YouMed

Giải đáp những thắc mắc thường gặp về bệnh cường giáp

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thành
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thành
Chuyên khoa: Nội tiết – Thận

Cường giáp là hội chứng xảy ra khi các tế bào tuyến giáp tiết ra quá nhiều chất hormone khiến cơ thể bị rối loạn. Bài viết sau đây của Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thành sẽ cung cấp thông tin cho bạn về các triệu chứng của bệnh cũng như cách điều trị để người đọc có kiến thức tổng quan về hội chứng này.

Tuyến giáp là gì?

Trước khi tìm hiểu cường giáp, chúng ta cần biết tuyến giáp nằm ở đâu và vai trò của nó là gì? Tuyến giáp nằm ở phía trước cổ, có hình dạng như cánh bướm. Là tuyến nội tiết lớn nhất trong cơ thể, tuyến giáp tiết ra hai hoóc-môn tên là T3 (tri-iodo-thyronine) và T4 (thyroxine). Tuyến giáp có vai trò như sau:

  • Làm tăng hoạt động tế bào, tăng cường chuyển hóa glucid làm tăng đường huyết và tăng cường chuyển hóa lipid tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động, gây giảm cân.
  • Tác động lên hoạt động tuyến sinh dục và tuyến sữa.
  • Tăng nhịp tim, tăng lưu lượng máu, tăng hô hấp để cung cấp oxy cho sự chuyện hóa ở các mô cơ quan.
  • Tăng cường hoạt động của bộ não và hệ thần kinh.
  • Duy trì ổn định lượng canxi trong máu.

Bệnh cường giáp là gì?

Cường giáp còn có tên gọi khác là cường giáp trạng hoặc cường chức năng tuyến giáp. Nguyên nhân cường giáp do sự hoạt động quá mức so với người bình thường của tuyến giáp. Khi bị cường giáp, tuyến giáp tiết ra quá mức hoóc-môn T3, T4 khiến cơ thể có nhiều dấu hiệu bất thường như tim đập nhanh, sút cân, bướu cổ, nóng lạnh thất thường…

Để chẩn đoán bệnh, ngoài các triệu chứng trên, bạn sẽ cần làm các xét nghiệm máu để xác định nồng độ TSH, FT3, FT4, siêu âm tuyến giáp,…

Cường giáp là bệnh nội tiết phổ biến
Cường giáp là bệnh nội tiết phổ biến

Những ai thường mắc bệnh cường giáp?

Thực tế đây là bệnh khá phổ biến, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao hơn nam giới gấp khoảng 3 lần. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên ở người già thường khó phát hiện bệnh hơn do các triệu chứng biểu hiện không rõ và thường dễ nhầm lẫn với bệnh của tuổi già.

Nhiều người thân của bệnh nhân thường lo lắng liệu bệnh cường giáp có lây không. Bệnh này mang tính chất duy truyền; do vậy, nếu tiền sử gia đình của bạn có người từng bệnh này, bạn cũng sẽ có khả năng cao mắc bệnh.

Dấu hiệu và triệu chứng cường giáp

1. Đánh trống ngực

Tim đập nhanh, mạnh trong lồng ngực. Người bệnh thường xuyên cảm thấy hồi hộp, có thể đau ngực, khó thở.

2. Sợ nóng, ra nhiều mồ hôi

Việc tuyến giáp hoạt động quá mức sẽ khiến chuyển hóa của cơ thể tăng cao, vì thế thân nhiệt của người bệnh cường giáp thường cao hơn bình thường. Người bệnh thường cảm thấy nóng nực, không chịu được những nơi có nhiệt độ cao. Cùng với dấu hiệu sợ nóng, người bệnh cường giáp thường xuyên ra mồ hôi, thậm chí cả khi lúc ngồi yên một chỗ không vận động.

3. Tiêu chảy

Do nhu cầu chuyển hoá tăng, nhu động ruột của người bệnh cũng tăng. Tình trạng tiêu chảy kéo dài có thể là dấu hiệu bệnh cường giáp.

4. Run tay

Người bệnh có thể bị run tay không thể tự kiểm soát, thường run với tần số nhanh và biên độ nhỏ

5. Xuất hiện bướu ở cổ

Ở bệnh nhân cường giáp, tuyến giáp phình to ra, như có cục bướu ở cổ. Cường giáp do bệnh Graves có tuyến giáp phình to như bướu cổ, đồng thời bị phồng nhãn cầu (chứng lồi mắt).

6. Sụt cân

Nguyên nhân là do quá trình trao đổi chất ở người bệnh xảy ra nhanh hơn người bình thường. Dù chế độ ăn vẫn như bình thường thậm chí là nhiều hơn, ngườii bệnh có thể sụt cân, từ 1 đến vài kilogram trong vòng 1 tháng.

7. Rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi

Người bệnh cường giáp thường gặp khó khăn trong giấc ngủ, giấc ngủ không yên, giấc ngủ ngắn hơn bình thường. Ngoài ra, thường xuyên cảm thấy uể oải, không muốn vận động nhiều, giảm khả năng gắng sức cũng là một trong những triệu chứng cường giáp mà bạn cần lưu tâm.

Mệt mỏi là một trong những dấu hiệu nhận biết bệnh cường giáp
Mệt mỏi là một trong những dấu hiệu nhận biết bệnh cường giáp

Điều trị bệnh cường giáp như thế nào?

Bạn cần khám tổng quát định kỳ cũng như bất cứ khi nào cảm thấy cơ thể có triệu chứng bất thường. Bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và xét nghiệm cường giáp để chẩn đoán thật chính xác. Khi đã được chẩn đoán mắc bệnh này, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh. Một số phương pháp điều trị bệnh cường giáp bao gồm:

1. Dùng iod phóng xạ

Bệnh nhân được cho uống iod phóng xạ. Tuyến giáp có khả năng bắt giữ iod, và iod phóng xạ sẽ làm tuyến giáp co lại. Từ đó, các triệu chứng bệnh sẽ giảm sau trong vòng vài tháng.

Tuy nhiên, phương pháp này cần được tính toán sử dụng thích hợp iod phóng xạ. Nếu sử dụng quá mức, người bệnh sẽ bị suy giáp, và phải uống thuốc bổ sung hormon tuyến giáp mỗi ngày.

2. Thuốc kháng giáp

Các thuốc kháng giáp có tác dụng ngăn tuyến giáp tiết ra hormon. Một số thuốc hiện nay được sử dụng là methimazole (Tapazole) và propylithiouracil. Các triệu chứng của bệnh sẽ giảm sau vài tuần đến vài tháng dùng thuốc. Tuy nhiên việc điều trị nên kéo dài ít nhất một năm hoặc lâu hơn.

Tác dụng phụ nghiêm trọng nhất của các thuốc kháng giáp là gây tổn thương gan nghiêm trọng, vì thế cần theo dõi chức năng gan trong quá trình điều trị bằng thuốc.

3. Dùng thuốc beta-blocker

Thuốc beta-blocker là thuốc hạ huyết áp có tác dụng làm chậm nhịp tim, nên có thể sử dụng để làm giảm triệu chứng của bệnh như run, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực.

4. Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt tuyến giáp được lựa chọn khi các phương pháp điều trị cường giáp khác chống chỉ định hoặc không hiệu quả. Phương pháp này thường được áp dụng cho phụ nữ mang thai hoặc người không dung nạp được thuốc kháng giáp hoặc không muốn điều trị bằng iod phóng xạ.

Phẫu thuật sẽ được chỉ định nếu những phương pháp trên không mang lại kết quả trong điều trị
Phẫu thuật sẽ được chỉ định nếu những phương pháp trên không mang lại kết quả trong điều trị

Nhiều thai phụ thường thắc mắc rằng bệnh cường giáp có thai được không. Bác sĩ khuyên phụ nữ trước khi mang thai nên điều trị bệnh này để tránh những ảnh hưởng do bệnh gây ra đối với cả mẹ lẫn bé.

Sau khi cắt bỏ tuyến giáp, người bệnh cần sử dụng hormone thay thế cho tuyến giáp như levothyroxin (Levoxyl). Nếu tuyến cận giáp cũng bị cắt, người bệnh sẽ cần dùng thuốc để giữ cân bằng nồng độ canxi trong máu.

Vậy, bệnh cường giáp có nguy hiểm không? Cường giáp là hội chứng hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Khi nhận thấy các dấu hiệu ở trên, bạn nên đi khám sức khoẻ để được xét nghiệm và chẩn đoán chính xác.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Hyperthyroidism (overactive thyroid)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hyperthyroidism/diagnosis-treatment/drc-20373665

    Ngày tham khảo: 02/06/2019

  2. Hyperthyroidism (Overactive Thyroid)https://www.webmd.com/a-to-z-guides/overactive-thyroid-hyperthyroidism

    Ngày tham khảo: 02/06/2019

  3. Overactive thyroid (hyperthyroidism)https://www.nhs.uk/conditions/overactive-thyroid-hyperthyroidism/

    Ngày tham khảo: 02/06/2019

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người