YouMed

Ối vỡ non: Định nghĩa, dấu hiệu, cách xử trí

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Phan Lê Nam
Tác giả: ThS.BS Phan Lê Nam
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Vỡ ối non là tình trạng nước ối vỡ trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Nếu tình trạng này xảy ra, mẹ sẽ cần đến trung tâm Sản phụ khoa ngay lập tức để tìm nguyên nhân và xử trí phù hợp. Bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lê Nam sẽ cung cấp thông tin về tình trạng này. Hãy cùng YouMed theo dõi nhé!

Vỡ ối non là gì?

Em bé phát triển bên trong một túi chứa chất lỏng, được gọi là túi ối. Khi bé chuẩn bị chào đời, túi này sẽ vỡ ra và có nước chảy ra qua âm đạo. Đây được gọi là vỡ ối.

Thông thường, ối sẽ vỡ ra trước hoặc trong khi chuyển dạ. Nếu ối vỡ trước khi chuyển dạ khi thai chưa được 37 tuần, đây được gọi là vỡ ối non. Nếu tình trạng này xảy ra, nó có thể kích thích khởi phát chuyển dạ sớm. Ối vỡ non xảy ra trong khoảng 3% các trường hợp mang thai.

ối vỡ non
Nếu ối vỡ trước khi chuyển dạ khi thai chưa được 37 tuần, đây được gọi là vỡ ối non

Nếu ối vỡ non, tùy vào giai đoạn mang thai (tuổi thai) của mẹ sẽ có những rủi ro và hướng xử trí khác nhau.

Một định nghĩa khác là ối vỡ sớm. Tình trạng này khác với ối vỡ non. Ối vỡ sớm là ối vỡ xảy ra sau hoặc cùng lúc với chuyển dạ, trước khi cổ tử cung mở hết. Vì không có nhiều ý nghĩa trên thực tiễn trong y khoa nên hiện nay thuât ngữ này không còn được nhắc đến nhiều.

Nguyên nhân nào gây ra ối vỡ non?

Tất cả những yếu tố cản trở sự bình chỉnh của ngôi thai, đều có thể là nguyên nhân của vỡ ối như:

  • Ngôi thai bất thường: ngôi ngang, ngôi mông, ngôi đầu cao.
  • Khung chậu hẹp.
  • Nhau tiền đạo.
  • Đa thai, đa ối.
  • Hở eo tử cung.
  • Viêm màng ối (do viêm âm đạo, viêm cổ tử cung).
  • Sau chấn thương.
  • Trong một số trường hợp không tìm ra được nguyên nhân.
  • Ngoài ra còn một số yếu tố thuận lợi khác: sản phụ con so lớn tuổi, v.v.

Mẹ nên làm gì khi ối vỡ non?

Nếu mẹ nghĩ rằng ối đã vỡ (nước chảy rỉ rả, thường xuyên hay ướt quần lót hoặc nước chảy ào dữ dội). Lúc này mẹ cần đến cơ sở y tế gần nhất, càng sớm càng tốt, không nên chần chừ đến hôm sau.

Thông thường nước ối sẽ trong hoặc hơi đục nhạt. Khi đến bệnh viện kiểm tra, mẹ cần đem theo các giấy tờ khám thai định kì trước đây. Bác sĩ có thể hỏi thêm về mẹ về ối vỡ như:

  • Nước ối có mùi hôi, hoặc màu sắc bất thường như màu hồng, nâu, xanh, v.v.
  • Mẹ có cảm thấy choáng váng?
  • Ối vỡ ra từ lúc nào?
  • Những câu hỏi khác liên quan đến thai kì

Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra sức khỏe chung của mẹ bao gồm: thân nhiệt, mạch và huyết áp của mẹ; nhịp tim thai và một số xét nghiệm khác.

Khi biết được tuổi thai và các vấn đề khác liên quan đến ối vỡ, bác sĩ có thể tư vấn mẹ cần nhập viện để việc theo dõi thai chặt chẽ.

Trường hợp mẹ nghi ngờ rò rỉ nước ối ra bên ngoài, hãy mang băng vệ sinh. Điều này giúp bác sĩ có thể ước lượng được lượng và màu sắc của nước ối.

Ối vỡ non được chẩn đoán như thế nào?

Ngoài việc hỏi mẹ một số thông tin về ối vỡ, bác sĩ sẽ cần kiểm tra bên trong âm đạo, cổ tử cung qua dụng cụ thăm khám gọi là mỏ vịt. Dụng cụ này giống như cái mỏ vịt, được đặt vào âm đạo, giúp bác sĩ có thể quan sát được lỗ mở của cổ tử cung, dịch ối, màu sắc dịch ối, v.v.

dụng cụ mỏ vịt
Dụng cụ mỏ vịt được đặt vào âm đạo, giúp bác sĩ có thể quan sát được lỗ mở của cổ tử cung, dịch ối, màu sắc dịch ối

Ngoài ra, với những trường hợp rỉ ối ít, bác sĩ có thể sử dụng một loại giấy quỳ màu vàng cam để kiểm tra dịch đọng ở cổ tử cung. Nếu giấy quỳ chuyển sang màu hồng khả năng cao là có rỉ ối, vì nước ối có tính kiềm.

Nếu qua thăm khám và làm các xét nghiệm vẫn không xác định được ối vỡ. Bác sĩ có thể khuyên mẹ mang băng vệ sinh để theo dõi tình trạng rỉ ối.

Tình trạng vỡ ối có thể gây ra những diễn tiến gì?

Vào chuyển dạ tự nhiên

Thai càng non tháng càng kéo dài thời gian tiềm tàng. Phần lớn các thai trưởng thành sẽ chuyển dạ tự nhiên trong vòng 24 giờ.

50% trường hợp vỡ ối sau 37 tuần sẽ tự chuyển dạ trong vòng 5 giờ.

Vỡ ối ở tuổi thai từ 32 – 34 tuần trung bình 4 ngày sau sẽ chuyển dạ và 93% trường hợp đẻ trong vòng 1 tuần.

Nhiễm trùng ối

Là nhiễm trùng của nước ối, màng ối. Tỉ lệ nhiễm trùng ối càng cao khi thời gian ối vỡ càng kéo dài. Nhiễm trùng ối sẽ dẫn đến nhiễm trùng hậu sản (sau sanh) ở nhiều mức độ. Trường hợp nặng thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết.

Các triệu chứng của nhiễm trùng ối bao gồm:

  • Thân nhiệt của mẹ tăng.
  • Nhịp tim của mẹ nhanh, nhịp tim của bé cũng có thể nhanh hơn bình thường.
  • Đau bụng dưới, hoặc bác sĩ kiểm tra thấy ấn đau tử cung.
  • Ngoài ra sự nhiễm trùng còn thể hiện trên các xét nghiệm khác như xét nghiệm máu, kết quả cấy dịch nước ối, v.v.

Nếu có dấu hiệu cho thấy mẹ bị nhiễm trùng ối, sẽ cần được chỉ định chấm dứt thai kỳ ngay bằng cách khởi phát chuyển dạ hoặc sinh mổ tùy tình huống. Việc xử trí lấy thai ra ngay nhằm để an toàn cho cả mẹ và con.

Biến chứng sa dây rốn

Khi ối vỡ có thể kèm theo sa dây rốn.

Nhau bong non

Tình trạng này có thể xảy ra khi nhau thai ra khỏi tử cung sớm. Nhau bong non có thể gây chảy máu nhiều và có thể nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

>> Tìm hiểu thêm về nhau bong non.

Việc điều trị ối vỡ non bao gồm những gì?

Ối vỡ non diễn ra và không có cách nào để tình trạng trở lại bình thường. Tuy nhiên bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ thai kì và cân nhắc sử dụng một số thuốc để làm giảm nguy cơ cho mẹ và em bé. Việc điều trị có thể bao gồm:

  • Một đợt kháng sinh ngắn để giảm nguy cơ nhiễm trùng ối.
  • Một đợt tiêm steroid (corticosteroid) để giúp phổi em bé phát triển và giảm nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp do sinh non.
  • Magie sulphat có thể làm giảm nguy cơ con bị bại não nếu sinh con quá non.
  • Thuốc giảm gò tử cung để tiếp tục dưỡng thai tùy trường hợp.
  • Nếu mẹ chuyển dạ sớm, mẹ có thể được cung cấp thuốc kháng sinh qua đường tĩnh mạch ( thuốc kháng sinh được tiêm thẳng vào tĩnh mạch) để giảm nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B khởi phát sớm.

Với thai từ 22 – 31 tuần

Giai đoạn này sẽ cần cố gắng dưỡng thai, ngoài ra cần:

  • Tiêm steroid để giúp phổi em bé phát triển.
  • Sử dụng kháng sinh phổ rộng ngăn ngừa nhiễm trùng cho cả mẹ và thai.
  • Sử dụng thuốc giảm gò tử cung.

Với thai từ 32 – 33 tuần

  • Corticoid trưởng thành phổi thai nhi.
  • Kháng sinh dự phòng.
  • Thuốc giảm co.
  • Mẹ có thể cần khởi phát chuyển dạ khi có đủ bằng chứng trưởng thành phổi thai nhi hoặc có nghi ngờ nhiễm trùng, thai suy.

Với thai từ 34 – 36 tuần

  • Hầu hết 90 % sẽ chuyển dạ tự nhiên trong vòng 24 giờ sau khi vỡ ối.
  • Vì thế mẹ sẽ chờ chuyển dạ tự nhiên hay bác sĩ sẽ bắt đầu giúp mẹ khởi phát chuyển dạ bằng một số phương pháp tùy tình trạng ối, thai và tình trạng nhiễm khuẩn.
  • Ở tuần này thai này khi vỡ ối, sẽ cần chấm dứt thai kì vì việc kéo dài thai kì có nguy cơ nhiễm trùng tử cung, viêm màng ối, thiểu ối, nhau bong non, suy thai, v.v.

Khi ối vỡ non, mẹ có cần phải nằm viện không?

Thông thường, mẹ sẽ được khuyên ở lại bệnh viện từ 5 đến 7 ngày sau khi vỡ ối. Điều này để theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi. Mẹ có thể được về nhà sau đó nếu không có nguy cơ sinh con sớm.

Mẹ sẽ được khuyên ở lại bệnh viện để theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi
Mẹ sẽ được khuyên ở lại bệnh viện để theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi

Khi nào mẹ cần đến bệnh viện kiểm tra ngay nếu về nhà?

Mẹ nên cần trở lại bệnh viện ngay lập tức nếu gặp phải bất kỳ trường hợp nào sau đây:

  • Thân nhiệt tăng.
  • Các triệu chứng giống như cúm (cảm thấy nóng và rùng mình).
  • Chảy máu âm đạo.
  • Nếu chất lỏng rò rỉ trở nên xanh lục hoặc có mùi.
  • Co thắt, cơn gò tử cung.
  • Đau bụng hoặc đau lưng.
  • Cử động thai nhi, thai máy bất thường.

Mẹ nên được bác sĩ tư vấn rõ ràng về cách đo nhiệt độ tại nhà. Mẹ cũng có thể được khuyên tránh quan hệ tình dục trong thời gian này.

Mẹ sẽ được theo dõi những gì?

Khi khám sức khỏe định kỳ theo bác sĩ dặn, mẹ sẽ được kiểm tra nhịp tim của em bé. Đồng thời đo nhiệt độ, mạch và huyết áp của mẹ và sẽ cần xét nghiệm máu để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ làm việc với mẹ để lập một kế hoạch liên tục cho thai kỳ. Bao gồm cả việc siêu âm thường xuyên để kiểm tra sự phát triển của thai nhi.

Mẹ có thể sinh thường khi ối vỡ non hay không?

Điều này là có thể. Tuy nhiên nó còn phụ thuộc vào thời điểm mẹ chuyển dạ, tư thế em bé nằm, và điều kiện y tế hiện tại và lựa chọn riêng của mẹ.

Phương pháp sinh phụ thuộc vào thời điểm mẹ chuyển dạ, tư thế em bé nằm, và điều kiện y tế hiện tại và lựa chọn riêng của mẹ.
Phương pháp sinh phụ thuộc vào thời điểm mẹ chuyển dạ, tư thế em bé nằm, và điều kiện y tế hiện tại và lựa chọn riêng của mẹ

Bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ phương pháp sinh hoặc các phương pháp kích chuyển dạ để chẩm dứt thai kỳ tùy thời điểm, điều kiện sức khỏe của mẹ và thai.

Tình trạng vỡ ối non có thể lập lại khi mang thai lần tới?

Thực tế, khi trải qua một lần vỡ ối non hoặc từng sinh non, mẹ sẽ có nhiều nguy cơ tương tự hơn ở bất kì lần mang thai nào trong tương lai. Tuy nhiên, đây chỉ là tăng nguy cơ, không có nghĩa rằng chắc chắn mẹ sẽ có.

Vỡ ối non là một trong những vấn đề hay gặp trong Sản khoa. Điều quan trọng rằng mẹ đừng hoảng sợ quá nhiều. Khi mẹ phát hiện có ối vỡ, cần đến cơ sở y tế ngay lập tức để đánh giá và kiểm tra. Tùy vào thời điểm tuổi thai sẽ có những hướng xử trí khác nhau. Nếu thai còn quá nhỏ, và cần dưỡng thai. Mẹ cần tái khám theo lịch bác sĩ để theo dõi chặt chẽ sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, việc theo dõi thai máy cũng cực kì quan trọng. Bởi vì thai máy là công cụ để mẹ theo dõi sức khỏe của em bé từng ngày.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Premature rupture of membraneshttps://medlineplus.gov/ency/patientinstructions/000512.htm

    Ngày tham khảo: 01/09/2020

  2. When your waters break prematurelyhttps://www.rcog.org.uk/en/patients/patient-leaflets/when-your-waters-break-prematurely/

    Ngày tham khảo: 01/09/2020

  3. Bộ Y tế (2015). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh sản phụ khoa - Ối vỡ non.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người