YouMed

Cơn gò khi mang thai (Braxton Hicks): Làm sao để phân biệt cơn gò thật và giả?

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Phan Lê Nam
Tác giả: ThS.BS Phan Lê Nam
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Nếu lần đầu mang thai, chắc hẳn mẹ sẽ rất lo lắng khi sắp đến ngày sinh nở. Mẹ sẽ tự hỏi rằng khi nào bắt đầu chuyển dạ và cảm giác sẽ như thế nào? Mặc dù có nhiều dấu hiệu để báo rằng đứa bé đang muốn chào đời. Tuy nhiên, một trong những dấu hiệu đáng tin cậy nhất đó là mẹ sẽ có những cơn co gò tử cung gây đau với cường độ và tần suất tăng dần. Bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lê Nam sẽ mô tả mẹ có những loại cơn gò gì và khi nào cần phải đến bệnh viện. Hãy lưu ý mẹ nhé!

Chuyển dạ giả (co thắt Braxton-Hicks)

Chuyển dạ giả là gì?

Hầu hết phụ nữ có thai thỉnh thoảng đều cảm thấy có các cơn gò trong những tuần cuối của thai kỳ, trước khi thực sự chuyển dạ. Thậm chí một số mẹ đã nói rằng họ có những cơn gò vào khoảng tháng thứ tư thai kỳ.

Khi mẹ đặt tay lên bụng, bạn có thể cảm thấy tử cung của mình thắt lại và dần giãn ra. Tuy nhiên, tình trạng này xảy ra rất nhẹ nhàng, và không gây đau cho mẹ.

Những cơn gò nhẹ này, còn được gọi là cơn co thắt Braxton Hicks. Chúng còn được gọi là chuyển dạ giả. Nguyên nhân là do sự phát triển tử cung cần phải to ra để chứa em bé. Hầu hết các cơn này đều xảy ra không thường xuyên. Khi gần tới ngày sinh, cơn gò chuyển dạ giả có thể sẽ mạnh hơn và đôi khi khiến cho mẹ không thoải mái.

Mẹ sẽ cảm thấy như thế nào?

Vì đây đều là những cơn gò giả nên:

  • Sẽ không gây đau cho mẹ.
  • Co thắt chỉ tập trung ở bụng và không lan bất kỳ chỗ nào.
  • Mẹ sẽ cảm thấy bụng căng lên, cảm nhận sẽ rõ ràng hơn khi sờ bụng.
  • Đôi khi khiến mẹ không thoải mái
Cơn gò giả khi mang thai
Cơn gò giả sẽ không gây đau cho mẹ

Điều quan trọng nhất rằng cơn gò sẽ:

  • Không mạnh mẽ hơn so với những cơn trước.
  • Không kéo dài hơn so với những cơn trước.
  • Khoảng cách các cơn không trở nên gần nhau hơn.

Những cơn gò này xuất hiện có thể do nguyên nhân như mẹ mệt mỏi, mất nước hoặc đi bộ quá nhiều.

Để giúp cho mẹ bớt lo lắng liệu đây có phải là cơn gò báo hiệu chuyển dạ. Trước khi mẹ gọi bác sĩ, hãy thử một số cách đối phó sau đây để xem cơn gò liệu có giảm hoặc mất đi hay không:

  • Mẹ cần uống nhiều nước hơn.
  • Thay đổi tư thế, chẳng hạn từ đứng sang ngồi.
  • Dừng những công việc đang làm. Thay vào đó mẹ cần nghỉ ngơi. Nếu mẹ nằm, tốt nhất nên nghiêng về phía bên trái.

Nêu mẹ đã áp dụng những điều trên và vẫn còn bị những cơn gò giả thường xuyên. Lúc này, mẹ cần đến cơ sở Sản phụ khoa để được kiểm tra và loại trừ chuyển dạ sanh non.

Cơn gò trong chuyển dạ sanh non

Các cơn gò khi mang thai xuất hiện thường xuyên trước 37 tuần có thể là dấu hiệu của chuyển dạ sanh non hoặc dọa sanh non.

Thời gian của các cơn gò thường xuyên, đều đặn hơn là một dấu hiệu đáng nghi ngờ. Ví dụ: nếu mẹ bị co thắt cứ sau 10 đến 12 phút trong hơn một giờ, mẹ có thể bị chuyển dạ sớm. Trong một cơn gò, toàn bộ bụng sẽ có cảm giác thắt chặt và cứng lại.

Cùng với việc thắt chặt trong tử cung, mẹ sẽ cảm thấy như thế nào?

  • Đau bụng, lưng âm ỉ
  • Cảm giác có áp lực nén lên xương chậu
  • Cảm giác áp lực trong bụng
  • Chuột rút ở bụng, chân

Đây là những dấu hiệu mà mẹ nên đến cơ sở Sản phụ khoa. Đặc biệt là khi có kèm thêm các dấu hiệu như chảy máu âm đạo, chảy dịch nước từ âm đạo (vỡ ối), tiêu chảy.

chuyển dạ sanh non
Nếu cơn gò xuất hiện thường xuyên kèm theo đau bụng lưng, áp lực vùng chậu trước 37 tuần có thể là chuyển dạ sanh non 

Một số yếu tố tăng nguy cơ sanh non

  • Đa thai (sinh đôi, sinh ba, v.v.)
  • Tình trạng bất thường của tử cung, cổ tử cung hoặc nhau thai.
  • Hút thuốc hoặc sử dụng ma túy.
  • Cuộc sống chịu áp lực mức độ cao.
  • Tiền sử sinh non.
  • Viêm nhiễm, nhiễm trùng cơ quan sinh dục.
  • Bị thiếu hoặc thừa cân trước khi mang thai.
  • Không được chăm sóc trước khi sinh đúng cách.

Điều quan trọng là phải chú ý đến thời gian và tần suất các cơn gò của mẹ, cũng như bất kỳ triệu chứng đi kèm nào. Thông tin đầy đủ sẽ giúp bác sĩ tiên lượng tốt hơn.

Trong trường hợp mẹ chưa có dấu hiệu chuyển dạ thực sự, bác sĩ có thể kê thuốc dưỡng thai để giúp giảm cường độ và tần suất co thắt. Điều này giúp em bé có thể giữ được trong bụng mẹ lâu hơn cho đến gần ngày dự sanh.

Chuyển dạ thực sự

Không giống như các cơn co thắt Braxton-Hicks. Một khi các cơn gò chuyển dạ thực sự bắt đầu, chúng không thể mất đi bằng các biện pháp đơn giản như uống nước hoặc nghỉ ngơi. Thay vào đó, những cơn gò này ngày càng dài hơn, mạnh mẽ hơn và xuất hiện thường xuyên hơn. Những cơn gì này đủ để làm mỏng và mở được cổ tử cung.

Trong chuyển dạ thực sự, sẽ được chia làm 2 giai đoạn: Chuyển dạ pha tiềm thời và chuyển dạ pha hoạt động.

>> Mang thai ngoài tử cung là tình trạng thai không làm tổ trong buồng tử cung. Mang thai ngoài tử cung có thể gây biến chứng đặc biệt nghiêm trọng như vỡ vòi trứng gây mất máu nhiều, thậm chí đe dọa tính mạng. Ở giai đoạn sớm, thai ngoài tử cung đôi khi có triệu chứng như một thai kì bình thường và rất khó để nhận biết. Do đó mọi phụ nữ nên có kiến thức về những thay đổi của cơ thể trong thai kì, đặc biệt các triệu chứng của thai ngoài tử cung. Cùng YouMed tìm hiểu thêm tại đây nha: Mang thai ngoài tử cung: Dấu hiệu, mức độ nguy hiểm và hướng chữa trị

Chuyển dạ pha tiềm thời

Khi chuẩn bị chuyển dạ, mẹ sẽ nhận thấy sự gia tăng các cơn gò. Cảm giác của mẹ là những cơn thắt chặt ở bụng sau đó dần thư giãn ra.

Trong quá trình chuyển dạ, tử cung liên tục co lại, khiến cổ tử cung mỏng dần và mở ra để mẹ có thể đẩy em bé ra ngoài. Nhiệm vụ của các cơn gò lúc này sẽ làm mở rộng cổ tử cung cho đến khi nó đủ rộng để em bé đi qua.

Trong giai đoạn đầu chuyển dạ, hay còn được gọi là chuyển dạ tiềm thời, các cơn gò có thể thay đổi khác nhau rất nhiều ở mỗi phụ nữ. Chúng có thể kéo dài 30 giây đến 90 giây. Thông thường, ban đầu, cơn co thắt sẽ rất nhẹ và cách nhau không đều, thường là 15 đến 30 phút. Hoặc nó có thể bắt đầu nhanh và sau đó chậm lại. Tuy nhiên, đến cuối giai đoạn tiềm thời, khoảng cách giữa những cơn gò sẽ chỉ còn khoảng 5 phút.

Ngoài cơn gò, mẹ cũng có thể nhận thấy một dấu hiệu quan trọng khác bao hiệu rằng cổ tử cung đang mở. Đó chính là xuất hiện dịch nhầy màu hồng ở quần lót. Dịch nhầy này chính là nút nhầy ở cổ tử cung. Thông thường, trong lúc mang thai, cổ tử cung sẽ được bít bởi nút nhầy để giữ các thành phần trong tử cung. Khi đến ngày sinh, cổ tử cung mở ra, nút nhầy sẽ bong ra tạo thành dịch nhầy màu hồng. Ngoài ra, mẹ còn có thể vỡ ối trong lúc này.

Chuyển dạ pha hoạt động

Vào lúc này, các cơn gò sẽ dữ dội hơn so với giai đoạn đầu. Cổ tử cung của mẹ sẽ mở hết cỡ với đường kính từ 4 đến 10 cm, đủ rộng để giúp em bé có thể lọt ra ngoài.

chuyển dạ thực sự
Khi vào pha hoạt động, cơn gò sẽ dữ dội hơn

Ngoài những cơn gò ở bụng, người mẹ còn có thể kèm theo các dấu hiệu khác như mỏi đau lưng, đau toàn thân. Chân mẹ cũng có thể bị chụt rút và đau.

Các cơn gò trong chuyển dạ hoạt động thường kéo dài từ 25 đến 60 giây. Với khoảng cách giữa các cơn khoảng từ 3 đến 5 phút. Nếu mẹ nghi ngờ đã vào pha hoạt động, mẹ có thể báo với bác sĩ để kiểm tra. Bác sĩ sẽ kiểm tra độ mở của cổ tử cung mỗi 30 phút một lần.

Khi cổ tử cung mở ra từ 7 đến 10 cm, cơn co thắt sẽ càng kéo dài hơn và tần xuất nhiều hơn. Thường cơn gò sẽ kéo dài từ 60 đến 90 giây, và cách nhau chỉ khoảng 30 giây đến 2 phút. Khi đã mở đủ, các cơn co thắt thậm chí có thể chồng lên nhau lúc mẹ chuẩn bị rặn.

Đau đầu và buồn nôn cũng là những dấu hiệu phổ biến đi kèm với những cơn gò trong chuyển dạ hoạt động. Ngoài ra, mẹ cũng có thể cảm thấy:

  • Nóng bừng.
  • Ớn lạnh.
  • Nôn.
  • Đầy hơi.

Làm thế nào để giữ cho mẹ thoải mái hơn trong các cơn gò?

Phương pháp giảm đau không dùng thuốc bao gồm:

  • Đi bộ hoặc thay đổi vị trí. Một số phụ nữ cảm thấy đi bộ hữu ích. Nếu mẹ thử đi bộ và cảm thấy thoải mái, hãy cứ tiếp tục. Sau đó, nên dừng lại để thở giữa các cơn gò.
  • Thiền, nếu người mẹ có thực tập trước khi sinh.
  • Nghe nhạc giúp mẹ phần nào quên đi cơn đau.
  • Tìm cách đánh lạc hướng tâm trí của người mẹ khi cơn đau xuất hiện.
  • Nếu mẹ cảm thấy buồn nôn khi chuyển dạ, hãy thử mút hoặc ngậm một viên kẹo ngọt để kiểm soát cơn buồn nôn. Điều này cũng giúp giữ cho miệng và cổ họng không bị khô khi thở mạnh hơn trong chuyển dạ.

Nếu các biện pháp trên đều không giúp giảm đau phần nào, người mẹ có thể dùng thuốc giảm đau.

>> Tiêm phòng khi đang mang thai là một trong những vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Đặc biệt là các mẹ bầu luôn chú trọng đến việc này. Vậy khi đang mang thai, người mẹ có nên tiêm phòng hay không? Có thể tiêm những loại vắc-xin nào? Những vắc-xin ấy có an toàn cho cả mẹ và thai nhi hay không? Cùng YouMed giải đáp tất cả thắc mắc của bạn qua bài viết sau: Tiêm phòng khi đang mang thai có an toàn không?

Hãy cố gắng tập trung thư giãn giữa những cơn gò. Điều này sẽ giúp mẹ giữ năng lượng khi bước vào giai đoạn rặn và sinh con. Chuyển dạ sẽ chỉ là cơn đau tạm thời. Và cách duy nhất để trải qua nó là nhờ vào sự tập trung và quyết tâm của mẹ!

thư giãn giữa cơn gò
Tập trung thư giữ giữa mỗi cơn gò sẽ giúp mẹ giữ năng lượng

Cơn gò khi mang thai, khi nào cần đến cơ sở Sản phụ khoa?

Nếu mẹ có những cơn gò chuyển dạ giả nhưng không chắc chắn, hãy cứ đến cơ sở Sản phụ khoa để kiểm tra mẹ nhé!

Nếu mẹ có các dấu hiệu nghi ngờ chuyển dạ, hãy đến cơ sở Sản phụ khoa để theo dõi khi cơn gò:

  • Kéo dài trên 30 giây.
  • Xuất hiện thường xuyên.
  • Tần suất hơn 6 lần/ giờ.
  • Không biến mất khi nghỉ ngơi, thay đổi tư thế, uống nước.
  • Đau bụng.
  • Kèm theo chảy máu âm đạo, vỡ ối.

Nếu đây là lần mang thai đầu tiên, phụ nữ chưa có kinh nghiệm và khó có thể xác định liệu cơn gò chuyển dạ là thật hay giả. Tuy nhiên, đừng ngại ngùng và lo lắng. Hãy cứ đến trung tâm sinh nở để kiểm tra khi cơn gò làm bạn khó xác định. Người mẹ nên nhớ rằng cơn đau khi sinh nở chỉ là tạm thời. Sau khi em bé chào đơn, cơn đau cũng sẽ kết thúc. Hy vọng bài viết trên của Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lê Nam đã cung cấp thông tin hữu ích cho bạn đọc nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. What Do Different Types of Labor Contractions Feel Like?https://www.healthline.com/health/pregnancy/types-of-contractions

    Ngày tham khảo: 25/05/2020

  2. Mayoclinic (2018). Part 5: Symptoms guide. Guide to a Healthy Pregnancy, Second Edition.

  3. Mayoclinic (2018). CHAPTER 14 Labor and childbirth. Guide to a Healthy Pregnancy, Second Edition.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người