoạt chất acetaminophen (như Paracetamol) để kiểm soát cơn đau cho trẻ. Thông thường, những cơn đau sau cắt amidan sẽ đáp ứng với thuốc giảm đau paracetamol. Lưu ý hãy dùng thuốc theo liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ, liều giảm đau thông thường cho Paracetamol là từ 10 – 15 mg/kg mỗi 6 – 8 giờ.

Chườm lạnh

Chườm lạnh quanh vùng họng và cổ có thể giúp giảm đau. Các bạn có thể dùng túi chườm được làm lạnh hoặc một túi zip đựng đá hay nước lạnh và quấn lại bằng một chiếc khăn. Sau đó chườm lên vùng đau sau phẫu thuật.

Về vấn đề sốt

Sốt nhẹ (dưới 38,5 °C) sau phẫu thuật cắt amidan là tình trạng thường gặp và có thể điều trị bằng Paracetamol (thuốc dùng để giảm đau) cho nên bạn đừng quá lo lắng khi gặp tình huống này. Tuy nhiên, nếu trẻ sốt cao hơn (trên 38,5 °C) hoặc kéo dài trên 2 ngày thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám tốt nhất. Sốt cao hoặc kéo dài có thể là dấu chỉ của nhiễm trùng hoặc trẻ không được cung cấp đủ dịch sau phẫu thuật.

Về vấn đề chảy máu

Chảy máu sau cắt amidan là không thường gặp. Nhưng nguy cơ chảy máu có thể xảy ra kéo dài đến 2 tuần sau phẫu thuật. Hầu hết chảy máu sau cắt amidan chỉ là chảy máu ít, thường gặp nhất là các chấm máu cũ đọng trên lưỡi của trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ nhổ ra máu, ho ra máu, ói ra máu hoặc bất cứ tình trạng nào khiến bạn lo lắng về khả năng chảy máu tiếp diễn sau cắt amidan, hãy đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.

Tái khám

Bạn nên đưa trẻ tái khám từ 1-2 tuần sau phẫu thuật để các bác sĩ theo dõi và đánh giá tốt hơn tình trạng hồi phục của trẻ.

Việc chủ động tìm hiểu bênh lý amidan cũng như phẫu thuật cắt amidan có đau không rất quan trọng. Nó không chỉ giúp người bệnh hiểu hơn về căn bệnh này. Đồng thời còn giúp tránh được những rủi ro không mong muốn. Từ đó góp phần đem lại sự an tâm trước khi thực hiện phẫu thuật. Nếu bạn đang tìm hiểu về phẫu thuật cắt amidan và cần được tư vấn. Ban có thể đến thăm khám tại chuyên khoa Tai mũi họng ở các bệnh viện. Hy vọng bài viết trên mang lại thông tin hữu ích về phẫu thuật cắt  amidan cho bạn đọc.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Tonsillectomy and Adenoidectomyhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK536942/

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  2. Clinical practice guideline: tonsillectomy in childrenhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/21493257/

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

  3. Tonsillectomy Postop Carehttps://my.clevelandclinic.org/health/treatments/17562-tonsillectomy-postop-care

    Ngày tham khảo: 17/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người