YouMed

Omega 3-6-9 là gì? Công dụng và cách sử dụng ra sao?

dược sĩ phan tiểu long
Tác giả: Thạc sĩ, Dược sĩ Phan Tiểu Long
Chuyên khoa: Dược

Axit béo omega-3, omega-6, omega-9 đều là những chất béo quan trọng trong chế độ ăn uống. Cả 3 đều có lợi cho sức khỏe. Nhưng điều quan trọng là phải có sự cân bằng phù hợp giữa chúng. Hãy cùng Dược sĩ Phan Tiểu Long tìm hiểu về thực phẩm chức năng omega 3-6-9 nhé!

Omega-3, omega-6, omega-9 là gì?

Omega-3 gồm các axit béo không no. Chủ yếu bao gồm DHAEPA, tìm thấy nhiều trong dầu cá biển. Vì cơ thể không tự tổng hợp được mà phải lấy từ nguồn bên ngoài nên omega-3 được gọi là axit béo thiết yếu.

Omega-6 cũng là các axit béo không no. Bao gồm: linoleic acid (LA), gamma linolenic acid (GLA), dihomo-gamma linolenic acid (DGLA), arachidonic acid (AA). Omega-6 cũng cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Giống như omega-3, cơ thể không thể tự tổng hợp được omega-6 mà cần bổ sung từ bên ngoài. Nó có nhiều trong các loại dầu thực vật như dầu bắp, dầu hạt nho, dầu hạt bông vải, dầu mè, dầu hoa hướng dương, dầu đậu nành, trong trứng gà, mỡ….

Omega-9 cũng là các acid béo không no, gồm acid oleic, acid mead, acid erucic, acid nervonic. Không giống như omega-3 và omega-6, cơ thể tự sản xuất được omega-9. Bạn cũng không quá cần thiết phải bổ sung thêm từ nguồn thực phẩm chức năng mà chỉ cần thêm thắt qua nguồn thực phẩm là đủ. Omega-9 có nhiều trong một số thực phẩm như dầu olive, dầu maca, mỡ gia cầm, mỡ lợn, cá hồi, một số loại hạt.

Omega 3-6-9 là sản phẩm tích hợp cả 3 loại axit béo trên. Nhằm cung cấp dinh dưỡng một cách đầy đủ và cân bằng nhất.

Omega 3-6-9 có tác dụng gì?

Sản phẩm omega-3-6-9 cung cấp cả 3 loại omega-3, omega-6, omega-9. Với mỗi loại omega sẽ có công dụng khác nhau.

Công dụng của omega-3

Omega-3 là một thành phần quan trọng của màng tế bào. Nó có các chức năng quan trọng, bao gồm:

  • Cải thiện sức khỏe tim mạch: Giúp kiểm soát mức cholesterol, chất béo trung tính và huyết áp.
  • Hỗ trợ sức khỏe tinh thần: Bổ sung omega-3 có thể giúp kiểm soát hoặc ngăn ngừa bệnh Parkinson, trầm cảm và rối loạn tâm thần ở những người có nguy cơ. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm.
  • Giảm trọng lượng và kích thước vòng eo: Giúp kiểm soát cân nặng và vòng eo nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu nhiều hơn nữa.
  • Giảm mỡ gan: Nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng tiêu thụ omega-3 có thể giúp giảm lượng chất béo trong gan của bạn.
  • Hỗ trợ phát triển trí não của trẻ sơ sinh: Hỗ trợ sự phát triển não bộ ở thai nhi.
  • Chống viêm nhiễm: Giúp kiểm soát chứng viêm xảy ra với một số bệnh mãn tính.

Công dụng của omega-6

Omega-6 có tác dụng rất tốt để ngăn ngừa các bệnh tim mạch bằng cách làm giảm triglyceride và cholesterol trong máu. Do vậy, omega-6 thường hữu dụng cho người lớn để ngăn ngừa các bệnh tim mạch. Tác dụng cho trí não và mắt là không có và tác dụng chống oxy hóa cũng không nhiều.

Bên cạnh đó, bổ sung dư thừa omega-6 cũng không tốt, nó có thể làm gia tăng sự giữ nước trong cơ thể, dẫn đến tăng áp suất máu và tăng nguy cơ huyết khối.

Công dụng của omega-9

Omega-9 giúp làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ bằng cách giảm LDL (cholesterol xấu) và tăng HDL (cholesterol tốt). Omega-9 cũng giúp tăng năng lượng và cải thiện tâm trạng, giúp kiểm soát đường huyết, hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer

Cách dùng

Thông thường với viên uống bổ sung omega 3-6-9 cách dùng rất đơn giản. Cần uống đều đặn mỗi ngày và trong một thời gian để sản phẩm có thể đạt hiệu quả. Uống sau bữa ăn. Lượng chất béo có trong thức ăn sẽ là môi trường lý tưởng giúp hấp thu axit béo.

Uống Omega 369 sau bữa ăn để hấp thu tốt nhất
Uống omega-3-6-9 sau bữa ăn để hấp thu tốt nhất

Liều dùng

Với viên uống Omega trung bình uống khoảng 2 – 3 viên mỗi ngày, sau mỗi bữa ăn uống 1 viên. Với chế phẩm dạng lỏng thì mỗi lần sau bữa ăn dùng 1 muỗng cà phê (khoảng 5 ml).

Tuy nhiên, trên thị trường hiện có rất nhiều sản phẩm omega 3-6-9 kết hợp. Với mỗi loại sản phẩm sẽ có hướng dẫn phân liều riêng và uống sao cho phù hợp cho từng đối tượng cụ thể. Hãy tìm hiểu kỹ trước khi bắt đầu sử dụng nhé!

Đối tượng sử dụng omega 3-6-9?

Việc bổ sung omega-3-6-9 hoàn toàn có thể thực hiện thông qua chế độ ăn uống hằng ngày. Tuy nhiên trong rất nhiều trường hợp như chế độ ăn uống thất thường, thiếu hụt dưỡng chất, người đang thực hiện chế độ ăn kiêng, ăn chay, người có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn so với bình thường thì việc bổ sung đầy đủ omega-3-6-9 cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống hằng ngày có thể gặp khó khăn.

Lúc này, việc bổ sung omega-3-6-9 bao gồm những lợi ích được cung cấp bởi cả 3 loại omega. Đồng thời cung cấp một lượng cân bằng của cả ba loại axit. Đó sẽ là giải pháp hiệu quả để bạn có thể bổ sung đầy đủ omega-3-6-9. Giúp đáp ứng nhu cầu của cơ thể, ngăn ngừa và cải thiện nguy cơ thiếu hụt omega-3-6-9 có thể xảy ra. Giúp giữ cho làn da khỏe mạnh, cải thiện tâm trạng, tăng cường chức năng não, duy trì tim mạch khỏe mạnh, hỗ trợ tăng trưởng và phát triển.

Nếu là người có nguy cơ hoặc đang mắc các bệnh lý về tim mạch, rối loạn lipid máu (mỡ máu cao),… và chế độ ăn không đảm bảo các thực phẩm giàu omega-6, omega-9 thì có thể bổ sung xen kẽ 3 tháng uống omega 3-6-9 rồi 3 tháng lại dùng omega-3.

Đối tượng không sử dụng

Dầu cá chống chỉ định ở những bệnh nhân dùng thuốc tăng huyết áp vì nó có thể gây hạ huyết áp nhiều hơn mong muốn. Ăn dầu cá có thể làm tăng tác dụng chống đông máu của warfarin, do đó bệnh nhân dùng warfarin nên tránh dầu cá.

Đối tượng thận trọng khi sử dụng viên bổ sung omega 3-6-9

Sự liên quan đến nhiễm thủy ngân chưa được chứng minh trong kiểm nghiệm. Mặc dù vậy, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú không nên uống axit béo có chứa omega-3 chiết xuất từ cá và nên hạn chế tiêu thụ một số loại cá và số lượng cá do nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm thuỷ ngân.

Xem thêm: Bạn biết gì về Dầu cá (Fish oil)?

Có nên sử dụng omega 3-6-9?

Việc hấp thụ ít omega-3 hơn so với omega-6 có thể góp phần gây viêm và các bệnh mãn tính khác. Chẳng hạn như tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, xơ vữa động mạchsuy tim. Omega 3-6-9 kết hợp thường cung cấp từng loại axit béo này theo tỉ lệ thích hợp. Chẳng hạn như 2:1:1 cho omega-3: 6: 9. Như vậy có thể giúp tăng lượng chất béo omega-3 và tăng cường sự cân bằng để tỉ lệ omega-6/omega-3 nhỏ hơn 4:1.

Tuy nhiên, có thể nhận đủ omega-6 từ chế độ ăn uống. Cơ thể cũng tự sản xuất omega-9. Vì lý do này, hầu hết mọi người bình thường không cần bổ sung những chất béo này. Thay vào đó, tốt nhất nên tập trung vào việc cân bằng tốt các omega-từ chế độ ăn uống. Hãy ăn ít nhất hai phần cá dầu mỗi tuần và sử dụng dầu ô liu để nấu ăn và trộn salad.

Ngoài ra, hãy cố gắng hạn chế lượng omega-6 nạp vào. Bằng cách hạn chế tiêu thụ các loại dầu thực vật khác và thực phẩm chiên đã được nấu chín bằng dầu thực vật tinh luyện.

Tác dụng phụ omega 3-6-9

Có thể xuất hiện triệu chứng ợ hơi có mùi cá, tiêu chảybuồn nôn.

Tăng nguy cơ chảy máu nếu dùng liều cao.

Omega 369 có thể gây ợ hơi có mùi cá
Omega-3-6-9 có thể gây ợ hơi có mùi cá

Tương tác với thuốc khác

Sử dụng chung với thuốc tăng huyết áp có nguy cơ gây hạ huyết áp quá mức.

Sử dụng chung với thuốc chống đông máu warfarin có nguy cơ làm tăng tác dụng chống đông máu.

Lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng

Cân bằng dinh dưỡng từ chế độ ăn hằng ngày luôn là biện pháp tối ưu nhất. Cân nhắc sử dụng sản phẩm không thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng như người bình thường. Có thể bổ sung omega từ các thực phẩm quen thuộc trong đời sống:

Hy vọng bài viết của chúng tôi có thể giúp bạn biết thêm nhiều kiến thức về omega 3-6-9 cũng như cách sử dụng hiệu quả. Và hãy nhớ luôn tìm hiểu thật kỹ trước khi bắt đầu sử dụng một loại sản phẩm chức năng nào nhé! Nếu có thể hãy tham khảo ý kiến chuyên gia về tình hình sức khỏe của bạn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người