YouMed

Tăng huyết áp thai kỳ: triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Bác sĩ ĐOÀN THỊ HOÀI TRANG
Tác giả: Bác sĩ Đoàn Thị Hoài Trang
Chuyên khoa: Nhi

Tăng huyết áp thai kỳ là một bệnh lý thường xảy ra nhất trong thai kỳ. Bệnh nếu không được phát hiện sớm, kiểm soát và điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm cho cả thai nhi và mẹ. Đây là nguyên nhân quan trọng gây tử vong cho mẹ trên toàn thế giới. Cần tìm hiểu rõ về tăng huyết áp thai kỳ để có các biện pháp theo dõi phù hợp.

Định nghĩa tăng huyết áp thai kỳ

Tăng huyết áp khi mang thai ảnh hưởng đến khoảng 5 – 10% phụ nữ mang thai. Chiếm khoảng 25% số ca nhập viện trước khi sinh, gây bệnh tật và có thể tử vong cho sản phụ, thai và trẻ sơ sinh.

Tăng huyết áp thai kỳ dựa vào trị số huyết áp tâm thu (HATT) ≥ 140 mmHg và / hoặc huyết áp tâm trương (HATTr) ≥ 90 mmHg. Phân thành mức độ nhẹ (140 – 159/90 – 109 mmHg) hoặc nặng (≥ 160/110 mmHg).

Tăng huyết áp thai kỳ

  • Khởi phát sau tuần lễ thứ 20 của thai kì huyết áp ≥ 140/90 mmHg.
  • Không có đạm niệu.
  • Huyết áp thường trở về bình thường sau 12 tuần hậu sản.

Tăng huyết áp mạn là các trường hợp tăng huyết áp xuất hiện trước tuần thứ 20 của thai kì hoặc tăng huyết áp đã có trước mang thai.

Thể nguy hiểm nhất có tiên lượng xấu nhất là: Tiền sản giật – sản giật, gây tổn thương đa cơ quan, chỉ có thể điều trị bằng cách giải quyết thai.

Tăng huyết áp trước khi có thai có tỷ lệ tiền sản giật và sinh non cao hơn.

Trên lâm sàng thường chẩn đoán tiền sản giật ghép trên tăng huyết áp mạn trong các tình huống

  • Tăng huyết áp mạn có đạm niệu mới xuất hiện sau tuần thứ 20 thai kỳ.
  • Hoặc tăng huyết áp mạn có đạm niệu xuất hiện trước 20 tuần nhưng huyết áp tăng cao đột ngột hoặc cần phải tăng liều thuốc hạ áp, đặc biệt trên các bệnh nhân đang kiểm soát tốt huyết áp.
  • Hoặc mới xuất hiện dấu hiệu hay triệu chứng khác: đạm niệu tăng đột ngột, tăng men gan, giảm tiểu cầu < 100.000/µL , đau hạ sườn phải, phù phổi,…

Có thể dẫn đến các biến chứng không mong muốn

  • Sản phụ: Nhau bong non, tai biến mạch máu não, suy tạng.
  • Thai: Chậm phát triển trong tử cung, sinh non, chết lưu.

Phân loại tăng huyết áp trong thai kỳ

  • Tăng huyết áp thai kỳ.
  • Tiền sản giật.
  • Sản giật.
  • Tiền sản giật ghé trên tăng huyết áp mạn tính.
  • Tăng huyết áp mạn tính.

Triệu chứng của tăng huyết áp thai kỳ

Mỗi phụ nữ mang thai có thể gặp các triệu chứng khác nhau và cũng có thể không có triệu chứng.

Các triệu chứng có thể bao gồm

  • Cao huyết áp.
  • Không hoặc có protein trong nước tiểu (để chẩn đoán tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật).
  • Phù (sưng).
  • Tăng cân đột ngột.
  • Thay đổi thị giác như mờ hoặc nhìn đôi.
  • Buồn nôn ói mửa.
  • Đau bụng bên phải hoặc đau quanh dạ dày.
  • Đi tiểu một lượng nhỏ.
  • Thay đổi xét nghiệm chức năng gan hoặc thận.

Huyết áp cao là bệnh lý phổ biến trong nhiều năm qua ở nước ta. Xem thêm: Chế độ ăn cho người bị cao huyết áp đóng vai trò quan trọng

Theo dõi huyết áp trong khi mang thai

Trước tiên xác nhận rằng không có biểu hiện lâm sàng chỉ điểm một tình trạng nặng huyết áp dưới 160/100 mmHg.

Tham khảo cách đo huyết áp chính xác nhất

Đo bằng máy đo truyền thống

Người đo ngồi đối diện người mẹ
Đo huyết áp bằng máy đo truyền thống

Người mẹ

  • Nghỉ ngơi ít nhất 10 phút trước khi đo.
  • Khi đo ở tư thế ngồi: ngồi thoải mái trên ghế có tựa lưng, không bắt chéo chân.
  • Cẳng tay đặt lên bàn, nganh với vị trí tim, lòng bàn tay ngửa.
  • Cánh tay không bị cản trở bởi tay áo.
  • Không nói chuyện trong khi đo huyết áp.

Máy đo

Chọn máy đo huyết áp có kích thước băng quấn phù hợp: chiều rộng túi khí 12 – 15 cm; chiều dài túi khí 20 – 30 cm (tùy chu vi tay người mẹ).

Kiểm tra máy đo huyết áp và ống nghe xem có chỗ nào xì hơi không. 

Cách đo

Quấn túi khí lên động mạch cánh tay, quấn đều và vừa sát chung quanh cánh tay, cách nếp khuỷu 2-3 cm. Định vị túi khí sao cho đường đi của động mạch cánh tay ở ngay giữa túi khí.

Đặt áp kế ngang tầm mắt.

Khóa van theo chiều kim đồng hồ cho đến khi đã đóng chặt.

Xác định huyết áp tâm thu ước lượng bằng phương pháp bắt mạch:

  • Bắt mạch quay.
  • Bơm hơi vào túi khí cho đến khi không còn bắt được mạch quay (tương ứng với huyết áp tâm thu ước lượng) và tiếp tục bơm lên 30 mmHg trên mức áp suất tương ứng lúc mạch mất.
  • Xả hơi ra nhanh và hoàn toàn, sau đó khóa van lại.
  • Chờ 15 – 30 giây rồi bắt đầu bước kế tiếp. 

Xác định huyết áp tâm thu và tâm trương

  • Đặt ống nghe lên trên động mạch cánh tay. Ống nghe không được nhét dưới băng quấn.
  • Bơm hơi nhanh vào túi khí trên mức huyết áp tâm thu ước lượng 30 mmHg. 
  • Mở van ra chậm, xả hơi trong túi khí với tốc độ 2-3 mmHg/giây.
  • Khi áp suất hạ xuống sẽ nghe được các tiếng động (Korotkoff) có tần số thấp.
  • Huyết áp tâm thu là trị số tương ứng với lúc nghe được tiếng động (Korotkoff) đầu tiên.
  • Khi tiếp tục hạ áp suất, tiếng động tăng lên, sau đó yếu đi (thay đổi âm sắc) rồi mất hẳn. Trị số lúc tiếng động mất đi phản ánh huyết áp tâm trương.
  • Sau khi tiếng động mất hẳn, tiếp tục xả hơi chậm khoảng 10 – 20 mmHg, rồi xả hơi ra nhanh và bóp túi cao su cho hơi ra hết. Tháo băng ra khỏi cánh tay trừ phi lặp lại lần đo. Nếu cần phải đo lại thì nên chờ ít nhất 2 phút.
  • Ghi lại chỉ số huyết áp sau khi đo.

Có thể đo huyết áp đơn giản hơn bằng máy đo tự động (mức độ chính xác thấp hơn). Mục đích theo dõi sự thay đổi huyết áp một cách tiện lợi và nhanh hơn.

Nguy cơ và biến chứng tăng huyết áp thai kỳ

Các nguy cơ

Tăng huyết áp mạn so với huyết áp bình thường

Tăng huyết áp mức độ nhẹ (%)

Tăng huyết áp mức độ nặng (%)

Tiền sản giật

Gấp 2 – 4 lần

10 – 25

50

Bong nhau

Gấp 2 lần

0,7 – 1,5

5 – 10

Sanh non < 37 tuần

 

12 – 34

62 – 70

Thai chậm tăng trưởng

Gấp 5 lần

8 – 16

31 – 40

Ngoài ra có thể dẫn đến suy tim, bệnh cảnh não của tăng huyết áp, bệnh võng mạc, xuất huyết não, suy thận cấp,…

Điều trị tăng huyết áp thai kỳ

Về phía mẹ

  • Cần theo dõi và được hướng dẫn kiểm tra huyết áp thường xuyên và các dấu hiệu bất thường khác.
  • Nghỉ ngơi nhiều, chế độ ăn giàu đạm, nhiều rau cải.
  • Theo dõi huyết áp tại nhà với nhật kí ghi lại diễn biến huyết áp 2 lần/ ngày hoặc nhiều hơn.
  • Không được dùng thuốc lơi tiểu, an thần.
  • Không có chỉ định dùng thuốc chống tăng huyết áp cho tiền sản giật không có dấu hiệu nặng.

Đối với thai nhi

Theo dõi tăng cường, đếm cử động thai hằng ngày. Siêu âm sinh trắc và đo chỉ số ối (AFI) 3 tuần /1 lần, ngoại trừ khi cần theo dõi gần hơn.

Phòng ngừa tăng huyết áp và tiền sản giật

Tiền sản giật là tình trạng rối loạn nguy hiểm thường gặp với phụ nữ mang thai, trong đó tăng huyết áp thai kỳ là một trong những biểu hiện của bệnh này.

Nguy cơ cao tiền sản giật bao gồm bất kỳ yếu tố sau:

  • Tăng huyết áp trong lần mang thai trước đây.
  • Bệnh thận mạn.
  • Bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống hoặc hội chứng kháng phospholipid.
  • Đái tháo đường type 1 hoặc type 2.
  • Tăng huyết áp mạn tính.

Nguy cơ trung bình tiền sản giật gồm nhiều hơn một trong các yếu tố sau:

  • Mang thai lần đầu.
  • Tuổi ≥ 40.
  • Khoảng cách giữa hai lần mang thai hơn 10 năm.
  • BMI ≥ 35 kg/m² tại lần khám đầu tiên.
  • Tiền sử gia đình tiền sản giật.
  • Đa thai.

Bổ sung canxi (1,5 – 2 g/ngày đường uống) được khuyến cáo phòng ngừa tiền sản giật ở phụ nữ với chế độ ăn nhập ít canxi (< 600 mg/ngày) tại lần khám tiền sản đầu tiên.

Việc sử dụng thuốc để điều trị tăng huyết áp trong lúc mang thai cần được sự tư vấn rõ ràng và cụ thể từ bác sĩ. Vì rất có thể dùng thuốc có tác dụng phụ lên mẹ và thai nhi, gây ra nhiều biến chứng không thể lường trước được.

Tóm lại, tăng huyết áp thai kỳ nếu không được phát hiện sớm sẽ rất nguy hiểm đến cả mẹ và bé, vì thế ngay khi biết mang thai, các bà mẹ nên đến các cơ sở y tế uy tín để được tầm soát và tư vấn điều trị hợp lý nếu có phát hiện tăng huyết áp thai kỳ.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Gestational hypertensionhttps://www.uptodate.com/contents/gestational-hypertension

    Ngày tham khảo: 30/05/2020

  2. ACOG Practice Bulletin No. 202: Gestational Hypertension and Preeclampsiahttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30575675/

    Ngày tham khảo: 30/05/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người