Nhiễm Parvovirus B19 trong thời kỳ mang thai có nguy hiểm?
Nội dung bài viết
Parvovirus B19 là một loại virus gây bệnh thường gặp ở trẻ em. Trẻ mắc bệnh thường không có biểu hiện, có các triệu chứng nhẹ thường xảy ra nhất ở người bị suy giảm miễn dịch. Nhiễm virus cấp tính trong thai kỳ có thể dẫn đến sảy thai hoặc phù thai nhi nhưng tỉ lệ khá hiếm.
Đặc điểm Parvovirus
Parvoviridae là những virus DNA nhỏ, không vỏ bọc, lây nhiễm qua nhiều loại động vật. Parvovirus B19 là loại gây bệnh ở người phổ biến nhất, có bộ gen DNA sợi đơn chứa khoảng 5.000 nucleotide.
Parvovirus B19 tập trung lây nhiễm ở các tế bào phân chia nhanh, gây độc làm cho tế bào chết nhanh và gây viêm xung quanh.
Dịch tễ học bệnh Parvovirus
Kháng thể kháng B19 được tìm thấy 30 – 60% ở người trưởng thành.
Tỷ lệ mắc bệnh thứ phát tại gia đình có thể lên tới 50 %; tiếp xúc ở lớp học cũng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Tỷ lệ nhiễm B19 cấp tính trong thai kỳ là 3,3 – 3,8%, nguy cơ khác nhau giữa các nhóm nghề nghiệp.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh Parvovirus
Parvovirus B19 gây ra tình trạng:
- Sốt.
- Phát ban.
- Ửng đỏ giống “má bị tát” trên mặt.
- Nổi ban đỏ ở tay chân và trên khắp người.
Người lớn có thể bị phát ban, nhưng không phổ biến như ở trẻ em, triệu chứng giống như “má bị tát” là rất hiếm khi xuất hiện. Các triệu chứng toàn thân có thể xuất hiện và kéo dài 1 – 4 ngày trước khi phát ban.
Ở người lớn, bệnh có thể ảnh hưởng đến khớp bàn tay, cổ tay, đầu gối và mắt cá chân. Các triệu chứng này cũng có thể xảy ra trước khi phát ban và thường kéo dài 1 – 2 tuần.
Ở những người bị thiếu máu mạn tính (thiếu máu hồng cầu hình liềm hoặc bệnh thalassemia) B19 có thể gây ra thiếu máu bất sản thoáng qua.
Ngoài ra, những người bị suy giảm miễn dịch mắc phải hoặc mắc bệnh di truyền có nguy cơ bị nhiễm parvovirus B19 mạn tính, có thể cần phải điều trị. Biểu hiện mắc bệnh bắt đầu khoảng 6 ngày sau khi tiếp xúc với mầm bệnh và kéo dài khoảng 1 tuần ở những người hệ miễn dịch yếu.
Trước khi xuất hiện triệu chứng, kháng nguyên virus B19 có thể được phát hiện trong máu và dịch tiết 5 – 10 ngày sau khi tiếp xúc với mầm bệnh.Hầu hết bệnh nhân có thể chỉ phát ban, không bị nhiễm trùng hay viêm đau khớp.
Parvovirus có thể gây bệnh tái phát ở những người từng bị nhiễm trước đó.
Nhiễm Parvovirus B19 trong thời kỳ mang thai có nguy hiểm không?
Nhiễm B19 khi mang thai có thể dẫn đến sảy thai hoặc phù thai. Tuy nhiên, hầu như không có di chứng lâu dài về hệ miễn dịch ở trẻ.
1. Sảy thai
Tỷ lệ sảy thai ở phụ nữ mang thai nhiễm parvovirus B19 trong ba tháng cuối là rất thấp. Tuy nhiên, ở giai đoạn 3 tháng đầu, tỷ lệ sẩy thai cao hơn tầm 6,3%.
2. Tràn dịch thoáng qua
Nhiễm Parvovirus ở mẹ có thể dẫn đến tràn dịch màng phổi hoặc màng ngoài tim nhưng thoáng qua và tự khỏi.
3. Phù thai
Ngoài việc gây sảy thai, B19 gây độc đối với tế bào tiền hồng cầu của thai nhi, có thể gây thiếu máu hoặc gây phù. B19 gây tích tụ bất thường chất lỏng trong các mô mềm và các khoang thai nhi. Các nguy cơ này tỷ lệ cao hơn khi phụ nữ bị nhiễm bệnh trong 3 tháng đầu
Thai bị phù, nguy cơ sảy thai cao và phức tạp hơn, có thể dẫn đến sẩy thai trong vòng vài ngày đến vài tuần.
Thai bị phù và và chết lưu là kết quả của sự thiếu máu ở thai nhi. Mức độ nghiêm trọng của thiếu máu xuất phát từ ba yếu tố:
- Tỷ lệ sống sót của các tế bào hồng cầu bị suy giảm.
- Nhu cầu hồng cầu không đủ để đáp ứng.
- Hệ thống miễn dịch chưa trưởng thành không đủ chức năng kiểm soát nhiễm trùng.
B19 cũng có thể lây nhiễm các tế bào cơ tim, gây tổn thương cơ tim. Bên cạnh đó, tiểu cầu thai nhi bị giảm nghiêm trọng và có thể dẫn đến xuất huyết.
Trẻ em sống sót sau khi bị phù do Parvovirus có thể tăng nguy cơ suy giảm chức năng phát triển hệ thần kinh.
Chẩn đoán
Khi mang thai, chẩn đoán nhiễm Parvovirus B19 của mẹ chủ yếu dựa vào xét nghiệm kháng thể IgG và IgM. Các xét nghiệm này có thể phát hiện 80 đến 90% bệnh nhân bị nhiễm B19. Hoặc có thể tiến hành xét nghiệm PCR (tìm DNA B19) chọc do nước ối chính xác nhất.
Cụ thể như sau:
- Kháng thể IgM lưu hành có thể được phát hiện khoảng 10 ngày sau khi tiếp xúc mầm bệnh và ngay trước khi xuất hiện triệu chứng; chúng có thể tồn tại trong ba tháng hoặc lâu hơn.
- Kháng thể IgG B19 được phát hiện vài ngày sau IgM và thường tồn tại trong nhiều năm.
- Phương pháp (PCR) là một phương pháp nhạy cảm để phát hiện DNA Parvovirus B19.
Đối tượng cần xét nghiệm virus B19
Phụ nữ mang thai tiếp xúc hoặc có triệu chứng nhiễm Parvovirus nên xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể IgG và IgM.
Mẹ đã miễn dịch với virus B19: IgG dương tính và IgM âm tính thì thai nhi được bảo vệ.
Nhiễm parvovirus cấp tính – IgM dương tính:
- Chẩn đoán sớm ở nửa đầu của thai kỳ: trẻ sinh ra không có nguy cơ dị tật bẩm sinh, nhưng có nguy cơ sảy thai. Cách điều trị là truyền máu khi thai bị thiếu máu nặng.
- Chẩn đoán sau 20 tuần tuổi nên siêu âm định kỳ để phát hiện các dấu hiệu phù (phù da đầu, cổ trướng, bệnh cơ tim). Nên siêu âm ít nhất tám tuần sau khi chẩn đoán nhiễm cấp tính.
Phụ nữ mang thai IgG và IgM parvovirus đều bị âm tính rất dễ nhiễm virus, nên:
- Rửa tay cẩn thận, tránh dùng chung đồ ăn, đồ uống.
- Nếu có nguy cơ nhiễm cao, nên bổ sung xét nghiệm DNA B19 ở mẹ.
Theo dõi thiếu máu và phù ở thai nhi do Parvovirus
Thiếu máu nhẹ đến trung bình: thai nhi có thể tự khỏi và không để lại di chứng.
Thiếu máu nghiêm trọng, có thể dẫn đến phù và chết lưu, truyền máu thai nhi trong tử cung thường được thực hiện
Parvovirus B19 là virus lây bệnh khá phổ biến, triệu chứng thường nhẹ hoặc không xuất hiện, và hầu như không cần điều trị. Tuy nhiên một số trường hợp gây thiếu máu nặng cần truyền máu.
Hiện tại chưa có thuốc đặc trị nhiễm Parvovirus, phụ nữ mang thai nếu nhiễm bệnh cấp có nguy cơ sảy thai hoặc thai bị phù, cần được khám và theo dõi thường xuyên. Vì vậy nên áp dụng các biện pháp thông thường như rửa tay với xà phòng, tránh dùng chung các dụng cụ ăn, uống. Đồng thời hạn chế tiếp xúc với những nơi dễ lây lan virus như lớp học, nơi nhiều bụi bẩn, … Hãy tự bảo vệ bản thân để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Clinical manifestations and diagnosis of parvovirus B19 infectionhttps://www.uptodate.com/contents/clinical-manifestations-and-diagnosis-of-parvovirus-b19-infection
Ngày tham khảo: 06/04/2020
-
Parvovirus B19 infection during pregnancyhttps://www.uptodate.com/contents/parvovirus-b19-infection-during-pregnancy
Ngày tham khảo: 06/04/2020
-
Treatment and prevention of parvovirus B19 infectionhttps://www.uptodate.com/contents/treatment-and-prevention-of-parvovirus-b19-infection
Ngày tham khảo: 06/04/2020