Keto là gì? Những điều cần biết về chế độ ăn keto
Nội dung bài viết
Thời gian gần đây, chế độ ăn keto là một trong những chủ đề “hot” được quan tâm hàng đầu. Không chỉ giữ gìn vóc dáng, ăn keto còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Vậy keto là gì? Nó có lợi như thế nào? Và cách xây dựng chế độ ăn keto ra sao? Tất tần tật những thông tin về chế độ ăn keto sẽ được Bác sĩ Phan Văn Giáo chia sẻ trong bài viết dưới đây.
1. Keto là gì?
Keto (tên đầy đủ là Ketogenic), là chế độ ăn ít carb (carbohydrate) và nhiều chất béo có lợi cho cơ thể. Thoạt đầu nghe có vẻ bất thường đúng không? Chế độ ăn kiêng mà lại khuyến khích tăng chất béo? Bạn hãy khoan hoang mang, nguyên lý hoạt động của chế độ keto sẽ thuyết phục bạn.
Khi bạn thường xuyên cắt giảm lượng carb nạp vào cơ thể, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái “Ketosis”. Ở trạng thái này, cơ thể sẽ tăng cường đốt cháy nguồn năng lượng glucose. Và sau khi cần thêm nguồn năng lượng để hoạt động, bắt buộc tuyến tụy phải tạo ra các ketones từ chất béo. Các ketones này sẽ thay thế cho lượng glucose trong cơ thể. Cứ thế, chất béo sẽ được đốt cháy liên tục để tạo năng lượng cho các hoạt động hằng ngày.
Như vậy, chế độ ăn keto giúp cơ thể đốt cháy năng lượng nhiều hơn mà không cần phải ăn kiêng khắt khe. Chế độ keto còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ như làm giảm lượng đường trong máu và nồng độ insulin. Đồng thời hỗ trợ điều trị chứng động kinh hiệu quả.

Lợi ích của chế độ ăn keto
Bạn đã biết keto là gì rồi đúng không nào? Bạn đang tìm kiếm một chế độ ăn kiêng khoa học, an toàn và hiệu quả thì đây chính là giải pháp tuyệt vời. Nếu bạn còn băn khoăn về lợi ích của ăn kiêng keto, Dưới đây là câu trả lời cho bạn:
1. Ăn kiêng keto giúp giảm cân hiệu quả
Chế độ keto chủ yếu dùng chất béo của cơ thể để chuyển hoá thành năng lượng cho các hoạt động. Từ đó hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Bên cạnh đó, thực đơn keto diet còn còn giúp bạn có cảm giác nhanh no, no lâu và hạn chế thèm ăn. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người ăn kiêng keto cho hiệu quả giảm cân gấp 2,2 lần so với người ăn chế độ nghiêm ngặt với ít chất béo và calo.

2. Ngăn ngừa tiểu đường
Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể có sự thay đổi trong quá trình chuyển hoá gây tích tụ mỡ thừa. Dẫn đến chỉ số đường huyết tăng cao và sự suy giảm chức năng insulin. Chế độ ăn keto sẽ giúp cơ thể đốt cháy chất béo làm giảm lượng mỡ thừa.
Điều này có liên quan mật thiết với bệnh tiểu đường và các hội chứng chuyển hoá. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy ăn keto giúp cơ thể cải thiện đến 75% độ nhạy insulin. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát cân nặng để ngăn bệnh tiểu đường.
3. Phòng và hỗ trợ điều trị bệnh động kinh
Một lợi ích lớn nữa của chế độ ăn keto là phòng và hỗ trợ điều trị bệnh động kinh. Điều này được giải thích như sau: Khi thực hiện chế độ keto, gan sẽ tạo ra chất xetonic từ chất béo. Chất xetonic này sẽ được sử dụng cho hoạt động của não thay thế cho glucose trong carb và tạo thành năng lượng. Từ đó, giúp cho tần suất động kinh được giảm đi đáng kể. Đây chính là lý do mà keto được áp dụng như một liệu pháp hiệu quả để điều trị bệnh động kinh ở trẻ em.
Theo nghiên cứu, hơn 50% trẻ em thực hiện chế độ ăn keto có thể giảm hơn một nửa số cơn động kinh. Trường hợp trẻ em hoàn toàn khỏi bệnh cũng đạt con số đáng kể. Ngoài ra, chế độ ăn Keto còn được nghiên cứu là có tác dụng đối với một số tình trạng rối loạn chức năng não khác.
4. Một số lợi ích khác
Ngoài những lợi ích nổi bật trên, thì keto diet còn mang đến nhiều tác dụng cho sức khoẻ như:
- Tăng cường sức khoẻ thể chất và não bộ: Với chế độ keto, cơ thể đốt cháy chất béo tạo ra năng lượng thay thế cho glucose từ carb. Nhờ đó, cơ thể có một nguồn năng lượng dồi dào cho các hoạt động thể chất. Đồng thời, ăn kiêng keto còn giúp cải thiện sự tập trung và nâng cao tinh thần một cách đáng kể.
- Tốt cho tim mạch: Một nghiên cứu của Đại học Robert Gordon – Anh cho thấy, chế độ keto giúp hạn chế các yếu tố là nguy cơ của bệnh tim mạch. Ví dụ như lượng mỡ trong cơ thể, mức cholesterol HDL, huyết áp và lượng đường trong máu.

- Hỗ trợ điều trị ung thư: Nghiên cứu của trường Cao đẳng Boston – Mỹ cho thấy, chế độ ăn keto còn có thể hỗ trợ điều trị một số loại bệnh ung thư. Đồng thời có tác dụng trong việc làm chậm sự phát triển của khối u.
- Cải thiện hội chứng buồng trứng đa nang: Nồng độ insulin đóng vai trò chính trong hội chứng buồng trứng đa nang. Như đã nói ở trên, thực hiện chế độ ăn keto giúp giảm nồng độ insulin đáng kể. Từ đó giúp cải thiện hội chứng buồng trứng đa nang.
- Cải thiện tình trạng mụn: Việc nạp ít lượng đường và giảm insulin của chế độ keto cũng giúp cải thiện đáng kể tình trạng mụn trứng cá. Nghiên cứu của Đại học Padova – Ý này chắc hẳn sẽ giúp bạn có thêm động lực để theo đuổi chế độ keto.
Vậy chế độ ăn keto có tác dụng phụ gì không?
Không một chế độ ăn kiêng nào là hoàn hảo. Ăn kiêng keto cũng không ngoại lệ. Tuy có nhiều lợi ích trong việc giảm cân cũng như tốt cho sức khoẻ. Song, ăn keto cũng tồn tại một số hạn chế đó là gây ra tác dụng phụ.
Nguyên nhân là do trong những ngày đầu ăn keto, cơ thể chưa kịp thích ứng với chế độ này. Đây là điều khá phổ biến và tạm thời, nên bạn đừng lo lắng quá nhé. Dưới đây là một số tác dụng phụ thường gặp:
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng.
- Khó tập trung.
- Hay bị đói.
- Buồn nôn.
- Ngủ kém.
- Táo bón.
- Chuột rút.
- Tim đập nhanh.
- Hơi thở có mùi.
- Giảm hiệu suất hoạt động thể chất.
Để hạn chế tình trạng này, bạn nên để cơ thể thích nghi dần với chế độ ăn keto mới. Bằng cách tập giảm dần lượng carb trong khẩu phần ăn 1 – 2 tuần đầu, trước khi loại bỏ phần lớn carb ra khỏi bữa ăn. Ngoài ra, bạn nên thêm muối vào bữa ăn hoặc bổ sung nước có chứa các khoáng chất.
Chế độ ăn kiêng keto còn tồn tại hạn chế nhưng không đáng kể. Nhìn chung, so với nhiều phương pháp ăn kiêng khác thì keto được xem là an toàn và hiệu quả vượt trội.
Cách xây dựng chế độ ăn keto khoa học
Lựa chọn thực phẩm là điều quan trọng nhất để xây dựng một chế độ ăn kiêng keto khoa học, hiệu quả. Bạn cần nhớ nguyên tắc ít carb và nhiều chất béo có lợi để lựa chọn thực phẩm phù hợp.
1. Những thực phẩm nên tránh
- Thực phẩm có nhiều đường: Soda, bánh, kẹo, kem, nước ép trái cây, sinh tố…
- Trái cây: Hầu hết các loại trái cây sẽ không nằm trong thực đơn Keto, ngoại trừ một số loại quả như bơ, dâu tây và việt quất.
- Các loại đậu: Đậu Hà Lan, đậu đỏ, đậu lăng, đậu xanh…
- Các loại ngũ cốc hoặc tinh bột: Các sản phẩm từ gạo, lúa mì, mì ống, các loại ngũ cốc…
- Một số loại củ: Khoai tây, khoai lang, cà rốt, củ cải.
- Chất béo xấu: Dầu thực vật đã qua chế biến, sốt mayonnaise, các loại sốt chứa đường.
- Thức ăn nhanh: Đây là những thực phẩm đã qua xử lý và có rất nhiều carb.
- Thức uống có cồn: Hàm lượng carb cao trong nhiều đồ uống có cồn sẽ ảnh hưởng đến quá trình Ketosis.

2. Những thực phẩm nên bổ sung
- Cá: Hầu hết các loại cá đều phù hợp với chế độ ăn kiêng keto. Đặc biệt là các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ, cá thu…
- Thịt: Thịt bò, thịt gà, thịt xông khói, xúc xích…
- Trứng: Tất cả các món ăn từ trứng như trứng luộc, trứng chiên, trứng ốp la đều phù hợp.
- Các loại hạt: Hạnh nhân, óc chó, hạt bí ngô…
- Dầu có lợi cho sức khỏe: Dầu ô liu, dầu dừa, dầu bơ…
- Rau và trái cây chứa hàm lượng carb thấp: Các loại rau xanh, cà chua, hành tây, ớt chuông, quả bơ, việt quất, dâu tây…
- Các loại bổ sung chất béo khác như: Phomat chưa qua chế biến, các loại bơ động vật.

Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn nắm rõ keto là gì cũng như những thông tin về chế độ keto đang hot. Ăn kiêng keto là phương pháp giảm cân hiệu quả, an toàn và dễ thực hiện. Bên cạnh đó còn có nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Do đó, bạn có thể thử chế độ ăn này để có một cơ thể khoẻ – đẹp như mơ ước nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What Is Ketosis, and Is It Healthy?https://www.healthline.com/nutrition/what-is-ketosis
Ngày tham khảo: 02/11/2020